Diễn đàn lý luận

Xu hướng kiến tạo hình tượng Đoàn Thị Điểm trong nghệ thuật hiện đại

Đỗ Trà My - Nguyễn Thị Kim Ngân
Lý luận phê bình
06:00 | 07/08/2024
Baovannghe.vn - Đoàn Thị Điểm là trung tâm của nhiều sáng tác nghệ thuật từ dân gian, trung đại cho đến hiện đại. Năm 2023, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát cho ra mắt bộ phim Hồng Hà nữ sĩ,
aa

Bộ phim như một dấu hiệu của mối quan tâm càng ngày càng lớn của nghệ thuật hiện đại đến các danh nhân lịch sử nói chung và nữ sĩ Đoàn Thị Điểm nói riêng. Tinh thần này đã từng xuất hiện trong một vài sản phẩm nghệ thuật hiện đại khác như tiểu thuyết Nữ sĩ thời gió bụi (Lê Phương Liên), vở chèo Hồng Hà nữ sĩ (Trần Đình Ngôn) và truyện danh nhân Hồng Hà nữ sĩ (Đỗ Thị Hảo).

Xu hướng kiến tạo hình tượng Đoàn Thị Điểm trong nghệ thuật hiện đại
Ảnh trong phim Hồng Hà nữ sĩ
Đạo diễn: Nguyễn Đức Việt - Biên kịch: Nguyễn Thị Hồng Ngát.

1. Tinh thần “thực lục”, “kiến văn lục” trong văn xuôi thế kỉ XVIII - XIX đã cho phép những tác phẩm như Sơn cư tạp thuật hay Tang thương ngẫu lục đưa đến những trang viết khá chân thực về Đoàn Thị Điểm. Ở đó bà được nhấn mạnh như một người biết làm thơ, giỏi đối đáp, thậm chí mở cả trường dạy học - thực xứng là bậc kì tài trong giới nữ nhi. Không những thế, đọc Hồng Hà phu nhân di văn - văn chương còn sót lại của Hồng Hà nữ sĩ - ta còn thấy bà hiện lên như một người nữ có khí chất đạo mạo, nghiêm trang, kể cả viết thơ đùa cũng vô cùng có chừng mực.

Sang đến thời hiện đại, các vấn đề đức - tài vẫn được quan tâm, tiếp nối mạch ngợi ca từ các thư tịch trung đại. Trên khía cạnh nữ đức, Đoàn Thị Điểm hiện lên như một người khiêm cung, không ham vinh hoa, phú quý. Trong bộ phim Hồng Hà nữ sĩ, ở chi tiết Đặng Trần Côn ngỏ ý khen ngợi Đoàn Thị Điểm, nói rằng nếu nàng thi ắt cũng sẽ được vinh danh, Đoàn Thị Điểm (diễn viên Anh Đào thủ vai) đã ứng đáp ngay cái chí của mình: “Điểm tôi không mong danh chiếm bảng, chỉ muốn đầu óc được mở mang.” Không những vậy, trong nàng luôn đau đáu khát khao được dùng cái tài của mình để cống hiến cho dân tộc: “Tôi phận nữ nhi nhưng cũng muốn nước được trị, dân được yên.” Trần Đình Ngôn - một tác giả nam - khi xây dựng vở chèo Hồng Hà nữ sĩ cũng có ý nhấn mạnh đến tấm lòng cống hiến cho dân tộc ấy của bà. Bởi vậy mới có chi tiết một nhân vật nam như Đặng Trần Côn phải tự thấy hổ thẹn trước tấm lòng vì nước, vì dân của nàng: Tâm thế của Hồng Hà nữ sĩ luôn hướng về trăm họ lầm than/ Là kẻ sĩ chúng ta đành ngồi trơ mắt ếch. Những chi tiết này khẳng định rằng trong thời hiện đại, vị trí của người phụ nữ đã được phát triển hơn trên hình mẫu nữ đức thời trung đại. Đức không chỉ được hiểu là tài nữ công gia chánh mà còn là tấm lòng với đất nước, là khát khao được cống hiến, là sự khẳng định vai trò của người phụ nữ không thua kém gì đàn ông trước những vấn đề liên quan đến quốc gia, dân tộc.

Còn về khía cạnh nữ tài, có thể thấy rằng tuy vẫn tiếp tục mạch ngợi ca từ các thư tịch trung đại, song ở thời hiện đại, khi sân chơi văn chương đã không còn là của riêng nam giới thì tài năng của bà đã được đánh giá một cách công bằng, thậm chí còn được nhấn mạnh đến mức khiến nam giới phải thán phục. Ở cuối bộ phim Hồng Hà nữ sĩ có chi tiết nhân vật Đặng Trần Côn đích thân đem bản dịch đặt trước mộ bà Điểm và cảm khái rằng: “Bài thơ của ta đã chết trong bản diễn nôm của nàng.” Sự cảm khái này không chỉ khẳng định Đoàn Thị Điểm là một người có tài thơ uyên bác, thông thạo cả chữ Hán chữ Nôm, có thể biến một thi tác tuyệt diệu thành bài diễn ca mới hay thêm bội phần, khiến chính tác giả gốc của nó cũng phải kính phục, mà còn thể hiện rằng tài năng của người phụ nữ ngày càng được công nhận và thậm chí thiên phú của họ có thể vượt qua cả nam giới.

Nhìn chung, tuy có sự kế thừa từ các thư tịch trung đại, nhưng các sản phẩm nghệ thuật hiện đại đã bắt đầu có sự nhấn mạnh hơn đến ý thức của người nữ đối với các vấn đề quốc gia, dân tộc. Đồng thời, các tác giả hiện đại cũng đánh giá tài năng của người phụ nữ một cách công bằng hơn.

Xu hướng kiến tạo hình tượng Đoàn Thị Điểm trong nghệ thuật hiện đại
Ảnh mình họa từ bìa sách “Nữ sĩ thời gió bụi” của nhà văn Lê Phương Liên

2. Bên cạnh đó, xu hướng kiến tạo hình tượng có tính dân gian hóa cũng là một điểm nhấn. Chúng tôi nhận thấy xu hướng kéo gần hình tượng nữ sĩ về với dân gian hiện lên rõ nét hơn cả trong tiểu thuyết Nữ sĩ thời gió bụi của nhà văn Phương Liên. Xu hướng này được thể hiện rõ khi nhà văn xây dựng các không gian thôn quê như thôn Lạc Viên (nơi ở của Đoàn Thị Điểm sau khi rời khỏi nhà Thượng Thư Lê Anh Tuấn), làng Chương Dương (nơi ở của gia đình nữ sĩ sau nạn giặc giã năm Kỷ Mùi), làng Phú Xá (nơi ở của Đoàn Thị Điểm sau khi kết hôn với Nguyễn Kiều)... Thôn quê là nơi cô Điểm được gần với nhân dân và học tập vốn sống phong phú của họ. Sau khi từ nhà Thượng Thư lánh về Lạc Viên, nghe bà hàng nước nói một từ mà nàng không hiểu nghĩa, Điểm đã nghĩ ngay: “Có lẽ tiếng nói trong sách vở là tiếng của người xưa truyền lại, tiếng nói ở dân gian là tiếng hôm nay đang nóng hổi, chắc mình không thể không biết, phải học dần dần thôi.” Như vậy trong thâm tâm cô Điểm, đã có sự đối lập giữa sách của người xưa - lời dạy quá khứ với tiếng nói dân gian - tiếng nói của thời đại. Tất nhiên chi tiết này cũng có sự hợp lí khi đặt trong bối cảnh lịch sử - xã hội thời kì đó. Cùng với sự phát triển của chữ Nôm, ảnh hưởng của văn học dân gian đến văn học trung đại cũng theo đó mà rõ nét, đơn cử như việc thơ Nôm dùng nhiều ca dao, tục ngữ của dân gian. Cho nên, việc một cô Điểm cho rằng tiếng nói dân gian, hay chính là lời ăn tiếng nói nôm na mách qué, là tiếng nói của thời đại cũng rất hợp lí. Bên cạnh yếu tố thời đại, cũng phải thấy rằng, trong chi tiết này, tác giả Lê Phương Liên cũng nhấn mạnh vào khả năng nhận thức và thái độ chủ động của cá nhân Đoàn Thị Điểm trong việc trở nên gần gũi với quần chúng.

Nhìn từ khía cạnh kết cấu, có thể thấy phần kết thúc của Nữ sĩ thời gió bụi có sự tương đồng với kết thúc của truyền thuyết. Mô típ về sự linh ứng dường như đã được khai thác triệt để khi tác giả nói về ngôi mộ của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm và phu quân. Sau khi mất, ngôi mộ của Đoàn Thị Điểm và Nguyễn Kiều được đặt ở giữa làng Phú Xá, người dân ở đây thường xuyên thăm viếng. Kì lạ là năm Cảnh Hưng thứ 21 có ông nghè Đào Duy Doãn ghé đến viếng mộ và được tiên tri sẽ đỗ ngôi cao, cuối cùng lời tiên tri ấy đã ứng nghiệm. Như vậy đã có sự thay đổi về hình tượng Đoàn Thị Điểm, từ một con người cụ thể, xương thịt thành một hình mẫu linh thiêng.

Việc kéo gần hình tượng này về với nhân dân vừa hợp với tư liệu lịch sử về Đoàn Thị Điểm (bởi lẽ phần lớn thời gian bà đều gắn bó với không gian thôn dã) lại vừa hợp với tinh thần “thời gió bụi” của tiểu thuyết, khi các biến cố lịch sử nối tiếp nhau, nhân dân luôn chịu nỗi thống khổ. Một nhân vật trung tâm như Đoàn Thị Điểm, tất yếu phải được xây dựng trong mối liên kết sâu sắc với nhân dân, có như vậy mới tôn lên được tầm vóc của bà. Hơn nữa, từ xu hướng truyền thuyết hóa nhân vật, cũng có thể suy ra rằng giữa người kiến tạo và nhân vật cũng đã tồn tại một khoảng cách rất xa, vì vậy nhân vật đã được đặt dưới con mắt thiêng hóa.

3. Cuối cùng có thể nói đến xu hướng kiến tạo hình tượng đi sâu vào khía cạnh tính nữ và đời tư của những nhân vật lịch sử văn chương như Đoàn Thị Điểm. Những tác giả nữ như Lê Phương Liên, Đỗ Thị Hảo đã bắt đầu quan tâm hơn đến đời sống nội tâm của nhân vật. Trong tiểu thuyết Nữ sĩ thời gió bụi của Lê Phương Liên, Đoàn Thị Điểm hiện lên với những phẩm chất rất người. Lần đầu tiêu gặp gỡ Nguyễn Kiều ở nhà Thượng thư Lê Anh Tuấn, nàng “ngượng nghịu không biết nói gì”, nghe các cháu reo “Con mong ăn cưới cô Điểm mãi, bây giờ sắp được ăn rồi” nàng “đỏ mặt, không nói năng gì đi vào gian trong ngồi lặng lẽ bên án thư”. Hay với tiểu thuyết Hồng Hà nữ sĩ của Đỗ Thị Hảo, chúng ta cũng sẽ bắt gặp khoảnh khắc tâm hồn cô Điểm xao động khi vỡ lẽ: “Tuổi trẻ của bà đã qua đi chưa hề có những phút giây đồng cảm. Đã đứng tuổi mà giờ đây mới được sống lại với xuân tình đắm đuối.”

Không những thế, Đoàn Thị Điểm còn được khắc họa như một người có trái tim biết đồng cảm, biết yêu thương và giàu lòng nhân hậu, nàng như một nguồn nước mát mẻ của tính nữ, của những người mẹ, người chị bình dị. Trong thời binh loạn, trước nỗi đau của một người lính, nàng đã không khỏi đau lòng: “Tiếng kêu trong cơn sốt của người lính chính là chàng thư sinh đã đọc câu Kinh Thi trên bến đò Sù hôm trước khiến lòng nàng không sao chịu nổi.” Có thể nói rằng tính nữ được nhấn mạnh trong văn chương đương đại nói chung và trong Nữ sĩ thời gió bụi nói riêng trở thành một biểu tượng cho những giá trị vĩnh hằng, có chức năng cứu rỗi trước những đảo điên của lịch sử.

Nhìn chung có thể thấy rằng xu hướng kiến tạo hình tượng Đoàn Thị Điểm trong các sản phẩm nghệ thuật hiện đại rất phong phú và đa dạng. Ở đó vừa có sự kế thừa các thư tịch trung đại và giai thoại dân gian, nhưng cũng vừa có sự tìm tòi những hướng đi mới gắn với xu hướng đời tư hóa, đề cao sức mạnh của tính nữ. Chính xu hướng đời tư hóa này đang tỏ ra khá hiệu quả khi tiếp cận với đối tượng người trẻ. Khi đứng trước một nhân vật cách đây hơn trăm năm, những người trẻ không có cái nhìn hoàn toàn “kính nhi viễn chi”, ngược lại họ có thể dễ dàng tìm thấy mối dây đồng cảm giữa mình và nhân vật. Trước sự phát triển như vũ bão của kỉ nguyên số, có lẽ người sáng tạo hôm nay cũng cần phải đặt những xu hướng kiến tạo hình tượng lịch sử trong thế song hành với các nền tảng mạng xã hội, gắn với các sản phẩm văn hóa đại chúng như âm nhạc, truyện tranh, các loại hình văn học mạng. Bởi lẽ các loại hình này đã trở thành một phần trong đời sống của những người tiếp nhận trẻ và trở nên tiềm năng trong việc quảng bá danh nhân. Phải làm sao để hình tượng Đoàn Thị Điểm trong các sản phẩm ấy hiện lên vừa sinh động, gần gũi với người trẻ nhưng vẫn giữ được những vẻ đẹp của đức - tài đã được hun đúc từ bao đời qua. Đó là bài toán cho những người nghệ sĩ nói riêng và cả một dòng chảy nghệ thuật lấy nhân vật lịch sử làm chất liệu nói chung.

Đỗ Trà My - Nguyễn Thị Kim Ngân | Báo Văn nghệ

------------

Bài viết cùng chuyên mục:

Khoảng trống lý luận và phê bình mỹ thuật Trại sáng tác cho các tác giả nghiên cứu lý luận, phê bình văn học - 2024 Đời sống nghệ thuật: Khi nhà phê bình cô đơn, chực chờ “chạy làng” Lý luận phê bình văn học hôm nay: Thực trạng và giải pháp Lý luận, phê bình vẫn là "khoảng trống" của sân khấu
Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Baovannghe.vn - Đọc truyện: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Trong số các nhà văn nữ Việt Nam đương đại, nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, là cây bút văn xuôi có nội lực sung mãn. Chị là tác giả của nhiều truyện ngắn hay, ghi dấu trong lòng bạn đọc mà “Nhà Thánh” - giải nhất Cuộc thi truyện ngắn Lửa mới 2018-2019 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức là một minh chứng tiêu biểu.
Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Baovannghe.vn - Bà ngoại chỉ nói: "Đừng thúc ép gì nhiều. Phải tội. Đời người bạc, phận mỏng, biết sao được số trời. Mày làm thế không sợ chuốc khổ cho con bé".
Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4  trên khu vực trung Lào

Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4 trên khu vực trung Lào

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, sáng sớm nay (19/9), áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành bão - cơn bão số 4 năm 2024.