Diễn đàn lý luận

Giọng cười Nguyễn Khắc Trường

Đỗ Tiến Thuỵ
Chuyện văn chuyện đời
18:00 | 14/10/2024
Baovannghe.vn - Tôi gặp Nguyễn Khắc Trường lần đầu tiên năm 2002 trong một hoàn cảnh đặc biệt: Ông là giám khảo, còn tôi là thí sinh trong kỳ sát hạch sơ khảo
aa

Tôi gặp Nguyễn Khắc Trường lần đầu tiên năm 2002 trong một hoàn cảnh đặc biệt: Ông là giám khảo, còn tôi là thí sinh trong kỳ sát hạch sơ khảo vào Trường Viết văn Nguyễn Du khóa 7. Dáng người lớn, vầng trán cao, mắt sáng, mày dài, miệng rộng, từ con người ông toát lên vẻ cường tráng cả thể lực lẫn trí tuệ. Ban giám khảo gồm 5 người, trong khi 4 vị kia thay nhau đặt câu hỏi về quan niệm văn chương, động cơ sáng tác… thì Nguyễn Khắc Trường chỉ hỏi tôi một câu: “Này, trong truyện Người về cất nước sông Gianh, cái chi tiết chàng trai mỗi năm lại cùng mẹ bơi thuyền ra chỗ cha hi sinh trong lần phá thủy lôi Mỹ thả phong tỏa phà Gianh về cúng trong ngày giỗ là do cậu bịa hay thật?” Tôi lúng túng mất mấy giây rồi đáp: “Dạ… thế… thầy thấy nó có… thật không?” Trước câu “đáp xoáy” của tôi, cứ tưởng Nguyễn Khắc Trường sẽ phật ý, nhưng không. Ông cất giọng cười sang sảng.

Giọng cười Nguyễn Khắc Trường
Nhà văn Nguyễn Khắc Trường (1946 - 2024)

Trước khi gặp ông tôi đã đọc Nguyễn Khắc Trường. Và tôi cực kì ám ảnh bởi bút kí Gặp lại anh hùng Núp của ông. Với tôi, đây là một trong những bút kí thuộc hàng hay nhất của văn học Việt Nam. Hay bởi Nguyễn Khắc Trường chỉ lấy nhân vật Đinh Núp làm điểm tựa trung tâm để triển khai ý tưởng riêng, dựng lại cả một không gian mênh mông cùng thời gian ngút ngát với ăm ắp chi tiết sinh động. Cảnh sắc, phong tục, tập quán của đồng bào Tây Nguyên từ ngày anh em nhà Tây Sơn tìm lên An Khê dựng cờ khởi nghĩa, thời các linh mục người Pháp lên Tây Nguyên truyền đạo, rồi những ngày đánh Pháp, đuổi Mỹ cho đến sau giải phóng… Một bút kí tầng tầng lớp lớp ý nghĩa mà vẫn cô đọng, cuốn hút. Tôi đã công tác ở Tây Nguyên cả chục năm, vậy mà vẫn phải choáng ngợp về sự hiểu biết sâu rộng của Nguyễn Khắc Trường về vùng đất này. Hẳn ông đã phải lăn lộn hàng tháng trời khắp các buôn làng, phải gặp gỡ hàng trăm nhân vật, phải đọc cả một khối lượng sách khổng lồ mới có thể tinh chắt ra một tác phẩm chừng vạn chữ nhưng có sức khái quát ghê gớm như thế.

Gặp lại anh hùng Núp đã khiến tôi cải tổ nhận thức về thể loại bút kí vốn đã mặc định bởi những tác phẩm trong sách giáo khoa và trên một số tờ báo văn chương trước đó. Ảnh hưởng lớn đến nỗi năm 2003 khi tham gia Cuộc thi bút ký của Tạp chí Văn nghệ Quân đội, tôi đã tự ép mình phải lấy Gặp lại anh hùng Núp làm cái “trần” để phấn đấu. Và sau này về làm biên tập ở Văn nghệ Quân đội, khi xử lí những bản thảo bút kí tôi luôn nghĩ tới cái “trần” ấy. Thế nên có một nhà văn thân thiết gửi Văn nghệ Quân đội một bút kí viết về một anh hùng nổi tiếng, tôi đã đề nghị nâng cấp. Anh hỏi nâng cấp kiểu gì, tôi trả lời nâng lên độ như Gặp lại anh hùng Núp. Tác giả kêu giời, tau chịu, sao viết được như ông Nguyễn Khắc Trường.

Tôi được gặp Nguyễn Khắc Trường lần hai năm 2006 khi ông tham gia hội đồng chấm tác phẩm bảo vệ tốt nghiệp.

Hôm ấy tôi đứng trên bục vừa thao thao nói về tiểu thuyết Màu rừng ruộng, vừa liếc xuống những nhà văn tên tuổi. Khi tôi trình bày xong, hai nhà văn Ma Văn Kháng và Nguyễn Trí Huân đã “quay” tôi với những câu hỏi rất hóc, và tôi “cãi” cũng rất hăng. Tôi đã vã mồ hôi và nghĩ thầm, còn ông Nguyễn Khắc Trường trong vai trò phản biện nữa, không khéo mình ra tóp. Nhưng thật may, Nguyễn Khắc Trường chỉ hỏi đúng một câu: “Này, cậu đã ưng ý với bản thảo chưa?” “Dạ… chưa.” Nghe tôi trả lời thành thật, Nguyễn Khắc Trường gật đầu nhè nhẹ và cười. Tiếng cười nhỏ nhưng âm vang.

Khi về làm việc ở Ban Văn xuôi, Văn nghệ Quân đội, nơi Nguyễn Khắc Trường từng công tác, tôi được nghe nhiều giai thoại về ông. Nào là Nguyễn Khắc Trường mỗi khi nộp bài lên trên đều kèm một câu “ông không phải đọc đâu, chỉ có kí thôi”. Vị Tổng biên tập thời ấy khi duyệt bài phần văn xuôi đều tỏ vẻ buồn rầu, vì không có cơ hội sửa bản thảo, dẫu chỉ là một… dấu phẩy. Nào là chuyện Nguyễn Khắc Trường không biết đi xe máy, bởi hễ ông ngồi lên chiếc xe nào là chiếc xe ấy… nổ lốp vì không chịu nổi trọng lượng của ông. Nào là nhân vật bà Son, người phụ nữ xinh đẹp trong Mảnh đất lắm người nhiều ma được xây dựng từ nguyên mẫu là... cô bán thịt lợn ở chợ Hòe Nhai… Tôi nghe, cười và thầm yêu kính thêm Nguyễn Khắc Trường. Nhưng tôi có một nguyên tắc luôn “kính nhi viễn chi” với những nhà văn nổi tiếng. Sau hai lần được gặp trong tình thế bắt buộc, tôi chưa bao giờ chủ động gần Nguyễn Khắc Trường, mặc dù có nhìn thấy ông nhiều lần trong các sự kiện.

Mãi tới cuối năm 2011, nhà văn Sương Nguyệt Minh nảy ra ý tưởng liên hoan gặp mặt Ban Văn xuôi, Văn nghệ Quân đội các thời kì, gồm Khuất Quang Thụy, Trung Trung Đỉnh… và mấy anh em biên tập viên trẻ đang tại nhiệm. Nguyễn Khắc Trường đã nghỉ hưu ở quận Thanh Xuân, nhưng khi được “thỉnh” ông sốt sắng bắt taxi lên ngay. Trong không khí thân tình, khi được hỏi về những giai thoại kia, Nguyễn Khắc Trường chỉ đáp lại bằng… một tràng cười. Cười rung ghế. Cười chảy nước mắt. Giọng cười sảng khoái chuyển một thông điệp hóm hỉnh rằng, các cậu muốn hiểu thế nào cũng được.

Lúc ấy tôi mới lại gần Nguyễn Khắc Trường: “Bác ạ! Từ lâu em đã cố công giải mã giọng cười của bác... Phải có triết lí sống như thế nào mới có giọng cười như thế.” Nguyễn Khắc Trường rút mùi xoa chấm mắt, cất giọng rền vang: “Triết lí sống của tớ là cứ sống cho thật tốt, làm việc cho thật hết mình.” Hỏi: “Bác đã chuyển nhiều cơ quan, toàn cơ quan báo chí văn chương với nhiều mối quan hệ phức tạp, chả nhẽ bác chưa bị đố kị ghen ghét?” Đáp: “Có chứ. Nhưng tớ là tớ không có thèm chấp ba cái lặt vặt ấy.” Hỏi: “Thế bác có đố kị ghen ghét ai không?” Đáp: “Làm sao tớ phải đố kị? Văn chương trời cho ai người ấy được. Thấy bạn mình viết hay, các tác giả trẻ viết hay là mình phải mừng chứ!” Tôi thật tình: “Em có cảm giác là bác không bao giờ biết buồn.” “Làm sao tớ phải buồn? Này nhé, về văn chương thì… tớ nổi tiếng. Về gia đình tớ thì… vợ đẹp, các con ngoan ngoãn trưởng thành. Về chức vụ thì tớ đã làm Phó Tổng biên tập Báo Văn nghệ, rồi Tổng biên tập Nhà xuất bản Hội Nhà văn, toàn cơ quan uých cả. Một đời người được như thế còn mong gì hơn?” Tôi hấp háy mắt rồi túm đầu gối Nguyễn Khắc Trường lắc lắc: “Thế còn máy móc của bác ra sao?” Ông ồ lên: “Vẫn chạy tốt!”

Và ông lại cười. Giọng cười trong, vang, ấm áp và gần gũi lạ.

---------

Bài viết cùng chuyên mục:

Gái thời chiến, những bông hoa ngát hương cùng sông núi Nhà văn Nguyên Hồng: Tôi viết "Bỉ vỏ" Từ thung lũng Khe Cò đến câu chuyện về một ông vua lốp Về bài thơ "Dọn về làng" - Thư nhà thơ Nông Quốc Chấn gửi nhà văn Trinh Đường Trăm năm nhà thơ Minh Hiệu (1924-2024): Nghĩ về nhân cách nhà văn
Trịnh Hoài Đức - Nhà thơ, nhà viết kịch tài hoa

Trịnh Hoài Đức - Nhà thơ, nhà viết kịch tài hoa

Baovannghe.vn - Kịch Trịnh Hoài Đức ngoài chất hài ý nhị, sâu cay, cười ra nước mắt còn bao hàm cả triết lý sâu sắc về thế giới quan, nhân sinh quan... Thơ của ông như gieo vào lòng người cái tình sâu lắng, ngôn ngữ giản dị mà nhân văn đa nghĩa đầy tính bác học...
Microsoft ra mắt nhà xuất bản sách in truyền thống

Microsoft ra mắt nhà xuất bản sách in truyền thống

Baovannghe.vn - Tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới - Microsoft đã chính thức bước chân vào ngành xuất bản sách với việc ra mắt 8080 Books, một nhà xuất bản được thiết kế để thúc đẩy sự đổi mới trong xuất bản và kể chuyện. Được đặt tên theo bộ vi xử lý Intel 8080 – nền tảng cho sự khởi đầu của Microsoft trong thập niên 1970 – 8080 Books không chỉ là một cột mốc mới trong chiến lược đa dạng hóa của công ty mà còn đại diện cho tham vọng đưa công nghệ vào thay đổi ngành xuất bản vốn còn nhiều hạn chế.
Trong y, một tảng băng trôi. Truyện ngắn của Hiền Trang

Trong y, một tảng băng trôi. Truyện ngắn của Hiền Trang

Baovannghe.vn- Đối diện nhau, con cá mập và Tử thần, kẻ bị giết và kẻ giết, con mồi và gã thợ săn, đối tượng của cái chết và tay sai của cái chết, con cá mập nằm sóng soại trên sàn thuyền, Tử thần thì đứng thẳng hiên ngang, một trục hoành - một trục tung, tạo thành một hệ tọa độ bất đắc dĩ giữa biển xanh sâu thẳm, mỗi kẻ đeo đuổi những huyễn tưởng khác nhau, nhưng sau rốt đều xuất phát cùng từ một gốc: ám ảnh về những trò ảo thuật.
Khai mạc: Hội nghị về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam

Khai mạc: Hội nghị về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam

Baovannghe.vn - Trong hai ngày 21 và 22/11, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.
Trượt - Thơ Vũ Thanh Hoa

Trượt - Thơ Vũ Thanh Hoa

Baovannghe.vn- Đám mây chiều sũng nước/ trùm lên thành phố