Văn hóa nghệ thuật

25 độ âm – trong giá lạnh vẫn thấy hơi ấm tình người

Vân Hường
Sách
19:42 | 11/08/2024
25 độ âm của Thảo Trang gây ấn tượng ám ảnh và thôi thúc người đọc ngay ở cái tên cuốn sách.
aa

25 độ âm của Thảo Trang gây ấn tượng ám ảnh và thôi thúc người đọc ngay ở cái tên cuốn sách.

Trong thùng xe ấy, những con người chen chúc nhau, tất cả đều ấp ủ một ảo vọng rằng cuộc đời mình ngày mai sẽ khác.

Trong thùng xe ấy, sinh mệnh tựa như ngọn đèn chập chờn trước cơn phong ba bão táp. Không ai dám nói trước hành trình mình đi có tới được đích an toàn hay không.

Trong thùng xe ấy, vô số những vết máu, vết cào, vết đục khoét vào bốn bức tường làm bằng kim loại hòng tìm một lối thoát.

Trong thùng xe ấy, nhiệt độ chạm tới mức 25 độ âm,

Trong thùng xe ấy…

……………………….người ta biết rằng, cái giá phải trả là bằng tính mạng của mình.

Thật đắt!

Những dòng chữ đầy chua xót tổng kết số phận của những con người được miêu tả trong cuốn sách, số phận những người vượt biên trái phép trên rất nhiều những cung đường được định danh là hiểm nguy, tử thần để những mong tìm một con đường mới tươi sáng hơn cho mình, cho gia đình mình. Trớ trêu nhất là giấc mơ của họ đã bị vùi dập ngay ở trước ngưỡng cửa cuối cùng, ngưỡng cửa mà tưởng như mong ước của họ đã gần chạm tới. Mười ba người vượt biên bị đẩy vào chiếc container đông lạnh, bởi chính lòng ghen ghét và sự đố kỵ của kẻ đồng loại với họ.

Bìa sách là hình ảnh của một cô gái bị đóng băng trong tư thế “cô bé bán diêm”, miệng nở nụ cười…

Tất cả những điều ấy được gói gọn trong sức nặng đầy ám ảnh của nhan đề cuốn sách 25 độ âm.

Đó là nhiệt độ trong chiếc container chở hàng chở những người nhập cư trái phép từ Pháp sang Anh. Ở nhiệt độ đó, họ đã không thể sống nổi. Ở nhiệt độ đó, họ đã trở thành những tảng băng. Họ đã bị tước đoạt sự sống, ước mong và niềm hi vọng.

25 độ âm – trong giá lạnh vẫn thấy hơi ấm tình người
Bìa sách 25 độ âm. Ảnh: NXB Phụ nữ Việt Nam.

25 độ âm là cuốn tiểu thuyết của Thảo Trang, được xuất bản quý III năm 2024. Có lẽ, đọc nhan đề cuốn sách, người đọc sẽ nhớ tới một sự việc có thật xảy ra từ năm 2019, đó là vụ việc 39 người Việt bị chết trong container ở Anh. Vụ việc đó đã được đưa ra ánh sáng, những kẻ trong đường dây buôn người đã bị trừng trị, nhưng nỗi đau còn lại của những người Việt có người thân thiệt mạng còn đó. Chỉ khác là, con số người thiệt mạng trong cuốn sách của Thảo Trang đã giảm xuống 1/3 (13 người trên container thay vì 39), và những người được phát hiện trong chiếc container trong tác phẩm của Thảo Trang bị chết cóng (thực tế bị chết vì nóng và thiếu oxy).

Cuốn sách ngoài phần Dẫn truyện, phần Mở đầu (Cô nhi viện Ống Heo) và Ngoại truyện (Bà ngoại nuôi) được tác giả cấu trúc thành 11 chương, mỗi chương sách dẫn người đọc trải qua những cung bậc cảm xúc khác nhau trước những hoàn cảnh éo le của những người nhập cư, đặc biệt những chướng ngại vật, hoặc một chặng đường gian khó mà họ phải trải qua: Tôi là người vượt biên, Cao tốc không bóng người, Khu rừng Công chúa, Kền kền ăn xác sống, Biến cố trong rừng, Cổng địa ngục, Mất trộm, Bàn tiệc của tử thần, Vầng dương vụt tắt, Canh bạc cuối cùng, 25 độ âm.

Tác phẩm được cấu tứ thông qua câu chuyện về số phận của hai cô bé ở trại trẻ mồ côi Ống Heo. Một cô bé tên là Lam, một là Lan. Hai cô bé, sau này, đều đến được nước Anh, nhưng con đường mà họ phải trải qua để đến nước Anh hoàn toàn trái ngược nhau, mà duyên do cũng xuất phát từ một sự cảm mến đặc biệt của những con người khác nhau trên đường đời tìm đến nhau, hay nói một cách dễ hiểu hơn, xuất phát từ định mệnh.

Lam và Lan cùng ở trại trẻ mồ côi Ống Heo sau trận lũ khủng khiếp đã cướp đi gia đình của hai cô bé. Cả hai đều được nhận nuôi bởi 2 gia đình người Anh, nhưng chỉ có Lan may mắn được đến Anh một cách hợp pháp. Còn Lam, được Bà Xoan (một người phụ nữ lớn tuổi làm việc ở cô nhi viện) cảm mến, đã trở thành cháu ngoại nuôi của bà vì bà Xoan mong muốn cô bé sẽ mang phước lành đến cho vợ chồng người con gái và con rể chưa có con. Do đó, Lam không thể đến Anh cùng với Lan, dù cô thiết tha được vị tiến sĩ người Anh nhận nuôi. Lam ở lại quê nhà Việt Nam, để rồi hơn chục năm sau, cô cũng được sang Anh, theo một cách mà cô không hề mong muốn.

Lan, Trớ trêu thay, khi đã trở thành trợ giảng của một GS xã hội học nổi tiếng, cũng là người tìm tài liệu về vấn đề người nhập cư trái phép bị đóng băng thì chính cô lại phải chứng kiến cảnh những người đồng bào của cô bị chết cóng trong container, khung cảnh mà cô đã vô cùng ám ảnh khi chuẩn bị tài liệu cho giáo sư.

Lam, người kể chuyện chính của câu chuyện này, tác giả cuốn nhật ký được tìm thấy trong container đông lạnh, đã viết lại đầy đủ hành trình đến nước Anh của cô và những người đã trở thành người thân của cô trên hành trình ấy: chú Sang, cô Loan, anh Đức Hà Nội, Duy Anh, Phượng. Họ gặp nhau vì cùng một mục đích sang Anh để đổi đời, có thể theo mong muốn của chính họ, nhưng cũng có thể theo mong ước của gia đình họ. Từ lúc sang Nga cho đến khi vượt qua Khu rừng Công chúa để từ Nga sang Ukraina, rồi vượt qua Cổng địa ngục để sang Ba Lan, từ Ba Lan qua nơi được mệnh danh là Bàn tiệc của tử thần để sang Đức, rồi từ Đức sang Pháp, Pháp sang Anh, Lam cùng tất cả những nhân vật trên đã gắn bó với nhau bằng tình cảm của những người thân trong gia đình. Họ chia sẻ với nhau những câu chuyện cuộc đời, họ sát lại bên nhau khi phải trải qua những đêm lạnh giá trong rừng, họ chia nhau từng miếng vỏ cây, từng ngụm nước khi không còn gì để ăn, họ canh cho nhau ngủ để phòng hiểm nguy, họ nắm tay nhau trước nỗi đau mà mỗi người phải chịu đựng, họ chia sẻ với nhau từng viên thuốc, chăm sóc nhau từng chút một khi người này bị sốt, bị lạnh, bị làm nhục…Họ chịu đựng tất cả bên nhau, làm thành một gia đình. Người đọc nín thở khi đọc đến đoạn các nhân vật bị buộc vào trong nilon kín để những người thợ lặn kéo họ qua sông bằng cách dìm những chiếc túi ấy ở dưới đáy sông, nín thở khi họ bị cảnh sát kiểm tra những chiếc xe tải chở hàng có những thùng gỗ mà họ nằm trong ấy; căm giận khi nhìn thấy chính những đồng loại của họ - những người Việt cùng nhập cư trái phép như họ tìm cách cướp bóc, lợi dụng, hãm hại họ… Nhất là xót lòng khi chứng kiến họ bị lừa lên container đông lạnh để rồi bất lực trước những cố gắng vô ích của họ để chiến thắng tử thần…

Thế nhưng, giữa khí hậu lạnh lẽo đến tê người của câu chuyện bởi cuộc hành trình của họ diễn ra vào mùa đông của châu Âu, nhiệt độ thường xuống dưới độ âm thì một chút hơi ấm, một chút niềm vui, một chút sự quan tâm họ dành cho nhau thật đáng trân trọng. Những chi tiết hư cấu nhà văn thêm vào câu chuyện: cảm tình của anh chàng Ivan “lái người” với Lam, lời cầu hôn của chú Sang với cô Loan trước phút hai người sắp bị đông cứng… đã là những tia nắng ấm áp thực sự của câu chuyện. Dù rằng cuối cùng thì chú Sang và cô Loan cũng không thể thoát khỏi thùng xe, nhưng họ đã biết được rằng họ đã thực sự tìm thấy nhau, ở bên nhau mãi mãi. Ivan, người dẫn đường các chặng Nga – Ukraina – Ba Lan – Đức có sự cảm mến đặc biệt với Lam, và Lam cũng cảm kích anh chàng ấy. Trên hành trình, Ivan kín đáo bảo vệ Lam khỏi những kẻ lái người khác muốn làm nhục cô. Ngày chia tay để kết thúc nhiệm vụ, Ivan đã bày tỏ tình cảm với Lam và hứa hẹn với cô: “Tôi sẽ đi tìm cô”. Lo sợ cho Lam, để bảo vệ cô, Ivan đã giúi vào tay cô tiền và một lưỡi cưa thép. Và chính lưỡi cưa thép ấy đã giúp Lam trốn thoát. Ivan đã thực hiện lời hứa của mình, anh tìm cách móc nối để đi tìm Lam, và dường như họ đã tìm được nhau. Đó là một câu chuyện cổ tích trong bi kịch mà tác phẩm phơi bày. Nhưng liệu ngoài đời thực chuyện kỳ diệu ấy có xảy ra? Có lẽ là không thể, bởi những kẻ lái người là những kẻ máu lạnh, họ không có tình thương; bởi không thể nào có may mắn như thế xảy ra, vì Lam khi nhớ đến lưỡi cưa thép thì cũng đã gần như đông cứng. Nhưng câu chuyện của Lam và Ivan, cái kết mà tác phẩm tạo ra dường như là một niềm an ủi, một sự nhẹ nhõm phần nào đối với người đọc.

Kết thúc tác phẩm, Ivan đi tìm những kẻ lái người để tìm cho rõ sự thật, tại sao nhận nhiều tiền mà lại lừa họ vào container đông lạnh? Kết thúc tác phẩm anh khẳng định: “Lam! Phải sống!”. Kết thúc tác phẩm là tiếng gọi thảng thốt của GS Rowling: Lan, có chuyện này… Tác giả không kể tiếp nữa, người đọc không được gặp lại Lam và Ivan, Lan và GS. Rowling để có thể biết chính xác số phận của Lam, bởi chắc chắn cô đã thoát ra được khỏi container đông lạnh, nhưng người đọc vẫn hi vọng cô sẽ có được niềm vui và hạnh phúc thật sự trên đất Anh, với anh chàng Ivan, bởi cô xứng đáng.

Thật ra thì, ai cũng xứng đáng, chỉ có điều họ không gặp may. Thảo Trang đã kín đáo xây dựng nhân vật bà thầy bói, khi bói bài cho Lam, khi Lam bốc lên 12 quân toàn là quân bích, bà đã biết chuyến đi của cô rất xấu. Rồi khi nhảy container hai lần thất bại, Lam và những người cùng đoàn với cô quyết tâm nhảy cont lần thứ ba, đúng đêm giao thừa, bởi khát khao mãnh liệt có thể ngắm pháo hoa ở đất Anh, bởi niềm tin mãnh liệt có thể chiến thắng số phận. Khát khao ấy lớn đến mức bà Loan, khi có một chút chùn bước vì con số của đoàn là 13 người, đã cố rủ bà thầy bói đi cùng để mong tìm cách phá vỡ một ám ảnh đen đủi từ con số 13 ấy, nhưng đều nhận được sự từ chối. Cuối cùng, vẫn là định mệnh, vẫn là số phận của họ không may mắn.

25 độ âm, với tất cả sự khốc liệt mà nó vẽ ra trên con đường vượt biên trái phép, còn như một lời cảnh tỉnh mang tính xã hội học của GS.Rowling hướng đến những con người mơ mộng ở những nước kém phát triển:

Sự so bì của nhiều gia đình, đặc biệt là các gia đình tại Á Đông, chính là phần lớn nguyên nhân để nhiều người thúc ép con em mình phải rời khỏi quê hương, bước vào vòng sinh tử. Gia đình nợ nần ư? Không thiếu cách để trả nợ. Hoàn cảnh khó khăn ư? Nhiều người còn khốn cùng hơn thế. Lý do cơ bản nhất, cũng là lý do đau lòng nhất, gia đình những người này thấy người khác đi vượt biên và trở nên giàu có hơn mình. Thói tị nạnh, ganh ghét, muốn bản thân không thể thua kém người khác. Đó chính là tính xã hội trong tiềm thức của con người.

25 độ âm, vang vọng tình yêu và khát khao luôn hướng về Tổ quốc của Lam và những người đồng đội của cô trên hành trình tử thần:

Có hai con đường dành cho những người như chúng tôi.

Một là chết.

Hai cũng là chết, nhưng muộn hơn.

Khi tôi thấm thía được điều này thì mọi thứ đã quá muộn. Nhiệt độ lúc này đã xuống dưới ngưỡng âm độ. Chúng tôi vượt biên không thành. Ngộ nhỡ chúng tôi không qua khỏi, xin hãy hỏa táng để tôi được về với đất mẹ Việt Nam. Tôi là người Việt Nam, tôi muốn được chôn dưới mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc mình!

25 độ âm, như thế, xứng đáng được đọc để hiểu và cảm thông, để suy ngẫm và thay đổi, ít nhất, trong cách nghĩ của một bộ phận không nhỏ người đọc.

Vân Hường | Báo Văn Nghệ

"Deluxe Books"- mở ra trào lưu sở hữu sách mới Nhà văn, dịch giả Lê Bá Thự tặng tân Đại sứ Ba Lan tại Việt Nam bộ sách mới Didier Decoin: Chúng tôi trao giải cho cuốn sách mình yêu thích Bắt tay Nhà xuất bản: Bán bản quyền tác phẩm Từ tác phẩm Văn học đến bạn đọc hôm nay
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Trong số các nhà văn nữ Việt Nam đương đại, nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, là cây bút văn xuôi có nội lực sung mãn. Chị là tác giả của nhiều truyện ngắn hay, ghi dấu trong lòng bạn đọc mà “Nhà Thánh” - giải nhất Cuộc thi truyện ngắn Lửa mới 2018-2019 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức là một minh chứng tiêu biểu.
Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Baovannghe.vn - Bà ngoại chỉ nói: "Đừng thúc ép gì nhiều. Phải tội. Đời người bạc, phận mỏng, biết sao được số trời. Mày làm thế không sợ chuốc khổ cho con bé".
Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4  trên khu vực trung Lào

Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4 trên khu vực trung Lào

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, sáng sớm nay (19/9), áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành bão - cơn bão số 4 năm 2024.
Bản tin Văn nghệ: Cuộc thi "Đưa Văn vào đời" - trao thiệp gửi yêu thương

Bản tin Văn nghệ: Cuộc thi "Đưa Văn vào đời" - trao thiệp gửi yêu thương

Baovannghe.vn - Cuộc thi thiết kế thiệp Văn học: Đưa Văn vào đời 2024, do Nxb Hội Nhà văn phối hợp tổ chức, Hội Nhà văn Việt Nam bảo trợ chuyên môn