Nhà thơ Nguyễn Viết Lãm với các bút danh Nguyễn Hạnh Đàn, Việt Chi, Thạch Bích, Tường Khanh sinh ngày 15/6/1919 tại Quảng Ngãi. Ông là nhà thơ, nhà văn và dịch giả được nhiều người yêu mến.
Chân dung nhà thơ Nguyễn Viết Lãm - Ảnh: Tư liệu |
Từ năm 1935 đến năm 1938, nhà thơ Nguyễn Viết Lãm xuống Quy Nhơn học trường Quốc học, sau đó ông tham gia sinh hoạt trong hội thơ Quy Nhơn cùng với các nhà thơ tên tuổi như Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Yến Lan. Đến cuối năm 1938, ông trở về dạy học ở Quảng Ngãi.
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, nhà thơ Nguyễn Viết Lãm tham gia Ban Tuyên truyền văn hóa tỉnh Quảng Ngãi. Ông từng là ủy viên thường trực Liên đoàn Văn hóa kháng chiến miền Nam Trung bộ, Ủy viên Ban Chỉ huy Chi hội Văn nghệ Liên khu 5, Hội trưởng Hội Văn nghệ Quảng Ngãi. Năm 1954, ông ra Bắc và năm 1956 ông đảm nhiệm vị trí Thư ký ban Văn nghệ thuộc Hội Văn nghệ Việt Nam. Nhà thơ Nguyễn Viết Lãm là một trong những người sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam, là người giữ vị trí Chánh Văn phòng Hội Nhà văn khóa đầu tiên (1957-1960). Năm 1962, nhà thơ Nguyễn Viết Lãm chuyển ra Hải Phòng làm Tổng Thư ký Hội Văn nghệ Hải Phòng và định cư tại đây cho đến khi mất.
Ông đạt nhiều giải thưởng về văn học nghệ thuật như: Giải thưởng Văn nghệ Nguyễn Bỉnh Khiêm (về thơ); Giải thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam.
Các tác phẩm của ông: Đồng xanh; Chủ nghĩa dân chủ mới; Thư miền Nam; Chân trời; Mặt trời thân yêu; Huyền thoại...
Quà tặng của Thủ tướng Phạm Văn Đồng cho nhà văn Nguyễn Viết Lãm được nhà văn ghi và đóng bìa cẩn thận - Ảnh: BTVNVN |
Sau khi ông mất, gia đình đã tặng lại cho Bảo tàng Văn học Việt Nam một số kỷ vật của ông trong đó có món quà của Thủ tướng Phạm Văn Đồng tặng ông đó là cuốn sách tiếng Pháp. Cuốn sách đã được nhà thơ đóng thêm bìa và trang trọng ghi "Quà của Thủ tướng Phạm Văn Đồng" tặng. Bên trong cuốn sách là những dòng bút tích của Thủ tướng Phạm Văn Đồng ghi đề tặng nhà thơ.
cuốn sách Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã tặng nhà thơ Nguyễn Viết Lãm mà hiện Bảo tàng Văn học Việt Nam đang trân trọng lưu giữ và bảo quản - Ảnh: BTVHVN |
Bút tích của Tủ tướng Phạm Văn Đồng - Ảnh: BTVHVN |
Theo Bảo tàng Văn học Việt Nam