Sáng tác

Didier Decoin: Chúng tôi trao giải cho cuốn sách mình yêu thích

Trần Hậu
Văn học nước ngoài
10:15 | 27/07/2024
Didier Decoin là hội viên Hội Văn học Goncourt, sau đó là tổng thư ký, và cuối cùng, từ ngày 20 tháng 1 năm nay, ông được bầu làm Chủ tịch Hội.
aa
Didier Decoin: Chúng tôi trao giải cho cuốn sách mình yêu thích
Nhà văn Didier Decoin

* Trên cương vị Chủ tịch “Goncourt” ông thấy sứ mệnh của mình là gì?

- Theo tôi, có thể có hai sứ mệnh. Thứ nhất, làm tất cả để giải Goncourt giữ được uy tín của mình. Thứ hai, mở rộng giải ra các quốc gia khác, nơi nhiều người biết tiếng Pháp. Tạo điều kiện cho độc giả các nước này lựa chọn người đoạt giải của mình do chúng tôi đề cử. Đồng thời chúng tôi khích lệ sự quan tâm đối với văn học đương đại của chúng tôi bên ngoài nước Pháp, nơi người ta thường chỉ biết các tác giả cổ điển - Hugo, Balzac, Flaubert. Hiện nay, Goncout “ngoại” đang được trao ở 20 nước.

* Danh sách này bao gồm Bỉ, Ý, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Serbia, Brazil, Trung Quốc và các quốc gia khác. Đâu rồi nước Nga cường quốc đọc sách?

- Thông thường, sáng kiến ​​bắt đầu từ các trường đại học, nơi sinh viên học tiếng Pháp. Đồng thời, cuốn sách đoạt giải phải được dịch và xuất bản. Ví dụ, nếu ở Nga, người ta coi cuốn tiểu thuyết của Jean - Paul Dubois. Tất cả những con người không sống cùng một cách trên thế giới là xuất sắc nhất (giải thưởng năm ngoái), thì nó sẽ được xuất bản. Ban giám khảo có thể lựa chọn trước khi trao giải ở Paris, hoặc sau đó.

* Có lần, tạp chí văn học uy tín “Lire” nhận xét: “Giải Goncourt hiếm khi được trao cho cuốn sách hay nhất của năm”. Ông có phật lòng không?

- Điều đó có phần đúng. Chúng tôi trao giải cho cuốn sách mình yêu thích. Để tìm cuốn sách đó, 10 thành viên của giải Goncourt bắt đầu đọc các tin tức vào tháng 5 và kết thúc vào tháng 9. Đâu khoảng một trăm cuốn. Chúng tôi phải đọc quá nhiều, nhưng bao giờ cũng tìm được cuốn sách hay nhất. Chúng tôi không quan tâm nó có còn lại trong lịch sử hay không. Sinh thời, chủ tịch Hervé Bazin của chúng tôi giải thích: “Giải Goncourt là gì? Không nhất thiết phải là cuốn sách hay nhất của năm. Đó là cuốn sách hic et nunc, nghĩa là ở đây và bây giờ (tiếng Latin), nó phản ánh các vấn đề hôm nay của đất nước”. Rất có thể, 10 năm tới, người Pháp sẽ quan tâm những vấn đề hoàn toàn khác.

* Ông đoạt giải Goncourt năm 1977 với cuốn “John l’Enfer”. Giải thưởng đã thay đổi gì trong cuộc sống của ông?

- Tất tần tật. Trước đó, tôi là một nhà văn vô danh, không xu dính túi. Với giải thưởng, cuộc sống đã trở nên hoàn toàn khác. Dường như xuất hiện một mụ phù thủy với cây đũa thần trong tay thực hiện những mong ước của tôi. Trước kia, tôi mơ ước làm phim không thành. Sau giải thưởng, tôi được mọi người chào đón. Khi tôi muốn dàn dựng một vở kịch, ngay lập tức giám đốc nhà hát xuất hiện và sẵn sàng giúp đỡ.

Nhưng phép lạ chỉ có hiệu lực trong vòng một năm. Sau đó, xuất hiện một người may mắn mới, và bạn có thể bị lãng quên. Vì vậy bạn cần tận dụng thời cơ của mình. Có những tác giả bị giải Goncourt làm hại. Họ không biết phải làm gì tiếp theo. Chóng mặt vì thành công cũng nguy hiểm như uống vodka quá độ. Không nên vênh mặt tự cao làm ra vẻ ta đây là nhà văn lớn! Cần phải tỏ ra khiêm tốn. Một năm trôi qua rất nhanh và bạn sẽ trở thành “cựu vương”.

* Pháp là quốc gia rất giầu giải thưởng văn học, ước tính khoảng 1500 giải. Thế kỷ này đặc biệt bội thu giải thưởng. Có nhà văn Pháp nào chưa một lần trong đời được nhận giải thưởng không?

- Thật vậy, người Pháp không thờ ơ với các loại huân, huy chương và các danh hiệu khác. Di sản của thời đại quân chủ để lại. Phải chăng điều đó không tốt? Hơn nữa, tất cả những người đoạt giải đều hết sức hài lòng. Tất nhiên, có quá nhiều giải thưởng, chắc chắn chúng bị mất giá. Tuy nhiên, một số giải thưởng vẫn được đánh giá cao như xưa - Goncourt, Femina, Renaudot, giải của Viện Hàn lâm Pháp.

* Ông vẫn còn gắn bó với văn học Nga như trước chứ?

- Tôi không chỉ đã và đang đọc nhiều tác phẩm văn học Nga, mà còn viết kịch bản. Mới nhất là kịch bản phim Anh em nhà Karamazov. Đó là cuốn tiểu thuyết Nga vĩ đại nhất, một tác phẩm kinh dị phi thường. Diễn viên Gérard Depardieu từng muốn thủ vai một trong số anh em Karazamov, hình như Ivan. Vốn là một người cực kỳ hiền lành, Gérard thích đóng vai kẻ ác. Làm một bộ phim như vậy là một niềm vui cao quý. Tôi đã tìm được nhà sản xuất, hy vọng, ông ấy sẽ thành công.

* Còn gì nữa, ngoài “Anh em nhà Karamazov”?

- Những linh hồn chết và toàn bộ tác phẩm của Gogol. Nói chung, tôi thích đi chu du cùng với các nhân vật tiểu thuyết Nga. Tôi vẫn nhớ Anna Karenina. Tôi muốn viết một vở kịch, ở đó Anna không chết dưới gầm tầu hỏa, mà may mắn thoát nạn. Nàng sang châu Âu. Ở Geneva, đoàn tầu của nàng gặp bão tuyết. Cùng lúc, Emma Bovary cũng rời nước Pháp và dừng chân ở Geneva. Cả hai ra sân ga và tình cờ vào quán buffet uống một tách sôcôla nóng. Anna và Emma trò chuyện với nhau. Họ có cùng quan điểm về giới đàn ông. Tôi cảm thấy rằng giữa họ sẽ diễn ra một cuộc đối thoại thú vị.

* Vào thế kỷ 19, văn học Nga và Pháp có ảnh hưởng lẫn nhau, các nhà văn chơi thân với nhau, ví dụ, Turgenev, Flaubert, Maupassant. Đâu là sự khác biệt giữa hai nền văn học?

- Tôi muốn so sánh văn học với điện ảnh. Người Pháp làm phim mầu kích thước 35mm, loại phim này phù hợp với đặc điểm dân tộc của chúng tôi. Nó giống như một khung cửa sổ có rèm che để không ai nhìn thấy mọi thứ bên trong. Phim Nga là phim màn ảnh rộng. Nó chưa chắc đã hay hơn, nhưng nhiều tham vọng hơn. Các bạn có Eizenshtein và Bondarchuk, chúng tôi có François Truffaut.

* Nghĩa là ông vẫn say mê đề tài Nga?

- Hiện tại, tôi đang viết một cuốn tiểu thuyết với câu chuyện diễn ra sau cách mạng. Elena, một phụ nữ trẻ người Nga, chạy trốn hồng quân từ một thành phố nhỏ đến Krym, nơi những con tầu chiến Nga neo đậu. Trên tầu có khoảng 15.0000 người tị nạn chuẩn bị rời nước Nga. Không một quốc gia nào muốn nhận họ. Chỉ có nước Pháp đồng ý và mời họ đến cảng Bizerta ở Tunisia, lúc bấy giờ là thuộc địa của Pháp. Ở đó, họ cảm thấy an toàn, nhưng chỉ những người tìm được việc làm mới được lên bờ. Số còn lại không được phép. Một số người đã sống bốn năm trên những con tầu này, chúng biến thành một loại thị trấn nổi. Câu chuyện tuyệt vời này do bà Anastasia Chirinsky-Manstein, người hồi bé từng có mặt trên một con tầu ở Bizerta, kể lại trong bút ký Bến đỗ cuối cùng. Dựa trên các sự kiện có thật, tôi đang viết cuốn sách của mình.

* Theo ông, nhà văn là thiên chức hay nghề nghiệp?

- Nhà văn là một thiên chức, nhưng cần được thực hiện như một nghề. Là người có tài năng, bạn phải làm việc như một thợ thủ công. Giống như thợ thủ công, bạn phải vươn tới sự hoàn thiện.

* Tại sao ông khuyên các nhà văn trẻ đừng từ bỏ nghề nghiệp đầu tiên của mình?

- Bởi vì rất khó hoặc không thể sống bằng sách. Khi viết một cuốn tiểu thuyết, tôi không tự hỏi liệu nó có bán được hay không. Sẽ có 50 hay 5.0000 người đọc. Tôi viết những gì tôi muốn. Thành công thì tốt, không thành công cũng chẳng biết làm sao. Nhưng nếu cuốn sách không bán được, cần có những cách kiếm sống khác. Vì vậy tôi luôn hỏi tác giả trẻ: “Bạn làm nghề gì?” Cần phải có một nghề khác - ví dụ, thợ làm bánh mì để nuôi sống bản thân và gia đình. Tôi có một công việc gần với văn học là viết kịch bản. Bố tôi là một nhà làm phim, từ nhỏ tôi đã gắn bó với thế giới điện ảnh. Nhưng trong điện ảnh, tôi là con người phụ thuộc, giống như diễn viên hay nhà quay phim. Bộ phim không phải của tôi, mà là của đạo diễn mà tôi phục vụ. Tôi tìm thấy tự do khi viết tiểu thuyết. Nó là con đẻ của tôi.

* Có lần ông nói vui rằng viết văn cũng tốn kém như nuôi một vũ nữ. Một so sánh táo bạo, tuy nhiên...

- Sáng tác là một công việc tốn kém, khi bạn viết mà không được xuất bản, bạn không nhận được gì với lao động của mình. Không có gì bảo đảm chắc chắn rằng bạn sẽ được ban thưởng. Có một thời, những người đàn ông giàu có thường nuôi một vũ nữ ba lê - họ mua sắm quần áo, đồ trang sức, căn hộ sang trọng, tặng quà. Chỉ những nhà tư sản rất giầu có mới có thể làm được điều đó. Nói tóm lại, viết văn là một thú vui đắt tiền.

* Ngày 13 tháng 3 năm 2020, ông tròn 75 tuổi. Ông chờ đón sinh nhật của mình với cảm xúc gì? Cuộc đời ông có thành đạt không?

- Bây giờ, với tôi không còn quan trọng nữa, nếu mọi chuyện sắp sửa kết thúc. Nhiều giấc mơ của tôi đã thành hiện thực. Không biết những gì tôi làm được có đáng kể không, nhưng tôi luôn là một người hạnh phúc. Tôi có một cuộc sống tuyệt vời, những đứa con đáng tự hào, người vợ yêu dấu, một chú mèo dễ thương. Không có gì tiếc nuối, ngoài một vài hối hận. Khó khăn nhất đối với tôi là trở thành nhà văn, vì tôi bắt đầu hoàn toàn từ số không. Nhưng tôi đã có thể làm một nghề khác - trở thành phi công hoặc thủy thù tầu viễn dương. Có lẽ, điều này đang chờ đợi tôi ở thế giới bên kia?

Trần Hậu | Báo Văn nghệ

(Theo izvestia.ru)

*Tên bài viết do Baovannghe.vn đặt

Chùm tản văn tâm lý nước ngoài Dịch thơ nước ngoài sang tiếng Việt Sửa quy định đưa tác phẩm nhiếp ảnh từ Việt Nam ra nước ngoài dự thi, liên hoan Tượng thi hào - Truyện ngắn của Slawomir Mrozek Konstantin Simonov - Hai diện mạo trong một cuộc đời
Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Baovannghe.vn - Đọc truyện: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Trong số các nhà văn nữ Việt Nam đương đại, nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, là cây bút văn xuôi có nội lực sung mãn. Chị là tác giả của nhiều truyện ngắn hay, ghi dấu trong lòng bạn đọc mà “Nhà Thánh” - giải nhất Cuộc thi truyện ngắn Lửa mới 2018-2019 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức là một minh chứng tiêu biểu.
Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Baovannghe.vn - Bà ngoại chỉ nói: "Đừng thúc ép gì nhiều. Phải tội. Đời người bạc, phận mỏng, biết sao được số trời. Mày làm thế không sợ chuốc khổ cho con bé".
Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4  trên khu vực trung Lào

Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4 trên khu vực trung Lào

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, sáng sớm nay (19/9), áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành bão - cơn bão số 4 năm 2024.