Tới Mẹt. Trời bắt đầu lất phất mưa. Mưa đã hai hôm nay. Nước lũ về xiết mạnh giữa dòng cuốn phăng phăng những thân cây lớn, nước ngập cả hai bờ sông. Phải trèo lên cành cao để bước xuống đò ngang. Mẹt! Cái cửa ải đầu tiên của chiến khu sốt rét! Ở đấy trời như sà thấp xuống núi rừng, không khí âm u nặng nề, ẩm thấp khó thở. Những người buôn bán ngược xuôi trên đường này thường gọi đây là bến đò Mệt. Vì họ tin rằng người khỏe qua đây cũng phải thấy mệt, người đã yếu sẵn ngủ lại một đêm có khi nằm lại đây mãi mãi.
*
Mười giờ sáng. Chúng tôi rảo bước đi, nhìn qua một lượt cái bến đò ghê gớm ấy. Những căn nhà lá lụp xụp, xiêu vẹo dựa vào nhau co ro như sợ hãi. Bên trong những quán trọ lèo tèo, mấy bóng người lừ đừ, da mặt tái nhợt.
Chúng tôi vào một quán hàng bên đường. Bước qua ngưỡng cửa, chúng tôi hơi ngạc nhiên thấy quán hàng sạch sẽ, bày biện gọn gàng một cách không ngờ. Hai tấm cửa gỗ kê trên hai cái mễ tre làm quầy hàng, trên đặt mấy đĩa xôi đậu, mấy lọ kẹo, vài chiếc bát đàn trắng trẻo. Mấy nải chuối treo lủng lẳng trên dây.
Bà hàng đương ẵm đứa con nhỏ ngồi ở phía giường trong, thấy chúng tôi vào đon đả chạy ra mời. Bà ta trạc gần ba mươi tuổi, thân hình mảnh khảnh, mình mặc chiếc áo đã ngả màu nước dưa, tay bế con gái chừng lên hai tuổi. Da cả hai mẹ con đều xanh nhợt như những người tôi vừa gặp ngoài bến. Tôi lật mấy cái bát:
- Nào bà hàng làm ơn cho chúng tôi mấy bát nước đây! Nóng chứ, nước có pha không đấy, bà hàng?
Bà hàng nước tươi cười lấy gáo vục vào ấm nước lớn đổ ra bát:
- Không ạ. Chè nhà cháu bao giờ cũng khói ngút lên, pha nước lã để các đồng chí uống đau bụng, phải tội chết!
Con bé mắt mở thao láo nhìn chúng tôi, thỉnh thoảng lại toét miệng cười trông dễ thương lạ. Tôi đứng dậy, lại gần khẽ gí ngón tay vào dưới cằm nó, lay lay đi mấy cái để nó cười. Câu chuyện chóng trở nên thân mật. Tôi gợi đến chuyện gia đình bà hàng.
- Chả dám giấu các đồng chí, nhà cháu ở tận trên Thất Khê cơ đấy. Hai mẹ con cháu tản cư xuống đây đã mấy tháng nay, còn bố cháu đi vào du kích từ khi đó chưa thấy tin tức gì. Chúng cháu mở hàng nước lần hồi kiếm ăn, chật vật lắm, các đồng chí ạ?
Con bé gục đầu vào vai mẹ như an ủi mẹ nó. Bà hàng nựng con, rồi quay lại chúng tôi:
- Ấy được gần nửa tháng nay cháu mới chịu chơi một tý đấy, trước đã tưởng là bỏ mất, cứ sốt rét liên miên mãi cả hai mẹ con, may mà gặp được anh y tá tốt quá, anh ấy tiêm thuốc cho, chữa mãi mới được thế này đấy...
Rồi như chợt nghĩ ra điều gì, bà đột ngột hỏi:
- Các anh đồng chí giờ ngược hay xuôi đấy? Anh y tá Minh có về đây với các đồng chí không ạ?
Chúng tôi ngạc nhiên nhìn nhau chưa kịp trả lời. Bà hàng ngắm lại chúng tôi:
- Thôi phải rồi, chắc các đồng chí mới ở xuôi lên đây, chứ các anh bộ đội ở vùng này thì ai mà chẳng biết anh y tá Minh.
Rồi, như để tỏ lòng nhớ ơn người y tá vắng mặt, bà kể lể:
- Các đồng chí chưa biết chứ anh y tá Minh anh ấy tốt lắm. Chẳng nhà nào ở đây anh ấy không cho thuốc... mà thật quả là không có qua lấy tiền lấy nong nào của ai bao giờ...
Bà cầm hai chân đứa bé giơ lên:
- Hôm phiên chợ trước, anh Minh anh ấy ngược mấy các anh bộ đội cũng có ghé vào đây. Thấy cháu lở chân, anh ấy lại cho ít thuốc mỡ để bôi. Anh ấy hẹn độ bốn, năm hôm nữa xuôi, thì thể nào cũng sẽ ghé vào đây thăm cháu. Thế mà hôm nay đã quá phiên chợ rồi, không hiểu sao chưa thấy anh ấy về... Cháu sốt ruột quá...
Đứa bé đã thiu thiu ngủ. Bà hàng vào giường trong, lừa đặt đứa bé nằm xuống, đặt cái màn con lên rồi lại quay ra:
- Ấy cái màn cháu nằm kia, anh ấy hồi còn đóng gần đây cứ bảo cháu phải làm để muỗi độc khỏi đốt cháu bé, nhưng cháu cứ bận bán hàng cả ngày thành thử không lúc nào làm được, cứ mỗi bận anh ấy ra chơi là cháu ngượng quá và cứ sợ anh ấy giận. Thế rồi một hôm, anh ấy mang tre lại vào ngồi đây hí hoáy cả buổi sáng, đan cho cháu cái khung xong rồi lại bắt cháu xé cái áo the cũ ra để căng làm màn. Người đâu mà quý hóa quá.
Bà hàng còn muốn kể nhiều nữa về người y tá lưu động vắng mặt kia, nhưng ngồi lại đã khá lâu, chúng tôi phải cáo từ, vác ba lô lên đường.
Mải kể chuyện về anh y tá, bà hàng như quên bẵng là chúng tôi mới ở xuôi lên và yên trí rằng chúng tôi cũng quen biết gần gụi anh y tá Minh như bà. Đã bước ra khỏi ngưỡng cửa, chúng tôi còn nghe bà dặn với:
- Các đồng chí ngược có thấy anh y tá Minh thì làm ơn nói giúp là cháu mong anh ấy lắm, thể nào đi qua đây cũng ghé vào thăm cháu một tý nhé!
*
Sang bờ bên kia, trời bắt đầu mưa mau. Con đường nhựa như bị thu hẹp lại giữa hai cánh rừng mù mịt trong làn mưa bụi và sương xám. Dãy núi đá Cai Kinh lúc nào cũng sừng sững trước mắt, khí lạnh từ khe núi bốc ra thành từng làn khói nhẹ. Chúng tôi có cảm giác như hai vai bị đè xuống. Con đường nhựa đen dài đầy những thân cây đổ vắt ngang chạy thẳng tắp như đâm vào chân núi. Những hố phá hoại vuông vắn chứa đầy nước mưa trông như những chậu nước kê nghiêng.
Từ đấy đổ lên toàn là rừng núi, một màu xanh xám, thẫm sì sì, nhìn mãi mỏi cả óc. Những quán hàng bên đường cũng thưa thớt dần, đi hàng bốn, năm cây số mới thấy đôi ba túp nhà lụp xụp, ướt át. Thỉnh thoảng lắm mới gặp một, hai người ngược chợ Điềm He hoặc xuôi chợ Kép, người nào trông cũng lử khử không còn máu mặt. Họ gánh đường trường những thúng hàng nặng trĩu, sự cố gắng đến đứt mạch máu làm cho mặt họ méo xệch đi một cách thảm hại. Đi qua nhìn vào những căn nhà trọ bên đường, chỉ thấy toàn người uể oải như còn ngái ngủ. Ở đây vắng hẳn bóng những người thanh niên lành mạnh: họ vào du kích cả rồi.
Họ mua bán hàng một cách kỳ lạ: trước cửa nhà đặt một cái chõng tre trên đặt mấy đĩa xôi, mấy đĩa hạt dẻ rang. Khách đói bụng chỉ việc cầm đĩa xôi, đĩa hạt dẻ đổ vào lòng bàn tay, móc ra một đồng bạc kền gõ cành cạch xuống chõng, nếu là tiền giấy thì giơ cao lên rồi để xuống chõng, chặn cái đĩa không lên trên rồi đi. Ông chủ hàng đắp chiếu ở giường bên cũng chỉ nghển cổ nhìn khách rồi lại lặng lẽ nằm xuống. Thỉnh thoảng lắm mới gặp một, hai toán người ngược chợ Điềm He hoặc xuôi chợ Kép, họ gánh những sọt hàng nặng trĩu gặp nhau hỏi thăm ồn ào một lúc rồi con đường lại trở lại vắng vẻ âm u như trước. Trong những xóm nhà dựng tạm ven đường, giờ đây chỉ thấy toàn người già, phụ nữ và trẻ em. Vắng hẳn bóng những người thanh niên khỏe mạnh: họ đã vào du kích cả rồi.
Trên giường tre, những chiếc chiếu ẩm mốc đang run lẩy bẩy. Những cái đầu xù cố vươn ra cửa mỗi khi có tiếng chân người qua để nhìn mặt và gọi với:
- Các anh đồng chí có ký ninh làm phúc cho em một viên.
Một bà cụ già ngồi tựa cửa vừa chẻ lạt vừa ngủ gật. Một bà mẹ ngồi giữa đống chăn quấn quanh mình, tóc sổ rũ rượi, nhìn đứa con nhỏ bà sát cạnh giường mà cũng chẳng buồn với tay đỡ cho con khỏi ngã.
Ở chốn đầy muỗi độc này, họ hà tiện từng cử chỉ, từng lời nói. Họ buôn hàng một cách kỳ lạ: trước cửa nhà đặt một chiếc chõng tre trên đặt mấy đữa xôi đỗ đen. Khách qua đường đói bụng chỉ việc vào cầm đĩa xôi đổ vào lòng bàn tay, móc ra một đồng bạc kền gõ cành cạch xuống chõng nếu là tiền giấy thì giơ cao lên rồi để xuống chõng, chặn cái đĩa không lên trên, ra đi không nói một lời. Ông hàng đắp chiếu nằm ở giường bên chỉ nghển cổ lên nhìn khách rồi cũng lặng lẽ để rơi đầu xuống gối.
Cảnh tượng thê thảm, buồn bã của một con người tha phương bị sốt rét và thiếu thốn giày vò phô diễn ra trước mắt chúng tôi, từng chặng một. Tôi cảm thấy ngực bị tức thở, đầu nặng những ý nghĩ liên miên như bị kéo xuống mặt đường.
Bỗng chúng tôi nhìn thấy một cái cáng từ đằng xa nặng nề đi lại. Không bảo nhau, chúng tôi cùng rảo bước lên. Đến gần mới nhận ra một anh Vệ quốc đeo theo sau cáng, tôi vội hỏi:
- Nặng hay nhẹ? Ở mặt trận nào về thế, đồng chí?
Cái cáng dừng lại trước mặt chúng tôi để người khiêng đổi vai. Anh Vệ quốc trả lời:
- Ở mặt trận Ba Hòn về! Đêm qua bộ đội mình đột kích nó, giết được khá nhiều. Đồng chí này xung phong. Bị ngay một mảnh lựu đạn vào nhưng cũng nhẹ thôi!
Trong khi tôi lật chiếc chăn xám trùm trên cáng để nhìn người chiến sĩ bị thương, người phụ cáng tiếp thêm:
- Ôi dào! Đáng lẽ cũng chẳng cần đưa về Quân y xá làm gì cho thêm việc, nhưng anh y tá còn bận trông nom anh em ốm ngoài mặt trận thức mấy đêm liền rồi, phải cáng về đây.
Vài hạt mưa bay lất phất vào mặt anh Vệ quốc trẻ tuổi đang nằm thiếp trên cáng, hai tay còn giữ chặt trên ngực chiếc ca lô đẫm máu. Vết thương ở đùi bên phải, một chiếc áo trắng còn hoen máu bọc ngoài gọn ghẽ. Tôi lặng lẽ kéo chiếc chăn xuống, chợt nhớ tới lời dặn của bà hàng ở Mẹt, tôi quay lại hỏi:
- Anh y tá ấy tên là Minh, phải không?
Anh Vệ quốc khẽ gật đầu:
- Phải rồi, sao đồng chí biết? Quen à?
Rồi không để tôi kịp trả lời, anh đã vội trở bước:
- Thôi chào đồng chí, ta đi mau kẻo tối...
Những chiếc cáng trở xuôi trên con đường xanh xám này có nghĩa là một anh Vệ quốc bị thương hay một người dân ốm nặng vì sốt rét. Người lữ khách gặp một chiếc cáng trở xuôi chỉ còn ngậm ngùi cúi đầu xuống đất.
Chúng tôi vẫn lê gót trên đường dài. Vẫn mưa. Vẫn núi. Vẫn rừng. Về chiều sương xuống càng nhiều, gió từ dãy núi đá Cai Kinh nằm sát bên đường thổi thốc ra từng cơn lạnh buốt.
Chúng tôi mong nghe thấy một tiếng nói, một tiếng cười, một tiếng khóc của trẻ em. Chúng tôi mong nhìn thấy một làn khói, một ánh lửa. Hai bên đường vẫn chỉ là rừng dài, trước mặt vẫn chỉ là núi cao vút ngọn.
Qua rừng cấm. Nhìn đã thấy một mảng trời rộng trên đầu. Xa xa vẳng nghe tiếng trẻ con cười đùa. Tôi vội bước rảo lên trước. Sau chỗ ngoặt, mấy đứa bụng ỏng đang ôm quần tranh nhau rửa đít ở hố phá hoại đầy nước đục ngầu. Thấy chúng tôi kéo đến, tiếng cười trong trẻo ngây thơ tắt hẳn. Chúng đứng ngây ra nhìn rồi thi nhau chạy về nhà, miệng gọi tới tấp:
- U ơi! U ơi! Có bộ đội đi qua, bộ đội đi qua!
Từ những khung cửa tranh tối tranh sáng, vài bộ mặt hốc hác bỗng ló ra hỏi bâng quơ về phía chúng tôi:
- Bộ đội ngược hay xuôi đấy? Anh y tá Minh có đi cùng không?
Một cơn gió lạnh rít qua ngàn trả lời họ.
*
Trên suốt dọc đường từ Mẹt đổ lên biên giới giữa đám người khổ sở sống ở hậu phương, bên những người chiến sĩ ngoài mặt trận, đâu đâu anh y tá lưu động không quen biết kia cũng để lại dấu vết một bàn tay, một tấm lòng, một tia hy vọng. Họ chờ đợi anh, họ nhắc đến tên anh, họ trông cậy vào anh. Hình ảnh người y tá đáng mến kia từ đây cứ lởn vởn trong đầu óc tôi. Anh đã trở nên quen thuộc đối với tôi, và tôi cầu mong được gặp mặt anh như cầu mong được gặp một người bạn cũ.
*
Sáng hôm sau. Trời hửng nắng. Qua bên kia bờ sông lũ là đã vào đất Chi Lăng lịch sử. Chúng tôi dừng chân nghỉ trên một mô đất, nhìn ra xa, ngắm những bức tượng đá ong khổng lồ của thành nhà Mạc và tưởng nhớ lại người anh hùng áo vải đã lấy đầu Liễu Thăng ở chốn này.
Trước mặt tôi, một cái cáng nâu trùm lá cọ đột ngột hiện ra. Chúng tôi cúi đầu lặng lẽ đi qua nhưng không thể cầm lòng nổi, tôi quay lại hỏi với:
- Cáng ai thế hở đồng chí?
Người phụ khiêng cáng vẫn bước đều, không quay đầu lại, trả lời trong một hơi thở phào:
- Anh y tá Minh đấy!
Năm 1948