Sáng tác

Ba người lính trong rừng Lào - Truyện ký của Phạm Quang Đẩu

Phạm Quang Đẩu
Truyện
10:00 | 24/07/2024
Từ lúc rời trạm Đô Lương, Nghệ An vào sâu trong núi, ba người cứ hàng dọc nhắm hướng mặt trời lặn, cắm cúi tự rẽ cây mở lối. Họ rất ít nói chuyện với nhau
aa

Từ lúc rời trạm Đô Lương, Nghệ An vào sâu trong núi, ba người cứ hàng dọc nhắm hướng mặt trời lặn, cắm cúi tự rẽ cây mở lối. Họ rất ít nói chuyện với nhau. Leo hết núi này lại tiếp núi khác, càng đi rừng càng rậm rạp và ánh nắng hầu như không xiên qua nổi tầng tầnglớp lớp tán lá cành cuộng che chắn trên cao, làm cho mọi vật trước mặt họ lúc nào cũng sâm sẫm, mờ mờ. Phải chú ý lắm mới phân biệt được là sáng, trưa hay chiều. Không biết đã đi được bao lâu. Đói thì giở lương khô nhai trếu tráo, khát uống nước suối, mệt không bước nổi nữa mới dừng, trải lá, căng ni lông, đánh một giấc cho lại sức, tỉnh dậy đi tiếp.

Ba người lính trong rừng Lào - Truyện ký của Phạm Quang Đẩu
Minh họa của Phạm Hà Hải

Ông Nguyễn Như Kim (*) có cái đồng hồ Ville lại không có cửa sổ báo ngày, lúc bước chân vào cửa rừng ông đã có chủ ý, ngắt một đoạn nhánh cây nhỏ bỏ túi, mỗi ngày một nhánh. Thấm thoát rời Đô Lương đã được mười lăm nhánh cây rồi. Đến sáng ngày thứ mười sáu. Xung quanh nơi họ đang bước tới bỗng sáng bừng, thoáng đãng và trong làn gió mát rười rượi có pha lẫn mùi thơm dễ chịu của nhựa thông. Dường như cả ba cùng một lúc đều cất lên tiếng reo mừng rỡ, trước mặt họ toàn thông, như được đúc cùng một khuôn, cây nào cũng to cỡ cột đình làng, thẳng tắp, tán vút cao lên trời xanh lấp loá nắng. Đã đi đúng hướng, vượt qua triền Đông, sang triền Tây, đặt chân lên đất Lào rồi! Trạm trưởng đã dặn ông Nguyễn Như Kim, khi nào ngửi mùi nhựa thông, thấy rừng thông là đến Sốp Sang của bạn, đất ta không ở đâu có cánh rừng thuần thông quý hiếm như thế. Trạm trưởng từng hai lần đưa đoàn cán bộ cao cấp sang Thái nên khá rành đường, đây thuộc vùng do Pathét Lào kiểm soát, nên khá an toàn. Đoạn tới ngại nhất đụng cọp và thổ phỉ, sâu về phía sông Mê Kông mới hay gặp đồn bốt địch.

Hôm ông Nguyễn Như Kim nhập trạm Đô Lương, khi đưa tờ giấy giới thiệu, người trạm trưởng xem đi xem lại nội dung, tỏ ý rất băn khoăn về chuyện cần phải bảo vệ thứ “hàng đặc biệt” ông mang sang Thái Lan như thế nào cho an toàn nhất. Bàn bạc kỹ, ông cùng anh trạm trưởng thống nhất, trạm sẽ cử hai vệ binh đi áp tải cho đến khi “hàng” trót lọt sang đất Thái. Thứ “hàng” ấy quả là thật đặc biệt. Nửa năm về trước, quân Pháp mở cuộc hành quân đại quy mô gồm “hai gọng kìm” thủy quân trên sông Lô và bộ binh gồm nhiều tiểu đoàn Lê Dương tinh nhuệ tấn công lên chiến khu Việt Bắc hòng tiêu diệt đầu não chính phủ kháng chiến của Cụ Hồ, nhưng chúng đã bị thất bại thảm hại. Cuộc kháng chiến chuyển sang một giai đoạn mới. Lúc đó kỹ sư Nguyễn Như Kim đang là phó giám đốc kỹ thuật của Đài Tiếng nói Việt Nam, nơi phát sóng đặt cơ động trong tỉnh Thái Nguyên. Đài phát thanh trực thuộc cơ quan Bộ Quốc phòng mà người chỉ đạo trực tiếp là Thứ trưởng Tạ Quang Bửu.

Một ngày giữa năm 1948, ông cầm lệnh xuất kho của Bộ Quốc phòng, theo anh vệ binh người Nùng Cháo dẫn vào khu rừng già Pắc Chom trên chiến khu, nơi đặt “Sở kho bạc” của chính phủ. Nhiệm vụ mà trực tiếp Thứ trưởng Quốc phòng Tạ Quang Bửu giao cho ông là mang vàng sang Thái Lan tìm mua một số vật tư kỹ thuật để về nâng cấp đài phát sóng, bên cạnh đó còn mua sắm một số thiết bị khí tài phục vụ chiến đấu cho quân đội. Cái “Sở kho bạc” mà ông và anh vệ binh tới không thấy có trạm gác hỏi giấy tờ, không có cổng và hàng rào thép gai bao quanh, chỉ là mấy ngôi nhà tranh tre kín đáo nằm dưới tán cây rừng. Bảo vệ nơi chứa toàn bộ ngân khố quốc gia này là lòng dân, một cái sở kho bạc sơ sài nhất, cũng an toàn nhất thế giới! Rồi chẳng phải làm thủ tục gì nhiều, thủ kho Nguyễn Văn Lương, vốn là bạn đồng môn với ông Nguyễn Như Kim, cùng sinh hoạt trong tráng đoàn Lam Sơn của huynh trưởng Tạ Quang Bửu. Dạo ông Kim, ông Lương sắp tốt nghiệp trường Cao đẳng Khoa học Hà Nội thì Toàn quốc kháng chiến nổ ra, hai ông với nhiều bạn cùng trường đã đi theo huynh trưởng lên chiến khu Việt Bắc, giờ hai người mới gặp lại nhau, tay bắt mặt mừng.

-Huynh trưởng đã gọi điện trước cho mình rồi - Ông Lương cầm tờ giấy giới thiệu ông Kim đưa, nói - Uống nước, rồi mình đưa đi lĩnh hàng.

- Cậu về đây hồi nào nhỉ? - Ông Kim hỏi.

- Dạo cuối năm 1946, cánh ta cùng lên đây rồi tản mác mỗi người một việc khác nhau. Hôm nhận thủ kho, mình được ông Đỗ Đình Thiện phụ trách Quỹ trung ương của chính phủ cho biết, toàn bộ Quỹ Độc lập thu được trên hai mươi triệu đồng Đông Dương, còn Tuần lễ vàng từ 17 đến 24-9-1945, đồng bào ủng hộ được ba trăm bẩy mươi kí lô vàng, tương đương số thuế thu được trong một năm dưới chế độ thực dân Pháp. Tất cả được gom cả vào bao tải đem về để tạm ở nơi làm việc. Rồi khi Pháp gây hấn trở lại, số vàng được bí mật chuyển ngay, ban đầu để ở Bản Thi sau cuộc quân Pháp tấn công lên Việt Bắc thu - đông năm 1947 thì đưa lên đây. Của quý từ bao tải san cả ra mấy cái hòm thiếc, có nắp đậy mà không có khoá, chỉ đánh số rồi dán giấy niêm phong thôi. Cũng muốn có khoá cho chắc đấy, nhưng đã lùng khắp Bắc Kạn, Tuyên Quang, Phú Thọ cũng chẳng gặp mẹt bán khoá nào cả.

- Vẫn phải kiểm kê, tịnh kho định kỳ chứ? - Ông Kim hỏi.

- Đương nhiên rồi - Ông Lương cười - Có lần đích thân huynh trưởng Tạ Quang Bửu đến kiểm tra, còn thường xuyên ba tháng một lần anh Minh chánh văn phòng Bộ trực tiếp kiểm. Bọc nhỏ chúng mình cân bằng cân tiểu li, còn cả túm lớn phải dùng cân lợn. Cân xong, ký vào giấy trình lên thủ trưởng Bộ duyệt.

- Có khi nào thụt két không?

- Sai số thì có tí ti, là do mỏi mắt nhìn không thật ngang cân. Tóm lại, ngân khố quốc gia không suy chuyển một li một lai nào.

Rồi ông Lương xuất kho, tất cả đều là vàng lá nhãn sư tử được cho cả vào một bao vải nhỏ, tổng cộng mười tám kí lô...

Anh trạm trưởng cho gọi hai người vệ binh lên nhận nhiệm vụ đi áp tải chuyến hàng. Anh giới thiệu tên từng người: Nguyễn Văn Bình người Từ Sơn, Bắc Ninh; Lèng Cảnh, dân tộc Tày người Bắc Kạn. Đến khi bàn bạc, cắt cử ông Nhị Nguyễn định chia đều số vàng thành ba phần cho dễ mang, mỗi người một gói bỏ ba lô, thì trạm trưởng can thiệp ngay:

- Không được! Trách nhiệm đã rõ ràng. Tiền vàng là cấp trên giao phó trực tiếp cho đồng chí. Tôi cử hai chiến sĩ cùng đi là để bảo vệ vòng ngoài số vàng đó. Tập trung một người giữ, khả năng bị mất, bị rơi vào tay địch ít hơn, lại luôn có hai người hợp sức bảo vệ sẽ an toàn hơn.

Qua đất Sốp Sang, xuống thấp dần, thông lá kim cũng thưa dần nhường chỗ cho nhiều loài cây lá rộng của rừng mưa nhiệt đới. Ba người lính lại chui vào một khu rừng còn rậm rịt hơn cả rừng trên đất ta bữa trước. Cây ken như thành luỹ, tịnh không vết dao hay vết rìu của con người, chốc chốc lại gặp những cây cổ thụ gốc bốn, năm người ôm không xuể. Cắm cúi bước trên thảm lá hoai mục tích luỹ hàng bao thế kỷ dầy hàng mét, bồng bềnh như lò so. Chốc chốc lại thấp thoáng phía trước, không nai, hươu thì sơn dương, gấu, báo. Cọp chưa thấy lộ diện, Bình bảo, xuống thấp nữa mới hay gặp. Sóc thì nhiều vô kể, cứ chuyền cành rào rào trên đầu chào đón kẻ lạ mặt vào vương quốc của nó. Có con nai từ đâu đến, có lẽ đây là lần đầu tiên giáp mặt người, không biết là “loài” gì, nó ngó nghiêng giây lát bằng đôi mắt to mọng nước rồi lững thững bỏ đi. Kỷ luật trên đường là không được bắn thú, chỉ bắn khi thật nguy cấp. Nhưng thật oái ăm, quật đổ con người lại không phải con thú có sức mạnh đáng sợ như cọp, gấu mà là một loài bé tí ti, di nhẹ đủ tan, đó là muỗi rừng. Trong ba người, Nguyễn Như Kim dân thị thành, da dẻ trắng mịn, hễ ngồi nghỉ là muỗi vo ve bu lại, chỉ vài mũi châm chích cũng đủ để lây nhiễm căn bệnh nguy nhất đối với những người dưới xuôi lên rừng, là sốt rét ngã nước.

Cứ đến chiều là ông Kim lại ngây ngấy sốt. Giờ gục giữa chốn rừng hoang thế này là hỏng mọi chuyện. Nỗi lo trọng bệnh ám vào cả ba người trên đường. Rồi biết trước cũng chẳng tránh được, kẻ “thơm thịt” bị lên thớt trước. Ông Kim không còn ngây ngấy sốt nữa, mà là sốt cao. Trong người ông, lúc hầm hập như lò than, lúc lại rét run như rơi vào bể băng. Sờ tay lên trán bỏng rẫy. Mồ hôi toá đầm đìa sống lưng. Phải dừng, tìm một chỗ thoáng rộng, chất củi, đốt đống lửa to. Cảnh bảo Bình, ngày bé ở nhà, mẹ mình vẫn vào rừng tìm thuốc nam, có cây sốt rét, nhưng mình lại chẳng biết mặt mũi nó thế nào. Bình bảo, biết mặt cây thì chắc gì đây đã có, mình hỏi thật nhé, cậu đã nghĩ đến chuyện nếu anh ấy “tịch” thì phải làm sao? Phủi phui cái mồm cậu! Cảnh vội kêu lên. Ông Nguyễn Như Kim ngồi ôm gối tựa gốc cây làm cái cây cũng rung rinh theo nhịp hàm răng va lập cập, dù sao ông vẫn nghe được loáng thoáng câu chuyện của hai người. Cảnh đến bên ông, khom lưng định cõng, ông bảo lấy cho cái gậy, tự chống đi được. Nhưng vừa mới chệnh choạc được vài bước, ông sa sẩm mặt mày ngã bệt, chân tay chổng cả lên trời. Mắt ông bỗng trợn ngược, sùi bọt mép, rên hừ hừ cấp tập. Bình hoảng, nâng đầu, còn Cảnh vội trải đống lá khô, sau đó hai người xốc ông nằm cạnh đống lửa. Nước! Nước! Ông Kim tu sạch mấy bi đông mang theo. Tiếng rên của ông mỗi lúc một to, làm các chú sóc đang ngó nghiêng trên đầu trốn mất tăm. Ông vẫn ý thức, không được rền rẫm tỏ ra yếu đuối, nhưng răng càng cắn chặt thì cái nóng, cái rét trong người càng tìm cách cậy bật hàm răng cho xả bớt “lửa” đang bào xé ruột gan. Lèng Cảnh nhìn ông Kim vật vã trên đống lá, thừ người giây lát chẳng biết nên làm gì. Rồi anh cầm ống nứa ngộ đến khe đá hứng nước. Bỗng nhiên trong đầu anh vụt nẩy ra một ý nghĩ. Để ống nước lên bếp đun, anh liền vớ con dao quắm đi quanh, gặp lá gì cũng ngắt đưa lên miệng nhấm, còn đẽo cả vỏ cây, chặt đoạn dây leo cũng đều đưa lên mồm nhấm nháp. Thấy lạ, Bình hỏi.

- Mình xem thứ nào có vị đắng - Lèng nói - thuốc ký ninh chẳng đắng như mật công đấy thôi. Sốt rét sợ cái đắng mà. Cứ cho anh ấy giã thứ đắng, may ra...

- Cẩn thận kẻo ăn phải lá ngón thì chôn luôn đấy. Bình nhắc.

- Lá ngón mình biết - Nói rồi Lèng ngắt một nhánh cây dưới chân có lá giống như lá cây rau ngót vẫn trồng ở vườn nhà cho Bình xem - ăn hết ngần này là đủ nghẻo cả ba ta rồi.

Một loáng “lang băm” Lèng đã có được mớ các loại lá lẩu, vỏ, dây leo nhựa tươi trắng như sữa chảy ròng ròng, anh bảo mọi thứ đều đắng rụt lưỡi. Tình thế lúc này là vô vọng. Thêm cơn sốt cao nữa, phát cuồng là ông Kim đi. Thôi thì, cứ nhắm mắt liều một phen! Lèng phạt mấy ống nứa, chọn loại to như cổ chân, chia đều các thứ đắng vào các lóng nứa, đổ nước, đặt trên đống lửa đang cháy đượm. Chẳng mấy chốc các ống đã sôi sùng sục. Lèng đổ nước ra ca, thứ nước mầu xanh đen, sóng sánh bốc mùi hăng hắc. Chờ một lát nước nguội dần, anh ngửa cổ uống liền một hơi và bảo với người ốm:

- Độc em chết trước.

Toàn thân ông Kim bải hoải, đầu nặng chân nhẹ, chỉ còn hiểu lờ mờ việc Lèng Cảnh vừa làm. Cái chết cận kề rồi! Câu mà Bình hỏi Cảnh lúc nãy ông nghe được làm ông như sực tỉnh trước một sự thật nghiệt ngã sắp xảy đến. Phải chuẩn bị trước tinh thần cho các cậu ấy. Ông liền vẫy tay ra hiệu cho hai bạn đường đến gần, thều thào:

- Tôi mà chết. Hai cậu mang số vàng này trở về Đô Lương giao cho...

Chưa nói hết câu, mồm ông đã cứng đơ. Lèng Cảnh bỗng hét vào tai ông:

- Em chưa chết, anh chưa chết được!

Nói rồi Lèng liền bưng ca thuốc đầy, vực ông Kim ngồi dậy uống. Vừa chạm đầu lưỡi, lợm giọng không thể tả, đắng ngắt. Đến tận cùng cái đắng. Nhưng ăn nhằm gì với cái khát, cái chết. Ông Kim nhắm mắt và cứ để thứ nước gọi là thuốc đó trôi tuột cả vào ruột gan hệt như có ca nước lạnh đổ xèo vào đống than hồng. Ực tiếp ca nữa. Xong, ông nằm vật, co quắp. Hừ hừ rên.

Bỗng chốc, từ trên trời như đổ ập thứ mực đen kịt xuống khu rừng. Trong tối bưng, ánh sáng lân tinh lạnh lẽo kết thành từng mảng xanh lè cạnh chỗ ba người, đó là khi tầng hoai mục trên mặt đất “bật điện”, tỏa một thứ ánh sáng xanh lét lạnh lẽo. Đom đóm cũng từ đâu túa ra từng đàn góp vào phần rùng rợn, bí hiểm của rừng nguyên thuỷ. May sao còn có ngọn lửa làm bầu bạn. Ngọn lửa phần phật toả sáng, toả nóng, phát ra âm thanh tí tách vui vui, đủ làm tan đi một phần khối đen đặc quánh cùng cái giá buốt của sương núi bịt bùng vây bủa, cũng đủ làm mãnh thú cùng rắn rết hoảng hồn mà lánh xa.

Như những lần ngủ rừng trước, thường là Bình canh chừng, tựa lưng vào gốc cây tay không rời khẩu súng. Nhưng đến nửa đêm các giác quan đều đã quá tải, anh nghẹo đầu vào khẩu súng, ngủ vùi. Chỉ còn Lèng Cảnh tỉnh, mắt chong chong. Chốc chốc anh lấy khăn mặt ướt đắp lên vùng trán bỏng rẫy của người bệnh. Cái khăn bốc khói ngùn ngụt, khô rất nhanh. Anh còn cho ít xôi nếp vào ống nứa ngộ, đổ nhiều nước nấu thành cháo. Nửa đêm anh đỡ ông Kim dậy, cho uống lần nữa hết ca “thuốc hú hoạ”. Và phải cố lắm anh mới cho ông nuốt thêm được ít cháo loãng.

Thời gian chậm chạp trôi. Thần chết dường như đã trồi lên từ âm tào địa phủ. Lèng Cảnh nhìn đồng hồ trên tay ông Kim, đã năm giờ sáng. Anh bỗng giật mình, không tin vào xúc giác ngón tay: trán bệnh nhân đã mát hẳn! Chàng “lang băm” sờ đi sờ lại thêm mấy lần nữa. Cơn sốt lui thật rồi sao? Sáng ra, ông Kim nằm còng queo bên bếp tàn than, nhưng không còn vật vã, tiếng rền rẫm cũng nhỏ dần, tắt hẳn. Bình đã tỉnh ngủ, vươn vai đứng dậy. Nghe Cảnh bảo, anh vội vàng sờ lên trán ông Kim. Quả cơn sốt lui thật rồi! Bình bỗng bật ra tiếng cười to, cười hết cỡ, cái cười làm khuôn mặt cau có, ủ dột mấy ngày qua tươi tỉnh lạ thường. Và anh nhìn thầy lang bất đắc dĩ gật gật đầu với ánh mắt kiêng nể:

- Chịu cậu!

Ông Nguyễn Như Kim từ từ mở mắt và mấp máy đôi môi bạc phếch nứt nẻ, ông muốn nói mà không thể nhếch được mép. Đang có sự nhẹ nhõm trong lục phủ ngũ tạng mình đấy các cậu ơi! Lèng Cảnh liền nấu ống nước thuốc nữa, cho ông uống tiếp. Ba người ở thêm một ngày đêm nữa. Ông Kim đã gượng dậy được, tỉnh táo hơn. Phải mau chóng xuống núi. Hai vệ binh thay nhau cõng ông Kim, dò dẫm từng bước. Mất một ngày cật họ mới đến được một bản bên bìa rừng. Đó là bản của người Lào Thơng. May nữa là trong bản có một ông lang già. Xem lại các loại lá lẩu, vỏ, thân cây mà “lang trẻ” Lèng Cảnh thu hái, ông nhận mặt được ngay trong số đó có một vị thuốc thuộc loại đầu bảng trị bệnh sốt rét, tên Lào là khua cao ho. À, cái cây khua cao ho này, Lèng nhớ ngay, vỏ xù xì, lá to như lá trầu không, thân chỉ nhỏ bằng ngón tay là loài dây leo bám, lúc đó anh cố dứt được một đoạn khá dài khi đã có cả mớ lá lẩu, vỏ đắng khác. Khua cao ho không đắng bằng các loại kia, chỉ nhằng nhặng đắng thôi. Ai ngờ nó lại là đầu vị, nó lại là cứu tinh! Vậy thì điều may mắn đến với ông Kim từ sự dứt cố được một đoạn dây leo ấy, tình huống ngẫu nhiên có lẽ là tình huống độc nhất vô nhị trên thế gian này, nếu không ông Kim đã vùi xác ở rừng già Tây Trường Sơn rồi. Lang “thật” biết chuyện, có lời khen lang “giả” mát tay và gặp may. Nửa tháng chữa trị, ngoài thuốc bệnh còn có thuốc bổ nâng đỡ tì vị khí huyết, bà con trong bản còn ủng hộ thịt, rau quả bồi dưỡng, ông Nguyễn Như Kim dần hồi phục, chống gậy đi lại được. Ngày lên đường, ông đeo thử cái ba lô vàng, bỗng thấy đầu gối bủn rủn, như có ai kéo ngửa về phía sau. Giờ với ông khối vàng trở thành khối đá nặng hàng tạ. Ông soi gương, giật mình như thấy một người khác: má hóp, da xanh lớt, mắt vàng khè, môi thâm xì. Bình liền sốt sắng đeo hộ ba lô vàng.

- Đến bản Pu Loong, ta cứ tránh đường mòn, cắt rừng mà đi. Ngủ trong rừng an toàn hơn. Bình nói với ông Kim. Thế là ba người bỏ đường mòn, rẽ vào rừng rậm, nhắm hướng mặt trời lặn. Đã lâu lắm ông Kim mới được nhìn cảnh hoàng hôn như thế. Hoàng hôn trên đất bạn cũng chẳng khác hoàng hôn trên đất ta, song thường ngày tất bật, mấy ai đã có thì giờ chỉ để chờ ngắm một cảnh tượng ngoạn mục như thế của trời đất. Mãi đến chiều tối ba người mới tới được bản Pu Loong. Một khi đã vào sâu vùng đất lạ, nhan nhản đồn bốt, thì sự cảnh giác vừa rồi của ba người lính cũng chẳng phải là thừa. Và thật trớ trêu, ngay sau đó ông Kim lại chưa học được bài học cảnh giác với chính đồng đội của mình.

Chuyện đáng tiếc ấy đã xảy ra tại Pu Loong, trước khi đi chặng cuối cùng đến biên giới Lào - Thái. Một nhánh thượng nguồn của con sông cái Nậm Ca Đinh chảy qua, gần như ôm trọn Pu Loong, tạo cho nó một địa lợi mà không một nơi nào ở Trung Lào có được. Cấp trên đã cho phép mang dư ra một ít vàng lẻ để đổi tiền kíp Lào, mua những vật dụng cần thiết dọc đường. Hai người bạn đường trẻ tuổi của ông thì đều lạ lẫm với phố phường đã đành, còn mắt tròn mắt dẹt khi biết vàng lại có thể đổi được nhiều tiền giấy đến thế! Lèng Cảnh đầu quân từ một xóm núi heo hút ở Chợ Đồn, Bắc Kạn, ngày đó anh chưa hề biết mặt đồng tiền, khi về trạm Đô Lương mọi thứ sinh hoạt đều được cấp phát hiện vật. Còn Nguyễn Văn Bình đầu năm 1947 đang chăn vịt ngoài đồng, nghe nói có Việt Minh đến xã, liền bỏ vịt đấy chạy về nằn nì xin bằng được anh chỉ huy cho đầu quân. Hai năm qua là vệ binh, anh ta chỉ có nhiệm vụ đi bảo vệ các đoàn khách, giống như Lèng Cảnh, mọi chi phí hàng ngày đã có trạm lo. Hai người theo ông Kim đến cửa hàng vàng, đổi được một bọc tiền to, mua được khối thứ, vẫn dư giả cho đoạn sắp tới. Bình còn mượn lại ông Kim lai vàng lẻ để xem kỹ, anh ta cứ mân mê, xoay dọc xoay ngang lai vàng.

Mới sống có vài tháng với Lèng Cảnh, ông Kim chợt nhận ra cái bản năng của cậu ta thật mạnh, thật lạ. Chợt Lèng Cảnh đẩy mạnh cửa đi vào nói với ông Kim:

- Em thấy từ sáng nét mặt anh Bình khang khác.

- Khác là thế nào? Ông Kim hỏi lại - Mình thì thấy cậu ta vẫn như thường.

- Khác là khác, thế thôi! Em không biết cách nói cho anh hiểu đâu. Anh xem lại bọc vàng đi.

Ông Kim giật thót, vội cúi xuống lôi cái ba lô giấu dưới gầm giường ra. Mười tám cân vàng được cho vào một bao vải thô miệng có dây thắt nút, toàn bộ bao lại được đặt trong một cái hộp các tông hình chữ nhật, dán giấy kín xung quanh, bên ngoài hộp còn bọc một lớp ni lông. Vừa mở hộp, ông Kim nhận ra ngay có chỗ giấy dán bị rách, dù đã được cố ý phết lại bằng hồ. Ông thực sự choáng. Đúng lúc đó Lèng Cảnh cầm tay lôi sềnh sệch Nguyễn Văn Bình từ nhà ngoài vào, ngồi đối diện với ông. Mặt Bình bỗng xám ngoét, chân tay run rẩy khi nhìn thấy cái hộp vàng. Không cần tra hỏi, anh ta đã cúi đầu thú nhận luôn:

- Em lấy mười lai vàng. Em không đấu tranh tư tưởng được. Xin anh...

- Đồ tồi! Lèng Cảnh bỗng nổi xung túm ngay cổ áo Bình định nện, ông Kim vội ngăn, quay sang mắt nhìn thẳng vào Bình nghiêm giọng:

- Nộp!

Bình vội móc trong túi áo ngực một bọc giấy nhỏ đặt trước mặt. Ông mở ra, còn đủ mười lai.

- Sao đồng chí làm vậy? Ông Kim nghiêm giọng hỏi.

- Em định để lúc về, qua đây mua ít thuốc tây, quần áo gửi cho bố mẹ già ở Từ Sơn. Bố mẹ em ốm yếu lắm.

Bỗng Bình oà khóc nức nở như đứa trẻ, ông Kim không nói thêm câu nào nữa. Chợt có tiếng con gái eo éo trước cửa nhà, Lèng Cảnh dỏng tai, rồi gãi đầu bảo ông Nhị Nguyễn:

- Anh giải quyết nốt, em ra xem sao.

Việc hệ trọng thế này mà cậu ta cũng cho qua chỉ vì mấy đứa con gái, ông ấn cậu ta ngồi lại, bảo:

- Đã xong đâu!

Lèng lại ngồi ngay thuỗn. Ông bảo anh ta giúp một tay, cẩn thận mở miệng túi cho mười lai vàng vào. Khi nhét ba lô trở lại gầm giường, Lèng còn giơ nắm đấm trước Bình, gằn từng tiếng:

- Mày còn tơ tưởng đến vàng, liệu hồn! Nói rồi cậu ta định co cẳng chuồn. Ông Kim kéo lại bảo:

- Cậu phải cùng đi với Bình ra chợ. Nói rồi ông mở túi ngực lấy ít tiền kíp đưa Bình, nói:

- Cầm ra chợ tiêu vặt. Mọi chuyện cho qua!

Những ngày ở bản Pu Loong, hễ ra ngoài Bình cắm mặt xuống đất, không dám nhìn ai. Lúc lên đường, anh ta nhất định đòi đổi ba lô vàng để Lèng Cảnh khoác, bảo mình không xứng đáng được khoác nó nữa.

Lúc đi, hai anh vệ binh phải để súng lại, họ cùng ông Kim sang Thái thăm người nhà và dưỡng bệnh. Đến bến, ba người nhanh chóng thuê được một cái thuyền gỗ có mui, chủ thuyền là một người Lào, sõi tiếng Việt. Cuối mùa lũ, dòng Nậm Ca Đinh cũng như những dòng sông Việt vẫn đỏ lừ phù sa. Đến khi trời vừa hửng sáng, chủ thuyền nhác thấy trên bờ có toán lính đi tuần, súng khoác vai. Bỗng chúng tất tả chạy ra sát mép sông, một tên hướng mặt về phía thuyền cầm cờ hiệu vẫy vẫy, còn hai tên đều làm động tác giương súng tỏ ý sẵn sàng bắn. Chủ thuyền bảo ông Kim, nó đòi vào bờ kiểm tra. Ông Kim lo lắng nhìn ba lô vàng để trên sạp, bỗng nảy ra một quyết định, ông bảo chủ thuyền:

- Anh cho một đoạn dây để dòng cái ba lô này xuống sông. Nó phát hiện được là rất nguy.

Mặt chủ thuyền biến sắc. Lúc nhận chở, ông ta cũng chỉ lờ mờ biết đoàn sang Thái chỉ là thăm người nhà, giờ nếu phát hiện trong ba lô kia có đồ quốc cấm, thì khách bị bắt mà chủ thuyền cũng vạ lây. Thuyền cặp bến. Một tên lính cầm súng đứng canh trên bờ, hai tên nhẩy lên làm thuyền hơi chòng chành. Tên đội trưởng hỏi chủ thuyền bằng tiếng Lào, chúng quay sang nhìn ba người, bắt xuất trình giấy tờ. Cơ sở của ta ở bản Pu Loong đã làm cho mỗi người một giấy tuỳ thân, là Việt kiều sang Nong Khai, Thái Lan thăm người nhà và chữa bệnh. Chúng lại kiểm tra hành lý, còn bắt chủ thuyền lật cả ván dưới lòng thuyền lên. Tên đội trưởng nhìn ba lô, nhìn ông Kim, giơ hai ngón tay, có ý hỏi ba người sao có hai ba lô? Ông Kim sắc mặt không đổi, bảo với chủ thuyền dịch cho nó hiểu, ông mới ốm dậy sang Thái vừa để chữa bệnh, đồ đạc tư trang không có gì nhiều, chia ra cho hai người em đây mang giúp. Đội trưởng chăm chú nhìn tên lính giở từng thứ trong cả hai ba lô, toàn quần áo, đồ dùng sinh hoạt cùng một ít thuốc sốt rét. Hai tên lơ láo nhìn quanh một hồi, trả lại giấy tờ rồi nhẩy tót lên bờ. Mọi người trên thuyền đều thở phào.

Ông Kim nói với chủ thuyền:

- Từ đây đến biên giới còn nhiều trạm. Nếu cứ đi kiểu này thì rất mạo hiểm. Phải tìm cách khác.

Chủ thuyền ngẫm ngợi giây lát rồi bảo:

- Thuyền to, đi chậm dễ bị phát hiện. Nếu thuê thuyền độc mộc, đi nhanh lại ít động nước. Ngày nghỉ, đêm đi. Những nơi có bốt canh tôi biết cả, trù tính vượt qua vào lúc nửa đêm lính canh lơi lỏng kiểm soát.

Ông Kim gật đầu ngay. Thế rồi ba người lính thêm một tuần sống trong sự chòng chành, im hơi bặt tiếng trên con thuyền độc mộc. Có mấy đoạn phải ém lại khá lâu trong lùm cây, vì thấy từ xa bốt địch rà đèn pha loang loáng trên mặt nước, phải chờ lúc gần sáng chúng lơi lỏng mới vụt qua được.

Một đêm trăng hạ huyền. Nước mênh mang. Hơi sương bốc nghi ngút. Con thuyền độc mộc như mũi tên lao vút qua ngã ba sông Nậm Ca Đinh - Mê Kông cắm phập vào đất Thái. Đã nghe tiếng lạo xạo dưới đáy thuyền. Vậy là trót lọt rồi! Tất cả cùng nhảy ào lên bãi cạn.

Ba người lính nép sát vào nhau. Ông Nguyễn Như Kim khoác ba lô vàng, cảm thấy mí mắt nặng trĩu như sắp rơi lệ và ôm lấy Lèng Cảnh, thủ thỉ vào tai anh:

- Về nước rồi cố học cho hết tiểu học em nhé. Bộ đội văn hoá thấp quá không tiến bộ được đâu. Mà em thông minh lắm. Cho gửi lời thăm cô bạn gái Pen Ni nhé.

Không ngờ anh chàng Lèng lại mau nước mắt, cứ thổn thức, vài giọt nước mắt nhỏ xuống bờ vai ông.

- Kháng chiến thành công em và Pen Ni về Hà Nội tìm anh nhé...

Ông Kim lại ôm Bình từ biệt. Anh chàng quê Từ Sơn tỏ ra lúng túng mãi sau mới thì thào vào tai ông:

- Anh tha lỗi cho em chứ?

- Cho qua lâu rồi mà. Ai chẳng có lúc mắc khuyết điểm. Trên đường về, nhớ đừng để Cảnh sa vào chuyện gái gú đấy nhá.

- Anh tha lỗi cho Bình thật chứ? Bình gặng lần nữa. Khổ cho cậu ấy, lương tâm còn cắn dứt khôn nguôi. Rồi ông Kim mở túi áo ngực lấy ra cả xấp tiền kíp đưa cho Bình, nói:

- Đây là số tiền cấp trên cho phép tiêu dọc đường, còn lại ngần này. Hai cậu về bản Pu Loong mua thuốc tây và quần áo làm quà cho bố mẹ. Mình sang đây có chỗ nương nhờ không cần dùng nhiều tiền.

Khi đã tìm đến được cơ sở của ta trên đất Thái Lan, ông Nguyễn Như Kim trao đầy đủ số vàng, cùng việc viết ra giấy những thứ linh kiện, vật tư, thiết bị cần mua mà ông vẫn nhớ như in trong óc. Ông không quên đếm những mẩu cây vẫn ngắt trên đường để vào túi áo mỗi ngày. Cả thảy một trăm bảy ba mẩu, tức là đoàn vượt Trường Sơn xuyên bán đảo Đông Dương mất gần nửa năm.

Phạm Quang Đẩu | Báo Văn nghệ

--------------------

(*) Kỹ sư Nguyễn Như Kim (1922-2008) nguyên Viện trưởng Viện Thông tin KHKT, Ủy ban KHKT Nhà nước vào những thập niên cuối 1980 đầu 1990; Tham gia cách mạng từ năm 1945.

Muối của rừng - Truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp Chuyện phố. Truyện ngắn của tác giả Phan Tấn Linh Hòn cuội - Truyện ngắn của Hữu Vi Bụi tóc tiên - truyện ngắn của Cấn Vân Khánh Một chiều dông gió - Truyện ngắn của nhà văn Ma Văn Kháng
Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Baovannghe.vn - Đọc truyện: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Trong số các nhà văn nữ Việt Nam đương đại, nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, là cây bút văn xuôi có nội lực sung mãn. Chị là tác giả của nhiều truyện ngắn hay, ghi dấu trong lòng bạn đọc mà “Nhà Thánh” - giải nhất Cuộc thi truyện ngắn Lửa mới 2018-2019 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức là một minh chứng tiêu biểu.
Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Baovannghe.vn - Bà ngoại chỉ nói: "Đừng thúc ép gì nhiều. Phải tội. Đời người bạc, phận mỏng, biết sao được số trời. Mày làm thế không sợ chuốc khổ cho con bé".
Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4  trên khu vực trung Lào

Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4 trên khu vực trung Lào

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, sáng sớm nay (19/9), áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành bão - cơn bão số 4 năm 2024.