Sáng tác

Cái hom giỏ - Truyện ngắn của nhà văn Vũ Thị Thường

Nhà văn Vũ Thị Thường
Danh tác văn học
12:05 | 20/07/2024
Góc sân đằng kia, một anh con trai ngồi quay lưng vào trong nhà, đang hí hoáy đan nốt cái hom giỏ, trước mặt là một nắm nan vót nhỏ, vàng nuột nhẵn nhụi. Từng sợi nan theo ngón tay khéo léo của anh ta đan đi đan lại nhanh thoăn thoắt.
aa

Về chiều nắng đã nhạt dần, chỉ còn vương lại trên mặt sân đất phẳng một vài vệt sáng vàng mờ. Trên một góc sân, những lượm lúa mới gặt về chưa kịp đập còn xếp ngổn ngang từng đống. Một hương vị ngọt ngào như hương cốm bốc lên từ rơm mới, cái hương vị đặc biệt của ngày mùa.

Góc sân đằng kia, một anh con trai ngồi quay lưng vào trong nhà, đang hí hoáy đan nốt cái hom giỏ, trước mặt là một nắm nan vót nhỏ, vàng nuột nhẵn nhụi. Từng sợi nan theo ngón tay khéo léo của anh ta đan đi đan lại nhanh thoăn thoắt.

Cánh cổng tre kẹt mở. Một cô gái bước vào, tay cắp nón, tay cầm liềm và một nắm lúa nếp đang xanh. Cô gái giống anh con trai: cũng khuôn mặt hơi dài, cũng cái mũi thẳng dọc với nước da bánh mật, cặp môi nhỏ và đôi mắt đen hơi xếch. Cô gái giơ nắm lúa nếp lê, cười khoe.

- Anh Thân này! Em lấy mấy bông về, tối giã cốm ăn.

Thân ngẩng lên:

- Cô Tuất có ra thăm mảnh ruộng nếp bên Cồn không?

- Em vừa ở đấy về đây.

- Hôm nào gặt được?

- Còn lâu. Ít nhất phải nửa tháng nữa. Đây, lúa nhà còn xanh thế này cơ mà.

Tuất đi lại bên anh, dí dỏm:

- Anh đan hom giỏ cho chị Thắm đấy à? Gớm, ngày mùa cũng giở ra đan, chăm chỉ nhỉ?

Nhưng Tuất đã bậu môi lại:

- Anh này! Lúc nãy em vừa gặp chị ấy, con đi trước, bố đi sau. Lạ quá! Chị ấy lại cố ý lánh mặt em đi hay sao ấy. Lúc đi ngang qua, chị ấy cừ gằm mặt xuống. Mà cái ông Xanh - bố chị ta mới đáng ghét làm sao! Ông ta cứ làu bàu, chả hiểu chửi con ông hay chửi em không biết?

Thân ngẩng lên nhìn em nhăn nhở:

- Sao cô cứ đi nhặt chuyện ở đâu về thế? Kệ người ta.

Câu nói đã bay đi nhưng dường như còn đọng lại trên đầu lưỡi Thân một vị gì cay đắng. Thân lại cúi xuống đan, nhưng mười đầu ngón tay đờ đẫn như tê, như dại.

*

Việc Thân yêu Thắm, sắp lấy Thắm, cả cái làng này ai mà không biết. Hai đứa biết nhau từ thuở còn lê la nghịch đất, còn tranh nhau từng cái kẹo vừng, từng miếng bánh đa, và cùng lớn lên trong cái xóm nhỏ ven sông này. Thân hơn Thắm hai tuổi, được vào Đoàn thanh niên Lao động trước Thắm ba năm, đến khi Thắm được là đoàn viên thì Thân đã là chấp hành chi đoàn, phụ trách ngay phân đoàn có Thắm. Tình yêu hai người cứ theo tuổi đời lớn dần lên, đến với họ lúc nào không biết.

Nhưng ngay từ những ngày đầu, họ đã vấp phải một trở lực lớn, đó là ông Xanh. Dạo ấy, ông ta còn “cay” cái món anh giáo Hoán ở trường cấp hai trên huyện. Chả vì anh ta là người chữ nghĩa giỏi giang, nhà cửa ông bà trên ấy lại trung nông cứng - nhà cấy ngót ba mẫu ruộng, bà ta lại có gánh hàng tấm, cái loại nông bán thương ấy, phải biết là lắm tiền. Hôm ông lên chơi thăm thú, trông cái nhà năm gian mới xây, gỗ ngói còn tươi roi rói đã đủ thích mắt rồi. Ông ở lại chơi một ngày thì bữa nào cũng thịt cá đầy mâm, rượu nhà nấu uống tha hồ; khi ra về, người ta còn đưa chân nào tiền xe, nào chim câu, quà cáp đủ thứ. Nhìn cơ ngơi như vậy, ông đã chắc mẩm phen này ông sẽ cho cả cái làng Hạ của ông biết tay. Đừng tưởng ông kém cỏi gì, ông “chơi trèo” hẳn với những người như thế đấy. Vả lại, đã từ lâu ông vẫn đinh ninh: ông có năm, có bảy gì cho cam, có một mụn con gái - con ông lại làm giỏi, nết na, về hình thức, cả cái xã này mấy cô ăn đứt, cứ bằng ấy điểm là cũng đủ cho ông cái quyền lựa chọn gả bán thế nào cho ra trò một tý. Con ông mà lấy chồng, xẻn ra cũng phải mươi mười lăm mâm thết đãi bà con trong họ ngoài làng, chứ làm lèm nhèm theo kiểu đời sống mới, ngay đến bố mẹ rứt ruột đẻ ra nuôi con lớn cũng chỉ được ngụm nước với điếu thuốc lá nhạt phèo, cái kiểu ấy ông chán hoét.

Còn đối với Thân thì sao? Kể ra Thân cũng là anh con trai tốt nết, hay làm. Chữ nghĩa tuy chẳng được bằng anh giáo Hoán nhưng Thân cũng miệng đọc tay viết, lại là chấp hành thanh niên, hai đứa lấy nhau cũng là vừa đôi phải lứa. Về mặt “kinh tế”, ông cũng cân nhắc kỹ lắm, nhà người ta mấy lao động chính, làm khỏe như thần đồng, mùa nào lúa cũng vào loại tốt nhất trong làng, con ông có về đằng ấy cũng chẳng lo đói. Nhưng có điều mà ông Xanh không ưng ý nhất là giữa hai ông - ông và ông Thìn - còn nhiều điểm không hợp. Ngày xưa, thuở hai ông còn đương trai, đi sang Đông, lên Bắc gặt hái, làm nghề đều có nhau. Lúc loạn lạc tản cư cũng có nhau, thân thiết như anh em một nhà. Nhưng từ cái ngày có tổ đổi công, thì giữa hai ông bắt đầu nảy ra lắm xích mích. Có bận giữa cuộc họp có anh cán bộ tỉnh về dự, ông Thìn cũng chẳng nề gì mặt nhau, đè ra phê bình gay gắt, để ông mắc cái tiếng với dân làng là lạc hậu, là bảo thủ, là tự tư tự lợi. Từ đó tình hai người cứ nhạt dần đi, tuy ông Thìn trông thấy ông đâu cũng tay bắt mặt mừng, song ông cứ nghĩ đến chuyện cũ, lại thấy tức tối đầy vơi; có bận say rượu, ông lè nhè nói bâng quơ một mình: “Miếng ngon nhớ lâu, đòn đau nhớ đời, có phải không ạ? Ấy thế mà người ta nói tôi như vậy, thì có khác gì chửi đâu ạ? Đau lắm chứ! Ngày xưa bạn như Lưu Bình, Dương Lễ chứ như bây giờ ấy à? Bây giờ thì ra hỏng ráo, hỏng ráo!” Ấy, chỉ mượn hơi rượu nói ra một tý cho hả, chứ ông cũng chẳng than thở được với ai, vì ở ngoài thì ai cũng bảo ông Thìn đúng, chứ có ai biết cái nỗi bất bình của ông?

Nhưng cuối cùng, ông đành phải hậm hực chịu cho Thắm nhận lấy lời Thân. Ông phải nhượng bộ, chính vì lẽ: bà Xanh mất đi khi Thắm mới lên mười tuổi đầu, có một mình nó, ông phải chiều, tuy có những việc bố con chẳng hợp ý nhau tý nào, và cũng có những lúc rượu vào, chiều thì chiều thật, ông vẫn chửi con ông ra phết. Vả lại, con ông nói cũng có lý: bố có một mình con, gả chồng gần không gả, gả đi xa, lúc bố già, bố ốm, lấy ai là người chăm sóc sớm hôm? Thế là tham giàu chẳng thấy đâu, hãy mất con cái đã. Nghĩ nỗi đường xa, ông đành chịu. Nhưng ông tiếc lắm, tiếc đứt ruột ra được, vì bỏ cái món anh giáo Hoán là ông phải bỏ cả cái mộng tưởng “làm cho làng Hạ biết tay”. Thôi, cung cách này lại đến cưới đời sống mới mất thôi, thật chán hoét!

Chuyện đến đấy tưởng đã xong xuôi, chỉ còn chờ dịp là hai nhà lo cười, thì...

... Đánh đùng một cái, cách đây bốn hôm tổ đổi công họp bàn xây dựng kế hoạch cấy chiêm. Ông Xanh vốn đã ức sẵn từ trước về chuyện chia mấy ngày trâu trong tổ, nên họp thì họp, ông chẳng thông với tổ một điểm nào. Mức cấy dày “hai mươi, mười”, ông bảo: “Cấy dày phải có nhiều phân mới tốt, tổ ta thế nào tôi không biết bố con tôi còn phải lo phân cho thuốc lào, khoai tây, phân có ít, tôi chỉ xin cấy với mức một gang rưỡi, thế là dày nhất rồi”. Tổ quyết định toàn tổ phải gieo thêm mạ, đảm bảo mỗi sào mạ tám sào lúa, ông vẫn có ý kiến ngược lại được: “Mọi năm còn lĩnh canh, nhà tôi chỉ gieo năm thước là đủ cấy một mẫu, năm nay tôi cấy có sáu sào chiêm, bằng ấy cũng thừa chán”. Rồi ông “lý luận”: “Bảo gieo mạ vào chân ruộng rạ, các cụ đã có câu ca Khoai ưa lạ, mạ ưa quen, rồi các ông xem, gieo vào đấy có mà cấy được, mạ lại không ra mạ ấy chứ”. Cả tổ bàn bạc rất kỹ với ông, ông cũng vẫn không thôi, cứ giữ nguyên ý kiến: “Cấy vừa phải thôi, thổ ngơi mỗi nơi mỗi khác chứ. Cấy một gang hai nhóm, phân ít có mà ăn rơm. Ruộng của tôi, tôi khắc lo, đói không ai cho đâu”. Nhiều anh thanh niên và cả những người nóng tính khác đã thấy khó chịu. Làm ăn có tổ, cả tổ đồng ý làm theo kỹ thuật mới, lại có người cứ đâm ngang, ai mà không bực. Nhất là tổ mình là tổ gương mẫu, nay mai tiến lên hợp tác xã nông nghiệp, chứ có phải chuyện chơi mà làm thế nào cũng được. Ông phó Phả cau đôi mày chổi xể lại, gắt với ông anh họ: “Người đếch gì mà bảo thủ. Thời buổi vệ tinh mà cứ còn dẫn lời các cụ. Các cụ xưa có câu đúng, có câu sai chứ”. Thân cũng không nhịn được nữa - ấy, giá không nể là bố vợ, cứ nước gàn như thế Thân đã phải nói từ lâu rồi - anh cố ghìm thái độ bực tức, hết sức từ tốn:

- Con đề nghị ông nên suy nghĩ. Đã đành là tự nguyện không ai ép nhưng ở trong tổ thì phải thi hành nghị quyết của tổ. Chả lẽ cả tổ cấy dày, cả thôn cấy dày mà ruộng của ông cấy thưa. Nỡ mai kia, nông dân xã khác người ta đến tham quan như mấy tháng trước thì trông sao tiện? Vả lại, mình cấy dày là lợi cho nhà mình trước đã.

Thân ngừng lại, nhìn Thắm:

- Vừa rồi chi đoàn thanh niên cũng có quyết nghị tất cả đoàn viên phải gương mẫu cày sâu, cấy dày, cho nên, dù ông không đồng ý, thì cô Thắm là đoàn viên, cô ấy phải làm bằng được.

Đến nước ấy, ông Xanh tức lắm, ông hùng hổ chỉ tay vào mặt Thân:

- Này anh Thân! Con Thắm nó chưa phải vợ anh, anh đừng có lấy cái quyền làm chồng bắt nó phải theo. Tôi không gieo thêm mạ, không cấy dày đấy, đố anh nào làm gì được tôi!

Bà Bảo - cô ruột Thân - ngồi đằng cuối chiếu vất cái bã trầu vào góc nhà, bấy giờ mới lên tiếng.

- Ai hơi đâu làm gì ông? Nhưng cứ thế thì không ai người ta muốn chung tổ với ông. Mọi người tiến bộ, lẫn một người cứ giữ khư khư lối cổ, bực lắm!

Càng như lửa cháy đổ dầu thêm, á! Thì ra hết cháu nói lại đến cô, họ khinh mình ra mặt rồi! Ông đứng bật lên, cao lênh khênh giữa chiếu:

- Thì tôi ra tổ, tôi thiết đếch gì. Vào thì cũng phải làm oằn xương ra. Tôi nói thật, tôi cũng chẳng thông gia, thông giáo gì với ông Thìn nữa. Anh Thân anh ấy giỏi, bố con tôi lạc hậu, không xứng đâu.

Dứt lời, ông ra thẳng. Vừa bước qua ngưỡng cửa, ông quay lại gầm lên:

- Thắm! Mày có về hay còn ngồi gan đấy thì mày bảo tao?

Thắm vừa sợ vừa xấu hổ, lí nhí xin phép hội nghị rồi lủi thủi ra về.

Còn Thân từ nãy lặng đi vì không ngờ câu chuyện biến chuyển nhanh đến thế, lại ngượng vì ông Xanh chụp cho mình cái tội “cậy quyền làm chồng Thắm”; bây giờ thấy Thắm không có thái độ gì tỏ ra phản đối sự gàn bướng của bố, cuối cùng lại nem nép bỏ cuộc họp về thì Thân giận lắm, anh chỉ muốn chạy theo nắm vai Thắm lôi lại để nói cho một trận bõ tức. Thế mà cũng đòi là đoàn viên thanh niên. Bố bảo thủ lạc hậu đã không dám đấu tranh, còn cúi đầu làm theo. Được, rồi xem cô ấy thực hiện nghị quyết của Đoàn thế nào? Và trong lúc nóng gáy ấy, Thân tặc lưỡi: thôi, chẳng gả thì thôi. Khỏi phải làm rể cái người lạc hậu, tức cứ như bò đá.

Nhưng sự đời đâu có đơn giản thế. Chỉ một lúc sau khi cơn bực đã dịu đi. Thân lại thấy thương Thắm. Sau chuyện này, hẳn Thắm khóc nhiều lắm. Thắm chả kể cho Thân nghe nhiều lần Thắm phải khóc lóc vì bố gàn dở là gì? Ừ! Có ở trong cảnh ấy mới biết là Thắm khổ, bố con phê bình nhau khó lắm chứ, đâu có dễ dàng.

Thân lại nghĩ vẩn vơ đến chuyện hai người. Ông Xanh nói thế, còn Thắm thì sao? Phải gặp xem ý Thắm thế nào? Bây giờ tự do kết hôn, nếu Thắm vẫn yêu Thân, thì ông Xanh tuy là bố đấy cũng vẫn chẳng ngăn cản được. Nhưng, cả hai hôm chờ đợi - mọi ngày họ thường gặp nhau ở bên nhà anh Cới, anh rể Thân - thì là cả hai ngày Thân hậm hực về không, Thắm không hề lai vãng, tệ thật! Ít nhất cũng phải gặp người ta một lần cuối cùng, bảo thẳng cho người ta biết là “tôi không lấy anh nữa”, như thế còn dễ chịu hơn là im hơi lặng tiếng thế này.

Thân cắn môi, bực bội. Câu chuyện Tuất vừa kể càng khiến Thân ngờ vực Thắm hơn. Lòng người chóng thay đổi thật. Mới cách đây vẻn vẹn có mấy ngày, hai đứa còn gặp nhau bên nhà chị Cới, Thắm vừa đi móc rốc ở ngoài đồng về, quần cón xắn cao quá gối, giơ cái giỏ lên cho Thân xem:

- Anh trông này! Hom giỏ sắp hỏng rồi, cái ở nhà cũng thế, anh đan cho em hai cái khác nhé.

Thân đùa trêu:

- Đan những hai cái, sao tham thế?

Thắm nguẩy đi, dỗi:

- Nhờ đan có hai cái hom giỏ mà đã kêu tham! Ngại thì thôi vậy.

Thân kéo tay Thắm:

- Nói đùa một tý thế mà cũng giận à? Ế, thì mai tôi đan, nhưng phải giả công bằng gì nào?

Thắm cố gỡ tay ra khỏi tay Thân:

- Bỏ tay em ra, đi! Kìa, chị Cới đang đứng ngoài vườn kia kìa...

Đấy, mới hôm nào hôm nay đã thế! Ôi chao! Người còn chả tiếc, tiếc gì mấy cái hom giỏ. Thân nghiến răng, bóp mạnh. Cái hom giỏ xinh đẹp óng chuốt chỉ trong phút chốc đã bẹp gí trong lòng bàn tay Thân.

Ngày tháng Chạp. Gió bấc heo hút thổi trong những khóm tre quanh làng. Mạ ngoài đồng cũng đã già, lá xanh mướt. Các tổ đổi công đã họp phân phối phân công bừa cấy. Lác đác một đôi nhà đã nhổ mạ cấy chiêm.

Tối nay như thường lệ, cơm nước xong, nghe tiếng kẻng báo họp, Thân và ông Thìn, hai bố con lại đi họp tổ đổi công. Nơi họp là nếp nhà lá ba gian, một gian dãy rải ổ rơm, trên rải mấy cái chiếu đã cũ. Ông Thìn cẩn thận xoa hai bàn chân lên cái chổi rồi mới lom khom bước vào ổ, ngồi xuống bên cạnh mấy ông bạn già đang hút thuốc lào sòng sọc, bàn chuyện phân, chuyện nước. Thân nhìn quanh, chưa có cậu thanh niên nào đến. Ngồi buồn. Thân ngắm bóng mình trên vách. Chợt Thân nhớ nao nao, dạo nọ còn Thắm, mỗi lần họp tổ, chỗ đông người chả dám nhìn thẳng, Thân cứ thường nhìn lên vách thế này để tìm bóng Thắm.

Thấm thoắt đã hơn hai tháng trời, nhưng câu chuyện giữa Thân và Thắm thì vẫn cứ như cái nhọt bọc, chẳng còn biết ra sao nữa. Bên ngoài đã có người mong manh đưa tin “Đâu như ông Xanh định gả Thắm cho một anh cán bộ thu mua trên tỉnh”. Tin ấy đến tai Thân - tội nghiệp anh con trai mới biết tình yêu buổi đầu, thật khổ đến nhức đầu lên được! Nhiều lúc chỉ muốn gặp hỏi xem Thắm trả lời ra sao. Từ ngày ấy đến nay, phân đoàn thanh niên cũng đã họp hai lần, Thắm đều đi họp nhưng chỉ len lén ngồi dưới cùng, con người vốn ít nói, nay lại càng ít nói hơn. Nhưng bực nhất là Thắm luôn tránh mặt Thân, cứ tan cuộc họp là Thắm đã te tái chạy về trước, hoặc không thì lại đi với cô Mận, cô Còi. Ấy cứ như thế, Thân còn gặp gỡ làm sao được!...

Chợt một bàn tay đập mạnh vào vai Thân:

- Nghĩ gì mà ngẩn mặt ra thế?

Thân giật nảy người, quay lại. Một lũ các cậu thanh niên vừa kéo đến họp. Thân cười, nói lảng:

- Sao các cậu đi muộn thế? Tôi đợi nóng cả ruột!

Tâm nhún vai, tay vuốt vuốt mái tóc chải mượt điệu bộ hệt như đang đứng trên sân khấu:

- Chúng tớ còn tập kịch. Sắp Tết rồi còn gì.

Ông cụ Thìn ngẩng lên hỏi một anh mặt lốm đốm rỗ huê:

- Nghe anh Khạo dạm vợ bên sông phải không?

Khạo cười:

- Bu cháu hỏi chứ cháu đã đồng ý đâu. Cháu mà đồng ý, thế nào cháu cũng phải rủ anh Thân cùng làm rể với cháu một nơi cho vui. Cụ có đồng ý không ạ?

Ông Thìn cười, nhưng ông lảng chuyện bằng một hơi thuốc lào. Câu chuyện Thân với Thắm, ông cứ chắc mười mươi là hỏng rồi, chóng chầy Thân cũng phải đến dạm đám khác thôi, nhưng chỗ người lớn, ông không muốn phải đeo tiếng là sai ngoa - dù cho chỉ là một câu nói đùa và dù cho lỗi ấy có tại ông Xanh trước đi chăng nữa.

Khạo bá vai Thân:

- Thế nào cậu Thân, đồng ý không?

Thân gượng cười, cố hết sức giữ vẻ hồn nhiên:

- Đồng ý. Tớ nghe nói con gái An Dương vừa đẹp vừa giỏi đồng áng, nhà tớ là quý người như thế lắm.

Nói xong một hơi, Thân lại thấy ân hận. Sao mình lại nỡ nói ác như thế được? Nếu Thắm còn yêu mình, câu này đến tai Thắm, Thắm sẽ khổ sở biết chừng nào. Và biết đâu, lời nói không cánh mà bay, rồi người ta thêu dệt thêm lên, lại sinh chuyện “anh Thân sắp lấy vợ An Dương” thì thật rầy rà to! Nghĩ thế rồi, Thân chữa lại:

- Thôi các cậu đừng đùa nữa. Vợ tớ nghe thấy tưởng thật lại ghen thì chết tớ.

Khuôn, Mài nhao nhao hỏi vặn:

- Ai ghen? “Thờ” à?

Tâm bĩu môi:

- “Thờ” nó lại thèm ghen. Nó sắp là vợ ông cán bộ tỉnh rồi.

Nghe nhắc đến Thắm sắp đi lấy chồng, cơn bực lại đưa lên đến cổ Thân, làm mặt anh ta đỏ bừng lên, rồi lại tái đi giận dữ:

- “Thờ”, “Thờ” cái gì? Tớ đề nghị từ nay các cậu đùa vui thôi, đừng nhắc đến chuyện ấy nữa. Nghe chưa?

Mấy cậu Tâm, Mài ôm nhau cười, càng trêu khỏe:

- Á, à! Người ta ức lắm đấy. Có anh phen này mất vợ nhé.

Bị đùa quá, Thân mất cả bình tĩnh, đôi lông mày nét mác nhíu lại dữ tợn. Thân định mắng cho chúng nó một chập thì chợt mấy cậu ngừng bặt tiếng cười, khẽ bấm nhau:

- Này thôi có im cả đi không? “Thờ” đấy, “Thờ” đấy!

Như bị điện giật, Thân sửng sốt nhìn ra: “Ô kìa! Thắm thật ư?” Thắm đã bước vào trong nhà và đi nem nép sau lưng mấy ông cụ già đi vào phía cuối ổ, nơi mấy bà, mấy chị vừa cho con vú vừa thì thầm chuyện riêng. Trong một phút, như quên khuấy mình đang ở giữa chỗ đông người, Thân đăm đăm nhìn Thắm. Bên ngọn đèn dầu lấp lóe, khuôn mặt Thắm mở to dưới nép khăn vuông đen, đôi má bầu bầu ửng đỏ. Mà này phải chăng Thân đã trông nhầm?

Không, đúng là đôi mắt đen láy dịu dàng ấy đã nhìn Thân một thoáng, dù chỉ một thoáng thôi cũng đủ vợi biết bao nhiêu bực bội đang giày vò lòng Thân.

Chẳng riêng gì Thân ngỡ ngàng, cả tổ đổi công đều ngạc nhiên! Bà cụ Thái lấy tay che mắt cho khỏi chói ánh đèn:

- Kìa, cô Thắm! Sang họp với tổ cho vui đấy chứ?

Thắm bẽn lẽn, ngồi thụp xuống mép ổ:

- Dạ, thầy cháu với cháu lại xin vào tổ đấy ạ!

Mọi người nhìn nhau. Những như Thắm thì ai cũng mến yêu, ít tuổi biết điều, nhưng còn cái ông bố bảo thủ, lại tự tư tự lợi hàng bồ, có cho trở lại tổ chỉ thêm nặng mình, tích sự gì.

Ông tổ trưởng hỏi Thắm:

- Thế ông Xanh đâu không sang họp?

- Bố cháu đau chân không đi được ạ!

Bác Thi vê vê điếu thuốc lào, cười:

- À phải, ông ấy cày, con trâu nó đánh tháo, cày văng vào chân què mấy hôm nay rồi, có thế ông ta mới chịu trở lại tổ ta đấy.

Cả tổ cười ồ, má Thắm đã đỏ càng thêm đỏ. Riêng có Thân im lặng nhìn Thắm, buồn cười. Thân cũng thấy ngượng nghịu làm sao, dường như thẹn chung với Thắm vậy.

Ông Thi lắc lư cái đầu rối bù:

- Chúng tôi đề nghị không cho ông Xanh vào tổ ta nữa. Bây giờ què, ông ấy mới nghĩ đến tổ, mai kia khỏe, thiệt một tý ông ấy lại cãi nhau với tổ đòi ra, thế thì còn ra làm sao nữa?

Cả tổ nhao nhao có ý kiến:

- Phải. Không cho ông Xanh vào là đúng.

- Tổ mình có phải là cái chợ, ai muốn ra thì ra, ai muốn vào thì vào đâu kia chứ.

- Mấy năm chung tổ với ông ấy chúng tôi biết rồi. Cái nết tham lam thì không ai bằng, quá lắm.

Thắm càng ngượng ngịu thêm, hết cúi xuống cấu những cuống rơm lại ngẩng lên nhìn Thân như ngầm cầu mong Thân giúp đỡ khiến Thân càng thêm bối rối. Kể ra ở trường hợp khác thì Thân có thể có ý kiến phân tích ngay được nhưng đằng này lại là chuyện “ông bố vợ hụt” của mình, nói ra, những thằng bạn quỷ quái ấy nó lại cười cho thật khổ. May sao ông tổ trưởng đã giải nguy cho Thắm - và cả cho Thân nữa:

- Việc ông Xanh có khuyết điểm tôi cũng đồng ý với các ông, các bà như thế. Nhưng chẳng lẽ cứ để người ta ở mãi bên ngoài thì mình còn giáo dục giúp đỡ cho người ta tiến bộ làm sao được.

Bà cụ Thái xuê xoa:

- Phải. Mấy lại còn cô Thắm nữa, người không phải còn có người phải. Bà con ta nên cho ông ấy vào là hơn, nếu sau đấy ông ấy cứ chứng nào tật ấy, lúc đó tổ lại cho ra, lo gì.

Bác Thi gằn giọng:

- Được, cho vào hay không ta xét sau. Bây giờ hãy họp bàn việc ngày mai đã. Mau lên cho chúng tôi còn về ngủ, mai đi làm sớm.

Ông tổ trường xòe rộng hai bàn tay:

- Còn xét sau, xét trước cái gì nữa? Đang mùa màng, có cho người ta vào hay không để người ta còn làm chứ. Tổ ta đông đủ cả đây rồi, các bà bàn đi xem nào.

Mỗi người một câu, bàn tán rất kỹ. Cả những bà con thường ít nói xưa nay bây giờ cũng có ý kiến. Ai cũng đưa ra những thiếu sót của ông Xanh. Bác Còm còn nhớ cả từ câu chuyện suýt đánh nhau vì tranh nhau thông nước từ năm nào về trước. Mới đầu còn găng, dần dà ai nấy cũng đã ngả với ý kiến cho ông Xanh trở lại tổ đổi công vì cái tài khéo dàn xếp của ông tổ trưởng.

Bác Khoan - tổ phó - ngồi thu lu bên ngọn đèn tí tách nhổ râu bằng một hạt thóc.

- Thôi tổ ta đồng ý cả rồi đấy, từ mai lại việc nào việc ấy, cô Thắm về báo cho ông ấy biết như vậy. Nhưng có điều khó là vấn đề mạ, vừa rồi nhà nào nhà ấy đều bòn bới gieo thêm mạ ở rãnh, ở ao, ở những chân mạ, đến nay đã tạm đủ. Nhưng nhà ông Xanh cũng vì găng một chuyện ấy mà bỏ tổ, nay trở lại tổ lấy đâu ra mạ mà cấy dày? Cả tổ dày “hai mươi, năm”, “hai mươi, mười” quyết đạt mức tám mươi tạ, không lẽ để một nhà trong tổ cấy thưa, để rồi năng suất đạt bao nhiêu?

Mọi người lại nhìn nhau bàn tán:

- Ừ, mạ thiếu cấy dày làm sao?

- Ấy đấy, có khi chỉ vì nhà ông ấy mà tổ ta vác cờ trắng chạy hậu mất.

- Thôi, cứ để ông ta ở ngoài cho ông ta biết thân. Hết vụ chiêm này hãy cho vào.

Thân đăm đăm nhìn ngọn đèn. Lúc này lại thấy bực bội với Thắm. Người gì mà yếu ớt, bố gàn dở cứ cắm tăm nem nép làm theo, không biết rồi cô chấp hành nghị quyết của Đoàn ra sao trong vụ chiêm này?

Ông phó Phả bảo với Thắm:

- Đấy lôi thôi thế đấy. Cháu tính sao? Nhà cháu vụ này cấy sáu sào trên đồng với ngoài Mả Cả chứ gì? Cứ phải mười hai thước mạ vào đấy, cái mảnh bên vườn bà Ba có sáu thước còn thiếu to. Bây giờ thì tổ lấy đâu ra sáu thước nữa mà tương trợ cho nhà cháu nào?

Khạo cười tinh nghịch:

- Cái đó tổ ta không lo. Tôi biết anh Thân gieo thừa mạ, có thể tương trợ được cho cô Thắm đấy.

- Thật không chú Khạo?

- Thật. Anh ấy mới bảo với tôi lúc nãy.

Cả tổ cười, nhóm thanh niên cười to nhất. Thân bực, nhìn Khạo nghiêm nghị:

- Cậu Khạo đừng đùa. Đùa tùy lúc, chúng mình đang họp chứ có phải đang chơi đâu.

Thắm ngẩng lên, giọng nói nhỏ nhưng tự nhiên nghe rắn đanh lại:

- Không, nhà tôi có đủ mạ có thể cấy dày được, không phải ai tương trợ đâu.

Bác Khoan hỏi vặn lại:

- Sáu sào lúa phải mười hai thước mạ kia mà?

- Vâng, thì mười hai thước. Tôi gieo đủ rồi, còn thừa hơn một thước nữa ấy chứ.

Mấy chục con mắt đều đổ dồn vào nhìn Thắm. Thân cũng ngạc nhiên nhìn Thắm. Gieo ở đâu? Đồng làng bằng cái đĩa, ruộng nhà ai thế nào mọi người đều thuộc cả, nếu Thắm gieo thêm phải có người biết chứ? Nhưng không có lẽ, xưa nay Thắm có nói đùa, nói dối ai bao giờ?

Ông phó Phả âu yếm nói:

- Thế cháu gieo thêm ở đâu?

Thắm cười khẽ liếc nhìn Thân:

- Cháu gieo bên Thượng. Được nửa sào toàn giống bầu cả. Chỉ dăm hôm nữa là nhổ mạ được rồi. Tốt lắm kia, chú ạ!

Thì ra đầu đuôi câu chuyện thế này:

Sau cái tối hôm gay gắt ở tổ, ông Xanh bực lắm. Về đến nhà, còn nửa cút rượu ban chiều, ông bỏ ra uống nốt. Hơi men chếnh choáng, ông kể lể một mình:

- Nhà ông hai lao động chính cả, lại một cẳng trâu, cấy sáu sào ruộng, cứ gọi là phen này lúa ai tốt hơn ai nào? Khối người còn ở ngoài tổ kia, dễ người ta chết hết chắc? Đời ông cầm cày theo trâu từ thuở mười bốn, mười lăm tuổi đầu, ông đã từng đi ngược về xuôi, ăn cơm mẻ bát thiên hạ, ông còn kém cạnh nỗi gì mà bây giờ lại phải để cho cái thứ trẻ ranh chùi mũi không sạch ấy nó dạy khôn ông?

Kể chán, ông quay ra chửi:

- Mẹ cha chúng nó chứ, nó lại khinh ông! Khinh ông, ông cũng không cần. Đây rồi chúng nó xem, từ giờ cho đến chết ông lại có thèm vào tổ lần nữa ấy...

Ông lừ đừ nhìn con gái, bất thình lình chỉ tay quát:

- Còn con kia! Từ giờ thì ông cấm. Không có họp Đoàn, họp đội gì hết. Họp gì chúng mày, để rồi chúng mày về dạy khôn người già phải không?

Ông hầm hè sau một ngụm rượu:

- Mà ông còn thấy mày chuyện trò với cái thằng Thân đâu là ông giết! Ông từ! Ông không có nhận bố con gì hết...

Cứ thế, ông lải nhải nói đến đêm.

Hôm sau, ông kiên quyết chỉ gieo có sáu thước mạ, không gieo hơn. Ông bảo:

- Tôi cứ cấy cách của tôi. Cấy dày quá xít lại, cây lúa cứ bằng đóm mạ chán lắm. Lúa người ta phải tốt bằng cái nơm ấy chứ.

Bây giờ tự do rồi, ông tha hồ nói, tha hồ làm theo ý mình. Chỉ có Thắm là khổ. Làm thế nào bây giờ? Họp Đoàn rồi, chẳng lẽ bó tay hay sao? Thắm nghĩ ngợi tìm kiếm. Khó thật! Tìm đâu cho ra chỗ gieo thêm, gieo thêm trong làng, ông lão biết thì cứ gọi là ông lão phá tung hoang ra ấy chứ. À, thôi phải, Thắm nhớ đến bà dì ruột trên Thượng, bà có một sào vườn, Thắm sẽ vật nài xin một nửa làm được mạ, “sẩy cha còn chú, sẩy mẹ ấp vú dì”, thế nào bà cũng phải cho. Thế là Thắm gặt vội gặt vàng, phơi phóng xong thóc lúa rồi xin phép bố lên Thượng thăm dì. Mấy ngày giời, tiếng là đi chơi, kỳ thực Thắm chỉ chúi mũi vào việc đi lấy bùn đổ lên vườn, vài hôm về nhà cứ bố đi làm vắng, Thắm lại vào chuồng xúc phân lợn gánh lên Thượng bón lót cho mạ. Mạ cũng ngâm ngay bên nhà bà dì rồi đem gieo. Qua mấy ngày mạ lên xanh mướt, bà dì đã phải khen Thắm:

- Dì chịu cháu. Cứ bảo “Khoai ưa lạ, mạ ưa quen”, ra cứ đổ nhiều bùn, nhiều phân vào thì được mạ lạ cũng thành quen, cháu nhỉ.

Trong khi ấy, cán bộ ở tỉnh, ở huyện đổ về vận động gieo thêm mạ. Tổ nào tổ ấy bấn lên về mạ, cũng gắng gỏi gieo thêm. Ông Xanh không có tổ chẳng được phổ biến gì nên ông vẫn cứ bình chân như vại, thấy người ta gieo đông gieo tây, ông cười nói với con:

- Tao tính, nhà ta có cấy dày cũng không lo, thiếu mạ thì đi mua, đi xin cũng có. Năm nay cứ gọi là mạ thừa ứa ra, cho trâu ăn không hết ấy chứ.

Nhưng khi bắt đầu vào cấy mới thấy mạ vẫn còn thiếu, chẳng nhà ai thừa. Mà ai cũng đều sửa soạn cấy dày, cả bà Tô, chị Ngắt, cấy thưa có tiếng xưa nay, bây giờ cũng cấy dày lại “y như kỹ thuật”. Ông Xanh lúc này mới mê ra, nhưng còn xoay đâu được nữa? Đã rấp lại rủi ông lăn ra què giữa ngày mùa. Ba hôm giời nằm đau rên hừ hừ, nhìn ra thấy người ta khỏe khoắn đi làm, ông càng sốt ruột, càng rên khỏe.

Thắm thấy bố què tuy lo việc thật nhưng cũng mừng. Đây là dịp để Thắm “thuyết phục” ông bố!

Ông Xanh lúc đầu còn ngượng, chửi át. Thắm im, lát sau lại dí dỏm nói. Ông dần dần nằm im, nghe. Sau chỉ nghĩ lúc mình rượu vào đã thề thốt thế nào, ông thở dài:

- Thôi, mày đừng nói nữa, chết thì thôi, tao không có vào tổ nữa đâu. Còn đoàn kết gì nữa mà vào.

Thắm đoán biết ý bố, cười:

- Bố thì chỉ nghĩ ngợi xa xôi, các ông, các bà xung quanh đây đều tốt cả, gặp con đâu là vẫn hỏi han vui vẻ. Đoàn kết hay không là ở mình nữa chứ.

Thắm gợi ngay đến nỗi lo lắng của ông:

- Bây giờ bố què nằm đấy, nhà ta không vào tổ là gay go to rồi. Ai cày bừa cho? Ruộng đầm con cày được, ruộng ải, trâu yếu con cày làm sao?

Ông nhăn nhó ôm chân:

- Đã đành rằng thế. Nhưng giá tao khỏe cơ, đằng này què nằm đấy, xin vào có họ chửi cho ủng óc.

Thắm lại phải gỡ mối thắc mắc ấy:

- Được, ai chửi con nghe. Mà ai người ta cũng bận ăn, bận làm, thì giờ đâu ngồi chắp nhặt những chuyện nhỏ mọn ấy kia chứ. Vả lại mình vào là vào lâu dài, chứ có phải què thì vào, khỏe lại đánh ra làm riêng đâu mà lo.

Cái đầu óc hay suy tính thiệt hơn của ông lại xoay ra thắc mắc khác:

- Đã đành rằng thế, nhưng tao nghe đâu tổ này vài hôm nữa là họ học tập để tiến lên hợp tác xã ấy, hay ta xin vào tổ anh Dương xóm ba vậy?

Thắm tròn mắt ngạc nhiên:

- Sao lại thế? Nếu tổ này lên hợp tác xã mình lại cần vào hơn chứ!

Ông cau mặt:

- Chúng mày chỉ bồng bột trẻ em, biết cái gì. - Ông nhìn ra cổng, rồi hạ giọng. - Hôm nọ tao sang chơi bên thôn Trung, nghe nói vụ này hợp tác xã chia hoa lợi, nhà nào cấy ít cũng hụt đi dăm bảy thúng, không bằng cái lúc còn là tổ đổi công đâu.

- Ai bảo bố thế?

- Anh Vạn.

Thắm phì cười:

- Khổ! Bố đi nghe ai chả nghe, đi nghe cái thằng Vạn, trong kháng chiến thì rúc vào bốt với giặc, cờ bạc rượu chè, bây giờ thì lười mục thây ra rồi chỉ ngồi lê nói xấu ta, bộ nó thế, ai đã cho nó vào hợp tác xã mà nó biết.

Thắm lắc đầu nhìn bố thương hại:

- Bố cứ tính quanh, rốt cuộc lại có hơn gì ai đâu? Hay bây giờ cả làng người ta vào tổ đổi công hết, nhà mình còn trơ ra ở ngoài, thật không địa chủ mà hóa ra địa chủ.

Thấy ông bố rũ xuống như kẻ chịu tội, Thắm thích quá đem cả những điều mình đã học được nói ra cho bố hiểu.

- Con hỏi bố thế này: Đảng bảo nông dân phải làm ăn tập thể mới no ấm, bây giờ bao nhiêu là hợp tác xã, tổ đổi công mọc lên như nấm có dễ người ta dại không khôn bằng thằng Vạn chắc?

Ông trầm ngâm suy nghĩ, ừ, con bé nó nói phải, đâu ra đấy. Nhưng nghĩ đến mạ mộng, ông lại buồn:

- Tổ thì người ta đều cấy dày, mình vào mạ có ít không theo được đâu, con ạ!

- Thì nhà ta cũng cấy dày.

- Cấy dày? Có sáu thước mạ, chỉ đủ cho ba sào, còn ba sào nữa, bới đâu ra mạ mà cấy?

Thắm mủm mỉm, cố giấu nụ cười trên môi:

- Con có đủ mạ.

- Mày đi mua hả. Xã trên, xã dưới còn đến đây hỏi mua nữa là. Đâu cũng trời đất ấy thôi, con ạ!

Thắm cười:

- Thế sao tháng trước bố xui con thế?

Ông chép miệng:

- Thế tao mới dại, hừ, hai thứ tóc trên đầu mà dại!

Bây giờ Thắm mới vui vẻ khoe với bố câu chuyện gieo trộm mạ bên nhà bà dì, ông Xanh nước mắt rưng rưng, càng thấy thương đứa con gái của mình. Con bé nó ít tuổi mà đã biết lo xa hơn mình, thật giống hệt tính tình mẹ nó. Tự dưng, ông òa lên khóc. Ông khóc ồ ồ như trẻ con. Ông ân hận với con ông, ông ân hận với cả người đã khuất...

Bằng ấy chuyện, Thắm báo cáo tóm tắt lại với tổ, chưa dứt lời cả tổ đã vỗ tay đôm đốp:

- Hoan hô cô Thắm. Tuy ra tổ mà vẫn thi hành nghị quyết của tổ. Đoàn viên Thanh niên Lao động có khác.

Bác Khoan thân mật vặn lại:

- Tôi hỏi cô thế này: nhỡ ông cụ không què thì cô làm cách nào cho ông cụ nghe theo?

Thắm cười:

- Lại có cách khác chứ ạ!

Ông cụ Thìn gật gù:

- Phải, phàm người ta đã quyết tâm làm việc gì thì nhất định phải có nhiều mẹo làm bằng được chứ.

Tâm nhìn Thắm rồi nhìn Thân tinh nghịch:

- Đấy, được bố chồng khen, thích nhé!

Mặt Thắm đỏ bừng. Còn Thân thì mủm mỉm cười ruồi, ngước tìm bóng ai trên vách. Quả thật chưa bao giờ Thân lại thấy vui sướng bằng lúc này. Có thế chứ.

Đêm nay tan cuộc họp về, hai người lại ngồi bên nhau ở chân cối giã bên nhà chị Cới. Thân nắm tay Thắm, ấp chặt trong hai bàn tay nóng hổi của mình. Đúng sáu mươi nhăm ngày rồi, hôm nay họ mới lại gần nhau.

Thân nói thật nhỏ, giọng trách móc:

- Thế sao từ ngày ấy em cứ lánh mặt anh là thế nào?

- Tại em ghét anh. Cứ làm như chỉ có mình mới biết đấu tranh với những người thủ cựu thôi ấy. - Thắm khẽ cười - Với em cũng làm ra thế để giữ bí mật. Bây giờ công việc kết quả rồi, nói ra mới thích chứ.

Thân cũng cười:

- Thế anh mới chủ quan. À này, dạo nọ họp, anh phê bình em thế, em có bực không!

- Bực. Giá anh là người khác, em nhất định phê bình lại ngay.

- Sao không phê bình?

- Còn sao nữa.

Thân lắc mạnh tay Thắm:

- Thôi, bây giờ đừng bực nữa, Thắm nhé! Lúc ấy anh tưởng em tiêu cực không thi hành nghị quyết của Đoàn, nên anh có trách nhiệm phải nhắc nhở, đúng không em?

Thắm nhìn Thân cảm kích:

- Nói đùa vậy thôi, em bực gì đâu. Anh có phê bình, em mới gắng làm chứ.

Thắm chợt nhớ ra:

- À, anh đã đan xong hom giỏ cho em chưa? Mấy cái giỏ của em hỏng tiệt hom rồi, hôm nọ muốn đi đào cáy, không có hom đành chịu đấy.

Thân mủm mỉm cười, nghị lại hôm nào tức giận, nghi ngờ đem bẹp hom giỏ đi, sao mà nóng nảy trẻ con, buồn cười thế! Bây giờ chẻ nan đan lại ít nhất phải tối mai, tối kia và hai buổi trưa - tranh thủ lúc nghỉ bừa - mới xong. Tính nhẩm ngày rồi, Thân trả lời.

- Sắp xong. Ngày kia em lấy nhé.

- Sao lâu thế? Hai tháng rưỡi giời không xong!

Thân nói lảng (anh chàng giấu biệt câu chuyện bẹp hom giỏ đi, khôn thật!):

- Ai bảo không thèm gặp người ta? Tôi tưởng cô chả thiết gì đến hom tôi nữa nên tôi mới bỏ dở chứ.

Thắm lại cười hồn nhiên, hết cả giận dỗi:

- Chỉ được cái đổ oan cho người ta thôi. Có mình không thiết người ta thì có.

Thân đắm đuối nhìn người yêu:

- Phải, không thiết. Mới có mất ăn, mất ngủ hơn hai tháng giời thôi.

Có tiếng gà xao xác đằng xa, Thắm bật dậy:

- Chết! Khuya rồi, em về đây.

Thân đưa Thắm ra ngõ, đi khỏi giậu xương rồng, Thân ghé sát môi vào gần má Thắm, giọng nói bồi hồi:

- Thắm này! Ra Giêng cấy cày xong cho anh cưới nhé.

- Không!

- Kệ, anh cứ cưới. Không thầy em trái tính trái nết lắm, lỡ có chuyện gì lại không cho chúng mình lấy nhau thì khổ.

Thắm gỡ tay Thân:

- Ừ, thì lúc ấy hãy hay nào. Thôi cho em về, mai dậy sớm đi làm.

Thắm đã quay đi, Thân còn đắm đuối nhìn theo. Ánh trăng suông mờ mờ, soi bóng Thắm bước đi thoăn thoắt.

Tháng 1 năm 1959

Lặng lẽ Sa Pa - Truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Thành Long Vườn hoa cổng ô - Truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Phan Hách Người đi xa để lại - Truyện ngắn của nhà văn Đào Vũ Mùa xuân - Tiếng chim - Truyện ngắn của nhà văn Vũ Tú Nam Đá dăm trắng - Truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú
Truyện ngắn - Kỷ niệm 75 năm báo Văn Nghệ
Phát biểu khai mạc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Hội nghị TƯ 10 khoá XIII

Phát biểu khai mạc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Hội nghị TƯ 10 khoá XIII

Baovannghe.vn - Trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chủ trì Hội nghị lần 10 BCH Trung ương Đảng khóa XIII

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chủ trì Hội nghị lần 10 BCH Trung ương Đảng khóa XIII

Baovannghe.vn - Hội nghị Trung ương lần này diễn ra sớm hơn, ngắn hơn dự kiến và sẽ làm việc cả ngoài giờ hành chính; thảo luận, cho ý kiến về 10 nội dung thuộc 2 nhóm vấn đề chiến lược và một số việc cụ thể.
Bản tin Văn Nghệ: Hội tụ và tỏa sáng những tài năng âm nhạc, nghệ thuật

Bản tin Văn Nghệ: Hội tụ và tỏa sáng những tài năng âm nhạc, nghệ thuật

Baovannghe.vn - Ban nhạc The Bootleg Beatles sẽ tổ chức 3 đêm diễn tại Việt Nam trong chuỗi chương trình kỷ niệm 44 năm lưu diễn tri ân người hâm mộ.
Điểm 10. Truyện ngắn của Nguyễn Hữu Hồng Minh

Điểm 10. Truyện ngắn của Nguyễn Hữu Hồng Minh

Baovannghe.vn - Bây giờ khi đã mười chín tuổi, tôi biết yêu, biết hận, biết thương và biết sợ. Tôi thích lang thang một mình vào những buổi chiều xanh xao thả bộ dọc con phố vắng.
Phỏng vấn một nghệ sĩ mở quán ăn

Phỏng vấn một nghệ sĩ mở quán ăn

Baovannghe.vn - Tôi vẫn thế thôi. Nhưng tác phẩm cần sự thẩm định của thời gian, chính mình phát biểu không tiện. Còn món ăn cần sự thẩm định tức thì, ngay miếng đầu tiên.