Sáng tác

Chuyện phố. Truyện ngắn của tác giả Phan Tấn Linh

Phan Tấn Linh
Truyện
15:00 | 21/07/2024
Phố xá ồn ào. Cái ngõ phố vào nhà tôi lại càng náo nhiệt. Đối diện nhà tôi, bà Tài đang vung vẩy cái chổi với chị người làm. Dịch sang bên trái nhà bà Tài
aa
Chuyện phố - truyện ngắn của Phan Tấn Linh
Minh họa của Văn Sáng

Phố xá ồn ào. Cái ngõ phố vào nhà tôi lại càng náo nhiệt. Đối diện nhà tôi, bà Tài đang vung vẩy cái chổi với chị người làm.

Dịch sang bên trái nhà bà Tài là quán phở lão Ba. Dịch sang trái tí nữa là cửa hàng gạch bông Thịnh. Rồi thì quán sửa xe máy Trung, hiệu may Kim Anh, cuối ngõ là một xưởng mộc tư nhân đang thời kì phát đạt. Tiếng dao băm thớt, tiếng người gọi phở, tiếng máy cắt gạch bông, máy khâu, máy cưa, máy bào cộng với tiếng chửi the thé của bà Tài, tiếng nhạc vàng của quán cà phê sát nách nhà tôi tạo nên một thứ âm thanh hỗn độn, chướng tai. Ôi giời, thời buổi kinh tế thị trường, mặt tiền hái ra bạc, người người đổ ra đường, nhà nhà xô ra phố. Có lẽ cũng phải bảo mẹ mở cái quán Karaôkê cho hàng phố biết mặt. Ôi, đau đầu quá. Nhưng đấy là cuộc sống, biết làm sao được. Giá cứ ở quê như ngày xưa. Chui đi đâu bây giờ? Đám cưới Loan thì chưa đến giờ. Cái Hoa hẹn hò gì mà mãi không thấy. Quái thật!

Trưa tháng sáu, đã bực bội với cái nóng, với thứ tạp âm hàng phố, lại trong tâm thế đợi chờ, càng sốt ruột, bức bối hơn. Phải thoát thôi. Cứ đi trước cho cái Hoa nó biết thế nào là hứa với chả hẹn. Mặc gì nhỉ? Váy? Hay thôi. Áo dài! Bôi một tí chứ Hạnh? Ừ, tí son môi thôi! Nóng nực thế này, bôi nhiều không chừng thành ngáo ộp.

Sát xe qua hành lang, đã nghe tiếng mẹ vọng từ bếp: - Đi đâu Hạnh, đến giờ cơm rồi! - Bố về, cả nhà ăn cơm trước, con đi cưới, chắc không ăn cơm nhà! - Lại cưới, mày đi cưới người ta mãi mà không ngượng à? - Tự nhiên tôi bật cười thành tiếng.

Ra khỏi cổng lại vướng phải một đám tai nạn xe máy. Người đâu xúm lại đông thế không biết. Không biết tai nạn ra sao, chỉ thấy hai giọng đàn bà đang ra rả: - Đồ mù! - Tao mù thì mày cũng toét! - Tiên sư mày, bà vả gãy răng - Đồ chó, tao thì xé váy. Rồi nghe tiếng hụych hạ trong ấy. Con người thật lạ, rồi thì cuối cùng chỉ có cái huyệt mộ là nhân ái, nó sẽ bao dung người tốt cũng như kẻ xấu, người sai và cả người đúng. Còn con người thì: Tôi bao giờ cũng đúng. Đểu thật.

Đám cưới này là đám cưới thứ hai chín từ đầu năm đến giờ. Đây mới chỉ là bọn bạn quen mình. Sao mà ở cái thị xã này người ta cưới nhau lắm thế. Con gái mới nứt mắt đã thành đàn bà. Con trai không đợi mọc lông mép đã cưới vợ. Mốt chăng? Ôi cái sự luẩn quẩn của mốt. Hôm nọ cái Hoa bảo: Hạnh này, tao cuối năm làm đám cưới, mày xem xem thế nào rồi cũng ù đi. Già cả rồi. Tôi còn trả lời: cưới ư? Để xem xem....

Đấy cứ cưới đi. Con Thanh thì bốn tháng sau khi cưới đã phải bỏ về nhà mẹ đẻ vì anh chồng bạo dâm. Con Huyền thì trước khi cưới, bà mẹ chồng còn mẹ mẹ, con con. Cưới xong thì cứ gầm gừ như hổ đẻ, nó cứ len lét, len lét cả ngày trông đến tội. Con Thủy còn khốn nạn hơn. Hai vợ chồng công chức nghèo, cũng vay mượn làm cái đám cưới sum suê, ba năm nay è cổ trả nợ không hết. Vợ chồng không mua nổi cái ti vi, phải xem nhờ hàng xóm. Vợ chồng lão Ba phở kia thì đã có với nhau sáu mặt con còn đánh chửi nhau như ngóe. Mấy lần lão Ba còn định li dị vợ để cưới một cô ở trung tâm vật lí trị liệu, bằng tuổi con dâu của lão. Rồi thì bà Tài, cô chủ hiệu may Kim Anh kia là những người đàn bà phải sống độc thân vì bị đàn ông phụ bạc. Đặc biệt là bà Tài, bà ba lần cưới chồng thì cả ba lần đều đổ vỡ. Bà nhận ra rằng đàn ông không yêu bà mà yêu cái túi tiền kếch sù của cô con gái độc nhất của một nhà đại tư sản hiện đang ở Pháp. Bà trở thành người đàn bà độc địa và khó tính khó nết. Đấy cưới đi.

Đám cưới đây rồi. May quá, vừa kịp. Ở thị xã này đám cưới nào cũng như đám cưới nào. Vẫn bộ đồ cưới ấy, hội trường ấy, mâm bát ấy, dàn nhạc ấy và hát những bài hát ấy... Cái Hoa kia, nó ngồi hoe hoe sau cái Bonus của thằng người yêu. Đấy, nó sắp cưới lại quên hết cả bạn thân. Lần này về phải sửa cho nó một trận. - Ê Hạnh! Tao với anh Hải đến nghe mẹ bảo đi rồi! Khiếp! Lại đi một mình, Hà đâu? – Kệ tao! - Này em ơi, sao lại đi một mình thế kia, phí cả áo dài. Kệ thây hai thằng ranh, ta đây không đổ điều.

Thôi, đến đây phải gửi phong bì cho cái Hoa mà chuồn. Trời này nhét nhau vào cái hội trường ấy có mà chết ngạt. Chắc mẹ và em Xoan lại cười vào mũi mình đây. Ức thật.

*

Mới chợp mắt được 1 tí lại phải bật dậy vì 2 cái loa nén của ông hàng xóm. – A lố a lo, hôm nay nhà hàng chúng tôi khai trương giàn Karaoke... kê...kê, xin kính mời các bạn trẻ... trẻ.... Cái gì? Ôi thế là mình chậm chân mất rồi. Thế có điên không. Mấy giờ? Đúng một giờ. Thôi sửa soạn đến trường là vừa, năm phút nữa là dàn hợp xướng hàng phố lại bắt đầu lên tiếng đây.

Mẹ vào: - Chiều đi trường không con? – Không, mà có mẹ ạ! – Này, lúc nãy con Huệ nó gửi thiếp cưới, nó bảo hôm nào mẹ cũng đi cho vui, mẹ bảo nó, cái Hạnh đi là được rồi, tao còn phải lo cơm nước cho chú. Mẹ thở dài: - Đấy mày xem xem thế nào, chúng nó cưới hết rồi! – Còn trẻ mà mẹ! – Trẻ gì, hăm bốn hăm nhăm rồi đấy. À, thằng Hà lúc nãy có đến, nó gửi con hai quyển sách. Tháng tới nhớ đặt mua tạp chí “Hạnh phúc gia đình” cho mẹ! Thôi, tao phải xuống hâm canh cho bố mày. Bố mày lúc nào cũng về muộn.

Cầm cuốn tiểu thuyết Hà gửi tặng, lật vội mấy dòng trong cuốn "Duyên Tình" đã thấy ngán ngẩm. Lại tình với chả duyên. Mà mấy ông nhà văn thật lạ, để câu chuyện trở nên li kì, các ông thường xây dựng những nhân vật đàn bà thật đẹp, thật tàn nhẫn, độc ác. Rồi lại yêu đương, ngoại tình tay ba tay tư bát nháo, nhặng xị cả lên. Nhưng rồi câu chuyện lại trở nên nhàm chán, tẻ nhạt. Trong cái thời buổi này đàn ông mới là giới độc chiếm sự quyến rũ, cả sự bạc tình, bạc nghĩa nữa. Tốt hơn là cho nó lên giá sách, mai bảo Hà là đã đọc.

Mà cái anh chàng Hà cũng hay, thời buổi này mà quà tặng bạn gái còn là sách. Anh ta cứ suốt ngày luẩn quẩn với đống sách vở, nhìn đời qua hai cái đít chai dày cộp, ngu ngu, ngơ ngơ, lúc nào cũng bảo: Cái nghề biên tập viên một tờ báo của anh ta là một nghề hay và cái xe cuốc CCCP không bao giờ lỗi mốt.

Ai gõ cửa giờ này: - Mẹ, bố chưa về hả mẹ. Mẹ ngồi phịch xuống giường: - Bố mày vẫn thế từ hồi lên chức Giám đốc xí nghiệp, không biết việc gì mà nhiều thế không biết. Mấy giờ rồi Hạnh? - Dạ con dọn cơm cho! - Không! Tao còn phải đun ấm nước. -Tám giờ kém mười lăm ạ, thôi mẹ đi nghỉ đi, bố về con dọn cơm cho! – Không! Tao còn phải đun ấm nước nhỡ bố mày về còn có tắm. Con cứ đọc sách đi. Hà không đến à? - Anh ấy đến mẹ bảo con ngủ rồi - Con nỡm, tao cứ bảo là mày đang đợi trên gác. Tí nữa quên, mai chủ nhật ở nhà đi chùa với mẹ. Mai là rằm rồi đấy, thời gian cứ vèo vèo.

Đã hứa với Hoa mai đi biển. Nhưng, biết thế đừng hứa hẹn gì. Ai đó nói rằng: Cách giữ lời hứa tốt nhất là chẳng hứa gì cả, thế mà mình không biết rút kinh nghiệm. Khổ thế!

*

Người đi chùa đông thế. Mẹ dậy từ sớm, chuẩn bị không thiếu thứ gì. Chùa Hanh chật ních người. Đông nhất là mấy bà, mấy cô. Tịnh không thấy bóng đàn ông, ừ nhỉ, chỉ có mấy anh chàng người Bắc thổi kèn, kéo nhị. Mấy cô đồng mặt như tượng vẽ, ăn mặc thì xanh đỏ tím vàng, lại nhảy nhót, trông đến sợ. Khói hương nghi ngút.

Mẹ sửa soạn xong mấy thứ: - Vào đây tí con! – Thôi mẹ vào đi nhớ cầu cho con sớm cưới được chồng, cầu cho bố về đúng buổi, đúng bận! – Cha mày, ở đây mà nói thế không sợ mấy ông vật chết à. Đi nào!

Giữa buổi, người càng đông. Người ta cũng lạ, mang đến đầy đủ thứ nỗi niềm. Mấy ông thần bằng gỗ, bằng đá kia thì nghe vào đâu nhỉ. Nếu biết nghe, hẳn các ông cũng không nhịn được những khả năng biến không thành có tài tình mà người đời cứ gắn cho các ông.

Mẹ cầu cái gì thế nhỉ? Nhỏ quá không nghe nổi. Thôi, ra ngoài thôi, khói cay xè cả mắt. Ai như bố vừa phóng xe qua. Ai nữa ngồi sau như dì Dung kế toán trưởng xí nghiệp bố. Họ đi đâu về hướng biển.

Mẹ ra: - Sao đứng thần ra thế con, lấy xe ta về nào. Chết, khéo con này trúng gió rồi, mặt mày xanh nhợt ra thế kia, ngồi xuống đây mẹ xoa dầu cho! - Không, con không sao, xong rồi hả mẹ, ta về!

Tự nhiên tôi thấy thương mẹ vô chừng.

*

Tám rưỡi tối bố mới về. Bố đi biển thật, tôi để ý thấy có cát biển trong giày bố. Mẹ lại tất tả đi hâm canh, pha nước tắm cho bố. Tôi chạy ào về phòng mình. Không khóc mà nước mắt ướt đầm cả gối.

Hà đến: - Em sao thế, ốm à, để anh bảo mẹ lấy thuốc! - Không, em muốn được ở một mình, cảm ơn anh về mấy cuốn sách! - Chết, thế mà anh định đến rủ em đi chơi, nhân thể có chuyện này muốn nói với... - Thôi, anh để tối mai nhé, Hà! - Hà xuống nhà, nói chuyện với mẹ một tí rồi về.

Hoa đến, oang oang từ dưới cầu thang: - Con ranh, hẹn người ta rồi lại đi đâu mất, ơ mày sao thế! - Không, chẳng sao cả, tao buồn! - Này Hạnh, tao có chuyện muốn nói với mày, trưa nay tao gặp bố với dì... - Thôi mày im đi. Mày về đi, ngày mai tao đến! - Ơ, thế mày đã biết à!

*

Bố tôi li dị mẹ tôi. Mẹ ở vậy nuôi tôi và em Xoan. Bố làm đám cưới ở xí nghiệp. Đám cưới thật to, có cả chục chiếc ô tô con sang trọng. Dì Dung xông xênh trong bộ váy cưới, cười như nghê. Ngày cưới bố, ba mẹ con tôi ôm nhau khóc. Tôi cũng đồng ý lấy Hà. Ngày cưới của tôi rất vui, mẹ tôi mừng lắm. Hà về ở rể nhà này. Rồi Hà cũng lên chức giám đốc, cũng bỏ tôi, cưới cô kế toán trưởng. Nhưng tôi không cam chịu như mẹ, tôi lại cưới chồng. Chồng tôi chính là Hải - Chồng cũ của Hoa, chả là Hải và Hoa cũng bỏ nhau. Rổ rá cạp lại nhưng ngày cưới của bọn tôi vẫn vui lắm. Được ít lâu thì Hải trúng số độc đắc, Hải bỏ tôi cưới một cô khác trẻ hơn. Tôi khóc cạn nước mắt. Tôi bỏ ra biển một mình, không may bước hẫng chân, lao đầu xuống vực...

*

- Hạnh, Hạnh! Tỉnh lại đi con, mày sốt rồi, nằm yên để mẹ nấu cháo ăn rồi uống thuốc, hôm nay nghỉ dạy nhé, để mẹ đến trường xin phép cho, tiện thể qua chợ mua cái gì tươi tươi cho bố mày, nhà hết thức ăn rồi. Gớm! Đêm qua ngủ mê gì mà hét vang cả nhà! - Mẹ, con có ốm đau gì đâu, con đi trường đây! - Tôi nắm lấy tay mẹ, muốn nói nhiều điều với mẹ nhưng cổ họng nghẹn đắng. Rất may là những điều kinh khủng kia đã xảy ra trong giấc mơ tôi. Nhưng nào ai dám chắc...

*

Tự nhiên tôi sợ cả cuộc hẹn tối nay với Hà, sợ cả gặp mặt cái Hoa, sợ lây cả cái đám cưới sắp tới của Huệ nữa.

Bất giác, tôi nghĩ: Giá gia đình tôi vẫn ở quê như ngày xưa nhỉ.

Thị xã cuối trăng tháng Chạp.

P.T.L.

----------------

Có thể bạn quan tâm:

Con của rừng - Truyện ngắn của Phạm Quang Đẩu Sóng sông - Truyện ngắn của tác giả Vũ Thanh Thế Chuyện tình của người lính. Truyện ngắn của Nguyễn văn Thái Khách ở quê ra - Truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Minh Châu Đá dăm trắng - Truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú
Văn nghệ Trẻ, số 9/1995
Phát biểu khai mạc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Hội nghị TƯ 10 khoá XIII

Phát biểu khai mạc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Hội nghị TƯ 10 khoá XIII

Baovannghe.vn - Trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chủ trì Hội nghị lần 10 BCH Trung ương Đảng khóa XIII

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chủ trì Hội nghị lần 10 BCH Trung ương Đảng khóa XIII

Baovannghe.vn - Hội nghị Trung ương lần này diễn ra sớm hơn, ngắn hơn dự kiến và sẽ làm việc cả ngoài giờ hành chính; thảo luận, cho ý kiến về 10 nội dung thuộc 2 nhóm vấn đề chiến lược và một số việc cụ thể.
Bản tin Văn Nghệ: Hội tụ và tỏa sáng những tài năng âm nhạc, nghệ thuật

Bản tin Văn Nghệ: Hội tụ và tỏa sáng những tài năng âm nhạc, nghệ thuật

Baovannghe.vn - Ban nhạc The Bootleg Beatles sẽ tổ chức 3 đêm diễn tại Việt Nam trong chuỗi chương trình kỷ niệm 44 năm lưu diễn tri ân người hâm mộ.
Điểm 10. Truyện ngắn của Nguyễn Hữu Hồng Minh

Điểm 10. Truyện ngắn của Nguyễn Hữu Hồng Minh

Baovannghe.vn - Bây giờ khi đã mười chín tuổi, tôi biết yêu, biết hận, biết thương và biết sợ. Tôi thích lang thang một mình vào những buổi chiều xanh xao thả bộ dọc con phố vắng.
Phỏng vấn một nghệ sĩ mở quán ăn

Phỏng vấn một nghệ sĩ mở quán ăn

Baovannghe.vn - Tôi vẫn thế thôi. Nhưng tác phẩm cần sự thẩm định của thời gian, chính mình phát biểu không tiện. Còn món ăn cần sự thẩm định tức thì, ngay miếng đầu tiên.