Người đồng bằng sống nhờ phù sa bãi bồi còn người miền núi sống nhờ đá. Đất núi từ mẹ đá mà ra. Đó là nếp nghĩ ngàn đời của người miền núi. Hòn cuội nơi lòng suối thành thứ châu báu của đám trẻ trâu. Những hòn cuội trắng, xanh, đen, đỏ, nhiều thù hình luôn cuốn hút bọn trẻ ngụp lặn mò tìm. Đó là thứ của báu gợi về những kho báu xa xưa chỉ có trong những câu chuyện kể.
Ngày tôi lên đường rời xa quê núi về với phố thị, mẹ chuẩn bị nào xôi nào gà cho con có cái ăn khi đi đường và gọi là có chút thứ cây nhà lá vườn thết đãi bè bạn. Mẹ cũng không quên cho vào ba lô của tôi cái hòn đá cuội, nhắn nhủ con không được bỏ nó đi. Có hòn đá cuội như có hồn cốt của quê nhà. Tôi cầm hòn đá tròn trĩnh nhẵn nhụi trong tay như cầm một báu vật. Chính câu nói của mẹ khiến tôi thấy hòn cuội nhỏ thêm phần quan trọng.
Mẹ nhắn thêm: “Khi đun nước uống nhớ cho hòn cuội vào siêu nước. Làm vậy con sẽ không bao giờ thấy lạ với những nguồn nước nơi khác, tránh được ốm đau.”
Tôi mang hòn cuội ra phố thị, cất vào một ngăn bí mật của riêng mình. Khi nhớ mẹ, nhớ nhà lại đưa ra ngắm nghía, săm soi. Hòn cuội màu đen huyền từ đó thành vật bất li thân của tôi.
Quen nàng đã lâu nhưng chuyện về hòn cuội luôn là điều bí mật của tôi. Một thứ mà tôi không muốn chia sẻ với bất kì ai ngoài mẹ. Mẹ tôi rất vui vì sau bao nhiêu năm tôi vẫn giữ hòn cuội bên mình.
Tôi sợ rằng sẽ có một ngày nàng biết được điều bí mật này của tôi. Thường thì khi người ta giữ kín một điều gì, nó càng có nguy cơ bị khám phá. Hòn cuội của tôi cũng đang có nguy cơ bị nàng trưng ra ánh sáng và bạn bè sẽ biết về một thói quen kì quái của tôi. Luôn giữ trong người một hòn cuội. Tôi không mong có ngày đó. Nhưng nó đã là sự thật. Đó là một buổi chiều mùa đông. Khi ấy những cơn gió bấc đã đưa mây về vần vũ phía ngoài cửa sổ.
- Hòn đá gì vậy nhỉ?
- Đó là một hòn cuội – Tôi nói – Nó theo anh đã gần chục năm trời rồi.
- Vậy mà suốt những năm qua em chưa từng nhìn thấy nó. Anh giữ hòn cuội kĩ vậy?
- Nó là một phần cuộc sống của anh đấy – Tôi nói vẻ quan trọng. Nàng cũng đã hiểu những khi tôi tỏ ra quan trọng một điều gì đó. Sau câu chuyện sẽ là một sự trầm ngâm. Cả buổi tối hôm ấy tôi nằm trên đi văng ngẫm nghĩ về hòn cuội.
Hòn cuội - Truyện ngắn của Hữu Vi |
Đêm về, tôi nằm mơ thấy hòn cuội bỗng dưng óng ánh những giọt nước. Hòn cuội khóc. Tôi lau khô những giọt nước. Vậy là tỉnh mộng.
Trong mỗi hòn cuội đều có một linh hồn của đá. Tôi nhớ mẹ tôi đã từng nói như vậy. Rồi bà nói thêm: hồn của đá thường đi với vía của người. Sau này khi để hòn cuội trong góc tủ, tôi lại nghĩ không biết hồn của đá có quen với những tiện nghi phố thị hay không. Tôi đem băn khoăn này nói lại với nàng thì nàng nói: biết đâu linh hồn cuội đá của anh cũng kết những tiện nghi phố thị.
Lâu quá rồi mới gặp một câu nói đa nghĩa như vậy từ cửa miệng nàng.
Mẹ gọi cho tôi về ngay. Ông nội ốm. Có khi không qua khỏi. Trước khi gác máy mẹ dặn thêm: đừng quên mang theo hòn cuội nhé. Nó phải được gặp mặt trước khi ông lìa trần. Tôi biết dù mẹ có không dặn điều này tôi vẫn cầm theo hòn cuội mỗi khi trở về quê, điều đã thành thông lệ. Nhưng tôi không biết hòn cuội nhỏ nhắn có thực sự muốn được chào từ biệt ông nội hay không. Biết đâu nó có một phương thức nào đó liên lạc với thế giới những người đã khuất. Tôi xoay xoay viên cuội trên tay một lúc lâu trước khi bỏ vào chiếc hộp cất trong ba lô. Vậy là thêm một lần nữa hòn cuội theo tôi về quê. Lần này về là để tiễn biệt ông nội.
Tôi và hòn cuội đã không về kịp. Đúng hơn là ông nội đã không thể chờ chúng tôi. Tôi chỉ còn có thể đặt nó lên bàn thờ nơi có tấm hình ông nội vẫn nhìn tôi với vẻ thất vọng. Hòn cuội trên bàn thờ ông nội lại óng ánh nước từ bao giờ. Tôi nhớ lại giấc mơ hôm nào về những giọt nước mắt hòn cuội. Bây giờ nó bên hình ông nội như đang thì thầm điều gì.
Người Thái khi rước dâu về thường rửa chân cho nàng dâu. Họ cho vào chiếc chậu một đồng bạc trắng. Ngày xưa khi đón mẹ tôi về làm dâu nhà mình, ông nội bảo bà cho thêm hòn cuội vào chiếc chậu đồng rửa chân cho mẹ. Tôi nghe chuyện và không hiểu vì sao ông nội làm thế. Tôi chưa kịp hỏi về điều này thì ông đã ra đi vội vã vì đột quỵ.
Con sẽ nhờ hòn cuội hỏi ông vậy nhé.
Cho đến một ngày mẹ tôi làm cái việc của bà nội ngày xưa, làm lễ rửa chân cho vợ tôi. Nàng có vẻ lạ lẫm với nghi lễ này mặc dù tôi đã nhiều lần kể, thậm chí đã cho nàng đọc nhiều bài viết trên báo chí về tục rửa chân cô dâu mới của người thiểu số. Chính vì sự e ngại của nàng mà tôi phải túc trực bên cạnh trong suốt những nghi lễ cưới hỏi khi về nhà trai. Những nghi lễ khiến nàng tròn mắt ngỡ ngàng.
Mẹ tôi bê chậu nước lên rửa chân cho con dâu. Khi vừa bước lên đầu cầu thang, bà chợt quay sang hỏi tôi:
- Đưa hòn cuội cho mẹ.
Tôi lẳng lặng lắc đầu.
Nàng nhìn tôi, vẻ mặt tiếc nuối. Tôi đã phải chia tay hòn cuội nhỏ. Đó là một thỏa ước của tôi và nàng. Đó thực sự là một trò chơi vô nghĩa. Đến lúc này nàng mới hiểu được tầm quan trọng của hòn cuội gia truyền.
Tôi vẫn nhớ rõ buổi chiều hôm ấy, trước khi nàng nhận lời cầu hôn của tôi, có sự chứng kiến của mặt hồ Hà Nội. Tất nhiên là cả những làn sóng yếu ớt loang ra khi hòn cuội chìm nghỉm xuống đáy hồ.
Để có nàng, tôi đành lìa xa hòn cuội.