Diễn đàn lý luận

Bài thơ “Sông Thương tóc dài” của Hoàng Nhuận Cầm

Trần Bá Giao
Tác phẩm và dư luận
17:25 | 17/03/2025
Baovannghe.vn - Hoàng Nhuận Cầm thi sĩ đã thành công khi nói về nỗi cô đơn khi đứng ở bên dòng sông Thương. Sông Thương êm đềm đấy, nhưng không khỏa lấp được cái cô đơn trong lòng nhà thơ...
aa

SÔNG THƯƠNG TÓC DÀI

HOÀNG NHUẬN CẦM

Mai đành xa sông Thương tóc dài

Vạn Kiếp tình yêu anh gửi lại

Xuân ơi Xuân, lẽ nào im lặng mãi

Hạ chưa về.... nhưng nắng đã Côn Sơn...

Mai đành xa sông Thương thật thương

Mắt nhớ một người, nước in một bóng

Mây trôi một chiều, chim kêu một giọng

Anh một mình - náo động - một mình anh.

LỜI BÌNH

Hoàng Nhuận Cầm nổi lên như một nhà thơ của tuổi trẻ những năm chống Mỹ. Chàng trai ở độ tuổi 20 ấy đã lên đường nhập ngũ vào những năm chiến tranh chống Mỹ ác liệt nhất. Cùng lứa với Nguyễn Văn Thạc, Hoàng Nhuận Cầm xếp bút nghiên lên đường đánh giặc. Chính trong những năm ác liệt ấy Hoàng Nhuận Cầm đã gặt hái những thành công trong lĩnh vực thơ. Anh, người chiến sĩ ở Thành cổ, Quảng Trị đã trở về với bài thơ đáng giá để rồi đạt giải của báo Văn nghệ trong cuộc thi thơ.

Trong sự nghiệp thơ của mình Hoàng Nhuận Cầm đã ghi dấu ấn với những bài thơ: Chiếc lá đầu tiên; Vào mặt trận lúc mùa ve đang kêu và nhiều bài thơ khác nữa. Một trong những bài thơ của anh là bài thơ Sông Thương tóc dài. Một hình tượng được ví như một nàng thiếu nữ tóc dài.

Cái hay của bài thơ là nhà thơ nói về những địa danh gắn với sông Thương nhưng đó là những địa danh ghi dấu trong sử sách của nước nhà, khổ thơ đầu bảng lảng với tình yêu của nhà thơ:

Mai đành xa sông Thương tóc dài

Vạn Kiếp tình yêu anh gửi lại

Xuân ơi Xuân lẽ nào im lặng mãi

Hạ chưa về... nhưng nắng đã Côn Sơn...

Khổ thơ nói đến những hình tượng gắn với Sông Thương, nhưng cũng nói đến tâm trạng của tác giả cái hay của bài thơ: nói về địa danh Vạn Kiếp nhưng nghĩa khác là nói về thời gian dài lâu để khẳng định cái tình đằm thắm si mê của tác giả khi: Vạn Kiếp tình yêu anh gửi lại.

Không gian đã mơ hồ bảng lảng thì thời gian cũng được khoắc vào mình cái im lặng kéo dài rồi lại được gắn với sắc nắng của mùa. Sắc nắng ấy hư ảo cùng với thơ:

Xuân ơi Xuân lẽ nào im lặng mãi

Hạ chưa về... nhưng nắng đã Côn Sơn...

Nếu khổ thơ đầu là sự gợi mở về vẻ đẹp của Sông Thương gắn với tình cảm nhà thơ, gắn với những địa danh lịch sử tạo nên cảm xúc sâu lắng, có chút gì đó mơ hồ xa vắng; thì ở khổ thơ sau nhà thơ đã kết lại bằng những hình ảnh của sự nhớ nhung, đơn côi với cái vẻ bề ngoài và nhấn mạnh sự rung động sâu sắc của con tim.

Mai đành xa sông Thương thật thương

Mắt nhớ một người, nước in một bóng

Mây trôi một chiều, chim kêu một giọng

Anh một mình - náo động - một mình anh.

Hoàng Nhuận Cầm viết bài thơ này theo thể thơ tự do một thể thơ mới có từ khi có phong trào thơ mới, sau đó phát triển mạnh mẽ, tạo ra một thể thơ tự do giàu sức biểu cảm thường được ngắt nhịp theo kết cấu 3-2-2 hoặc 5 -3 hoặc 4-4. Nếu tách khổ cuối thành 1 bài thơ riêng thì vẫn có giá trị của một bài thơ tứ tuyệt.

Thi sĩ Hoàng Nhuận Cầm đã biết khai thác từ ngữ với những ý nghĩa khác nhau cho dù là 1 từ: thương

Mai đành xa sông Thương thật thương

Thương là tên gọi của sông nhưng cũng lại có ý nghĩa như một sắc thái của tình cảm: Tình thương câu thơ lặp lại từ thương để nhấn mạnh tình yêu thương của tác giả với sông Thương.

Hoàng Nhuận Cầm mở đầu khổ thơ bằng một câu nhấn mạnh - khẳng định để rồi ở 3 câu thơ cuối sự nhấn mạnh về tình yêu thương của mình với sông Thương bằng những hình ảnh song lập tạo nên một bức tranh sinh động, qua đó đẩy lên cao trào cảm xúc:

Mắt nhớ một người, nước in một bóng

Mây trôi một chiều, chim kêu một giọng

Anh một mình - náo động - một mình anh.

Bức tranh thơ thật ấn tượng, đầy cảm xúc. Từ “một’ được gắn với các từ: người, bóng, chiều, giọng để nói lên có nhiều hình ảnh đấy, nhưng những hình ảnh đó đều có một. Một mang ý nghĩa chỉ một cá thể. Đặt trong khung cảnh của bài thơ, tất cả những hình ảnh nước, mây, chim đều có cái gì đó rất đơn côi, để rồi, kết lại với hình ảnh: Tác giả đang nhớ một người. Sự cô đơn đó được tác giả nhấn mạnh bằng câu thơ cuối bài:

Anh một mình - náo động - một mình anh.

Hoàng Nhuận Cầm thi sĩ đã thành công khi nói về nỗi cô đơn khi đứng ở bên dòng sông Thương. Sông Thương êm đềm đấy, nhưng không khỏa lấp được cái cô đơn trong lòng nhà thơ, dù thi sĩ có cố lên gân: náo động nhưng sự cố gắng náo động ấy vẫn chỉ là sự cố gắng trước nỗi cô đơn đang có thực trong thời điểm nhà thơ đang nhớ về một người.

Sử dụng những hình tượng liên tiếp nhấn về sự cô đơn để nhấn mạnh về nỗi cô đơn, Hoàng Nhuận Cầm đã thành công trong diễn tả về một sắc thái tâm trạng của con người: Nỗi cô đơn.

Ta hiểu về nỗi cô đơn mà Hoàng Nhuận Cầm diễn tả để cùng đồng cảm với nhà thơ và với những ai đang cô đơn. Đồng cảm để biết sẻ chia để biết yêu quý những phút giây không cô đơn. Và nếu có một lúc nào đó cô đơn, hay biết vượt qua tâm trạng đó mà tồn tại và vươn lên trong cuộc sống; cũng như theo quy luật của tạo vật; hết mưa là nắng ửng lên thôi.

Cám ơn nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm đã rất sâu sắc, chân thực khi khắc họa một trạng thái tâm trạng của con người.

Bài thơ “Sông Thương tóc dài” của Hoàng Nhuận Cầm
Tranh Hòa Văn
Nghị quyết về Đào tạo lĩnh vực nghệ thuật đặc thù tiếp tục được xem xét tại phiên họp 45

Nghị quyết về Đào tạo lĩnh vực nghệ thuật đặc thù tiếp tục được xem xét tại phiên họp 45

Baovannghe.vn - Văn phòng Quốc hội vừa có văn bản số 1337/TB-VPQH ngày 28/4/2025 thông báo Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về đào tạo các ngành, nghề chuyên môn đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật (tại Phiên họp thứ 44, tháng 4/2025).
Nỗ lực để Văn học, nghệ thuật của người Việt Nam ở nước ngoài phát triển

Nỗ lực để Văn học, nghệ thuật của người Việt Nam ở nước ngoài phát triển

Baovannghe.vn - Chiều 28/4, Hội đồng Lý luận Trung ương và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề “Văn học, nghệ thuật của người Việt Nam ở nước ngoài sau 50 năm đất nước thống nhất, đổi mới, phát triển (1975-2025)”.
Khai mạc chuỗi du lịch biển năm 2025 tại Thanh Hóa

Khai mạc chuỗi du lịch biển năm 2025 tại Thanh Hóa

Baovannghe.vn - Lễ khai mạc mùa du lịch biển Sầm Sơn 2025 đã diễn ra vào tối ngày 26/4/2025, tại Quảng trường Biển, phường Trung Sơn, với hàng ngàn du khách và đông đảo bà con nhân dân tham dự.
Đánh đàn gọi bạn tình - Thơ Dương Thuấn

Đánh đàn gọi bạn tình - Thơ Dương Thuấn

Baovannghe.vn- Hoa đào đỏ/ Hoa mận trắng/ Sương bay giăng giăng.
Vị nữ tướng, anh hùng…

Vị nữ tướng, anh hùng…

Baovannghe.vn- Tại xã Lương Hòa, Giồng Trôm, một huyện trung tâm của tỉnh Bến Tre, bà Nguyễn Thị Định chào đời ngày 15-3-1920 trong một gia đình nông dân nghèo, có 10 người con. Là con út, từ nhỏ bà đã phải chịu nhiều nỗi cơ cực và thiệt thòi dưới chế độ thực dân, phong kiến, nhất là không được tới trường. Nhờ sự kèm cặp, bày vẽ của anh Ba Chẩn trong nhà mà cô Út biết đọc, biết viết.