EM CHĂM CHẮM NHÌN TÔI NHƯ THIÊU ĐỐT
|
ALEKSANDR BLOK
Giữa những ngôi nhà những ngày vàng nắng
Tôi và em trong phút chốc gặp nhau
Em chăm chắm nhìn tôi như thiêu đốt
Rồi khuất dần hun hút cuối ngõ sâu.
Đôi mắt em nhìn tôi không vô cớ
Lặng thinh nhìn mà bỏng rát như thiêu
Không vô cớ tôi lén thầm cam chịu
Trước mắt em, ôi lừa dối lặng im!
Rất có thể, những đêm đông rét buốt
Ném tôi cùng em vào vũ hội cuồng điên
Và cuối cùng tôi sẽ là người bị giết
Bởi cái nhìn nơi em - sắc như lưỡi dao găm!
Nguyễn Xuân Hòa (dịch)
LỜI BÌNH
Trong những giác quan của con người thì thị giác là nơi đầu tiên, là cửa sổ tiếp nhận đầu tiên những hình ảnh đối diện. Thị giác tiếp nhận và thông tin đến những giác quan khác để “xử lý thông tin” và đôi mắt cũng là nơi thể hiện ra bên ngoài đầu tiên những sắc thái biểu cảm: yêu thương, giận dữ, dỗi hờn, mê đắm, khinh bỉ của con người. (Giàu đôi mắt) là vì thế.
Trong sự giao cảm của tình yêu cũng vậy. Những mối tình sét đánh, có khi thường bắt đầu bằng những ánh nhìn có ma lực của cô gái (hoặc chàng trai) thôi miên và khuất phục hoàn toàn người bị những ánh nhìn ma lực ấy
Ba khổ thơ (mỗi khổ bốn câu) chỉ tập trung nói về “cái nhìn” của cô gái đối với chàng trai “tôi” ở ba tình huống, ba hoàn cảnh khác nhau, song tựu trung lại chỉ có một cấp độ là rất mãnh liệt là như thiêu đốt, có thể làm cho chàng trai có thể “chết đi được”. Mở đầu bài thơ, thi sĩ nói về hoàn cảnh gặp nhau của hai người:
Giữa những ngôi nhà những ngày vàng nắng
Tôi và em trong phút chốc gặp nhau.
Có thể nói đó là hoàn cảnh rất thơ mộng, có nắng vàng nhuộm óng những ngôi nhà. Trong hoàn cảnh lãng mạn ấy, hai người bất chợt gặp nhau, mà cũng gặp nhau trong phút chốc và cũng chỉ cần “trong phút chốc gặp nhau” ấy cô gái đã “hạ gục” chàng trai bằng cái nhìn thiêu đốt:
Em chăm chắm nhìn tôi như thiêu đốt
Đấy là cảm giác của chàng trai. Những ánh nhìn của cô gái như sức hút của tảng nam châm cực mạnh khiến tâm hồn chàng trai như những vụn sắt nhỏ li ti, không thể nào cưỡng nổi ma lực ấy. Và cũng rất may là “tảng nam châm” ấy nhanh chóng di chuyển ra xa chàng trai để mất hút trong ngõ nhỏ, chứ nó cứ đứng đó chiếu thẳng vào “tôi” thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra! Vì cái nhìn của “em” có chủ đích chứ hoàn toàn không vô cớ! Như vậy thì “tôi” phải thấy sung sướng và hạnh phúc chứ! Không, chàng trai đành “lén thầm cam chịu” và giả vờ như cứng rắn: Trước mặt em, ôi lừa dối lặng im!.
Tại sao vậy? Vì trường lực của cái nhìn của cô gái vẫn rất mạnh mẽ, “nóng” hơn lúc đầu: Lặng thinh nhìn mà bỏng rát như thiêu.
Và chàng trai đã “tiên lượng” được những điều sẽ xảy đến trong tương lai đối với hai người, mà điều đó có sự khởi đầu bằng cái nhìn thiêu đốt của cô gái: /Rất có thể những đêm đông rét buốt/ Ném tôi cùng em vào vũ hội cuồng điên.
Và kết cục cô gái vẫn là người chiến thắng kiêu hãnh, còn chàng trai vẫn là người chiến bại tội nghiệp:
Và cuối cùng tôi sẽ là người bị giết
Bởi cái nhìn nơi em - sắc như lưỡi dao găm!
Bài thơ chỉ đề cập một trạng huống tình cảm rất cụ thể của sự giao cảm từ đôi mắt người con gái đối với chàng trai, song có lẽ A.Blok muốn gửi gắm một vấn đề khái quát trong phạm trù mỹ học: phạm trù cái đẹp. Cái đẹp trong cuộc sống ở một hoàn cảnh cụ thể có một sức mạnh ghê gớm. Tôi chợt nhớ câu ngạn ngữ của người Trung Quốc “sắc bất ba đào dị nịch nhân” (sắc đẹp không có sóng mà nhấn chìm người). So sánh luôn là sự khập khiễng, nhưng tôi tin thi hào nước Nga Aleksandr Blok cũng nói như thế!