Diễn đàn lý luận

Bài thơ "Mưa về...!" của Nguyễn Hồng Vinh

Nguyễn Thanh
Tác phẩm và dư luận
08:50 | 27/01/2025
Baovannghe.vn - Con người ta phải vượt qua cái hư không ấy mới có thể chạm vào cõi thiêng… Thì ra nỗi buồn lại là chất men nồng để nhà thơ chưng cất những sự sống mới.
aa

MƯA VỀ...!

Bài thơ
Tranh Chill

NGUYỄN HỒNG VINH

Mưa giăng mịt mùng

Bỗng nghe bài hát:

“Tình khúc chiều mưa”

Trái tim quặn thắt!

Lẽ nào giọt nắng

Vừa đọng môi em

Vội thành băng giá

Vây bủa con tim!

Khuất sải cánh chim

Hồ im sóng gợn

Liễu rủ ngày đêm

Đèn đường đơn bóng…

Trên trang giấy trắng

Con chữ nhọc nhằn

Mưa lùa khe cửa

Đời còn hư không!...

LỜI BÌNH

Những ai đã yêu và ít nhất một lần gặp trắc trở trong tình yêu sẽ dễ đồng cảm với nhạc phẩm Tình khúc chiều mưa của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9. Nhạc phẩm có đoạn nhớ thương về một kỷ niệm êm đẹp: “Chiều mưa ngày nào sánh bước bên nhau/ Tin yêu dạt dào mộng ước mai sau/ Cho ân tình đầu mãi mãi dài lâu/ Cho duyên tình đầu đừng có thương đau!”, lại có đoạn ngậm ngùi, nuối tiếc về mối tình đã qua, đã xa: “Chiều nay một mình chiếc bóng đơn côi/ Mưa rơi giọt buồn giá buốt tim tôi/ Mưa rơi lạnh lùng xóa dấu chân xưa/ Tin yêu bây giờ trả lại người xưa…”. Tác giả Nguyễn Hồng Vinh, trong bài mưa về, hẳn rất đồng cảm với Tình khúc chiều mưa nên mới chia sẻ, dãi bày:

Mưa giăng mịt mùng

Bỗng nghe bài hát:

“Tình khúc chiều mưa”

Trái tim quặn thắt”…

Bài thơ mở ra ba chiều không gian, không gian vật lý là cơn mưa chiều; không gian trữ tình của bài hát và không gian tâm lý của chủ thể. Âm hưởng buồn là cầu nối các không gian. Nỗi buồn như gọi nỗi buồn, cộng hưởng, thấm thía… Lời bài hát, khiến tác giả gợi nhớ về quá khứ: “Lẽ nào giọt nắng/ Vừa đọng môi em/ Vội thành băng giá/ Vây bủa con tim!”. Cấu trúc đối lập của hình tượng giọt nắng ấm áp và băng giá lạnh lẽo như là mô hình một sự đổ vỡ về tinh thần. Hẳn nhiên sự đổ vỡ lỡ làng nào trong tình yêu cũng là sự day dứt khổ đau. Nhưng phải chăng có một sự nghịch lý này: ở thì hiện tại người ta sẽ trống rỗng nếu không hoài niệm về sự đau khổ ấy!? Có lẽ đúng thế chăng mà nhờ cái trái ngang đắng đót ở ngày hôm qua để người ta mới có thể cảm nhận hết cái dư vị ngọt ngào của ngày hôm nay.

Quá khứ thì xa vời, đành đối diện với hiện tại: “Khuất sải cánh chim/ Hồ im sóng gợn/ Liễu rủ ngày đêm/ Đèn đường đơn bóng…”. Thời gian vật lý đã chuyển từ chiều về đêm. Tất cả đều gợi nỗi đơn côi: Cánh chim lẻ khuất bóng xa vời; hồ nước im lặng suy tư; cành liễu như mơ màng đi vào giấc ngủ; có ánh đèn, nhưng dưới mưa mà càng thêm cô đơn…Bỗng nhớ đại thi hào Nguyễn Du đã khái quát về hoàn cảnh này “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”.

Bài thơ tưởng như đã có thể khép lại nhưng cái tứ mới lại mở ra: “Trên trang giấy trắng/ Con chữ nhọc nhằn/ Mưa lùa khe cửa/ Đời còn hư không!...”. Thì ra cuộc đời, nói theo nhà Phật, cũng “sắc sắc không không”, có đấy mà không đấy. Con người ta phải vượt qua cái hư không ấy mới có thể chạm vào cõi thiêng… Thì ra nỗi buồn lại là chất men nồng để nhà thơ chưng cất những sự sống mới. Đúng như một thi nhân đã viết “Buồn ta ấy lửa đang nhen”…

Chính vì vậy, “Mưa về…!!!” buồn mà không sầu, lại có phần sâu lắng, triết lý...

“Nẻo về” -  Tiếng hát tự do của Vũ Mai Phong

“Nẻo về” - Tiếng hát tự do của Vũ Mai Phong

Baovannghe.vn - Phong trong Nẻo về không chỉ là một người thơ, mà còn là một người giàu suy tư, chiêm nghiệm.
Thêm một nốt lặng - Thơ Trần Ngọc Mỹ

Thêm một nốt lặng - Thơ Trần Ngọc Mỹ

Baovannghe.vn- Tháng Hai những dấu chân lẳng lặng/ đưa tôi bước sang khoảng trời khác
Đêm cuối xuân - Thơ Trần Ngọc Khánh

Đêm cuối xuân - Thơ Trần Ngọc Khánh

Baovannghe.vn- Đêm nay ngồi đếm đêm qua…/ Buồn nghe trăm ngả nhạt nhòa trăm phương/ Người xưa xanh tựa vô thường
“Để trở thành hội viên, tôi chỉ cần hoạt động văn chương thuần túy”

“Để trở thành hội viên, tôi chỉ cần hoạt động văn chương thuần túy”

Baovannghe.vn - Trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam chưa bao giờ là điều dễ dàng. Có người làm đơn 20 năm mới được kết nạp vào Hội...
Cổng nhà mẹ - Thơ Trần Ngọc Mỹ

Cổng nhà mẹ - Thơ Trần Ngọc Mỹ

Baovannghe.vn- nay cúc đơm hương gợi Tết/ nay mẹ hương khói nhớ người