CON VẸT VÀ CHÚ CHIM SÂU
ĐỖ VĂN TRI
|
Con vẹt
nói suốt ngày và đúng ngữ pháp
Nghe khó chịu đến tăng huyết áp!
May,
Có chú chim sâu nhỏ xíu,
líu lo, nhảy nhót, chuyền cành
Cho
lòng ta
dịu lại…
LỜI BÌNH
Có con vẹt nói… đúng ngữ pháp! Nhưng, khi nghe nó nói thì khó chịu đến tăng huyết áp! Hai câu thơ ở khổ thơ mở đầu có vẻ như cường điệu?! Có sự phi lý? Có sự bí ẩn ở đây? Ngẫm kỹ bài thơ, tôi ngộ ra, sự có lý ẩn trong việc tri nhận của chúng ta về mức độ giá trị thực của mỗi thực thể, sự việc đang có, đang diễn ra xung quanh. Ở đây, tác giả chọn chim vẹt và chim sâu, hai thực thể tự nhiên gần gũi với đời sống con người làm ví dụ đối sánh tượng trưng.
Đây là con vẹt nuôi. Mục đích chính của người nuôi nó là để làm chim cảnh, thỏa mãn thú chơi chim. Yêu cầu về sự đẹp mã thì tự loài vẹt đã đáp ứng nhưng, yêu cầu cao nhất của người nuôi là, nó phải biết bắt chước rồi nói sõi tiếng người. Không ai phủ nhận sự nói. Giỏi nói quý lắm sao. Nhiều khi, một câu nói mà ngăn chặn được chiến tranh, một lời nói có sức mạnh bằng cả vạn tinh binh… Con vẹt trong bài thơ nói rất nhiều, nói rất giỏi - nói đúng ngữ pháp! Nhưng, đáng tiếc, cái sự nói của nó lại làm người nghe Nghe khó chịu đến tăng huyết áp! Không ổn rồi! Sự nói nhiều và nói giỏi của vẹt này nhiều khi ít hiệu quả, còn có thể là vô tích sự, hơn thế, là phản tác dụng. Vậy, mức độ giá trị của con vẹt này đến đâu? Chỉ là, sự đẹp mã của nó đáp ứng nhu cầu khoe mẽ, “minh họa” cho người chơi chim. Sự thông minh của nó đáp ứng nhu cầu thuần dưỡng, “phải đạo” - biết bắt chước và nghe lời người chủ nuôi. Sự thông minh của con chim vẹt cũng chỉ là đạt mức “học vẹt”, “nói vẹt”, sao âm lại tiếng người, ví như: “nhà có khách”, “bố ơi”, “thằng tý”…Con vẹt nói những lời giáo điều, có sẵn, nói theo ý người khác, lặp đi lặp lại, nghe mãi mới nhàm chán làm sao. Đôi khi còn nguy hiểm nếu, nó họa những từ nói bậy (!) Ở một phía nhìn khác, vẹt là loài chim ăn hạt, củ, quả nên, phần nào đó nó còn phá hoại mùa màng, xâm lấn khẩu phần, lạm nguồn nuôi sống con người? Dẫu vậy, xét ở góc độ tự nhiên học, chim vẹt cũng chẳng có tội gì.
|
Chim vẹt thường dành cho số ít, những người có điều kiện và có thú chơi chim cảnh, kinh doanh chim cảnh.
Chim sâu, loài chim rất nhỏ, rất bình thường, “vô danh tiểu tốt”, không màu mè bắt mắt, càng không biết bắt chước tiếng người. Nó không nằm trong danh mục chim cảnh, giá cả mua/ bán của nó có thể bỏ qua. Nhưng, từ ngàn xưa đến nay chim sâu là loài rất có ích. Chim sâu cứ miệt mài, cần mẫn líu lo, nhảy nhót, chuyền cành từ tinh mơ tới hoàng hôn, bắt vô vàn sâu bọ có hại, bảo vệ cây cối, mùa màng. Chim sâu không biết nói (tiếng người) nhưng bản chất siêng năng, cần mẫn. Chim sâu là một trong những thực thể khách quan tượng trưng hợp quy luật lòng người: Có chú chim sâu nhỏ xíu/…/ Cho/ lòng ta/ dịu lại…
Con người thường gọi tên một loài vật bắt đầu bằng “con”. Khi ta có thiện cảm, quý mến chúng thì thay gọi “con” bằng gọi “chú”. Có thế không, khi tác giả gọi, viết Con vẹt và chú chim sâu?
Khổ thơ thứ hai mở đầu câu thơ bằng một từ “May,” cùng dấu phảy (,) đặt liền, là diễn động tâm trạng, như một tiếng thở phào, ngắt hơi, rồi được chút bình tâm dừng nghỉ vì, đã thoát hiểm khỏi hoàn cảnh bất lợi, bởi nguy cơ phải chết vì tăng huyết áp! Nó như van xả bớt áp suất “Biết rồi. Khổ lắm! Nói mãi” mà do sự nói của con vẹt gây nên.
Bài thơ rất ngắn, ngôn từ cô đọng mà biểu cảm sâu sắc. Nội dung bài thơ như hai bảng biểu đặt song song, ghi hai bài luận làm đối tượng so sánh để, chỉ ra sự khác nhau bản chất giữa hai khách thể, về: giá cả - giá trị; sự nói - sự làm. Bài thơ phảng phất chất hồn thơ haikư, đượm chút màu ngụ ngôn, luận về sự người, sự đời. Qua đó, chiêm nghiệm một cách nhìn thấu đáo về nhận diện chân giá trị của từng thực thể quanh ta.