NGUỒN GỐC TỪ NGỮ
XUÂN QUỲNH
|
Tiếng yêu anh nói cùng em
Tiếng ngàn năm của những đêm hội mùa
Tiếng người xưa nói với nhau
Trong câu Quan họ qua cầu gió bay…
Người về cởi áo lại đây
Để thương để nhớ biết ngày nào quên
Núi Thiên Thai mảnh trăng liềm
Sông Cầu nước chảy những đêm đợi chờ
Áo tứ thân, tóc đuôi gà
Tiếng yêu ông nói cùng bà ngày xưa
Tiếng yêu ta nói cùng ta
Là khi dọi lại mái nhà dột mưa
Là khi khăn gói gió đưa
Đầm sen nắng dãi hương trưa ngọt ngào
Nôn nao theo những con tàu
Xa quê hương ánh đèn dầu lẻ loi
Tiếng yêu người nói với người
Giữa muôn tiếng khóc, tiếng cười đua chen
Giữa phố đông, giữa ánh đèn
Giữa bao những tiếng xích xiềng khảo tra.
Tiếng yêu mẹ nói cùng cha
Là khi châm lửa đốt nhà tản cư
Sông Hồng nước cả sóng xô
Bao năm chung sống với cờ - tiếng yêu
Khi cha kéo pháo qua đèo
Giọng hò của mẹ trong veo giữa rừng
Trập trùng những đội dân công
Ngọn măng mai với tấm lòng chiến khu
Tiếng yêu từ những ngày xưa
Vượt qua năm tháng bây giờ đến ta
Tiếng yêu từ những ngày xa
Trải bao cay đắng vẫn là vẹn nguyên
Tiếng yêu anh nói cùng em
LỜI BÌNH
Không phải vô cớ mà nữ thi sĩ Xuân Quỳnh lại chọn thể thơ truyền thống dân tộc vốn phát huy được lợi thế của cảm xúc nhưng dễ bị câu thúc bởi niêm luật chặt chẽ hoặc trượt đi theo vần điệu, sa đà vào câu chữ để mà cắt nghĩa tiếng yêu - theo quan niệm của tác giả làm nên nguồn gốc từ ngữ: Tiếng yêu anh nói cùng em - Tiếng ngàn năm của những đêm hội mùa. Tâm trạng và khung cảnh gắn liền với tiếng yêu đã làm nên giá trị bài thơ.
Vâng, tiếng yêu đó là tiếng của xưa xa thấm đậm trong những làn điệu Quan họ… để thương để nhớ của đất trời, sông núi thơ mộng ấy khiến ta như đắm vào trong hoài niệm một thuở: Núi Thiên Thai mảnh trăng liềm - Sông Cầu nước chảy những đêm đợi chờ - Áo tứ thân, tóc đuôi gà - Tiếng yêu ông nói cùng bà ngày xưa…
Vâng, tiếng yêu của những năm tháng đùm bọc cưu mang, của hẹn hò chia ly; cái tiếng lặng thầm trong giông bão đời người, trong ngục tối xích xiềng vẫn chảy bền bỉ và cất lên mãnh liệt muôn đời: Tiếng yêu người nói cùng người - Giữa muôn tiếng khóc, tiếng cười đua chen - Giữa phố đông, giữa ánh đèn - Giữa bao những tiếng xích xiềng khảo tra…
Vâng, tiếng yêu chẳng bao giờ lặn tắt trong lòng người những ngày tiêu thổ kháng chiến đi theo Cách mạng giành lại thanh bình cho đất nước thoát vòng nô lệ với sự thủy chung như nhất: Bao năm chung sống với cờ - tiếng yêu và lòng biết ơn vô hạn với thế hệ đi trước: Khi cha kéo pháo qua đèo - Giọng hò của mẹ trong veo giữa rừng - Trập trùng những đội dân công - Ngọn măng mai với tấm lòng chiến khu…
Bài thơ Nguồn gốc từ ngữ mở ra điệp trùng với tiếng yêu, trước hết nữ sĩ Xuân Quỳnh muốn bộc bạch tấm lòng của mình sự biết ơn vô hạn những giá trị đã truyền lại làm nên đời sống mà ta được thừa hưởng trong giao tiếp, ứng xử và trên từng trang sách đọc, mạch nguồn mà ta tiếp nhận hôm nay tạo nên sự phong phú đời sống tâm hồn qua chiếc cầu giao cảm ngôn từ: Vượt qua năm tháng bây giờ đến ta. Bài thơ đạt được sự khái quát trong một giọng thơ đằm thắm, dung dị (trong số không nhiều bài thơ của tác giả như Sóng, Tiếng gà trưa, Tự hát…) với xúc cảm nội lực mạnh mẽ của một tâm hồn thơ tinh tế, nhiều nữ tính. Người đọc yêu thơ cảm ơn nữ thi sĩ Xuân Quỳnh cho ta lòng biết ơn và không tẻ lạnh với những gì đã qua, bồi đắp sự thiếu hụt trong hành trang chúng ta vững bước trong cuộc đời vốn nhiều yêu thương và không ít gian khó này.
Báo Văn nghệ số 36+37/ 2016