Diễn đàn lý luận

Bài thơ "Đầu năm mua muối" của Phạm Đình Ân

Vũ Bình Lục
Tác phẩm và dư luận
08:10 | 22/01/2025
Baovannghe.vn - Mua muối đầu năm là một mỹ tục, hình như chỉ thấy ở vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng. Mua muối, dẫu chỉ là mua một ít tượng trưng thôi, nhưng là để mua lấy cái mặn nồng, cái may mắn cho cả một năm và của cả nhiều năm sau nữa.
aa

ĐẦU NĂM MUA MUỐI

Bài thơ
Ảnh José Antonio

PHẠM ĐÌNH ÂN

Đột nhiên chiều mùng một:

“Ai mua muối ra mua”

Một rao, mười tiếng vọng

mặn về nghìn năm xưa

Hạt cắn đôi cơ cực

Dưa cà kiếp rủi may

Bạc mồ hôi mủn áo

Ớt mặn, dầm đắng cay

Rắc muối vào vô cảm

Rắc muối vào vô ơn

Xót tan lòng muối xát

Hạt đổ vào vết thương

Ngẫm lẽ thường mặn nhạt

Muối biển đời trắng tinh

Ngày đầu năm mua muối

Cầm lên tay, giật mình

1997

LỜI BÌNH

“Đầu năm mua muối” là một bài thơ viết theo thể ngũ ngôn, bốn khổ. Mới đọc một lần, đã thấy tứ thơ hiện lên. Một tứ thơ không mới, không lạ, nhưng cấu tứ và tình thơ để lại dấu ấn của một bài thơ hay.

Hai câu đầu của khổ thơ thứ nhất, là hai câu thơ tả thực. Tác giả bất ngờ, đến mức “đột nhiên” nghe thấy một tiếng rao bán ngay buổi chiều đầu tiên của năm mới. Không phải những thứ thơm tho. Không phải những thứ ngọt ngào. Không phải những sắc màu sặc sỡ. Mà là muối. Muối mặn!

Mua muối đầu năm là một mỹ tục, hình như chỉ thấy ở vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng. Mua muối, dẫu chỉ là mua một ít tượng trưng thôi, nhưng là để mua lấy cái mặn nồng, cái may mắn cho cả một năm và của cả nhiều năm sau nữa. Đó chính là một thứ tâm linh, tâm ước của người đời. Đó cũng là một nét văn hoá, góp phần làm nên bản sắc văn hoá phong phú của người Việt, nặng nghĩa, mặn tình… Có người mua, thì đương nhiên có kẻ bán, cũng là lẽ thường ở đời.

Thế thì tiếng rao bán muối chiều mùng một tết ta kia, có gì mà gợi nhiều xốn xang trong lòng thi nhân đến vậy? Đã thấy nghĩ ngợi. Đã thấy rưng rưng xúc cảm ở tầng khái quát:

“Một rao, mười tiếng vọng

mặn về nghìn năm xưa”…

Khổ thơ thứ hai, là nói về người làm ra hạt muối, cụ thể hơn cuộc đời của những người làm ra hạt muối và rộng ra là cả kiếp người lao động nghèo khó. Câu “Một rao, mười tiếng vọng/ mặn về nghìn năm xưa”, là một câu thơ hay, cô đọng và hàm súc. “Một” là số lượng từ xác định. Nhưng “Mười”, lại là số lượng từ vừa mang nghĩa xác định, vừa để chỉ số nhiều. Như thế là một tiếng rao có sức lan toả, giao thoa, vang vọng tới vô cùng, đánh thức cả không gian, đánh thức cả thời gian thăm thẳm, lay động tâm hồn đa cảm của người làm thơ. Không từng trải với cuộc đời cơ cực và hơn thế, không có tấm lòng cảm thông, sẻ chia sâu sắc và chân tình với người, với đời, sao có được những câu thơ sâu nặng tình người đến thế! Phạm Đình Ân nghĩ nhiều và cảm nhiều về hạt muối, về cuộc sống người lao động làm ra hạt muối:

Hạt cắn đôi cơ cực

Dưa cà kiếp rủi may

Bạc mồ hôi mủn áo

Ớt mặn, dầm đắng cay

Những hình ảnh chọn lọc, điển hình, gợi cảm, vừa cụ thể, lại vừa khái quát về cuộc sống diêm dân, với bao nỗi “đắng cay”, “cơ cực” và “rủi may” bất trắc. “Bạc mồ hôi/ mủn áo” là câu thơ hiện thực, hiện thực đến mức trần trụi. Người đọc hình dung thấy tấm áo đẫm mồ hôi của người làm muối, dưới trời chang chang nắng, đang “mủn” ra, đang “bạc” đi vì muối mặn. Những người cả đời chỉ biết sử dụng hạt muối, mà không trực tiếp nhìn thấy diêm dân đã đổ mồ hôi trên ruộng muối như thế nào để làm ra hạt muối, sao có được sự cảm thông sâu sắc và thấm thía như vậy? Phạm Đình Ân đã có một câu thơ giản dị mà giầu ý nghĩa nội hàm. Không có tấm lòng chân thực, hiểu đời, thương người và yêu người, sao có được cái nhìn nhân văn mặn mà như vậy?

Khổ thơ thứ ba, cảm xúc thơ đột biến xoay chiều, “đột nhiên” hướng sang một đối tượng khác, trìu tượng xa xăm: “Rắc muối vào vô cảm/ Rắc muối vào vô ơn” và “xót tan lòng muối xát/ Hạt đổ vào vết thương”…

Hai câu đầu hay, hay ở sự sáng tạo, ảo hoá một sự việc ngỡ như rất trần tục. Ý thơ bất ngờ hướng ngoại, gửi gắm một thái độ, lên án thói đời bạc bẽo, “vô cảm” “vô ơn”! Hai câu tiếp theo, lại quay về nghĩ ngợi riêng tư, xót xa, thương cảm. Và có cả sự đồng cảm sâu sắc giữa nhà thơ với người bán muối, với người lao động đáng thương. Chỉ tiếc rằng câu cuối của khổ thơ hơi chới với. Người đọc muốn một rung động cao hơn, sau khi đã khắc khoải đợi chờ, cuốn theo cung bậc cảm xúc.

Khổ cuối, kết thúc bài thơ, lại vẫn là những suy ngẫm và chiêm nghiệm, nhưng là chiêm nghiệm về lẽ thường “mặn nhạt”, về “muối biển đời trắng tinh”. Nhà thơ viết:

“Ngẫm lẽ thường mặn nhạt

Muối biển đời trắng tinh

Ngày đầu năm mua muối

Cầm lên tay, giật mình”

Cái hay của “Đầu năm mua muối” là ở tứ, chứ không phải ở lời. Bài thơ viết theo lối trực cảm, giãi bày tâm tư, qua đó, khơi lên những vấn đề nhân sinh và thái độ sống hiện thực, sâu sắc, nhất là trong thời buổi mà khoảng cách giàu nghèo càng ngày càng xa, đồng tiền “bẩn” đã gặm nhấm lương tâm, biến con người thành những con rô-bốt vô cảm. Ngôn ngữ thơ giản dị, chân mộc, mà tình thơ chân thành, sâu lắng. Chữ “giật mình”, đã gặp ở đâu đó, nhưng đặt ở đây như là một chữ ngưng đọng tứ thơ, sau khi đã phập phồng rung cảm ở các khổ thơ trên. Đó chính là một sự “giật mình” trong sáng và thánh thiện.

Nồng nàn hương trà Tết. Tùy bút của Lê Hà Ngân

Nồng nàn hương trà Tết. Tùy bút của Lê Hà Ngân

Baovannghe.vn - Uống trà thưởng hoa, làm thơ là niềm vui vi diệu ở cõi đời. Thú tao nhã từ ngàn xưa, nay vẫn còn. Ngày xưa khi cha ta còn sống, mỗi sớm mai giá lạnh, cụ đồ nho sai tiểu đồng quạt hỏa lò, đun nước sôi, xúc ấm pha một ấm trà trong khói sương để ngâm một câu Đường thi: “bình minh nhất trản trà... lương y bất đáo gia”.
Quốc Hội: Ban hành Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025

Quốc Hội: Ban hành Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025

Baovannghe.vn - Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành Nghị quyết số 65/2025/UBTVQH15 điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025.
Bản tin Văn nghệ ngày 22/1/2025

Bản tin Văn nghệ ngày 22/1/2025

Baovannghe.vn - Tham gia Hội Báo Xuân có hơn 350 ấn phẩm số Tết 2025 và Xuân Ất Tỵ của các cơ quan báo chí Trung ương, báo Đảng các địa phương trong cả nước
Cánh mùa Xuân - Thơ Huỳnh Thị Quỳnh Nga

Cánh mùa Xuân - Thơ Huỳnh Thị Quỳnh Nga

Baovannghe.vn- Ngày xanh trên lá non/ Trong ngôi nhà dịu dàng tiếng gió
Bé đi chợ tết - Thơ Nguyễn Thủy

Bé đi chợ tết - Thơ Nguyễn Thủy

Baovannghe.vn- Sáng nay bé nghỉ học/ Đi chợ tết cùng Bà