Diễn đàn lý luận

Bài thơ "Hư vô" của Quang Huy

Vũ Bình Lục
Tác phẩm và dư luận
07:00 | 28/02/2025
Baovannghe.vn - Quang Huy là nhà thơ thể hiện sự quan tâm đến triết thuyết “hư vô” bằng những chiêm nghiệm của riêng mình.
aa

HƯ VÔ

Bài thơ
Tranh Kristina Hamdi

QUANG HUY

Cái gì cũng có một thời

Bao nhiêu máu chảy trong lời vua ban

Cái gì rồi cũng tiêu tan

Bao nhiêu xương trắng nằm oan dưới mồ

Cái gì rồi cũng hư vô

Bao nhiêu tượng gỗ lên chùa ngồi chơi

Cái gì rồi cũng rụng rơi

quả trên Vườn Cấm, hoa nơi Địa Đàng

Cái còn mãi với thời gian

Tình yêu từ thuở hồng hoang dại khờ

*

Gắng ngồi viết cạn bài thơ

Bài thơ rồi có hư vô như mình?

LỜI BÌNH

Quang Huy là một thi sỹ viết lục bát có tiếng, phải nói thêm là có tài. Ông có một số bài lục bát được nhiều người biết đến, được chọn vào khá nhiều tuyển thơ, kể cả mới gần đây nhất là cuốn “Nghìn năm thơ Việt” (Việt thi thiên tải), Nxb Hội Nhà Văn -2010. Ví như “Nỗi niềm Thị Nở”; ví như “Hư vô” và một số bài khác.

Ở “Nỗi niềm Thị Nở”, thấy một Quang Huy lục bát khá nhuần nhuyễn, khéo chuyển tải và “nâng cấp” được hồn vía nhân vật trữ tình Thị Nở, như một người đàn bà “rất thật đàn bà” với người tình nổi tiếng Chí Phèo. Một khát khao nhân bản, được nhìn và được thể hiện với một cảm quan tươi mới và nhân hậu. Dù vậy, ở “Nỗi niềm Thị Nở”, vẫn còn thấy cái gì đó như là một sự gia công điêu trác của tác giả, nghĩa là chưa thật say, tình thơ và nghĩa chữ còn mơ hồ bẽn lẽn và như thể đang chới với một khoảng cách nào đó. Tóm lại, còn thấy rõ cái khéo lấn át cái tài hoa…

Bài thơ “Hư vô” ngắn hơn. “Hư vô” chính là một triết lý Phật giáo nhiều người biết, và chiêm nghiệm về nó cũng nhiều. Nó là một phạm trù triết học rất rộng. Cảm nhận về nó cũng tuỳ theo từng người, nông sâu tuỳ thuộc vào sự hiểu biết và mức độ quan tâm. Quang Huy là nhà thơ thể hiện sự quan tâm đến triết thuyết “hư vô” bằng những chiêm nghiệm của riêng mình. Trước hết, đó là sự chiêm nghiệm về sức mạnh của quyền lực: “Cái gì cũng có một thời/ Bao nhiêu máu chảy trong lời vua ban”!

Dòng đầu, thể hiện ý khái quát “Cái gì cũng có một thời”, phủ định sự bất biến, đương nhiên khẳng định sự thường biến của vạn vật. Dòng tiếp theo, cụ thể cái sức mạnh quyền uy của người nắm trọn quyền lực, tối thượng: “Bao nhiêu máu chảy trong lời vua ban”… Một lời vua ban, có kẻ rơi đầu cả ba họ. Một lời vua ban, có thể khiến trăm họ huynh đệ tương tàn, máu chảy thành sông, xương phơi đầy núi. Một quyết định sai lầm của người nắm quyền lực tuyệt đối, sẽ gây hậu họa khôn lường. Đó là thông điệp của tác giả ở dòng thơ này. Nếu tách riêng hai ý của hai dòng sáu và tám ra, thì vậy. Nhưng liên kết cả hai dòng thơ lại, theo lối bắc cầu, vắt dòng, thì hai ý hình như không ăn nhập với nhau. Thử làm một trắc nghiệm xem sao! Ví thử đổi là “Nghìn xưa vẫn có một thời/ Bao nhiêu máu chảy trong lời vua ban”. Hoặc “Gương xưa còn rõ sự đời/ Bao nhiêu máu chảy trong lời vua ban” chẳng hạn. Đấy là tôi lạm bàn về cấu trúc của cấu trúc, trong một câu thơ lục bát của Quang Huy, theo cảm nhận của kẻ viết bài này!

Câu lục bát tiếp theo, cũng là phủ định sự vĩnh cửu của vạn vật, đồng thời là cảm thán về nỗi buồn thế sự. Tác giả viết: “Cái gì rồi cũng tiêu tan/ Bao nhiêu xương trắng nằm oan dưới mồ”…

Chắc là tác giả đề cập đến những bài học lịch sử, gần hơn là bài học về sự hưng vong của mọi triều đại cổ kim, nhỏ hơn là của mỗi phận người. Thịnh suy, hưng phế, xưa nay vẫn là một quy luật bất khả kháng, ví như sự chuyển hoá của vật chất vậy. Giàu sang phú quý đấy, nhưng bên trong nó đã chứa mầm huỷ diệt, “rồi cũng tiêu tan” thành khói mây, thành cát bụi. Một triều đại đang cực thịnh, chính nó cũng đang nẩy sinh mầm mống của sự suy tàn… Và còn tất cả, không có loại trừ trong thế giới vật chất nói chung. Nhưng vẫn có điều khiến lòng ta chua xót, ấy chính là những nỗi oan khuất ở cõi người, mãi chôn vùi trong đất. Nhiều lắm, sao kể xiết, đến bao giờ kể cho hết? Thi nhân chỉ có thể thốt lên như một nỗi cảm hoài day dứt: “Bao nhiêu xương trắng nằm oan dưới mồ”, chưa biết đến khi nào được giải oan, được giải thoát!

Hai câu lục bát tiếp theo: “Cái gì rồi cũng hư vô/ Bao nhiêu tượng gỗ lên chùa ngồi chơi/ Cái gì rồi cũng rụng rơi/ Quả trên Vườn Cấm, hoa nơi Địa Đàng”, cũng là những câu thơ triển khai cái ý vạn vật không tồn tại vĩnh cửu như ở trên, khác chăng là ở phương thức chuyển hoá, ở sự “rụng rơi”, ở sự “rồi cũng hư vô” mà thôi.

Nhưng câu lục bát thứ năm trong bài, lại là sự khẳng định một “báu vật” phi vật thể của con người, đó chính là “Tình yêu từ thuở hồng hoang dại khờ”, tạo hoá đa tình hào phóng ban tặng.

Những triết lý vốn có từ xửa xưa, nhà thơ chả có phát hiện gì mới cả. Ngôn ngữ thơ cũng thế, không có dấu hiệu của lao động nhà văn. Tác giả chỉ có công sắp xếp các món “đồ cổ” ấy thành những câu thơ mang dáng vẻ một châm ngôn, một tục ngữ, hay một định đề gì đó… Chỉ có cái ý “Tình yêu từ thuở hồng hoang dại khờ” thì hình như lại là một sự khám phá thú vị. Tất cả mọi thứ trên đời, rồi ra cũng biến thành hư vô, hư ảo, cũng đều là những giá trị ảo. Và “chỉ còn mãi với thời gian”, ấy là cái tình yêu dại khờ của loài người, vốn đã có từ khi sinh ra loài người, từ “thuở hồng hoang” mà thôi. Cái tình yêu dại khờ của loài người, nó vuông tròn, nó méo mó góc cạnh, nó nhiêu khê, nó mũm mĩm thế nào, đố ai mà biết được! Nhìn chả thấy, sờ không thấy, nhưng mà nó vẫn tồn tại, như một sự tồn tại không được ghi chép thành văn tự, thế mới là thú vị và không ngừng thú vị. Quang Huy chỉ thi sỹ ở chữ “dại khờ” này thôi, thế là bài thơ đứng được, hồn thơ có chỗ để vút lên!

Câu kết, là những lời thi nhân “vận vào” mình, sau khi đã thổn thức chiêm nghiệm sự đời. “Gắng ngồi viết cạn bài thơ/ Bài thơ rồi có hư vô như mình?”…

Kể ra, bài thơ có thể kết thúc gọn ghẽ ở câu thứ năm rồi. Câu thứ sáu chỉ có ý một liên tưởng chợt đến gần hơn, như một hình thức quy nạp và nhấn mạnh ý tưởng chủ đạo. Một câu hỏi buông vào sương khói ảm đạm, nao nao buồn. Một câu thơ vào loại hay, đứng một mình vẫn hay. Chữ “Gắng” và chữ “cạn” tả sự lao động miệt mài gắng gỏi của thi nhân, để đem nó đối lập với cái hư vô, thật tuyệt, mặc dù câu thơ cuối cùng chỉ có giá trị như một phụ đề, không hẳn là tham gia tích cực vào cấu tứ.

Bản tin Văn nghệ ngày 27/4/2025

Bản tin Văn nghệ ngày 27/4/2025

Baovannghe.vn - Thụy Điển trao tặng Việt Nam phim tài liệu về 30/4/1975; Không tổ chức Liên hoan phim quốc tế TP. Hồ Chí Minh 2025; Thành lập Ban Tổ chức Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển Văn hoá, Thể thao và Du lịch” lần thứ Ba...là sự kiện được điểm tại Bản tin ngày 27/4/2025
Dưới ánh sao đêm

Dưới ánh sao đêm

Baovannghe.vn - Như một thói quen của nhịp sống riêng tư, tôi vẫn thường thích dạo ngắm phố giữa hoàng hôn rồi chạm vào lòng đêm yên bình.
Ngộ - Thơ Nguyễn Khánh Linh

Ngộ - Thơ Nguyễn Khánh Linh

Baovannghe.vn- Vẳng nghe một tiếng chuông chùa/ Từ trong xa vắng như vừa ngân lên
Xuất bản “Đường Kách mệnh” theo tiêu bản gốc năm 1927

Xuất bản “Đường Kách mệnh” theo tiêu bản gốc năm 1927

Baovannghe.vn - Cục Xuất bản, In và Phát hành chủ trì, phối hợp Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, NXB Văn học, Thư viện Quốc gia Việt Nam và một số đơn vị liên quan tổ chức xuất bản cuốn sách Đường Kách mệnh theo tiêu bản gốc Bảo vật quốc gia lưu tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.
Chương trình chiếu phim chọn lọc “Nửa thế kỷ phim Việt Nam về chiến tranh”

Chương trình chiếu phim chọn lọc “Nửa thế kỷ phim Việt Nam về chiến tranh”

Baovannghe.vn - Chương trình chiếu phim chọn lọc “Nửa thế kỷ phim Việt Nam về chiến tranh” là một trong những nội dung quan trọng trong Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần thứ ba (DANAFF III), diễn ra từ ngày 29/6 - 5/7/2025