Diễn đàn lý luận

Bài thơ “Ly hôn” của Wislawa Szymborska

Lê Huy Hòa
Tác phẩm và dư luận 15:00 | 17/02/2025
Baovannghe.vn - Như trời sập là đúng vì chúng không thể hiểu, không thể ngờ tự dưng cái tổ ấm gia đình trong đó chúng được chiều chuộng, thương yêu bỗng dưng tan nát.
aa

LY HÔN

WISLAWA SZYMBORSKA (Nhà thơ Ba Lan, Noben Văn học)

Với bạn trẻ, đó là lần đầu tiên trong đời trời sập

Con mèo con có ông chủ mới

Con chó con có bà chủ mới toanh

Những đồ đạc sắm thêm lại kẽo kẹt đi trên các bậc cầu thang

Xe chở đi chở về nườm nượp

Vì gỡ đi mấy bức tranh nên trên tường có những khoảng trống hình vuông

Hàng xóm tầng trệt có thêm đề tài cho câu chuyện phiếm giải buồn

Ô tô ít nhất có hai thì tốt

Tiểu thuyết, thơ ca, cần gì, thì đấy, xin mời, cứ nhặt

Nhưng khó hơn là bộ từ điển bách khoa hay thiết bị nghe nhìn

Và khó hơn là làm gì với cuốn sách tư vấn về chính tả

Ở đấy có những chỉ dẫn về cách vết tên đôi nam nữ

Liệu có thể vẫn nối hai cái tên bằng liên từ “và”

hay chia hai cái tên ra bằng dấu chấm.

Nguyễn Chí Thuật dịch

Bài thơ “Ly hôn” của Wislawa Szymborska
Tranh Eraido Costa

LỜI BÌNH

Đọc xong bài thơ, tự dưng tôi nhớ tới một số câu có tính châm ngôn mà mình đã đọc ở đâu đó, rằng là: Trong đám cưới thì cô dâu, chú rể ai cũng đẹp nhưng sau đó thì hai người ai cũng xấu, rằng: Thời gian đầu (sau đám cưới) họ nói cho nhau nghe, tuần thứ hai họ nói cho họ hàng hai bên nghe và tuần thứ ba họ nói cho cả làng nghe... Và thế là ly hôn - Trong xã hội hiện đại, ly hôn hình như nhiều hơn, dễ dàng hơn?

Bài thơ “Ly hôn” trên, tác giả không nói nguyên nhân dẫn tới ly hôn mà nói ngay vào kết quả của cuộc ly hôn sau đó. Nhưng tác giả cũng không chọn không gian và thời gian ở phiên tòa, trong và sau phiên tòa xử ly hôn như nhiều bài thơ (Việt) tôi đã đọc: nào là vẻ thất thần đau khổ của người vợ (hoặc chồng) của người thân và đặc biệt là tiếng khóc xé lòng, sự níu giữ của những đứa con trước cảnh “tan đàn xẻ nghé”. Mà ở đây nhà thơ Ba Lan SzumBorska thể hiện rất mới lạ. Bắt đầu là tai họa giáng vào những đứa con sau ly hôn của bố mẹ chúng: Với bọn trẻ đó là lần đầu tiên trong đời trời sập. Như trời sập là đúng vì chúng không thể hiểu, không thể ngờ tự dưng cái tổ ấm gia đình trong đó chúng được chiều chuộng, thương yêu bỗng dưng tan nát. Và kéo theo sự chia tách tan nát ấy là những gì thân thương còn ấm hơi ấm của chúng, của bố mẹ chúng ngày còn hạnh phúc bắt đầu “đội nón ra đi”. Con mèo con có ông chủ mới/ Con chó con có bà chủ mới toanh/ Những đồ đạc sắm thêm lại kẽo kẹt đi trên các bậc cầu thang/ Xe chở đi chở về nườm nượp. Con mèo, người bạn nhỏ ngày ngày thường cọ má vào chân chúng nũng nịu; Con chó con thân thiết ngày ngày chúng vuốt ve ôm ấp bây giờ phải lìa xa chúng để đến với những ông, bà chủ mới. Đồ đạc cũng vậy, cũng từ nhà chúng mà chuyển về nhà người khác. Cho đến cả những bức tranh bị gỡ đi để lại những khoảng trống như một ký ức đau buồn. Ly hôn làm tổn hại cả đến nghệ thuật thẩm mỹ, gây ra cả những chuyện không đáng có, không nên có, chẳng hay ho gì, dù lỗi ở ai, hay cả ở hai người làm mất đi cả sự tôn trọng của con người đối với con người! hàng xóm tầng trệt có thêm đề tài cho câu chuyện phiếm giải buồn/... Tiểu thuyết, thơ ca, cần gì, thì đấy, xin mời, cứ nhặt. Không còn chỉ là “trời sập” đối với bọn trẻ nữa, mà là chuyện động trời của cả cộng đồng xã hội, chuyện văn hóa tư tưởng của thời đại rồi. Đến đây tác giả có cách lý giải tưởng như xa vời với chuyện cụ thể ly hôn nhưng tôi nghĩ đó là một phản biện đúng, rất trí tuệ: nhưng khó hơn là bộ từ điển bách khoa hay thiết bị nghe nhìn/ Và khó hơn là làm gì với cuốn sách tư vấn về chính tả/ Ở đấy có những chỉ dẫn về cách viết tên đôi nam nữ/ liệu có thể vẫn nối hai cái tên bằng liên từ “và” hay chia hai cái tên ra bằng dấu chấm.

Câu hỏi quá mới, quá hay, tưởng dễ trả lời nhưng thực ra không dễ. Sự bền vững của hôn nhân có chiếm tỷ lệ áp đảo? Sự lỏng lẻo dễ vỡ liệu cứ gia tăng? Dấu chấm(.), liên từ “và” có còn được đặt đúng chỗ trong ngữ pháp truyền thống? Nhà thơ đã chọn cách nói độc đáo không giống ai và kết bài thơ bằng những câu hỏi rất trí tuệ làm người đọc thấy thú vị và nhiều ngẫm ngợi sâu xa, một thông điệp, một sự cảnh tỉnh giàu tính nhân văn.

Tags:

Thao thức sông quê. Truyện ngắn của Vũ Thiện Khái

Thao thức sông quê. Truyện ngắn của Vũ Thiện Khái

Baovannghe.vn - Xa quê hơn bốn chục năm, ông Định vẻn vẹn hai cuộc trở về. Một lần cách nay tròn một giáp, ông rước hũ di cốt thân phụ về làng an táng cạnh mộ phần thân mẫu.
NSND Trần Quốc Chiêm hồi sinh vở chèo cổ “Trinh Nguyên”

NSND Trần Quốc Chiêm hồi sinh vở chèo cổ “Trinh Nguyên”

Baovannghe.vn - Ngày 24/5, vào hồi 20h, tại Rạp Đại Nam, Nhà hát Chèo Hà Nội chính chức công diễn vở chèo cổ Trinh Nguyên do NSND Trần Quốc Chiêm phục dựng. Đây là một trong bảy vở chèo cổ kinh điển đầu tiên của nghệ thuật sân khấu chèo Việt Nam.
Chỉ dấu quê - Thơ Cao Nguyên Quyền

Chỉ dấu quê - Thơ Cao Nguyên Quyền

Baovannghe.vn- Cửa Hà hằn nếp nhăn/ sông núi khói mây nhang nhảng
Bộ GD&ĐT: Thành lập 2 Hội đồng ra đề riêng cho Chương trình GDPT 2006 và 2018

Bộ GD&ĐT: Thành lập 2 Hội đồng ra đề riêng cho Chương trình GDPT 2006 và 2018

Baovannghe.vn - Để chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, ngày 22/5, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng làm việc với các đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT về công tác chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT 2025.
Tụng ca mùa hè - Thơ Lệ Hằng

Tụng ca mùa hè - Thơ Lệ Hằng

Baovannghe.vn- Trên vết nứt tường xuân bỏ lại/ Mùa Hè được sinh ra