MÙA XUÂN NHO NHỎ
|
THANH HẢI
Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc
Ơi con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời
Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng.
Mùa xuân người cầm súng
Lộc giắt đầy quanh lưng
Mùa xuân người ra đồng
Lộc trải dài nương mạ
Tất cả như hối hả
Tất cả như xôn xao...
Ðất nước bốn nghìn năm
Vất vả và gian lao
Ðất nước như vì sao
Cứ đi lên phía trước.
Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hoà ca
Một nốt trầm xao xuyến.
Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc.
Mùa xuân - ta xin hát
Câu Nam ai, Nam bình
Nước non ngàn dặm mình
Nước non ngàn dặm tình
Nhịp phách tiền đất Huế.
LỜI BÌNH
|
Tôi biết đến“Mùa xuân nho nhỏ” của nhà thơ Thanh Hải (1930-1980) khi được nghe ca khúc cùng tên do nhạc sỹ Trần Hoàn phổ nhạc. Bài hát đã để lại trong tôi rất nhiều cảm xúc: bồi hồi, xao xuyến pha lẫn một chút buồn man mác, bâng khuâng như nuối tiếc điều gì đó mơ hồ thật khó gọi thành tên.
Và khi tiếp xúc với văn bản thơ, tôi cảm nhận thêm được những điều độc đáo, thú vị đã gắn kết, hòa quyện hai tâm hồn đồng điệu để thơ, nhạc cùng cất cánh và lan tỏa.
Tác phẩm được sáng tác vào khoảng thời gian cuối năm 1980, trước khi nhà thơ giã biệt chúng ta. Và đúng như tên gọi: Mùa xuân nho nhỏ, những điều tác giả miêu tả, ca ngợi hay gửi gắm dù hết sức bình dị, nhỏ bé, có vẻ ít được để ý song nó lại là những gam màu không thể thiếu trong tổng thể bức tranh của thiên nhiên rộng lớn và hợp với quy luật tất yếu của cuộc sống.
Điều thú vị và độc đáo đầu tiên trong sáng tác của Thanh Hải, ấy là cách tác giả miêu tả bức tranh mùa xuân với những hình ảnh, màu sắc và âm thanh rất đỗi dung dị, gần gũi mà hình như các tác giả viết về mùa xuân hiếm khi sử dụng:
“Mọc giữa dòng sông xanh/ Một bông hoa tím biếc/ Ơi con chim chiền chiện/ Hót chi mà vang trời/ Từng giọt long lanh rơi/ Tôi đưa tay tôi hứng”.
Thử đặt câu hỏi: Nếu dấu đi nhan đề mà chỉ đọc riêng khổ thơ, liệu người đọc có đoán được tác giả đang viết về mùa xuân? Hẳn là không mấy ai trả lời đúng. Độc giả đã quen nhìn ngắm mùa xuân qua hình ảnh mưa bụi nắng mềm, qua sắc đào thắm mai vàng, đã mặc định trong tâm hồn tiếng thánh thót của họa mi, sơn ca hay cái ríu ran của những cánh én tung tăng ngang trời gió ấm. Những hình ảnh quen thuộc đó sẽ không thể tìm thấy trong Mùa xuân nho nhỏ của nhà thơ Thanh Hải. Dám chắc, nếu thay dòng sông xanh bằng một dòng sông đầy nắng, thay bông hoa tím biếc bằng một đóa mai rực rỡ sắc vàng, thay tiếng hót vang trời của chim chiền chiện bằng chuỗi giọng lảnh lót của sơn ca, họa mi, hẳn độc giả cũng sẽ chẳng bao giờ biết thế nào là một Mùa xuân nho nhỏ!
Nói như vậy, không có nghĩa mùa xuân trong thơ Thanh Hải kém không khí. Ngược lại, phép tu từ “Ơi con chim chiền chiện/ Hót chi mà vang trời” và hình ảnh thật khẽ khàng mà đầy biểu cảm “Từng giọt long lanh rơi/ Tôi đưa tay tôi hứng” đã diễn tả hết sức thành công cái thời khắc thiêng liêng nhất, xúc động ngập tràn trong những ngày xuân của lòng người, của thiên nhiên trời đất.
“Mùa xuân người cầm súng/ Lộc giắt đầy quanh lưng/ Mùa xuân người ra đồng/ lộc trải dài nương mạ/ Tất cả như hối hả/ Tất cả như xôn xao...”. Bài thơ ra đời trong bối cảnh đất nước vừa thống nhất và đang bước vào giai đoạn xây dựng cuộc sống mới, nhưng vẫn đầy khó khăn, gian khổ và thử thách, có thể nói đây là những câu thơ hay và khá ấn tượng trong bài. Nó thêm một lần nữa khẳng định cho nét độc đáo, sáng tạo trong tác phẩm viết về mùa xuân của nhà thơ. Hẳn mỗi khi nhớ tới Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải thì hình ảnh người chiến sỹ cầm súng nơi tiền tuyến “Lộc giắt đầy quanh lưng” với động từ “giắt” dùng thật đắt và người lao động nơi hậu phương “Lộc trải dài nương mạ” lại như hiện ra “hối hả, xôn xao” đầy sức sống, đầy chất thơ, mang một vẻ đẹp của mùa xuân rất riêng, khó trộn lẫn.
Như trên đã nói, nhà thơ Thanh Hải viết Mùa xuân nho nhỏ trước khi mất khoảng một tháng. Liệu có phải ông đã linh cảm được điều đó không mà từng nhắn gửi tha thiết trong những câu thơ sau, mỗi khi đọc lên, lòng ta không khỏi bùi ngùi, xúc động: “Ta làm con chim hót/ Ta làm một cành hoa/ Một nốt trầm xao xuyến/ Ta nhập vào hòa ca... Một mùa xuân nho nhỏ/ Lặng lẽ dâng cho đời/ Dù là tuổi hai mươi/ Dù là khi tóc bạc”.
Mùa xuân nho nhỏ là món quà cuối cùng và quý giá nhất mà nhà thơ dành tặng cho quê hương xứ Huế thương yêu của mình. Từ hai câu mở đầu “Mọc giữa dòng sông xanh/ Một bông hoa tím biếc” với sắc tím mộng mơ đã rất Huế, đến những câu kết với khúc Nam ai, Nam bằng bổng trầm da diết hòa trong nhịp phách tiền đặc trưng đã làm cho tác phẩm thêm chặt chẽ để câu chữ, hình ảnh cũng như những so sánh, ẩn dụ thêm cô đọng, sâu sắc làm cho tác phẩm đẹp như một đóa hoa hương sắc vẹn tròn.
Hình ảnh ẩn dụ: “Một mùa xuân nho nhỏ/ Lặng lẽ dâng cho đời” càng khiêm nhường, dung dị bao nhiêu thì ý nghĩa của sự dâng hiến càng đẹp đẽ và tươi sáng thêm mãi lên như sức sống trường tồn cùng “Nhịp phách tiền đất Huế”./.