Diễn đàn lý luận

Bài thơ “Quê thu” của Đỗ Việt Dũng

Anh Vũ
Tác phẩm và dư luận
15:00 | 07/12/2024
Baovannghe.vn - Đã là quê nhà ai chả mong muốn được về, sao lại lạc bước, sao lại bỗng dưng?...
aa

QUÊ THU

Bài thơ “Quê thu” của Đỗ Việt Dũng
Tranh Lê Hữu Thông

ĐỖ VIỆT DŨNG

Bỗng dưng lạc bước về quê

Gặp sông góa bụa, gặp đê nhỡ nhàng

Cánh cò uể oải rẽ ngang

Cong cong vít ngọn tre làng gió đu

Ráng chiều phác muộn nét thu

Rào thưa ngăn bớt lời ru nhọc nhằn

Bờ tre luống tuổi cỗi cằn

Góc ao loang tím, đằm đằm sương mơ

Tôi về nhặt nhạnh tuổi thơ

Vẫn còn vương vãi bụi bờ làng quê

Đâu người cắt cỏ ven đê

Liềm cong cứa đứt lời thề làm đôi

Tròng trành tờ lịch rơi rơi

Nhòa nhòa bóng muộn

Bồi hồi quê thu.

LỜI BÌNH

Bài thơ Quê thu như một bức tranh phong cảnh, đơn sơ mà thắm đượm bao ý tình muốn nói mà không chịu bộc bạch hẳn ra.

Trong hội họa nghệ thuật vẽ tranh phong cảnh từ nghìn năm tới nay đã thành hẳn một đề tài chính, có nhiều họa sỹ bỏ hẳn cả đời dụng công chuyên cú. Về thơ ca thì thơ về phong cảnh thuần túy đã thành của hiếm, ngay bài thơ Quê thu này biết đâu cũng là cảm hứng bất chợt trong một lần lãng du nào của chàng thi nhân lãng tử Đỗ Việt Dũng bỗng dưng nảy ra, hái được giữa lúc tình quê đang dạt dào như chính câu thơ đầu của bài thơ. Bỗng dưng lạc bước về quê. Câu thơ tưng bừng mang cả khối mâu thuẫn khó giải nghĩa rạch ròi. Đã là quê nhà ai chả mong muốn được về, sao lại lạc bước, sao lại bỗng dưng?

Phải chăng người thi sĩ đang lơ mơ, lim dim mắt nhìn về phong cảnh quê hương mình đang hiện dần trong đáy sâu tâm tưởng. Chả thế mà dòng sông hay con đê đều được gọi lên bằng những định tính mang số phận người thua thiệt. Đủ sông góa bụa lại đê nhỡ nhàng. May thay tiếp sau đó cảnh vật đã thực tế hơn, sinh động hơn. Cánh cò uể oải rẽ ngang/ Cong cong vít ngọn tre làng gió đu. Dù vẫn bị nhân hóa bởi những uể oải, những vít, những đu nhưng cánh cò, ngọn gió, ngọn tre đều được vẽ ra cụ thể, mang hồn thiên nhiên tự nhiên.

Tiếp đó là hai câu thơ có lẽ vào loại đắc ý nhất trong bài:

“Ráng chiều phác muộn nét thu

Rào thưa ngăn bớt lời ru nhọc nhằn”

Nét tài hoa đã thực sự lộ rõ khi nhà thơ làm chủ cả hai cõi giới thực và ảo kết hợp nhuần nhuyễn, trong thực có ảo, trong ảo có thực. Đó là đôi nét vẽ vừa phóng túng, vừa nghiêm ngặt lề luật. Trong đó có bao điều gửi gắm, tưởng rằng thoáng qua đủ hiểu nào ngờ đâu có nét đã được mã hóa, mà chìa khóa giải mã đã đánh mất tự bao giờ, ngay cả tác giả sáng tạo ra nó cũng đành thở dài bó tay. Làm sao giải nghĩa đủ chỉ mấy chữ lời ru nhọc nhằn. Có thể ai đó cảm thấy được nhưng bảo diễn đạt cho đủ ý thì đành chịu.

Trông trên mặt giấy, dễ ngờ Quê thu là bài thơ liền một mạch, có đọc lên mới nhận ra tình tứ đầy nhịp điệu.

Mỗi cặp hai câu lục bát là một mảng miếng tranh, khéo ghép hòa sắc cùng nhau. Như sau hai câu vẩy bút bao quát: Ráng chiều phác muộn nét thu/ Rào thưa ngăn bớt lời ru nhọc nhằn là hai câu trở về hiện thực: Bờ tre luống tuổi cỗi cằn/ Góc ao loang tím, đằm đằm sương mơ.

Thật ra sương mơ đâu chỉ loang tím một góc ao, sương mơ đã loang tím cả một bức tranh toàn cảnh, ở đó có cả dáng hình nhỏ nhoi đôi nhân vật trữ tình là tôi và em thấp thoáng từ bao giờ.

“Tôi về nhặt nhạnh tuổi thơ

Vẫn còn vương vãi bụi bờ làng quê

Đâu người cắt cỏ ven đê

Liềm cong cứa đứt lời thề làm đôi”

Mặt nền lụa lấp loang mực vẽ kiệm màu, bức tranh Quê thu hình như đang muốn nhòa đi trong bóng muộn thời gian tròng trành tờ lịch rơi rơi.

Phân tích thế nào cho xứng một bài thơ đa nghĩa như Quê thu dù sao vẫn có thể thống nhất cùng nhau, rằng đây là bức tranh phong cảnh đẹp. Mà đẹp thường buồn. Trách gì...

Cha quê - Thơ Lê Gia Hoài

Cha quê - Thơ Lê Gia Hoài

Baovannghe.vn- Vẫn đây lam lũ những phận người/ Áo nâu sờn rách nụ cười thôn quê
Bài thơ "X - men lính đảo " của Nguyễn Thị Mai

Bài thơ "X - men lính đảo " của Nguyễn Thị Mai

Baovannghe.vn - Giữa bạt ngàn thơ ca viết về biển đảo và hình tượng người lính hôm nay, thi phẩm của nhà thơ Nguyễn Thị Mai vẫn có chỗ đứng riêng bởi dư vị khác thường...
Hội Nhà văn Việt Nam: Tổ chức Hội nghị tổng kết công tác Văn học năm 2024

Hội Nhà văn Việt Nam: Tổ chức Hội nghị tổng kết công tác Văn học năm 2024

Baovannghe.vn - Sáng 12/12, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác văn học năm 2024, thông qua phương hướng hoạt động của năm 2025. Hội nghị được tổ chức tại Hà Nội.
Viết ở Đồng Đậu - Thơ Trần Khoái

Viết ở Đồng Đậu - Thơ Trần Khoái

Baovannghe.vn- Con ngồi thiền/ Để về lại thiên thu
Ru ca - Thơ Nguyễn Ngọc Tung

Ru ca - Thơ Nguyễn Ngọc Tung

Baovannghe.vn- Em ru ca/ Em ru nỗi người