Diễn đàn lý luận

Bài thơ “Ta của xứ Đoài” của Nguyễn Việt Chiến

Trần Bá Giao
Tác phẩm và dư luận
10:12 | 28/11/2024
Baovannghe.vn - Bài thơ Ta của xứ Đoài mở đầu bằng vẻ thanh bình nên thơ của xứ Đoài để rồi tác giả bộc lộ tâm sự của một người con xứ Đoài yêu quê, yêu người,
aa

TA CỦA XỨ ĐOÀI

Bài thơ “Ta của xứ Đoài” của Nguyễn Việt Chiến
Xứ Đoài mây trắng bay. Ảnh Đinh Văn Linh

NGUYỄN VIỆT CHIẾN

Thanh thản ruộng đồng thanh thản quê

Trời trong mây biếc rủ ta về

Sông quê thiêm thiếp đôi bờ cỏ

Mơn mởn mùa trăng giăng gió mê

Ta của xứ Đoài, ta của em

Đồng đang cỏ mật, hồ đang sen

Chiều đang sông Đáy mùa lên bãi

Nắng đã Ba Vì, mây Tản Viên

Ta học mùa xuân cách tặng hoa

Đến nở cùng em dưới mái nhà

Hồn quê mộc mạc trong hoa cỏ

Ta bờ bến cũ, em - phù sa

Sông dài mưa bụi chảy trong mơ

Ta học sông quê cách yêu bờ

Mùa đi thăm thẳm bao khao khát

Lúc vỗ về em. Lúc sóng xô

Ta học cô đơn cách giãi bày

Tìm lời tâm sự với heo may

Học cây cách nhớ chim tu hú

Để vắng xa kia gió lấp đầy.

LỜI BÌNH

Ta của xứ Đoài, tên của bài thơ đã cho ta thấy niềm tự hào của một người con xứ Đoài. Bài thơ được làm theo thể thơ bảy chữ gồm 5 khổ thơ mỗi khổ có 4 câu, nếu tách từng khổ ra có thể đứng riêng thành một bài thơ tứ tuyệt nhưng Nguyễn Việt Chiến đã liên kết lại thành một bài thơ hoàn chỉnh chặt chẽ mang những nét đặc trưng của xứ Đoài qua con mắt ưu tư của một nhà thơ. Có thể chia bài thơ thành 2 đoạn: đoạn đầu gồm 2 khổ thơ đoạn sau 3 khổ thơ còn lại.

Hai khổ thơ đầu là bức tranh về xứ Đoài có ruộng đồng, có sông, có trăng, có trời, có mây, có cỏ, có sen và một buổi chiều với bãi ven sông Đáy và: “Nắng đã Ba Vì, mây Tản Viên”.

Trước Nguyễn Việt Chiến, Quang Dũng với bài Mắt người Sơn Tây đã vẽ lên một xứ Đoài những năm kháng chiến chống Pháp đau thương nhưng kiên cường anh dũng và luôn giữ được vẻ đẹp trong mắt của một người con xứ Đoài khi mơ về: Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn/ Về núi Sài Sơn ngó lúa vàng/ Sông Đáy chậm nguồn qua Phủ Quốc/ Sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng.

Nay, trước khung cảnh thanh bình của quê hương với tâm hồm nhạy cảm của một thi nhân, Nguyễn Việt Chiến đã vẽ lên một bức tranh quê tuyệt đẹp:

Thanh thản ruộng đồng thanh thản quê

Trời trong mây biếc rủ ta về

Sông quê thiêm thiếp đôi bờ cỏ

Mơn mởn mùa trăng giăng gió mê

Không khí thanh bình ở một vùng quê hiện lên qua những nét đặc tả của thi sĩ. Thủ pháp nghệ thuật được tác giả sử dụng thật điêu luyện từ việc lặp từ (thanh thản) đến đăng đối (trời trong - mây biếc) láy từ (thiêm thiếp - mơn mởn). Không khí cảnh vật thật thanh bình đèm đẹp. Nếu chỉ dừng ở đây thì cảnh vật này có thể ghép vào nhiều vùng quê với ruộng đồng, trời, mây, sông, bờ cỏ, trăng, gió.

Nhưng Nguyễn Việt Chiến là người con của xứ Đoài nên đã khắc họa rõ hơn vùng quê ấy ở khổ thơ thứ hai:

Ta của xứ Đoài, ta của em

Đồng đang cỏ mật, hồ đang sen

Chiều đang sông Đáy mùa lên bãi

Nắng đã Ba Vì, mây Tản Viên

Đến đây đã rõ thi sĩ tạo những điểm nhấn cho cảnh vật mình đã tả ở trên với những nét riêng của xứ Đoài. Đó là những cánh đồng cỏ, những hồ sen: Đồng đang cỏ mật, hồ đang sen; và nữa: Chiều đang sông Đáy mùa lên bãi rồi: Nắng đã Ba Vì, mây Tản Viên. Đó là xứ Đoài chứ còn đâu nữa.

Tả vẻ đẹp thanh bình của quê hương để bộc lộ tình yêu và miền tự hào về quê hương.

Tứ thơ tiếp tục phát triển khi nhà thơ đâu chỉ dừng ở việc tả cảnh để vẽ ra một bức tranh thanh bình nên thơ của quê hương mình. Ở đoạn sau của bài thơ, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến giãi bày tâm sự, khi ở mỗi khổ thơ: thứ ba, thứ tư, thứ 5 đều nói về nỗi niềm học của mình.

Ở khổ thơ thứ 3 nhà thơ học ở mùa xuân: Ta học mùa xuân cách tặng hoa/ Đến nở cùng em dưới mái nhà/ Hồn quê mộc mạc trong hoa cỏ/ Ta bờ bến cũ, em phù sa.

Nhắc đến hồn quê đến hoa cỏ và tự nhận mình là bờ bến cũ chỉ là cách nói nhún nhường chứ thi sĩ Nguyễn Việt Chiến lãng mạn lắm nên mới học mùa xuân cách tặng hoa, mới: đến nở cùng em dưới mái nhà bởi em như thi sĩ ngợi ca: em phù sa; em đẹp và căng đầy sức sống. Hình tượng em phù sa thật là độc đáo và rất gợi cảm...

Nhân vật trữ tình Em xuất hiện làm cho bài thơ trữ tình hơn, lãng mạn hơn. Nhân vật trữ tình ấy có thể là một em cụ thể nào đấy nhưng cũng có thể mang ý nghĩa tượng trưng - đó là em trong tâm tưởng, em tượng trưng cho quê hương, giống như Quang Dũng đã từng viết Đã hết sắc mùa chinh chiến cũ/ Còn có bao giờ em nhớ ta ?

Tiếp tục với mạch thơ trên, ở khổ thơ tiếp theo: Sông dài mưa bụi chảy trong mơ/ Ta học sông quê cách yêu bờ/ Mùa đi thăm thẳm bao khao khát/ Lúc vỗ về em. Lúc sóng xô

Nguyễn Việt Chiến nói về sông quê khi anh học ở sông quê cách yêu bờ bởi bao mùa đi rồi, và những trạng thái tình cảm với nhân vật trữ tình - em là: Lúc vỗ về em. Lúc sóng xô. Hình tượng sôngbờ, anhem ở đây vừa ấn tượng, vừa gợi mở; gợi mở về những trọng thái tình cảm trong tình yêu.

Câu thơ hay, neo vào lòng người đọc, để người đọc cùng đồng cảm với nhà thơ khi: Mùa đi thăm thẳm bao khao khát/ Lúc vỗ về em. Lúc sóng xô.

Trong tình yêu, lúc yêu thương lúc giận hờn giống như trạng thái của dòng sông với bờ bãi lúc êm đềm, lúc giận dữ...

Bài thơ Ta của xứ Đoài mở đầu bằng vẻ thanh bình nên thơ của xứ Đoài để rồi tác giả bộc lộ tâm sự của một người con xứ Đoài yêu quê, yêu người, ở cuối bài thơ; trong lúc cô đơn tác giả đã biết giãi bày để vượt qua nỗi cô đơn, giữ lại một tình yêu, một niềm tự hào của người con xứ Đoài.

Bài thơ “Ta của xứ Đoài” của Nguyễn Việt Chiến
Dấu ấn Văn hóa xứ Đoài. Ảnh Khánh Vy
Bản tin Văn nghệ ngày 9/12/2024

Bản tin Văn nghệ ngày 9/12/2024

Baovannghe.vn - Hà Nội Concert: Hoà nhạc Mùa đông do Đài PT-TH Hà Nội tổ chức tại Nhà Hát Lớn vào tối 13/12 với sự tham gia của Dàn giao hưởng trẻ Việt Nam
Thủ tướng Chính phủ: Thi đua, khen thưởng truyền cảm hứng cho toàn xã hội

Thủ tướng Chính phủ: Thi đua, khen thưởng truyền cảm hứng cho toàn xã hội

Baovannghe.vn - Sáng 9/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương nhiệm kỳ 2021-2026
Xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới

Xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới

Baovannghe.vn - Ban Nội chính TƯ, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật ra mắt sách “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Đề xuất áp dụng thuế khí thải có giảm thiểu được ô nhiễm không khí?

Đề xuất áp dụng thuế khí thải có giảm thiểu được ô nhiễm không khí?

Baovannghe.vn - Xe máy được chỉ ra là phương tiện xả khí thải lớn nhất gây ô nhiễm môi trường như NO2, CO, SO2, NMVOC, CH4, nhất là bụi mịn PM2.5.
Biết viết và không biết viết

Biết viết và không biết viết

Baovannghe.vn - Tôi thường dè dặt khi đưa ra các dự đoán về công nghệ, nhưng tôi khá tự tin về dự đoán này: trong vài thập kỉ tới, sẽ không có nhiều người có thể viết.