Diễn đàn lý luận

Bản sắc văn hóa trong thơ các dân tộc thiểu số và miền núi

Lý luận phê bình
08:42 | 21/11/2020
Thơ các dân tộc thiểu số và miền núi gắn với không gian văn hoá các dân tộc miền núi. Không gian đó dù là không gian cảnh vật hay không gian hoạt động đều chứa đựng yếu tố văn hoá, có khi được khắc hoạ trực tiếp, có khi là sự khơi gợi, liên tưởng, ẩn ý, gửi gắm. Điều này cũng dễ hiểu vì nó phù hợp với quy luật tình cảm, cảm xúc, cảm hứng của con người nói chung, người sáng tác văn học nói riêng…
aa

Thơ các dân tộc thiểu số và miền núi gắn với không gian văn hoá các dân tộc miền núi. Không gian đó dù là không gian cảnh vật hay không gian hoạt động đều chứa đựng yếu tố văn hoá, có khi được khắc hoạ trực tiếp, có khi là sự khơi gợi, liên tưởng, ẩn ý, gửi gắm. Điều này cũng dễ hiểu vì nó phù hợp với quy luật tình cảm, cảm xúc, cảm hứng của con người nói chung, người sáng tác văn học nói riêng…

Các nhà thơ dân tộc thiểu số thường có tư duy nghệ thuật trực cảm. Hình tượng nghệ thuật thường cụ thể, gần gũi, sinh động, tác động trực tiếp đến cảm xúc người đọc, người nghe. Cũng chính bởi thế mà thơ các dân tộc thiểu số thường đến với bạn đọc bằng con đường rất ngắn mà vẫn sâu sắc, lâu bền. Sở dĩ như vậy vì thơ dân tộc thiểu số chứa đựng chính cuộc sống, văn hoá, tinh thần, nếp cảm nếp nghĩ, cách tư duy, cách diễn đạt của đồng bào dân tộc, những người thường có thói quen nói thật, nói dễ hiểu, nói cụ thể, nói có văn hoá. Tất cả những điều đó hơn ai hết được nhà thơ là người dân tộc thiểu số vận dụng, lựa chọn, tiêu biểu hoá, văn hoá hoá lên trở thành những mẫu mực của lời ăn tiếng nói, nếp cảm nếp nghĩ, biểu tượng, giá trị thiêng liêng của dân tộc mình.

Nhà thơ Trương Thị Mầu khi miêu tả không gian cuộc sống người Mường đã đi từ cái cội nguồn văn hoá sâu xa: Ngoảnh mặt lên Mường trên/ Thấy bà Dạ Dầu phân năm phân tháng/ Bà gánh Xường đi bán… (Mường Ống)

Nhắc đến bà Dạ Dần, nhắc đến trường ca Đẻ đất đẻ nước là nhắc tới văn hoá dân gian Mường. Chính văn hoá dân gian là cái gốc rễ làm nên bản sắc văn hoá qua mọi thời đại.

Hình ảnh nhà sàn, hình ảnh làng bản thân thương được nhiều tác giả nhắc đến trong thơ. Có khi là hình ảnh trực tiếp, có khi là hình tượng gợi nhớ, có khi là ý tưởng gửi gắm sâu sa. Nhà thơ Dương Khâu Luông viết: Tôi sinh ra bên bếp lửa nhà sàn/ Tiếng khóc đầu tiên tôi cất bên bếp lửa/ … Lớn lên đi chín phương mười ngả/ Vẫn nhớ về lửa ấm bản Hon. (Tiếng quay sa của mẹ)

Khắc hoạ không gian cảnh vật miền núi là khắc hoạ, khơi gợi những nét đẹp văn hoá truyền thống. Đó là giá trị phổ biến, đáng trân trọng của thơ các dân tộc thiểu số. Hình ảnh áo chàm, sắc chàm được nhiều tác giả phản ánh, khai thác. Nơi ấy sắc chàm (Tống Ngọc Hân), Sắc chàm (Đinh Hữu Hoan), Áo chàm (Lâm Quang Hùng)... Đây là hình tượng có tính chất truyền thống mà vẫn luôn luôn mới mẻ trong sự phản ánh và cả sự cảm nhận: Áo chàm ai nhuộm mà xanh thế/ Không rượu mà anh vẫn cứ say (Chợ chiều – Nông Quốc Chấn)

Như vậy, chính yếu tố văn hoá là cái cốt lõi của những cảm xúc về cội nguồn trong thơ các dân tộc thiểu số và miền núi: Nửa đời đi xa/ Màu thổ cẩm vẫn tươi sắc núi/ …/ …….. Chiều nay trở lại/ Trước chín bậc cầu thang ngày ấy/ Như có ai lấy đá buộc chân mình (Chín bậc cầu thang – Mai Liễu)

Yếu tố văn hoá ở đây còn được hiểu đó là phong tục tập quán, là sản vật quê hương, là đạo lý truyền thống, là nếp cảm nếp nghĩ, cách nói cách diễn đạt của mỗi dân tộc. Điều này đã được chú trọng khai thác để cùng thêu dệt nên bức tranh nhiều màu sắc của quê hương, của mỗi dân tộc… Nhà thơ Lò Cao Nhum khắc hoạ bức tranh sinh hoạt của bản Mường: Tiếng chày khua nhịp một nhịp một/ Hương nếp xôi sực nức đầu Mường/ Hạt ngô vàng bao mùa chín đợi/ Chợt nồng nàn men dậy men thương (Tình xanh)

Tác giả Đỗ Thị Tấc khắc hoạ theo cách riêng và ở đó không chỉ là không gian cảnh vật thuần túy mà là bản sắc văn hoá, là hồn cốt, là chất huyền thoại của dân tộc: Đất Mường vòng cánh nỏ/ Trai Mường là mũi tên/ Tên bay tới đâu/ Hồn Mường tới đó (Đất Mường)

Nhà thơ Bùi Tuyết Mai với cảm xúc về cội nguồn luôn thường trực, cháy bỏng, da diết khiến trong thơ chị luôn chứa đựng một cuộc sống sinh hoạt Mường. Không gian Mường luôn ám ảnh chị để rồi mỗi bài thơ, tứ thơ, câu thơ đều thấm đẫm tình Mường: Ngôi nhà/ Trời và đất/ Bình yên từ đó bước ra (Những giọt nước từ mái tranh rơi xuống).

Quê hương miền núi còn là cái nôi của lịch sử, của cách mạng. Khi nhắc tới mỗi vùng đất, theo đó là địa danh lịch sử, văn hoá, cách mạng ngân lên, thấm đẫm chất huyền thoại. Phải chăng cũng từ những mảnh đất, những địa danh lịch sử, văn hoá có hồn đó mà đã thổi cảm xúc mãnh liệt, không bao giờ vơi cạn vào tâm hồn các nhà thơ... Nhà thơ Lương Định viết: Non nước Cao Bằng vời vợi biên cương/ Anh đắm say qua ngọn nguồn em kể/ Những Mã phục, Đèo Mây, Đèo Gió/ Với đêm trăng vằng vặc sông Bằng (Phương ấy Ban Mai)

Như vậy, chính mảnh đất, tình người, tình em làm nên cảm xúc chủ đạo để có thơ. Nhưng cao hơn, xanh hơn, bền vững hơn là trên nền cảm xúc chủ đạo ấy là quê hương đất nước, là ngọn nguồn xứ sở, là biên cương Tổ quốc, là lịch sử chống giặc ngoại xâm, là văn hoá truyền thống: Trời còn xanh/ Đất còn xanh/ Anh đã hiểu ngọn ngành/ Những gì thiêng liêng nhất/ Mất biên giới, mất tổ tiên/ Sẽ phải làm người hành khất (Hồn cây – Hồn đá – Hồn người – Hoàng Văn An)

Nhà thơ Cao Xuân Thái tự hào, kiêu hãnh trước cột cờ Lũng Cú – Đồng Văn: Chóp nón bài thơ muôn đời Tổ quốc/ Lũng Cú, Đồng Văn ai đó nhắc mình/ Xuống Cổng Trời lòng còn ngoái lại/ Thương phía biên thuỳ lặng lẽ xa xanh (Đá Đồng Văn)

Sức sống đó có cội rễ từ chính văn hoá truyền thống, đạo lý của dân tộc. Khi văn hoá đã trở thành lẽ sống thì tự nó chứa đựng tấm lòng, tâm hồn, tình cảm dân tộc. Nhà thơ Pờ Sảo Mìn viết: Con trai cởi trần trong mặt trời nắng cháy/ Ép đá xanh thành rượu uống hàng ngày/ Con gái cũng vén tay khoe tài/ Tước vỏ cây khoe áo đẹp ngày mai (Cây hai ngàn lá)

Cũng có khi các nhà thơ lại rất khéo léo, sáng tạo trong việc dùng hình ảnh cụ thể nói cái trìu tượng, dùng chi tiết để nói cái toàn thể, dùng cái gần gũi để nói cái xâu sa. Nhà thơ Y Phương khi diễn tả đoạn đường “Từ anh sang em” đã viết: Từ anh sang em/ Đi hỏng một đôi giầy (Đi tìm). Cách diễn đạt ấy chỉ có thể là từ sự tiếp nối của cách nói cha ông, được lựa chọn và sinh động hoá trong hoàn cảnh cụ thể… Cách nói và hình ảnh này chỉ có thể có ở tác giả dân tộc thiểu số, và cũng chỉ người đọc là dân tộc thiểu số mới hiểu được ý nghĩa qua sự diễn tả này… Như vậy, từ hình ảnh của cuộc sống sinh hoạt, từ hình ảnh của sự vật hiện tượng đã được nhà thơ sử dụng trong thơ như một hình ảnh, tín hiệu thẩm mỹ.

Nhiều khi yếu tố văn hoá, hình ảnh sự vật hiện tượng, hình ảnh cuộc sống sinh hoạt… tất cả được chứa đựng trong câu thơ, bài thơ, để từ đó sự khơi gợi, liên tưởng là vô cùng rộng lớn, sâu sắc. Nhà văn Đoàn Hữu Nam khi viết về Chợ tình Khau Vai, một nét sinh hoạt văn hoá riêng biệt, giàu chất nhân văn của người Mông, đã không chỉ khắc hoạ mà thổi vào đó những tâng nhân văn tiếp tiếp qua cái nhìn thẩm mỹ của mình: Mỗi người một con đường/ Ngược tháng năm họ tìm về tuổi trẻ/ Một quãng đời gian dở/ Câu hát đối nửa chừng/ Nốt khèn bè vỡ vụn/ Được bồi hồi chắp lại/ Chợ Khau Vai (Hôm nay là chợ Khau Vai)

Cũng là cảm xúc về văn hoá, khai thác yếu tố văn hoá dân tộc, nhà thơ Y Phương trong bài thơ Nói với con lại khuyên con hãy đi, đứng, trưởng thành bằng sức mình, đôi chân mình và hãy lấy quê hương cội nguồn làm điểm tựa để xuất phát, dẫu quê hương có còn nghèo khổ, gian nan nhưng đó là nơi con sinh ra, cắm rễ bền gốc. Để rồi sau này dù đi xa đến đâu, trưởng thành đến mấy cũng đừng bao giờ quên quê hương, quên nơi mình đã tắm nước suối ngàn, đi những bước đi đầu tiên trên con đường xếp đá: Sống trên đá không chê đá gập ghềnh/ Sống trong thung không chê thung nghèo đói.

Lời dạy con giản dị mà thấm thía của nhà thơ như một dự cảm, một hướng đi của dân tộc. Vượt khó trên quê hương mình, làm giàu trên quê hương mình, không chê thung nghèo… đã trở thành phương châm sống của các thế hệ cháu con các dân tộc thiểu số. Dân tộc có tự bao giờ để rồi sức sống, bời bời như hôm nay. Sức sống được bật lên từ chính mỗi con người, làm nên sức sống của cả dân tộc.

Cũng từ xúc cảm về văn hoá với những sản vật của quê hương, những cách ứng xử rất riêng của dân tộc Thái, nhà thơ Lò Cao Nhum có Rượu núi, một bài thơ độc đáo, bản sắc từ không gian sinh hoạt, không gian uống rượu: Bạn đến/ Mời ngồi xếp bằng tròn giữa chiếu/ Chiếu đan bằng tia mặt trời.

Bạn đến – khách đến là hạnh phúc. Hạnh phúc đó có khi không chỉ của một người mà của cả bản. Đón khách, tiếp khách không phải là nhà hàng khách sạn, không phải là mâm cao cỗ đầy, bàn ghế sang trọng mà “Mời ngồi xếp bằng tròn giữa chiếu” ấm cúng thân thiện và cũng không kém phần trang trọng. Không gian, tình người, thậm chí cả đất trời được thu gọn và đây bởi “chiếu đan bằng tia mặt trời”. Đó chính là không gian riêng của thơ Lò Cao Nhum, của dân tộc anh khi khách đến nhà.

Người núi là vậy, cứ chân thật, cứ hết mình, hết tình, hết nghĩa chứ không khách sáo, không nửa vời, không điệu bộ, không lừa dối. Thơ nói hộ tấm lòng nhà thơ, nói hộ lòng người miền núi.

Nguồn Văn nghệ số 47/2020


Bản tin Văn nghệ ngày 25/11/2024

Bản tin Văn nghệ ngày 25/11/2024

Baovannghe.vn - Festival khẳng định quyết tâm, nỗ lực của tỉnh Ninh Bình trong phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí, kinh tế di sản...
Ông Hữu họa sĩ. Truyện ngắn dự thi của Đỗ Hữu Khôi

Ông Hữu họa sĩ. Truyện ngắn dự thi của Đỗ Hữu Khôi

Baovannghe.vn- Họa sĩ Hữu luôn có cách nói ví von bằng hình ảnh, rất mộc mạc, dễ hiểu, không lần nào giống lần nào. Là họa sĩ nổi tiếng, nhưng ông khác hẳn các họa sĩ cùng thời. Không quần xanh, áo đỏ, phụ kiện rủng rẻng, không râu dài, tóc búi cua hay cạo trọc, không xe nọ, đồng hồ kia...
Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII quyết nghị nhiều nội dung quan trọng

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII quyết nghị nhiều nội dung quan trọng

Baovannghe.vn - Với tinh thần làm việc khẩn trương, trách nhiệm cao, Trung ương đã thảo luận, thống nhất các vấn đề quan trọng.
Cũng tại mùa đông. Truyện ngắn của Lê Minh Hà

Cũng tại mùa đông. Truyện ngắn của Lê Minh Hà

Baovannghe.vn- Bờ Hồ là nơi ông biết nhất. Ngôi nhà nơi ông được sinh ra ngay Hàng Bài, nhìn qua là Tràng Tiền Plaza, xưa là Bách hóa tổng hợp, xưa hơn là nhà Goda. Bà mẹ ông lúc còn sống vẫn gọi là nhà Goda, bảo vào đó đếm cũng ra hơn trăm thứ hàng hóa, hơn một bách, mỗi tội ông nhà nước chỉ bày chẳng thấy bán. Mười năm cấp một hai ba trường ông học loanh quanh nơi này cả.
The Vienna Concert - Trái tim âm nhạc cổ điển châu Âu đập rộn ràng tại Hà Nội

The Vienna Concert - Trái tim âm nhạc cổ điển châu Âu đập rộn ràng tại Hà Nội

Baovannghe.vn - Hai đêm diễn Hòa nhạc Vienna - The Vienna Concert, thuộc chuỗi Musical Seasons 2024-2025, đã chính thức khép lại vào tối 24/11/2024 tại Nhà hát Hồ Gươm, để lại những dư âm không thể nào quên trong lòng khán giả Thủ đô.