Đồng chí Đinh Thị Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và đồng chí Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ VHTTDL trao giải Nhất cho các thí sinh. Ảnh: BTC |
Sau 5 tuần dự thi, cuộc thi đã thu hút 423.422 người đăng ký dự thi với tổng số lượt người tham gia dự thi là 1.381.110 lượt. Trong đó có nhiều cán bộ, đảng viên, người lao động. Cao điểm như tuần thi thứ 3 đã có 386.445 lượt thi, trong đó có 4.038 lượt người trả lời đúng cả 20/20 câu hỏi. Kết quả này đã thể hiện sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, kịp thời, đầy trách nhiệm của các cấp lãnh đạo, sự tham gia tích cực của các cơ quan báo chí, truyền thông. Qua đó tạo được sức lan tỏa, được đông đảo cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia.
Trên cơ sở tập hợp danh sách các kết quả theo cơ cấu giải thưởng hàng tuần, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL đã quyết định trao giải thưởng cho 4 tập thể và 96 cá nhân đạt giải. Trong đó, có 5 giải Nhất, 15 giải Nhì, 25 giải Ba và 50 giải Khuyến khích.
BTC cũng trao 5 giải chuyên đề bao gồm giải: Bộ, ngành có số lượt người tham gia dự thi nhiều nhất; Địa phương có số lượt người tham gia dự thi nhiều nhất; Tổ chức, đoàn thể Trung ương có số lượt người tham gia dự thi nhiều nhất; Đơn vị có nhiều người đạt giải nhất và Cá nhân đạt giải nhỏ tuổi nhất.
Trong khuôn khổ Lễ tổng kết và trao giải thưởng, BTC thực hiện trưng bày, triển lãm một số tác phẩm của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (Bộ VHTT&DL) cho biết, Tổ chức Giải thưởng thế giới World Travel Awards vừa công bố Việt Nam là Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới năm 2024.
Đây là lần thứ 5 Việt Nam được Tổ chức Giải thưởng thế giới World Travel Awards vinh danh Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới năm 2024. Các lần trước vào năm 2019, 2020, 2022, 2023.
Năm nay, Việt Nam đã vượt qua các ứng viên nặng ký khác cho hạng mục này như Armenia, Brazil, Ai Cập, Hy Lạp, Nhật Bản, Ả Rập Xê Út để dành được giải thưởng danh giá này.
Danh hiệu Điểm đến di sản hàng đầu thế giới một lần nữa khẳng định tiềm năng và sức hút hàng đầu về giá trị di sản đặc sắc với hệ thống 9 di sản thiên nhiên và văn hóa thế giới, 15 di sản văn hóa phi vật thể, 10 di sản tư liệu được UNESCO vinh danh.
Danh hiệu Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới một lần nữa khẳng định tiềm năng và sức hút hàng đầu về giá trị di sản đặc sắc của Việt Nam. Ảnh: Internet |
Với việc giữ vững danh hiệu Điểm đến di sản hàng đầu thế giới, Việt Nam sẽ tiếp tục quảng bá đẩy mạnh thu hút khách quốc tế đến khám phá đất nước Việt Nam tươi đẹp cùng giá trị di sản văn hóa lâu đời, tạo động lực phục hồi và phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững trong thời gian tới.
Ngoài danh hiệu Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới 2024, Việt Nam còn có các điểm đến cấp địa phương cũng được trao tặng các hạng mục giải thưởng hàng đầu thế giới.
Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hà Nội tổ chức họp báo Lễ hội Văn hóa ẩm thực Hà Nội 2024 với chủ đề Hà Nội kết nối năm châu.
Với chủ đề Hà Nội kết nối năm châu lễ hội nhằm tôn vinh, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, ẩm thực truyền thống của Thủ đô Hà Nội, xây dựng và khai thác có hiệu quả thương hiệu văn hóa, ẩm thực thông qua phát triển nền văn hóa, ẩm thực tinh túy, đặc sắc, chất lượng. Lễ hội còn giới thiệu, quảng bá hình ảnh Hà Nội là điểm đến du lịch, văn hóa, ẩm thực đặc sắc;
BTC cho biết, Lễ hội Văn hóa ẩm thực Hà Nội 2024 cũng dịp để Thủ đô Hà Nội và Đại sứ quán các nước, các địa phương, tổ chức cá nhân gặp gỡ, giao lưu, trưng bày quảng bá sản phẩm.
Du khách được thưởng thức Phở truyền thống đặc trưng của Hà Nội tại Lễ hội Văn hóa ẩm thực Hà Nội 2024. Ảnh nguồn: Internet |
Phát biểu tại họp báo, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hà Nội, Đỗ Đình Hồng cho biết, ngoài yếu tố tôn vinh giá trị văn hóa, di sản, lễ hội còn tạo điều kiện cho Đại sứ quán các nước, địa phương, doanh nghiệp, tổ chức cá nhân gặp gỡ, giao lưu, trưng bày quảng bá sản phẩm, trao đổi, ký kết hợp tác kinh doanh, mở rộng thị trường, phát triển du lịch nhằm nâng tầm thương hiệu, nâng cao uy tín, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế Thủ đô. Để từ đó, mở rộng quan hệ, hợp tác với các địa phương, tổ chức và cá nhân nước ngoài, các tổ chức quốc tế, thu hút nguồn đầu tư, thúc đẩy thương mại, du lịch, công nghiệp văn hóa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, làm phong phú và sâu sắc thêm những giá trị văn hóa truyền thống của Hà Nội.
Trong khuôn khổ lễ hội có nhiều hoạt động trải nghiệm, thu hút du khách tham gia tìm hiểu các nét đẹp văn hóa, ẩm thực Thủ đô Hà Nội nói riêng và sự đa dạng, phong phú của ẩm thực quốc tế nói chung.
Các gian hàng sẽ được bố trí, phân chia thành các khu vực. Trong đó khu vực ẩm thực quốc tế sẽ giới thiệu những món ăn đặc trưng của các quốc gia và không gian trưng bày vật dụng, sản phẩm tiêu biểu của các nước.
Khu vực giới thiệu không gian văn hóa ẩm thực tiêu biểu của các làng nghề truyền thống sẽ diễn ra hoạt động trình diễn của nghệ nhân làng nghề gắn với di sản ẩm thực tiêu biểu của Hà Nội như: phở Hà Nội, bánh tôm Hồ Tây, bún Phú Đô, giò chả Ước Lễ, cốm làng Vòng…
Đặc biệt, lễ hội còn diễn ra hoạt động Phở số Hà thành nhằm tôn vinh phở truyền thống của Hà Nội và giới thiệu người dân "phở số" với cái nhìn hoàn toàn khác biệt về ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số trong ngành ẩm thực Việt Nam.
Ngoài ra, tọa đàm chuyên đề về Tổ chức các hoạt động Tọa đàm, giao lưu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực - phát triển văn hóa ẩm thực trên địa bàn Hà Nội sẽ được tổ chức vào ngày 30/11/2024, nhằm thảo luận về các giải pháp phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực ẩm thực của Thủ đô.
Lễ khai mạc Lễ hội Văn hóa ẩm thực Hà Nội năm 2024 sẽ diễn ra lúc 19h ngày 29/11, tại Công viên Thống nhất (phố Trần Nhân Tông, phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, Thành phố Hà Nội). Lễ hội diễn ra trong 3 ngày (29/11 – 1/12).