Sáng tác

Bình cổ. Truyện ngắn dự thi của Kiều Duy Khánh

Kiều Duy Khánh
Truyện
09:00 | 12/11/2024
Baovannghe.vn- Thàng rón rén đi về phía gian ngủ của mẹ. Khe khẽ vén cái màn nhuộm chàm đen sậm như màu bồ hóng lâu ngày, căng mắt nhìn vào nghe ngóng.
aa

Nghe tiếng thở đều đều, Thàng yên tâm là mẹ đã ngủ say. Đi ra đống rơm ngoài cổng, Thàng lôi ra cái bình gốm giấu ở đó lúc xẩm tối. Ôm cái bình, Thàng khom khom đi lên nhà, tiến về phía ban thờ. Đó là nơi thờ ma nhà, thờ thần gốm. Trên ban thờ cũng có một bình gốm giống hệt cái bình Thàng đem về. Đứng trước ban thờ, lầm rầm mấy câu gì đó, Thàng nhanh tay ôm bình gốm trên ban thờ, thay vào đó cái bình gốm vừa đem về. Lại nhìn về phía gian ngủ của mẹ. Vẫn nghe rõ tiếng thở đều đều. Nhón thật khẽ, Thàng đi ra phía cửa. Bước chân nhẹ như con mèo rừng đang săn mồi trong rừng khuya.

Bình cổ. Truyện ngắn dự thi của Kiều Duy Khánh
Minh họa Nguyễn Đăng Phú

Bà Sướng nằm im và thở đều như người đã ngủ say, nhưng đôi tai bà đã nghe thấy tất cả. Bà lẩm nhẩm đếm bước chân Thàng rón xuống từng bậc thang. Những bước chân thận trọng. Nhưng Thàng à, trong màn đêm đen như mái tóc đứa con gái sắp đến ngày tằng cẩu kia, làm sao con nhìn được vệt mỡ loang trên bậc cầu thang dưới cùng. Làm sao con biết vệt mỡ ấy là do ta đổ xuống. Ta muốn con bị ngã. Ngã thật đau cũng tốt, để rồi con sẽ biết đứng lên như thế nào…

“Xoạch…cho…a…ng…”

Tiếng người ngã, tiếng gốm vỡ giòn và gọn rạch vào đêm một vệt dài thảng thốt, bàng hoàng…

*

Hôm nay nhà bà Sướng làm cúng hồn gốm, cũng là ngày mở cửa khai lò gốm đầu năm. Từ đêm hôm trước, bà đã chuẩn bị cẩn thận chậu nước tắm bình. Thó đất nặn hình bình gốm nhỏ chỉ vừa gọn trong bàn tay được đặt trên than hồng giữa bếp. Đợi đất chín đỏ như màu cua luộc thì dùng đũa gắp thả vào chậu nước trong veo lấy từ đầu nguồn buổi sớm. Ngâm cả đêm cho đất nung tan vào nước. Dùng mảnh vải chàm mới, nhúng nước ấy lau cho kĩ, cho bóng cái bình. Bình gốm này được bao nhiêu tuổi rồi? Bà cũng không biết. Bố mẹ chồng bà cũng không biết. Chỉ biết rằng nó được đem đến tặng cho nhà họ Lò đến đời bà là tròn năm đời con dâu. Cái bình có màu đen sậm như màu chiêng đồng cổ để gần bếp lâu ngày. Nhìn qua nó không có gì đặc biệt. Cái lạ, cái quý của chiếc bình là mỗi buổi sớm, khi mặt trời lên cao bằng một lần tung còn, ánh nắng chiếu nghiêng từ ngoài qua cửa sổ soi vào nhà thì bình tự bắt nắng, hút nắng, ủ nắng vào lòng mình. Ánh nắng đi qua thì trên thân bình xuất hiện những vệt lân tinh sáng lấp lánh như có vàng, có ngọc pha trong thớ gốm thô sần. Sắc lấp lánh từ bình gốm nó cứ lung linh thế, lấp lánh thế suốt cả ngày. Và khi đêm xuống, bóng tối đặc quánh như chậu nước chàm cô đặc, những vảy lân tinh trong thớ gốm nó mới phát sáng, đẹp một cách kì lạ.

Năm nào cũng thế, cứ sau tết khoảng hơn một tháng, khi nhìn cây ban trên nương nở bung hoa trắng, bà Sướng lại sang nhà Mo Đăm xin ngày tốt để làm lễ cúng hồn gốm, cũng là lễ khai trương mẻ gốm đầu tiên. Sau bài cúng mời cơm, bà lại gọi con cháu đến bên ban thờ ở góc nhà để kể câu chuyện về cái bình.

*

Ấy là câu chuyện từ mấy đời rồi. Nhà Pầng ngày đó không nghèo nhất thì cũng nhì bản Ten Hịa này. Vợ chồng Pầng chịu thương chịu khó cũng chẳng kém người nhà gần, sức khỏe không chậm hơn người nhà xa. Sớm tinh mơ hai vợ chồng đã bế hai đứa con nhỏ hôm gửi họ hàng gần, hôm nhờ hàng xóm thân để lên nương xuống ruộng. Chiều tối như màu cái chum nung đủ lửa mới từ ruộng trở về. Qua ruộng cạn lại tranh thủ đào lấy đôi bung đất sét. Đêm đêm đợi lũ con đi ngủ, hai vợ chồng đem đất ra giã nhuyễn để nhào đất nặn vại, làm chum.

Nhưng chum vại làm ra cứ để đầy gầm sàn, xếp cả ngoài gốc đào, gốc mận. Nhà Pầng hai đứa con nhỏ lít nhít như quả dưa chuột dưa leo, nương ruộng lại nhiều nên chẳng thể gánh chum vại đem đi bản xa bán như mọi người. Không biết trồng lúa thì đói qua mùa hoa ban sang mùa hoa chảu, không giỏi buôn bán thì nghèo từ mùa quả tạy đến mùa quả muỗm quả chay vẫn nghèo. Câu dạy của người xưa chợt vẳng lên trong đầu Pầng. Nằm nghĩ ngắn đêm, nghĩ đến khi con gà gáy óc eo ngoài rừng xa thì Pầng quay sang bảo vợ:

- Từ mai mình ở nhà trông con để tôi gánh hàng đi bán. Chum vại vất vả làm ra mà cứ xếp đầy nhà đầy sân thế thì nó cũng chỉ như những tảng đất thôi.

Ngay sáng hôm ấy, Pầng chọn đôi chum to nhất, lại xếp vào mỗi chum mấy cái vại nhỏ, chằng buộc cẩn thận vào hai đầu đòn gánh rồi hăm hở lên đường.

Pầng đi được ba hôm thì trở về, theo sau Pầng còn có một bà cụ gầy gò, rách rưới và mệt mỏi. Trên tay cụ ôm khư khư một vật hình tròn thuôn dài được gói ghém kĩ dưới lớp vải chàm đã bạc màu. Pầng vừa đỡ cụ già đi vào cổng, vừa oang oang gọi vợ, giọng đầy hào hứng.

Ành đang làm cỏ ngoài vườn rau, vội quăng cả cuốc chạy vào, hấp hởi. Mình đã bán hết chum vại rồi à. Nhanh thế… Nhanh thế.

Quay sang cụ già, thoáng ngạc nhiên. Chạm ánh mắt mệt mỏi, có phần lúng túng ngại ngần của bà cụ, Ành như đoán được phần nào. Vội đỡ cụ đi lên cầu thang, đon đả:

- Chắc bà bác là khách xa, khách quý đến thăm nhau. Đi đường dài mệt rồi, bà bác lên nằm nghỉ cho đỡ mỏi chân, tôi đồ chõ xôi mới, thịt con gà to để mừng khách quý đến thăm, mừng nhà tôi lần đầu đi làm người bán đã được đắt hàng.

Loáng cái, mâm cơm đã được dọn ra. Bây giờ thì Pầng mới thủng thẳng kể chuyện về người khách mình đón về.

Pầng gặp bà cụ ở một bản xa. Lúc ấy Pầng vừa bán xong cái chum cuối cùng, đang trên đường về. Vừa thong thả bước, Pầng vừa xỏ tay vào túi áo chàm mân mê những đồng bạc mới, đầu vẩn vơ nghĩ đến chuyến hàng tiếp theo, lòng đầy háo hức.

Phía trước có một dáng đi liêu xiêu như chực ngã. Một cụ bà búi cẩu bạc phơ trên vai oằn một gánh củi còn to hơn cả người đang tiến về phía Pầng. Từng bước đi nặng nhọc và chệch choạc liêu xiêu. Bỗng dưng, như vấp phải một vật gì, cụ ngã nhào về phía trước. Cái đòn gánh trên vai xô lên chèn vào giữa cổ cụ già. Pầng vội lao đến. Vất vả lắm Pầng mới vừa dìu cụ già vừa gánh gánh củi về đến nhà cho cụ.

Căn nhà sàn nghiêng đến nỗi mái gianh gần chạm được vào cái chum hứng nước mưa dưới giọt gianh. Pầng đỡ cụ đi lên bậc thang mà phải rón thật nhẹ, chỉ sợ mạnh chân một chút là cầu thang sập xuống và căn nhà đổ ập lên cả hai người. Bước vào trong nhà thì cảnh tượng còn hoang tàn hơn. Trống huơ trống hoác, chỉ một chiếc đệm bông lau bạc phếch màu chàm trải làm nơi ngủ. Một cái đệm mới hơn bó cẩn thận trên gác, vài cái váy áo nhàu cũ chằng chịt những nốt vá treo thõng ngay gần chỗ ngủ. Mái gianh mục nát nhìn thấy cả đám mây đang lơ lửng ngoài trời. Pầng định hỏi gì đó thì bà cụ đã phệu phạo:

- Mẹ ở có một mình, chẳng còn nhiều sức để làm ruộng làm nương nữa. Cái chân không còn muốn đi rừng, nhưng vẫn phải đi kiếm củi về đổi nắm cơm, bát gạo. Ngày xưa ải ềm sinh vất vả, nên đặt tên mẹ là Kho. Cái tên nó nói lên cái số, phải nghèo phải khổ suốt đời. Mẹ cũng lấy chồng, nhưng phạ không thương, không cho đứa con nào mọc lên trong bụng. Ông chồng buồn nhiều nên tìm lên mường trời trước, bỏ mẹ ở lại có một mình. Muốn đi theo ông chồng rồi, nhưng phạ không cho, vẫn cứ bắt sống đấy…

Nhìn bà Kho, Pầng thấy nhớ mẹ, thấy bà giống mẹ mình thế. Thương bà đã già mà vẫn phải vào rừng tìm củi, lỡ có chuyện gì thì chỉ mình bà đau, mình bà khổ. Một ý nghĩ chợt lóe lên trong đầu. Pầng sẽ đón bà về nhà mình, coi bà như mẹ. Bà sẽ giúp vợ chồng Pầng trông hai đứa con nhỏ để vợ đi làm ruộng, làm nương, còn Pầng yên tâm gánh chum địu vại đi bán khắp bản gần bản xa.

Pầng đã ngồi thuyết phục bà Kho cạn cả buổi chiều nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu kiên định. Trời nhem nhém tối, Pầng vội vào bản tìm mua một ít gạo, một con gà đem về làm bữa cơm. Cơm dọn ra. Lại vừa ăn vừa trò chuyện, vừa ăn vừa thuyết phục. Những cái lắc đầu cứ thưa dần. Rồi thì bà Kho im lặng, trầm ngâm. Đôi mắt đục mờ, răn reo cứ ngước lên mà nhìn từng múi gianh mục nát, từng cái cột cái kèo. Lại nhìn Pầng. Cái nhìn đầy xúc động, rưng rưng.

Có tiếng hoẵng kêu “to…ác…to…ác” ngoài rừng xa. Bà Kho lập cập đứng dậy, lấy cái đệm mới trên gác, trải ra gian quản, đận đà:

- Con hoẵng kêu là báo nửa đêm rồi đấy. Thằng cháu đi ngủ cái mắt thẳng cái lưng đi cho rơi cái mệt. Ngày mai ta sẽ về theo thằng cháu…

Sáng hôm sau Pầng dậy thật sớm để nài giục bà Kho khăn gói về nhà mình vì sợ bà sẽ đổi ý. Bà Kho lập cập đi đến ban thờ ở góc nhà. Bà lầm rầm khấn gì đó lâu lắm. Cuối cùng bà lấy xuống từ ban thờ một cái bọc được gói kĩ bằng vải chàm. Cái bọc tròn thuôn vừa một tay ôm. Bà chỉ ôm duy nhất cái bọc đó rồi theo chân Pầng ra khỏi nhà. Bây giờ thì bà dừng lại trước chân cầu thang, ngước nhìn lên nhà, giọng bà nghèn nghẹn, mầng mậng ướt:

- Nhờ trời thương nhìn xuống, nhờ đất tỏ nhìn lên mà tôi có được đứa con mới. Hôm nay tôi đi ở với lụ liệng. Tôi chào ma đất ma nhà, ma chủ cũ chủ mới. Tôi chào ma ông bà bố mẹ. Tôi đem bốn mươi hồn đi nhà con, gửi bốn mươi hồn ở lại nhà. Tôi đi nhưng vẫn còn quay lại thăm nhà. Bao giờ Phạ gọi lên mường trời, tôi sẽ quay về xin bốn mươi hồn để tìm đường lên Then…

Ành hồi hộp nghe chồng kể về chuyện gặp gỡ với bà cụ Kho. Rồi Ành hóa thân vào câu chuyện từ lúc nào. Câu chuyện Pầng kể đã hết rồi mà Ành vẫn ngồi bất động. Khuôn mặt Ành cứ ngẩn ra. Pầng gọi mấy lần mà Ành không nghe thấy. Bây giờ hồn Ành đang ở trong ngôi nhà mục nát của cụ bà rồi.

Cụ Kho nhìn Ành. Cụ chột dạ. Zà zà, con Piềng nó muốn ta về ở, nhưng vợ nó không muốn đón người lạ làm người nhà rồi. Thôi thì ta lại về với nhà cũ, về với bốn mươi vía đang đợi ta để vợ chồng chúng nó không vì ta mà lật gối, quay đệm.

Bà Kho nghĩ thế và định đứng dậy. Nhưng bà còn chưa kịp đứng thì bất ngờ Ành nhào đến ôm lấy bà, gục đầu vào vai bà, nghẹn ngào:

- Con từ nhỏ đã không có mẹ, không biết mặt bố. Hôm nay được bà bác thương mà đến ở cùng. Bà bác cho vợ chồng con nhận bà bác là êm liệng(3) nớ. Từ nay ềm ở lại đây với vợ chồng con. Có khổ cùng chia, có nước cùng nhau đổ, ềm nớ.

Bà Kho như không tin ở tai mình, mắt mình. Đến khi thấy dòng nước mắt của Ành giàn giụa trên cổ, trên vai thì bà mới biết không phải bà mơ. Một tay ôm cái gói bọc vải chàm đem theo từ nhà, một tay bà vòng qua, run run ôm lấy Ành. Bà muốn nói gì đó mà giọng cứ nghẹn lại, run lên.

Phải thật lâu sau thì bà Kho và Ành mới buông nhau ra, vẫn chưa hết nghẹn ngào. Bà ôm cái bọc lập cập đi đến ban thờ ở góc nhà, đặt lên ban thờ, giọng bà run run, xúc động:

- Từ nay tôi đã có lụ liệng, chung nhà với nhau rồi. Tôi xin ma ông bà tổ tiên họ Lò nhận mặt tôi, coi tôi là con là cháu. Vật quý này của tổ tiên bao đời nhà chồng tôi để lại. Nay gặp đứa con nuôi Pầng cũng mang họ Lò, trời cho cái duyên rồi. Tôi xin dâng lên ma ông bà …

Từ ngày có mẹ mới, vợ chồng Pầng yên tâm đi nương đi ruộng, yên tâm gánh chum vại đi bán khắp bản gần bản xa mà không còn phải lo đem gửi con cái nhờ họ hàng trông hộ. Đêm đêm hai vợ chồng lại cặm cụi nặn đất làm gốm đến bỏ sớm quên khuya.

Bà Kho ngồi xem vợ chồng Pầng quay gốm, rồi bà nâng lên đặt xuống, ngắm nghía thật kĩ những chum, vại đã nung xếp quanh những chân cột. Bà đận đà:

- Nhà mẹ ngày xưa cũng bao đời làm gốm. Mẹ biết giã đất từ lúc học thêu piêu làm cút, biết xoay bàn nặn đất, gọt chỉ, làm sóng từ khi về nhà chồng. Mẹ xem cái chum, cái vại các con làm ra, cũng giống như nhà mẹ làm ngày xưa thôi. Người Thái Mường Chanh ta chung một tổ tiên, chung nghề gốm. Nhưng các con không biết mặc áo cho gốm. Các con có biết vì sao gốm bên Lào có màu đen sậm, nhìn nó như màu xa xưa không? Không phải đất bên Lào khác bên ta, mà họ biết tạo cho cái vại, cái chum, cái bình có màu đẹp làm thích con mắt người mua. Vì thế gốm từ Lào sang bán đắt hơn, bán được nhiều hơn, chỉ ở cái màu ấy thôi.

Trong cái se lạnh của đêm cuối đông, trong ánh lửa từ lò gốm hắt ra chập chờn hư ảo, bà Kho thầm thĩ:

- Cái bí quyết này chỉ được truyền cho người trong dòng họ. Nhưng hai đứa giờ là con ta, lại cùng mang họ Lò. Cùng họ thì cùng anh em, tiên tổ. Nên ềm nói cho các con bí quyết làm áo gốm thì cũng hợp với lòng tổ gốm, ưng lòng ma tổ tiên.

Ngừng một lát để nén dòng xúc động, bà Kho khấm khởi:

- Lò gốm các con đang nung, nhìn vào mùi đất, nhìn lên màu khói thì sáng sớm mai sẽ chín vừa. Thằng Pầng lên cái đồi sau nhà chặt về cho mẹ gánh lá dẻ tươi. Chặt lá đủ cho đầy cửa lò mới thôi đấy.

Pầng không hiểu lấy lá dẻ tươi về làm gì, nhưng êm liệng dặn thì phải làm theo.

Trời nhờ nhờ sáng như màu nước vo gạo đặc thì bà Kho bảo Pầng rút củi ra khỏi đáy lò. Gốm đã chín vừa đủ lửa. Bà lại sai ôm lá dẻ đẩy vào cửa lò. Than hồng gặp lá dẻ tươi khói bốc mịt mù, tiếng lá cháy dóm dém, nổ lép bép. Lại bảo lấy hai miếng sắt to đậy cửa lò và ống khói lại, rồi nhào đất bùn trát thật kín để khói trong lò không lọt ra ngoài.

Lá tươi âm ỉ cháy rém vào than đỏ. Khói đen đặc quánh tan thấm vào cái vại, cái chum đang hầm hập chín. Cứ để khói nhẩn nha ăn vào từng thớ đất chín như thế đến hết đêm. Sáng hôm sau khi mặt trời vừa mọc trên đỉnh núi Mịt Nọi thì bà gọi hai vợ chồng mở cửa lò. Lá đã cháy hết, than cũng lịm dần. Cứ để nguyên như thế đúng bảy ngày cho gốm nguội hết thớ lửa, tan hết mùi khói hăng thì vào lò dỡ gốm ra.

Cái chum đầu tiên bưng từ lò ra ánh sáng, hai vợ chồng Pầng ngạc nhiên, bất ngờ đến nỗi suýt thì hét lên. Rồi thì vui sướng, hạnh phúc ngập tràn. Chum có màu đen sậm, đen lì không khác gì những cái chum từ Lào đem sang. Khói lá dẻ nó đã mặc áo đẹp cho gốm nhà ta rồi ềm ơi. Gần như cùng lúc, hai vợ chồng nhào đến ôm lấy mẹ nuôi. Nước mắt giàn giụa. Nước mắt hòa lẫn cả vào nhau…

Cũng từ đó gốm nhà Pầng làm ra đến đâu là có người đi ngựa tìm đến mua hết đến đấy, giá cao gần gấp đôi những bình, vại gốm trước đây. Vợ chồng Pầng không còn phải kĩu kịt gánh hàng đi bán như xưa. Chỉ một năm sau thì làm được cái nhà sàn to và rộng nhất nhì bản.

Nhà làm xong, còn chưa kịp mời thầy mo cúng đón ma lên nhà mới thì bà Kho ốm nặng. Bà phều phào gọi vợ chồng Pầng đem cái gói bọc vải chàm để ở ban thờ góc nhà đến. Bà run run cởi bỏ lớp vải chàm, để lộ ra một cái bình cổ đen như màu chiêng đồng ám khói thời gian. Chiếc bình vừa được rũ khỏi lớp vải chàm thì bắt ánh nắng lọt qua từ mái gianh thủng trên mái nhà. Những vảy sáng như vảy vàng ẩn dưới lớp áo đen thô lấp lánh lung linh.

Bà Kho đặt bình gốm lên tay vợ chồng Piềng, thệu thạo:

- Đây là cái bình gốm đầu tiên của ông tổ gốm họ Lò làm ra. Nó là vía, là hồn của nghề gốm. Giờ ềm giao cho hai đứa. Lên mường trời ềm sẽ khoe với tổ tiên ông bà rằng người được trao bình quý, người được truyền và giữ bí quyết làm áo gốm cũng là người dòng họ Lò. Sau này các con có khổ hay sướng, đói hay nghèo thì cũng không được bỏ bí quyết của tổ tiên, không được làm mất cái bình…

Nói xong thì bà nhắm mắt, thanh thản và nhẹ nhàng…

*

Câu chuyện về nghề gốm, về cái bình cổ quý giá của gia đình ông Pầng được kể đi kể lại mỗi năm làm cúng hồn gốm, mỗi đời dâu con họ Lò. Và bây giờ, bà Sướng lại kể cho con trai, con dâu, kể cho các cháu.

Khi ánh nắng bắt đầu chênh chếch xiên khoai chiếu vào ban thờ bên góc nhà cũng vừa lúc bà Sướng tắm sạch cho bình gốm. Bây giờ thì bình tự bắt nắng, tắm nắng, ủ nắng vào lòng.

Vừa lúc vợ chồng Thàng làm xong mâm cơm cúng bưng lên đặt xuống ban thờ. Bà Sướng thắp ba nén hương rồi ngồi xuống trước ban thờ. Thàng ra hiệu cho vợ và hai đứa con ngồi xuống bên cạnh.

Bà Sướng cầm cái quạt màu hồng, vừa phe phẩy quạt vừa sang sảng:

Hôm nay con chọn được ngày đẹp

Xem được ngày đúng

Gia đình làm lễ cáo xin

Xin cúng mâm cơm nhạt mời lên thần gốm

Cúng mâm cơm mặn mời xuống ma ông bà

Xin ngày đẹp làm lễ động đất

Cầu ngày lành làm lễ động lò

Cáo xin thần đất thần gốm ma ông ma bà

Phù hộ gia chủ con khai lò gốm mới may nhiều may lớn

Qua bảy lần lửa nung chum không nứt, vại không rò

Đựng nước quanh năm nước đầy bình

Đựng gạo bốn mùa gạo nặng chum…

Lời cúng trập trùng như núi, ngoằn ngoèo như suối, thăm thẳm như sông. Gần trưa thì bài cúng kết thúc. Bây giờ là nghi lễ quan trọng nhất. Bà Sướng hắng giọng thủ thỉ kể cho con cháu nghe câu chuyện về chiếc bình gốm cổ…

- Có ai ở nhà không, xin đến làm phiền gia đình một lúc nào…

Có tiếng người lạ gọi với lên từ chân cầu thang. Bà Sướng hơi khó chịu khi khách đến đúng vào lúc quan trọng. Còn chưa kịp đáp lời đã nghe tiếng bước chân khách thuỳnh thuỵch đi lên cầu thang. Loáng cái khách lạ đã đứng trước cửa. Thân hình kềnh càng, béo ịch của khách đứng chắn gần hết cửa ra vào.

- Nhà hôm nay có việc, không đón khách lạ lên thăm đâu. Đã cắm ta leo ngoài cổng rồi, không nhìn đến à? - Bà Sướng khó chịu nhìn vị khách lạ làu bàu.

Nhưng khách không để ý đến vẻ mặt của bà. Khách quét đôi mắt thô lố khắp nhà một lượt. Đôi mắt khách dừng lại trước cái bình cổ. Đôi mắt đã to, giờ nó lại nhướng hẳn lên, lồi ra trắng nhởn, vằn những tia đỏ. Rồi thì đôi mắt ấy cứ đờ đẫn ra. Khuôn mặt bì bì bóng nhẫy giật giật liên tục. Phải một lúc lâu khách mới lấy lại được trạng thái bình thường. Khách bước như nhào về phía chiếc bình. Nếu không vướng mọi người ngồi chắn ngang, có lẽ khách sẽ khoắng bàn tay to xù vồ lấy chiếc bình.

- Cái bình… đúng là cái bình tôi đang muốn tìm đây rồi. Bà già bán đi. Đây, tôi trả chục triệu. Chục triệu đủ mua cả trăm cái bình thế này đấy.

Vừa nói, khách vừa kéo xoẹt khóa của chiếc túi da đeo trước bụng lôi ra mấy cọc tiền, xỉa ra trước mặt bà Sướng.

Bà Sướng xua xua tay. Cái bình này là vật quý của tổ tiên, không bán được. Hôm nay nhà đang làm cúng, không đón khách, cháu thông cảm đi về để không hỏng việc thiêng của gia đình.

Khách hơi tái mặt. Thế này mà bà già còn chê ít à? Được rồi… được rồi…

Khách phăm phăm chạy xuống cầu thang. Tưởng khách giận bỏ về, bà Sướng thở phào rồi tiếp tục câu chuyện còn dở dang thì khách lại tồng tộc chạy lên. Bà già chê ít thì đây, tôi trả bà số tiền đủ đựng đầy cái bình này xem còn lắc đầu được nữa không.

Vừa nói, khách vừa dốc ngược túi tiền mới đem ngoài xe vào. Những tập tiền mệnh giá mười nghìn, hai mươi nghìn lẫn lộn đổ thành một đống trước mặt bà Sướng. Đến lúc này thì bà Sướng không bình tĩnh được nữa. Bà đứng phắt dậy. Đã bảo không bán. Tiền có cao bằng cái nhà cũng không bán. Thằng cháu có về không, hay để tôi phải gọi họ hàng đến cầm lá han lá dáy dắt về?

Khuôn mặt gã khách lạ đỏ bừng lên rồi tím bầm lại như con gà chọi thua trận. Hắn vơ tiền vào túi rồi hầm hầm bước ra khỏi nhà. Vừa đi vừa lụng bụng gì đó trong cổ họng.

Gã khách là Phiến trọc, tay buôn đồ cổ chuyên lân la khắp các bản xa để lùng tìm những đồ độc, hiếm. Từ nhà bà Sướng đi ra, Phiến bực bội bực bội lao vào chiếc ô tô cà tàng nhấn ga. Chiếc xe chồm lên rồi khặc khừ lao đi, bỏ lại phía sau lớp bụi đỏ quạch, mịt mù. Bao nhiêu năm đi buôn nhưng chưa bao giờ gã bị chủ nhà đuổi như đuổi tà như vậy, cũng chưa bao giờ gặp người chê tiền như bà già quái gở ấy. Nhưng bằng mọi giá hắn phải chiếm được cái bình kia. Những thứ không mua được bằng tiền thì phải chiếm bằng mẹo. Kinh nghiệm hơn bốn mươi năm buôn đồ cổ cho hắn biết cái bình ấy niên đại ít nhất cũng vài trăm tuổi. Nhưng giá trị hơn cả là nó được làm từ loại đất có cao lanh vàng chanh, một loại đất hiếm từ bên Lào từ vài trăm năm trước. Ánh sáng lấp lánh tỏa ra từ cái bình trong góc nhà cho hắn biết điều đó. Có được bình quý ấy đem về xuôi bán cho các đại gia mê đồ cổ thì rẻ cũng kiếm nửa tỉ.

Nhưng làm thế nào để mua được cái bình cổ ấy? Gã chợt nhớ đến ánh mắt thèm thuồng, sáng rực của thằng con trai bà chủ nhà lúc gã đổ tiền ra sàn nhà. Những kẻ nhìn thấy tiền mắt cứ sáng lên như con mèo đói thấy ổ chuột non thế thì dễ mua chuộc thôi. Phải tìm cách tiếp cận nó mới được.

Nhưng Phiến chưa cần đi tìm thì Thàng đã tự mò đến tận nơi hắn trọ.

- Hôm qua anh đến hỏi mua cái bình gốm nhà tôi bằng số tiền đổ đầy bình, có thật không? Cái bình ấy có giá thế à.

Phiến trọc mừng húm nhưng vẫn ra vẻ tỉnh rụi:

- Chẳng giá trị con mẹ gì. Chẳng qua nó giống với cái bình cổ vật của bố tao đã mất nhiều năm. Giờ ông ấy đang hấp hối, muốn nhìn thấy cái bình lần cuối nên tao mới hỏi mua giá cao, chứ bố tao mất rồi thì cho không tao còn đấm cho mấy đấm ấy chứ.

- Tôi đang cần tiền để trả cái nợ thua bạc… nhưng đem bình bán thì mẹ tôi đuổi khỏi nhà. Mẹ tôi lại quý cái bình hơn cái mạng, mất nó có khi mẹ tôi tìm lá ngón, quả mắc găm ăn…

Phiến hói vỗ bộp vào vai Thàng cười khùng khục.

- Mày còn non và xanh lắm em ạ. Chiều mai đúng giờ này đến đây. Tao bày cho cách hay. Mẹ mày không phải tự tử, ban thờ nhà mày vẫn có cái bình, mày không bị đuổi khỏi nhà mà vẫn có số tiền đủ đổ đầy cái bình, được chưa?

Chiều hôm sau Thàng đến đúng như lời hẹn. Phiến trọc đang nằm ngả ngớn trên ghế rít thuốc. Giữa bàn, cạnh đôi chân vắt chéo của hắn là chiếc bình gốm. Thàng giật thót. Sao… sao cái bình nhà tôi lại ở đây?

Phiến hói ngồi dậy cười giả lả:

- Đến mày còn không nhận ra thì ô kê rồi. Đây, mày đem cái bình về, tối nay đợi bà già khó tính đi ngủ thì tráo lấy cái bình trên ban thờ đem ra cổng. Tao sẽ đợi ở ngoài. Xong việc, bình trao tiền trả, không thiếu một xu.

Xâm xẩm tối thì Thàng lén lút đem cái bình về. Bà Sướng đang băm chuối cho lợn ngoài sân. Thấy mẹ, Thàng giấu vội bình vào đống rơm trước cổng rồi quýnh quáng lên nhà, coi như không có chuyện gì.

Thái độ khác lạ của Thàng không qua được mắt bà Sướng. Bà lên nhà bảo Thàng:

- Tối nay chưa có gì làm thức ăn đâu. Mày ra ao chài lấy ít cá làm gỏi ăn cho mát bụng ngọt mồm nớ.

Thàng vừa lội xuống ao, bà Sướng ra ngay đống rơm lục tìm xem thằng con trai giấu cái gì mà lén lút thế. Nhìn thấy cái bình giống hệt với cái bình cổ thì bà lờ mờ đoán ra. Thàng à, tao ăn muối còn nhiều hơn mày ăn cơm, lội ruộng còn dài hơn mày đi xe máy, không lừa mẹ mày dễ thế được đâu. Mày định đem cái bình giả này về đổi lấy cái bình quý của tổ tiên ông bà à. Mẹ sẽ đi đổi giúp mày nhé…

Tối hôm ấy bà Sướng kêu mệt và đi ngủ sớm.

*

Thàng ôm cái bình vừa đánh tráo trên ban thờ, nhón nhén bước thật nhẹ xuống cầu thang, lòng vừa hồi hộp vừa run. Chỉ còn một bậc thang nữa thôi là Thàng có thể yên tâm đem cái bình ra đưa cho gã Phiến trọc. Gã đang nhấp nhổm đợi bên gốc cây đào ngoài cổng từ lúc tối. Bước chân Thàng dậm mạnh xuống bậc cầu thang như lấy đà để chạy ào ra ngoài.

Trượt một cái. Trơn nhẫy như giẵm phải lưng con trăn. Thàng chới với nhào về phía trước. Còn chưa kịp hiểu chuyện gì thì “choang”. Cái bình đập mạnh xuống đất vỡ tan. Thàng loáng choáng. Lồm cồm nhổm dậy, vớ cái bao tải rách gần đó, vơ vội những mảnh vỡ bỏ vào rồi chạy ra bờ ao văng mạnh một cái. Những mảnh gốm vỡ bay ra rơi lũm bũm xuống ao.

Xong việc, Thàng lom khom chạy về phía cầu thang quản rồi ron rón mò lên nhà để mẹ khỏi nghi ngờ.

Sự việc diễn ra quá nhanh, Phiến trọc còn đang lồng lộn giậm chân thình thịch ngoài gốc đào vì tiếc và tức thì từ trên nhà, bà Sướng lập cập chạy ra hét to:

- Trộm… ối bà nhà trên ông nhà dưới ôi, có trộm… có trộm…

Tiếng người chạy rầm rập. Tiếng hô hoán, tiếng chó sủa ông ổng náo động cả bản. Phiến trọc giật thót. Hắn lao vội ra xe nổ máy phóng một mạch về huyện, còn không dám dừng lại chỗ trọ để lấy đồ.

Từ đó không ai còn thấy bóng dáng Phiến trọc lởn vởn trên bản nữa.

Từ đó Thàng không bao giờ dám đến gần ban thờ, không dám nhìn cái bình cổ. Thàng vẫn nghĩ đó là cái bình giả và luôn ăn năn, cắn rứt vì thấy có tội với mẹ, với ma ông bà tổ tiên.

Bí mật về chiếc bình cổ chỉ có bà Sướng và những mảnh gốm vỡ đang nằm dưới ao sâu dưới biết rõ…

Ải ềm: bố mẹ

Phạ: trời

Lụ liệng: con nuôi

Ềm liệng: mẹ nuôi

VN19/2024

Bình cổ. Truyện ngắn dự thi của Kiều Duy Khánh
Xuống chợ. Nguồn pinterest.com
Phá vỡ mạng lưới nghệ thuật giả trị giá 212 triệu USD

Phá vỡ mạng lưới nghệ thuật giả trị giá 212 triệu USD

Baovannghe.vn - Vào ngày 13/11/2024, cơ quan chức năng Ý đã phá vỡ một mạng lưới làm giả tác phẩm nghệ thuật quy mô lớn, với thiệt hại kinh tế ước tính lên đến 200 triệu euro (khoảng 212 triệu USD). Mạng lưới này bao gồm hàng nghìn tác phẩm giả mạo của các nghệ sĩ danh tiếng như Andy Warhol, Banksy, Pablo Picasso, Amedeo Modigliani, Joan Mirò, Francis Bacon, Wassily Kandinsky, Henry Moore, và Gustav Klimt. Đây là một trong những vụ việc lớn nhất về làm giả nghệ thuật trong hơn 15 năm qua.
Mặt người khác. Truyện ngắn của Nguyễn Tham Thiện Kế

Mặt người khác. Truyện ngắn của Nguyễn Tham Thiện Kế

Baovannghe.vn - Tiếng gã vọng như dưới hố sâu, âm u dương xỉ. Như kẻ vừa bóp cổ, vẫn còn hằn ngón tay, nhưng lại tủi kiểu trẻ con bị cướp kẹo. Đi xa quá thích
Nâng cao năng lực truyền thông chính sách về thực hành kinh doanh có trách nhiệm

Nâng cao năng lực truyền thông chính sách về thực hành kinh doanh có trách nhiệm

Baovannghe.vn - Ngày 13/11, Bộ TT&TT tổ chức Hội nghị nâng cao năng lực truyền thông chính sách, pháp luật về thực hành kinh doanh có trách nhiệm năm 2024
“Ông lớn” Lọc Hóa dầu Bình Sơn (BSR) đã nộp hồ sơ đăng ký niêm yết lên HSX

“Ông lớn” Lọc Hóa dầu Bình Sơn (BSR) đã nộp hồ sơ đăng ký niêm yết lên HSX

Baovannghe.vn - Theo thông tin từ BSR, ngày 21/08/2024, BSR đã nộp hồ sơ đăng ký niêm yết 3,1 tỷ cổ phiếu BSR lên HSX của CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn
Nhà thờ họ Vĩ. Truyện ngắn của Hoàng Minh Tường

Nhà thờ họ Vĩ. Truyện ngắn của Hoàng Minh Tường

Baovannghe.vn- Đợt về làng Động với cái túi căng phồng này, là cuộc về trả ơn nguồn cội, sau mấy phi vụ làm ăn thắng lớn. Sau khi đến dâng lễ và thắp hương nhà thờ tổ