![]() |
Minh họa Đặng Tiến |
Tôi bước xuống bắc, tà áo dài lãnh Mỹ A ánh lên một tia sóng sánh mặt sông Bến Lức. Chú nhỏ phụ việc trên bắc1 nhanh nhẹn dìu lấy tay tôi, tay kia đỡ cái va-li bằng da đã lên nước bóng lộn. Chú cười một nụ tươi hết cỡ, khoe hàm răng xiết ăn lem nhem. Tôi thảy cho chú một cắc. Mắt chú sáng rỡ, cúi đầu cảm ơn rối rít.
Có vị công tử áo sơ-mi trắng đương dựa vào lan can bắc, nhìn thấy tôi ưa mắt liền lên tiếng làm quen:
- Cái băng-đô của toa đẹp quá!
Dĩ nhiên là đẹp, vải Tây thượng hạng theo tàu thuỷ nhập về từ Ba-lê mà. Tôi mím môi nửa cười nửa không, gật đầu đáp lễ rồi quay lưng bước xuống. Tôi biết chắc là mình đẹp, cả người toát ra một nét đằm thắm, sang trọng, trâm anh đài các vô cùng. Vị công tử kia đâu phải là người đầu tiên vướng vào đôi hàng mi của tôi vùng vằng không dứt nổi. Tôi mặc kệ, nếu đủ bản lãnh, cậu ta chắc chắn sẽ tìm cách bắt chuyện tôi lần nữa. Mấy cậu công tử kiểu như vầy tôi gặp miết. Chắc là gia sản của thân phụ cậu ở đâu đó miệt Hà Tiên, Rạch Giá, hoặc giả là Bạc Liêu, Tân An. Chắc là có ruộng, vườn, làm nông hoặc làm muối, kể cũng lớn. Chắc là cậu đua đòi đi du học cho bằng anh, bằng em, rồi khi kinh tế từ từ suy tàn thì bất đắc chí rút về quê mà làm cậu ấm, với dăm ba mớ tiếng Tây pha Việt. Tôi không biết người này tánh tình ra sao, chớ những cậu khác tôi có quen thì rặt phường háo sắc, hoặc là ăn chơi đàng điếm, hút sách cờ bạc. Hoặc là trưởng giả làm sang, đốt tiền khoe mã. Thường, tôi sẽ âm thầm chấm xem cậu ở mức độ thượng hay trung lưu rồi mới từ từ tính tiếp.
Chiếc bắc phun khói đen, hú lên rồi xuất bến Tân An, rẽ một dòng nghiêng nghiêng, chia đôi dòng nước từ sông Bến Lức đang cuồn cuộn trôi. Mấy cơn gió phe phẩy luồng qua tóc mây, dìu cánh vài đàn chim nhạn chao lượn khung trời. Tôi nghe tiếng chim vịt kêu chiều, ngó mặt trời nhuộm sắc đỏ tím lan tràn cả bến sông. Chiếc bắc sơn màu trắng đó chầm chậm tiến về hướng Sài Gòn.
Trên bắc toàn là dân thượng lưu. Những cô đào màn bạc, những cô ca nhi sân khấu đang choàng tay, khoác vai vài vị khách phong lưu. Vài cậu công tử ngậm píp thả khói lên trời. Dăm ông xì thẩu người Tiều tía lia trả giá với nhau mấy vụ làm ăn. Mấy ông Chà làm nghề cho vay, mắt láo liên tìm mối mượn bạc. Dàn xe hơi bóng lộn đậu đều tăm tắp. Ở giữa chốn cô khổ, lam lũ này, chiếc bắc dành cho người giàu như một ốc đảo thiên đường, tách họ ra khỏi gió chướng, sình lầy, bụi hồng ta bà. Trên đó không có chỗ cho nghèo đói và đớn hèn. Ở đây phải là người ăn to, nói lớn. Còn nếu không thì phải rút vô bụng phà mà co ro như mấy bà ở đợ, mấy con sen, mấy gã cửu vạn, hửi mùi dầu máy và nghe tiếng động cơ gào rú đây kìa.
Tôi đương miên man thì bị đụng trúng một cái rất mạnh, khiến chân mất thăng bằng, té ngửa ra sàn. Bao nhiêu hình ảnh đẹp đẽ nãy giờ tôi cất công tạo dựng thoáng cái mất hết. Rất bực mình, tôi ngó coi ai đã bất cẩn, mất hết lễ nghĩa như vậy?
Con nhỏ đó người nhỏ thó, tóc xoã ra tung toé, mặt tròn ủm, không son phấn, rặt nét quê mùa. Nó bận một cái áo dài trắng may bằng vải lanh thô ráp, quần lụa đen, tay mang cặp táp đã bung xổ ra bao nhiêu là sách vở, giấy tờ. Kèm theo đó, một cái gói vải không biết đựng gì mà rớt theo rổn rảng. Nó nhìn tôi vô cùng bối rối, bật dậy bò trên sàn như con chó, lại gật đầu lia lịa như con bửa củi để xin lỗi, không biết chút lễ nghi gì hết.
Trong khi con nhỏ vội vàng hốt mớ sách vở cùng cái túi vải, bỏ trở vô cặp trước khi gió sông thốc tung lên bay lả tả, cậu công tử sơ-mi trắng ban nãy chớp lấy cơ hội, chạy lại dịu dàng đỡ tôi dậy. Cậu luôn miệng: “Toa có sao không? Có bị thương không? Hay moa2 đưa toa vào trong nghỉ nha?” Không có gì làm cho đỡ quê lúc này hay hơn là được một cậu công tử trẻ tuổi trân trọng dìu từng bước vào trong. Tôi đồng ý, khi bỏ đi rồi con nhỏ quê mùa vẫn còn cúi đầu xin lỗi lia lịa không thôi.
Tôi dìu cô gái xinh đẹp vào quầy nước, tìm một bàn kế cửa sổ cho thoáng. Tôi hỏi cô có muốn uống chi không? Khác với sự hiểu biết của tôi về mấy quý cô sành đời, cô gái này không đòi uống rượu Tây. Cô chỉ đòi một dĩa cà phê. Tôi hơi bất ngờ.
Cà phê bây giờ khách phong lưu phải uống bằng ly như Tây chớ? Ai lại đi uống bằng dĩa như tụi phu xe, cửu vạn? Tôi có biết ở Chợ Lớn, người ta pha cà phê bằng vợt, kho trong siêu thuốc Bắc, đổ ra dĩa để dân lao động thổi cho mau nguội, húp lẹ lẹ rồi đi làm. Cô gái trước mặt ăn bận rất sang trọng, lại rất tân thời, có đâu lại ưa cái kiểu uống thô tục như vậy? Kìa, áo dài lãnh bóng loáng, dệt tay. Trên tóc buộc cái băng-đô của Ba-Lê. Lại thêm nữa chiếc va-li da thuộc đắt tiền. Mùi nước hoa thoang thoảng sau làn tóc. Bấy nhiêu đó thôi cũng đủ nói lên tầng lớp của cổ. Thấy tôi hơi ngơ ngác, cô mỉm cười:
- Em gốc Chợ Lớn, đã ưa uống kiểu như vậy nào giờ!
Thiệt ra cổ rất đẹp. Những điều mà người đẹp nói và làm tự nhiên sẽ trở nên dễ thương, cho dù có kỳ lạ tới đâu. Chắc là cổ đang thể hiện với tôi, mình là gái xứ đô thành chánh gốc. Con gái xứ đó mà ăn bận kiểu này thì một là con nhà quyền quý, hai là kĩ nữ hạng sang, qua lại với giới xì thẩu, quan quyền. Con gái nhà quyền quý có đâu tới lui một mình như vậy? Có lẽ cổ là loại thứ hai. Cổ đang muốn nói điều gì với tôi? Một kiểu khẳng định bản thân hay chăng? Một kiểu tỏ ra đặc biệt, nhằm tạo ấn tượng ban sơ với mấy cậu công tử như tôi chăng? Chắc là cổ nghĩ đã hớp hồn được tôi liền, sau cái đá mắt ban nãy?
Trò chuyện vu vơ một hồi, nhác thấy một thuyền câu nhỏ lênh đênh trên sóng gần đó, tôi chỉ trỏ:
- Không chừng ông đó là “bối” giả trang.
- “Bối” là cái gì? Thưa cậu?
Tôi cười, mấy thứ giật gân hấp dẫn như vầy dùng để thu hút mấy cô gái trẻ rất hiệu quả:
- “Bối” là chữ để chỉ những kẻ làm nghề trộm cướp trên sông khắp xứ Nam Kỳ Lục Tỉnh. Toa đã nghe tới chữ “bối Ba Cụm” chưa?
Thấy cô gái tròn mắt lắc đầu, tôi kể tiếp:
- Chuyện truyền tai của dân thương hồ xứ moa, bối họ ghê gớm lắm. Bình thường, họ giả trang làm chèo đò, đánh cá, hoặc là thương hồ. Họ tìm hiểu nết đi lại, buôn bán, tài sản của đối tượng kĩ lưỡng. Khi thời cơ chín muồi, họ tấn công là ôm sạch hết, không chừa lại thứ gì. Có đảng bối ưa hành động ban đêm, lặng lẽ tới ăn hàng, lặng lẽ rút lui không để lại manh mối. Có khi nạn nhân phát giác, kéo nhau bắt lấy, nhưng chụp trúng thì trơn tuột vì đảng bối ai cũng trét dầu bóng loáng khắp người. Nhưng cũng có mấy đảng bối thích bao vây táo tợn, cướp giữa ban ngày ban mặt. Họ giỏi nghề võ, có đánh cũng không lại, đành cắn răng chịu trận…
Cô gái có vẻ thất thần, hết ngó chiếc thuyền câu rồi lại ngó tôi.
- Thưa cậu, vậy “bối Ba Cụm” là chi?
- Là một đảng bối vang danh nhứt! Ba Cụm là một cái chợ nổi ngay chân cửa sông, ở gần đây. Đảng bối này xuất thân từ chỗ đó, không ai rõ mặt mũi, hình dáng ra sao, cũng không biết có mấy người. Ban đầu, họ hoành hành ở Ba Cụm dữ lắm. Tàu ghe qua lại sợ gần chết. Tới mấy thuyền buôn lớn của Ba Tàu, lắm người bảo vệ, họ cũng cướp luôn. Ngay cả gia sản của hương chức, hội tề, thậm chí là quan Pháp, họ cũng chẳng kiêng dè. Mỗi lần bối Ba Cụm ăn hàng là quyết quét sạch, không chừa một cắc, lại còn để lại một bông cúc trắng để làm dấu hiệu. Thái độ đó là thách thức chánh quyền, là nhởn nhơ trước sự thịnh nộ của mấy ông quan. Rồi dần dà về sau, càng nhiều vụ cướp táo tợn diễn ra khắp sông ngòi Lục Tỉnh. Mấy vụ đó đều tìm thấy bông cúc trắng, hoặc nằm trong rương, thúng giạ, khạp tiền, có khi còn nằm chễm chệ ngay trong khoang lái. Lại có chuyện, có lần đêm đó người ta bày binh bố trận, xém bắt được đầu đảng bối Ba Cụm, còn đập trúng đầu nó một cái, nhưng nó không chết. Nó luồn lách như chạch, trốn mất dạng. Khi đó trời tối đen, chẳng ai nhìn thấy mặt nó. Bà con đồn đại, bối Ba Cụm cướp giàu giúp nghèo. Cũng có người nói chúng chỉ là lũ cướp sông tham lam, tàn ác. Tới bây giờ cũng chưa phân định rõ.
Cô gái nghe tôi kể dông dài thì tỏ ra vô cùng kinh sợ. Cô lắp bắp không nói nên lời, cầm dĩa cà phê lên mà run tới nỗi đổ mấy giọt ra ngoài. Chắc là cô lúc nào cũng nằm trong vòng tay che chở của người lớn, chưa ra ngoài nhiều nên mới hù một chút đã sợ xanh mặt. Tôi đắc chí, thế nào cô ta cũng sẽ kè kè sát theo tôi cho tới khi bắc cặp bến Sài Gòn. Mà như vậy thì hay lắm! Lúc đó, có giọng khàn khàn, lờ lợ cất lên từ phía bàn bên cạnh:
- Thưa cậu, cho tôi vô phép chen ngang lời cậu, nhưng tôi đảm bảo bối Ba Cụm mà tới đây cũng không thể lộng hành được!
Tôi ngó qua thì thấy một gã Tây, mặc đồ sở cẩm. Vai gã đeo một sợi đai da, nối với chiếc thắt lưng, ẩn hiện khẩu súng đen ngòm. Thấy tôi quay đầu nhìn, gã Tây nói tiếp:
- Tôi là phó sở cẩm Tân An, được giao lệnh bảo vệ cho chuyến bắc này tới bờ Sài Gòn an toàn. Tôi đã bố trí lính khắp nơi trên bắc, một con muỗi cũng không lọt qua được. Tôi không biết bối Ba Cụm ghê gớm ra sao, cũng không thể đánh thắng súng đạn của Pháp quốc, nên xin cậu và quý cô đây đừng lo lắng!
Nói xong, gã Tây nở một nụ cười rất tự tin, nhưng ẩn chứa sát khí. Có lẽ, ông ta rất cay cú vì bị cấp trên khiển trách bấy nay, do để bối Ba Cụm hoành hành khắp nơi. Ánh mắt gã như muốn nói, đảng bối đó mà xuất hiện là gã tiêu diệt bằng hết. Cũng vì mối căm hận với bối Ba Cụm, nên khi nghe tôi ca tụng chiến tích ăn hàng của chúng, gã không cầm lòng được mà chen ngang vào. Tôi giả lả:
- Moa tin rằng có phó sở cẩm Tân An ở đây thì mình không có gì phải sợ nữa, phải không?
Cô gái nghe tôi hỏi tới thì giật mình, gật đầu lia lịa. Ánh ráng chiều chiếu nghiêng nghiêng, thảy vài tia loe hoe, hắt lên mái tóc đờ-mi gác-xong điệu đà của cô, khiến cô lại càng trở nên kiều diễm. Gã Tây đứng lên, tiến tới, cúi mình nắm lấy bàn tay của cô và hôn một cái nhẹ, rất kiểu cách. Đoạn gã quay lưng đi, giọng lơ lớ rớt lại một câu:
- Nếu quý cô cảm thấy cần sự an toàn hơn, thì tìm tôi ở khoang lái.
Tôi muốn gặp cô gái mà mình đụng trúng khi nãy để xin lỗi. Lúc nãy, chưa kịp đứng dậy nói năng gì thì cổ đã bị cậu công tử đẹp trai dắt đi mất. Tôi ôm cặp táp, đi lòng vòng hết bên ngoài rồi bên trong vẫn không tìm được, mãi tới khi đi vô quầy giải khát, tôi mới gặp lại hai người. Cậu công tử nhìn thấy tôi từ xa, liền ngoắc tay, cười:
- Toa đã lụm lại hết sách vở hay chưa?
Anh ta rõ ràng có ý trêu chọc tôi, nhưng tôi quá biết mấy người như anh ta tánh tình toàn khó ưa, nên tôi không để bụng. Tôi tiến tới bàn, khoanh tay cúi đầu trước mặt cô gái:
- Dạ, em xin lỗi cô, do em bất cẩn vừa đọc sách vừa đi.
- Tôi không sao, tôi không giận nên em không cần xin lỗi.
- Dạ, đó là cái lễ nghĩa, không xin lỗi em không yên dạ được.
Cô gái xinh đẹp phì cười, chắc cổ thấy tôi hơi cù lần vì cất công đi tìm cô nãy giờ, chỉ để mở miệng nhận lỗi. Tôi trộm nhìn, thấy gương mặt cô ta hồng hào, da dẻ láng mịn, môi son đỏ thắm, đúng là hoa nhường nguyệt thẹn, trái ngược hoàn toàn với tôi. Đoạn cô gái vỗ vào mặt ghế bên cạnh, nói:
- Em ngồi đây uống nước cho vui?
- Dạ, em không dám.
- Tôi mời, em từ chối là thất lễ đó.
- Dạ… cô nói vậy thì… em xin nghe.
Thấy tôi mở miệng ra là dạ thưa, chữ nào cũng lễ phép, cậu công tử lại cà rỡn:
- Toa học chữ Nho hả? Hèn chi lễ nghĩa dữ vậy?
Tôi hơi tức mình, cậu ta sử dụng cách xưng hô của người Tây, rồi có ý mỉa mai chữ nghĩa của ông bà tổ tiên để lại. Tôi dõng dạc nói một lèo:
- Dạ thưa, cha em cũng là cai tuần. Tuy xứ em nghèo, nhưng cũng là có gia phong lễ giáo. Hồi trước, con gái không có lệ được học chữ. Nay tân thời, em được cha cho phép đi học. Em có học chữ Nho, rồi tiếng Tây em cũng rành đôi ba chút. Em ráng giỏi chữ nghĩa, biết luật lệ, đặng giúp đỡ bà con trong vùng lo giấy tờ đất điền, thuế má cho đỡ thua thiệt với “người ở chợ” vậy mà. Xin cậu đừng cười chê em, tội nghiệp.
Tôi ngó thấy cậu công tử hơi ngỡ ngàng vì câu đối đáp tuy nhỏ nhẹ mà đầy hàm ý của tôi. Ngó cậu ta, tôi biết chắc thuộc cái loại “người ở chợ”, bóc lột, đè đầu cỡi cổ, hay ăn gian nói dối ức hiếp bà con đầu đen máu đỏ. Cậu chắc đã quá rõ cái chức “cai tuần” của cha tôi là chánh quyền của tụi Tây sắc phong cho những người nông dân có công khai khẩn đất hoang, một cái chức hữu danh chớ vô thực. Chúng tôi tuy không tới nỗi đói kém, nhưng cũng phải chịu hàng trăm loại thuế vô lí. Cũng phải chịu thuế thân, thuế điền. Cũng phải nai lưng ra mà làm, cắc ca cắc cụm.
Cha tôi tuy cũng là “quan” đó, nhưng ông chưa từng ăn học, không biết chữ, như bao nhiêu người khác trong vùng. Chúng tôi là những lưu dân khẩn hoang tứ xứ, bỏ mồ hôi xương máu biến rừng rậm, đầm lầy thành vườn cây, đồng ruộng. Chúng tôi không hề rành chuyện giấy tờ sở hữu đất đai, để rồi mấy “người ở chợ” tự nhiên ở đâu nhảy ra, quen biết thông lệ, lo lót đường đi, cầm miếng bằng khoán xuống mà đòi tịch thu ruộng đất. Họ cấu kết với Tây, đuổi cổ nông dân ra khỏi chính mảnh đất khẩn hoang của mình. Đã có nhiều vụ bất bình, dẫn tới chống trả đẫm máu, ví như vụ ở đồng Nọc Nạn xứ Bạc Liêu. Tôi là con gái mà đòi học chữ, biết luật lệ là cũng vì chống lại cái lẽ đó. Thiệt chớ, đâu phải chỉ có dân Tây là chèn ép người mình? Chính người mình còn chèn ép người mình kia mà? Thấy tình hình giữa tôi và cậu công tử hơi căng thẳng, cô gái xinh đẹp cười giòn chen vào:
- Em giỏi quá, đàn bà con gái như em xứ này được mấy người? Em đi đâu mà lên chuyến bắc này?
- Dạ, em mới thăm cha má ở quê, bây giờ trở lên trường ở Sài Gòn.
- Em ngoan quá chừng. Tôi mến em quá, hay là mình kết bạn cho vui? Dầu sao tới trưa mai mới tới bến. Tối nay em có thể nghỉ chung phòng với tôi cho có bạn.
Thấy tôi e dè chưa trả lời, cô gái nói tiếp:
- Ban nãy khi em té, tôi có thấy một gói vải. Có phải tiền không?
Tôi bất ngờ. Chuyện xảy ra nhanh như vậy mà cô gái đã đoán được tiếng rổn rảng khi nãy là tiếng của mấy đồng bạc hoa xoè. Tôi lắp bắp:
- Dạ… học phí em vừa xin của cha.
- Thân con gái giữ nhiều tiền như vậy trong người nguy hiểm lắm. Có phải em ở khoang chứa hàng, ngồi trên ghế xúp3 đúng không? Lỡ đêm hôm, có bối Ba Cụm tới (nói tới đây cô gái liếc nhìn cậu công tử), em bị cướp hết rồi làm sao? Em cứ qua với tôi, có chị có em an toàn hơn (lại nhìn cậu công tử lần nữa).
Cô gái nói vậy, không còn cách nào khác, tôi đành đồng ý. Cậu công tử hơi khó chịu, hết ngó tôi rồi ngó sang cô gái. Có lẽ kế hoạch chiếm được cô gái của cậu đã phá sản rồi chăng? Người này nóng tánh, chưa chi đã kiếm cớ bỏ đi, nói là mệt muốn ngủ một chút. Khi anh ta khuất dạng, cô gái xinh đẹp nắm tay tôi thì thầm:
- Mình xưng hô là chị em nghen? Cho nó khỏi khách sáo.
Cô lại cười thiệt rạng rỡ. Người đâu mà duyên dáng hết sức nói.
Tôi đã tuần tra ba lần từ trong ra ngoài, từ trước ra đằng sau khắp chiếc bắc, không cảm thấy có kẽ hở nào. Tất cả vị trí quan trọng đều đã có lính đứng gác, có trang bị võ khí, và đều nhìn thấy nhau. Chỉ cần một đứa bị tấn công thì tất cả những vị trí khác sẽ đánh động và ập tới tức khắc. Tôi nặn óc, tưởng tượng nếu mình là tụi bối Ba Cụm thì sẽ làm cách gì mà tấn công hoặc đột nhập lên phà nổi? Không có cách gì hết. Nghĩ tới đó, tôi yên tâm, chắc mẻm rằng sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà ông tỉnh trưởng giao phó.
Tôi vừa rảo chân, hứng chí huýt gió lên một bài dân ca Pháp quốc. Đoạn đi ngang khoang buồng, phòng số 4, tôi biết đó là phòng của cô kĩ nữ. Trong đầu tôi hiện ra vóc dáng nuột nà của cô, với những đường cong tuyệt mĩ, tự trách mình xui xẻo đã tới sau thằng công tử ban chiều. Mà như vậy cũng tốt, tôi có thể chuyên tâm vào nhiệm vụ quan trọng hơn là sa đà vào đàn bà. Thằng công tử đó có đâu xa, nó ở phòng 5, đối diện với cô kĩ nữ đây thôi. Tất cả thông tin lai lịch hành khách trên tàu, sở cẩm đã nắm rõ ngay từ đầu. Ai tên gì, ở đâu, nghề nghiệp, chúng tôi đều đã điều tra hết.
Ví dụ như cô kĩ nữ, trước đây hay lui tới mấy khu ăn chơi ở Sa Đéc hoặc Mỹ Tho để lân la mấy kẻ lắm tiền nhiều của. Lần này cổ tới Sài Gòn cũng không nằm ngoài mục đích đó. Còn thằng công tử, vốn ở Bạc Liêu, cũng đã rong chơi khắp nơi, hút sách ăn nhậu, đàng điếm có đủ. Sài Gòn vừa khai trương mấy chỗ phong lưu, dĩ nhiên là nó cũng muốn ghé qua. Con nhỏ học trò cặp kè với cô kĩ nữ thì đáng chú ý hơn. Cha nó làm cai tuần ở tuốt dưới miệt Cạnh Đền. Khu đó nhạy cảm, đã có lời qua tiếng lại, tranh chấp đất đai, trả treo thuế điền với chánh quyền. Con nhỏ đó rành chữ nghĩa, lại nhiều chuyện, hay viết đơn từ, tính toán số má giùm tụi dân đen trong vùng. Lần này nó trở về quê cũng vì một vụ kiện tụng ầm ĩ chưa có hồi kết. Thứ này là mầm mống phản loạn, có động tĩnh gì là phải gô cổ liền.
Mới nghĩ tới đó, bất ngờ có tiếng “đùng!” rất lớn phát ra từ phía lan can tầng hai. Tôi hoảng hồn, chạy như bay tới nơi, thấy có thằng lính lúng túng, đang lụn cây súng. Tôi hỏi, nó xanh mặt mày, nói là mệt quá ngủ gục làm rớt súng. Thằng chó! Nó ăn liền một bạt tay nổ đom đóm, rồi bị đuổi thẳng cổ xuống hầm. Vậy là mắc công lắm, tôi phải cắt cử người gác thế nó. Nhứt quyết không được sơ sẩy.
Tôi rảo chân xuống quầy nước thì thấy có nhiều khách giàu có đang tụ tập lại ăn nhậu, đánh bài. Duy nhứt có con nhỏ học trò là ăn bận tầm thường, ngồi cạnh cô kĩ nữ xinh đẹp và thằng công tử. Chắc là thằng kia vẫn chưa bỏ cuộc, quyết chiếm được cô gái. Còn cô kia thì chắc chê thằng nọ không đủ giàu, kè theo con nhỏ học trò quê mùa để dễ bề từ chối. Tụi ngu muội, suốt ngày chỉ có gái gú, tiền bạc huê lợi, ngóc đầu sao nổi? Thằng công tử chào tôi, chắc là nó lí sự nãy giờ mệt quá, nên rủ tôi ra đằng mũi làm điếu thuốc. Tôi lịch sự gật đầu.
Chúng tôi đốt đỏ mồi lửa. Khói thuốc lá bay len vào gió sông lành lạnh mùi sương đêm. Nó hỏi mấy câu xã giao, như tên tuổi, có vợ người An Nam không, tới An Nam bao lâu rồi? Tôi ậm ờ, ngó ra dòng nước đen ngòm phía trước. Ánh đèn măng-xông treo trước mũi lờ mờ chiếu sáng một vùng, thấy vài cụm lục bình lửng thửng, vài tàu dừa phe phẩy mặt sông. Bỗng từ trong màn sương loé lên một đóm sáng màu vàng heo hắt. Tôi cảnh giác, tay chụp lấy báng súng, nheo mắt mà nhìn. Chỉ cần có chút bất thường là phải hét lên báo động đám lính liền. Nhưng sau đó, bất ngờ, từ phía đốm sáng trước mặt phát ra tiếng nhạc.
Thứ âm nhạc kì cục của tụi An Nam. Thứ âm thanh nhức đầu, lưng tưng, eo éo, ẻo lả. Thứ nghệ thuật sân khấu mà người diễn phải vẽ mặt vằn vện đủ màu, mặc những bộ đồ nặng nề loè loẹt. Thứ mà trước khi diễn phải cúng kiếng hết bài này tới bài kia, có khi còn dài hơn cả vở diễn. Tụi nó kêu là “hát bội”.
Thằng công tử vỗ tay đôm đốp, hứng chí la lên cho cả thảy người trong quầy nước nghe:
- Ghe hát bội! Sướng quá, có ghe hát bội nè bà con!
Tôi không hiểu vì sao mà hầu hết người trong đó la lên tán thưởng nhiệt liệt. Có vài ông xì thẩu Ba Tàu, vài cô đào, mấy ông hương chức An Nam, tất cả đều vui mừng lắm. Cả cô kĩ nữ và con nhỏ học trò cũng vỗ tay. Chỉ duy người Pháp và người Chà là không thèm để ý. Thằng công tử day qua tôi nói một lèo:
- Đang ăn nhậu mà có hát bội thì sướng nhứt thảy! Ông phó sở cẩm cho phép tôi mời ghe hát lên đây biểu diễn một chút nha? Phải dịp may lắm mới gặp một gánh như vầy, chớ bình thường ít thấy lắm!
Tôi hơi nhăn mặt, nhìn vô trong thấy mấy ông xì thẩu, người tài trợ khá nhiều tiền cho chánh quyền đã đứng lên, hớn hở chỉ trỏ chiếc ghe bầu đang tiến lại gần. Chắc là không nên trái ý họ. Nhưng tụi gánh hát đó ai biết ngay hay gian? Có phải là bối giả trang hay không? Cuối cùng suy nghĩ rất lâu, tôi đành chấp thuận, với điều kiện là phải sắp lính bồng súng đứng xung quanh và chỉ được ca hát ở quầy nước.
Ghe hát tiến lại gần, cập vô mạn. Tiếng nhạc vẫn chưa chịu dứt, vài thằng nghệ sĩ đầu tóc chải chuốt bảnh bao leo lên bắc. Sau một hồi ra giá, giao kèo, thằng công tử gật đầu. Vậy là tụi gánh hát lập tức vác đạo cụ bày ra khắp sàn quầy nước. Tụi nó làm rất nhanh, rất thông thạo, tới khi tôi bố trí lính gác xong thì ban nhạc đã ngồi ngay ngắn, cái màn dã chiến đã dựng lên. Một ông già, đã vẽ mặt nửa đen nửa đỏ, là trưởng đoàn cất giọng:
- Dạ thưa bà con cô bác, hương thân phụ lão. Hôm nay đây đoàn Phước Tánh hữu duyên thiên lí, được hát phục vụ bà con. Giữa thời nhạc Tây thịnh hành, nghệ thuật sân khấu cổ truyền bị thối lui, chúng tôi phải trôi dạt đi hát dạo như vầy. May sao Tổ thương, chúng tôi vẫn còn được ăn cơm Tổ. Cảm tạ quý bà con đã thương tình cưu mang. Sau đây, chúng tôi xin diễn trích đoạn “Tiết Đinh San cầu Phàn Lê Huê”, xin mời bà con thưởng lãm!
Một đống người mặc thứ đồ lùm xùm ùa ra giữa sàn. Tiếng nhạc lại cất cao, vang vang trên mặt sông. Tôi cẩn thận ngó mặt từng đứa, nhưng không nhớ rõ được ai vì chúng đã tô vẽ kín hết. Khi đó, tôi nghe thằng công tử nói nhỏ với cô kĩ nữ:
- Moa đặc biệt mời gánh hát cho toa coi đó! Toa có thích không?
Cô gái xinh đẹp mắt long lanh, gật đầu, mặt ửng đỏ lên. Có lẽ cô ta đã ngã lòng rồi. Thứ đàn bà ngộ quá? Dụ dỗ ngọt lạt không chịu, mới bỏ chút tiền thuê hát cho nghe thì đã ưng lòng rồi?
Mọi sự diễn ra có vẻ bình thường, khán giả vỗ tay tán thưởng nhiệt liệt. Vài lần, mấy động tác đi gối, xoay người, múa võ khí hay quá, tôi cũng lỡ vỗ tay theo. Từ hồi nào không hay, cả quán nước, kể cả lính tráng đều tập trung vô vở diễn. Rồi bất ngờ, có tiếng hét thất thanh ở cuối bắc. Tôi giật bắn mình, lập tức đốc thúc lính chạy ra sau coi có chuyện gì? Khi cả đám còn đang tập trung về hướng phát ra âm thanh, dợm chân tính đi, thì tức tốc một mũi thương từ đâu cắm phập vào lưng một thằng lính gần hành lang nhứt. Nó té sấp, máu đỏ phun ra ồng ộc. Tụi hát bội đồng loạt ra tay, võ khí đó là đồ thật, tôi đã sơ ý không kiểm tra. Hèn chi nãy giờ tôi cứ thắc mắc tụi nó hoá trang sẵn hay sao mà nhanh vậy? Tụi nó là bối!
Trong quầy nước quá chật chội, lại đông người, trong đó có mấy vị khách quan trọng, súng ống bất lợi vô cùng. Thêm phần vì bất ngờ, liên tiếp lính của tôi bị tấn công mà không thể xoay trở. Một tên trong vai quân sĩ cầm kiếm chém trúng hai ba người. Tên đóng vai Tiết Đinh San múa thương rất tài, lại đâm trúng vài người nữa. Đứa đóng Phàn Lê Huê là con gái cũng võ nghệ đầy mình, nó phóng mớ phi đao giấu trong người như sao xẹt. Lính mã tà ngã tá lả, kêu la thảm thiết. Hành khách lớp thì gào khóc tháo chạy, lớp sợ quá chui xuống gầm bàn. Tôi móc súng ngắn, đưa lên chuẩn bị nhắm vào chúng mà bắn. Khi đó, nhanh như gió, thằng công tử đứng cạnh bên ra thế, chụp lấy tay tôi mà bẻ oặt ra sau. Tiếng nổ đùng, đạn bay thẳng xuống mặt sông đánh chủm! Nó cũng là bối!
Khác với gương mặt tươi cười lúc chiều, bây giờ mắt thằng công tử long lên sòng sọc, đỏ vằn tia máu. Nó gào lên không còn kiêng dè gì nữa:
- Giết hết người Tây! Cướp sạch tiền của!
Tôi rất to con, sức khoẻ rất ghê gớm, lại học qua quyền Anh, có đâu để một thằng An Nam nhỏ thó khống chế được? Tôi ủi mạnh ra sau, ép thằng công tử vào vách sắt cái rầm. Nó hét lên, nghe răng rắc tiếng xương gãy. Con nhỏ Phàn Lê Huê thấy đồng bọn bị phản công, liền phóng ngay một mũi phi đao đánh vút. Tôi xoay người, mũi phi đao cắm trúng ngực thằng công tử. Bây giờ thì nó lãnh đủ, té vật xuống la lối ỏm tỏi. Cây súng trên tay tôi nổ mấy tiếng liên tiếp. Cứ một tiếng đùng là một tên hát bội té xuống. Tụi lính mã tà lấy lại tinh thần, trong khi tụi kia còn kinh hoàng, vài thằng lính gượng đau, bò chụp lấy súng, liên tiếp phản công. Vài tên mã tà khoẻ mạnh còn dùng tay đấm thẳng vào mặt tụi bối. Âm thanh náo động trên chiếc bắc liên hồi. Tiếng gào rú, tiếng nổ, tiếng đồ đạc bị đập vỡ nhốn nháo cả khúc sông. Khi chúng tôi sắp làm chủ tình huống, đột nhiên cây đèn măng xông bị ai đó đánh “xoảng!”, bể nát. Dầu tràn ra sàn, lửa phụt lên hỗn loạn vô cùng! Cây đèn tuốt trên cao, đứa nào? Đứa nào chọi bể?
Nhưng rồi, tụi bối cũng không chống lại được sức mạnh của Pháp quốc. Một hai đứa cũng có giấu súng trong mình, nhưng bắn dở ẹt. Cuối cùng, cả đám hát bội bị đánh cho tan tác. Mớ chết tại chỗ, mớ bị thương bầm dập, trói gô đạp vô giữa phòng. Lửa đã được dập tắt. Nhiều tên trong đảng bối đã lén nấp ở ghe nhỏ đậu trong bụi cây hai bên bờ, lén tập kích lính gác rải rác hành lang, nhưng bị bắn hạ. Một số thấy đồng bọn thất bại, lẳng lặng lủi thẳng. Chúng tôi đại thắng.
Trong khi tụi lính tập họp, kiểm tra lại người trên bắc, an ủi những vị khách quan trọng, tôi bắt đầu tra khảo thằng công tử - đứa giả trang ghê gớm nhất. Nó cứng đầu, bị đánh cho ra máu họng vẫn chưa chịu khai. Thấy nó cứ liếc nhìn con nhỏ Phàn Lê Huê, biết là tình nhân của nó, tôi nắm tóc, kéo con nhỏ lết trên sàn rồi gào lên:
- Mày không khai hết âm mưu, tao giết nó!
Thằng kia trào nước mắt, khóc rú lên nói một tràng:
- Mày ngưng tay! Tao nói! Tụi tao là bối, đã tính toán cẩn thận, lập âm mưu cướp hết chuyến bắc của tụi mày! Không ngờ thất thời, bây giờ thua trắng! Tụi mày đè đầu cỡi cổ người Nam! Tụi tao căm hận không giết hết sạch tụi mày được!
Tôi đạp thẳng chân vào mặt nó. Nó đau đớn quằn quại, nhìn không khác chi con trùn đất bị giẫm. Tôi nắm đầu, kề sát mặt nó, rít từng chữ qua kẽ răng:
- Mày là bối Ba Cụm?
- Tao… không… biết! Tụi tao… là bối, vậy… thôi! - Nó nói đứt quãng.
- Mày là bối Ba Cụm! Tao đã lập công lớn! Hiểu chưa?
Đoạn tôi dập mạnh đầu nó xuống sàn lần nữa. Nó xỉu luôn. Tôi ngồi lên ghế, nâng cốc rượu mạnh nốc một hơi hết sạch. Bây giờ ngẫm nghĩ lại, thằng này ghê gớm, đã tạo ra một lớp vỏ bọc hoàn hảo. Nó giả trang làm công tử xứ Bạc Liêu, đi ăn chơi đốt tiền mấy tháng trời khắp nơi để mật thám tưởng là nó giàu thiệt. Rồi nó lên bắc, giả bộ tiếp cận mấy cô gái đẹp làm bình phong cho nó, tưởng nó chỉ biết gái gú rượu chè, không ai nghi nó nữa. Nó kiếm cớ kêu gánh hát lấy lòng gái, dắt tụi đồng bọn lên bắc an toàn. Đúng cái tâm lí mê hát của tụi An Nam, sao tôi ngờ nổi? Đốm lửa thuốc tôi và nó châm ở mũi là ám hiệu cho tụi nó hành động? Rồi tụi bối đồng loạt ra tay từ trước ra sau bắc, may mà lính mã tà dũng mãnh, đánh bật được tụi nó. Nó mà thành công, bao nhiêu tiền, vàng của hành khách trên đây cũng đủ cho tụi nó tiêu xài tới đời con, đời cháu. Chưa kể tới… chưa kể tới…
Tôi điếng hồn, quên mất thứ quan trọng nhứt đáng lẽ ra phải kiểm tra ngay từ đầu. Tôi chạy ào vô khoang máy, lách mình chui qua một kẽ hẹp. Hỡi ơi, thằng lính mã tà gác ngay chỗ đó không hiểu từ khi nào đã nằm ngay đơ. Tôi bủn rủn tay chân, lập tức cạy tấm vách sắt ngăn cái tủ bí mật. Tay tôi run lên bần bật, lạy trời, lạy trời… Cái tủ bí mật trống không. Những thứ trong đó đã không cánh mà bay! Tôi kinh hoàng. Mất! Mất thiệt rồi!
Đoạn tức tốc chạy đi, tạt nước cho thằng công tử tỉnh dậy. Tôi điên người, đá mấy cái liên tiếp rất mạnh vào bụng nó.
- Mày lấy cái hộp đúng không?
Nó đau đớn lắm, nhưng ánh mắt còn nguyên vẻ ngơ ngác:
- Cái… hộp nào? Tụi tao đã bị… giết, bị bắt hết ở đây… Ai lấy?
- Mày láo! Cái hộp chứa bằng khoán! Cái hộp chứa tiền!
Thằng công tử cười rú lên, lại sặc ra một bụm máu đỏ bầm.
- Tao mà… biết có cái hộp đó, tao… cũng cướp!
Cô học trò nhỏ thất thểu bước lên cầu cảng. Mình mẩy cô dơ hầy, có chỗ bị lửa cháy xém, tóc tai bù xù. Sau khi bị dò xét, kiểm tra bốn năm lần, cuối cùng tụi lính mã tà không tìm được gì, đành thả cô ra. Không tìm thấy gì, tức là cái cặp táp chứa sách vở cùng gói vải chứa đầy những đồng bạc hoa xoè mà cha và bà con ở quê hùn lại cho cô làm học phí cũng đã biến mất. Cô nghe trời đất như sụp đổ. Bây giờ không học hành được, biết ăn nói với mọi người thế nào? Rồi tiền đâu mà trở về nhà bây giờ? Mà xui nhứt là mớ giấy tờ kháng cáo vụ án chiếm đất điền của bà con còn trong đó, bây giờ phải làm sao?
Cô lò dò vừa đi vừa khóc một đoạn rất xa, mệt quá đành ngồi dưới một gốc đa, kế cái miếu mà nghỉ. Rồi cô ráng nhớ lại, cái cặp mất khi nào? Ai lấy? Cô có bao giờ rời cái cặp táp đâu? Ngay cả lúc đảng bối đó tấn công tụi lính, cô và chị gái xinh đẹp đó chui xuống gầm bàn trốn, cô vẫn ôm chặt cái cặp kia mà? Rồi đoạn cây đèn măng-xông bể nát, lửa lan ra, chị gái xinh đẹp có la lên: “Chạy ra ngoài!” Trời ơi, là lúc đó! Cô đã sợ quá, hoảng loạn bò đi mà quên mang theo cái cặp. Sau đó, chị gái xinh đẹp cũng biến mất tiêu. Tới khi trời sáng, lên bờ rồi, đứng chờ cả buổi vẫn không thấy chị đâu nữa!
Cô nhớ lại cậu công tử và đảng bối. Không ngờ người lịch sự vậy lại là cướp. Cái đám người đó đáng sợ lắm, bắn giết ghê rợn với đám lính. Họ lên bắc rõ ràng là muốn cướp hết tiền, vàng của hành khách trên bắc. Nhưng mà chuyện tên phó sở cẩm người Tây gào thét như điên, đi tra hỏi từng hành khách là sao? Bằng khoán? Tiền? Trong cái rủi cũng có cái may. Nếu cái cặp còn đó thì cô sẽ không biết trả lời làm sao khi nom mình nhà quê như vậy mà có một gói tiền lớn trong mình. May mà chỉ có tay không! Nhờ vậy mà cô mới được thả ra.
Đang suy nghĩ miên man, tự nhiên có đứa nhỏ chừng mười tuổi, tiến lại gần đưa cho cô học trò một gói gì rất lớn. Nó cười, lập tức quay lưng bỏ chạy trước khi cô kịp thắc mắc. Cô mở ra, hoảng hồn thấy cái cặp táp của mình trong đó, nguyên vẹn không suy suyển gì. Sách vở, đơn từ quan trọng còn đủ. Bất ngờ hơn hết là đầy ắp những đồng bạc sáng choang, những xấp tiền Đông Dương mới tinh. Cô bàng hoàng, bên trong còn có một cái khăn lụa rất đẹp, hình như quen lắm. Có tờ giấy viết bằng chữ quốc ngữ, cô lẩm nhẩm đọc:
“Giấy tờ bằng khoán tụi gian ác cấu kết chiếm đất của bà con xứ Cạnh Đền đã bị huỷ. Tiền đút lót chúng nó cũng đã mất hết. Còn số tiền này là tiền phi nghĩa, em hãy dùng nó cho chuyện có nghĩa. Ráng ăn học thành tài, giúp nước cứu dân.”
Ai? Ai biết chuyện chiếm đất ở quê mình? Còn số tiền này? Nó phải gấp ba bốn lần số tiền học phí mình bị mất. Không lẽ? Không lẽ…
Cô học trò nhỏ nhìn cái khăn lụa, chợt nhớ ra nó chính là cái băng-đô buộc trên tóc chị gái xinh đẹp đã đi cùng với mình trên bắc. Cô cũng nhớ chuyện truyền miệng, kể về vết thương trên đầu tên đầu đảng bối Ba Cụm khi bị vây bắt. Chỗ đó sẽ là một cái thẹo lớn! Mà một cô gái xinh đẹp thì nhứt quyết phải che cái thẹo giữa đầu mình chớ? Trên cái khăn, hoa văn thêu hình từng bông cúc trắng muốt nở rộ, rất đẹp. Bông cúc để lại sau vụ cướp là đây sao? Chẳng lẽ huyền thoại bối Ba Cụm chỉ có một người? Và còn là con gái?
Cô học trò há hốc miệng, ngẩn ngơ một hồi. Rồi cô xé bức thư ra từng mảnh rất nhỏ, tới mức không còn nhìn ra con chữ, tung cho nó bay lả tả xuống con kinh bên cạnh. Cô gài cặp táp cẩn thận, thắt chiếc băng-đô lên tóc mình, sửa cho ngay ngắn. Đoạn khoanh tay, gập mình rất sâu, rất lâu về một bóng dáng vô hình.
Cô sải chân, đi từng bước chậm rãi, nhưng tràn đầy niềm tin. Bóng hình nhỏ xíu, với bộ áo dài vải thô biến mất vào làn khói bụi.
Trời đất nước Nam khi ấy vừa ló rạng ánh bình minh.
1. Bắc - tên gọi phà thời Pháp thuộc
2. Moi: tôi, tiếng Pháp
3. Ghế nhỏ xếp thêm dành cho người ít tiền