Sau 30 năm tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam vào mùa thu năm 1945, chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa xuân năm 1975 đã chấm dứt chiến tranh, giành lại chủ quyền, nối liền non sông bị chia cắt, đưa đất nước thống nhất tiến vào kỷ nguyên kiến thiết hòa bình hòa hợp hòa giải dân tộc. Đường lối Đổi Mới được Đảng Cộng sản Việt Nam thực hiện từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 6 (1986) tiếp tục thúc đẩy đất nước phát triển, vượt qua khủng hoảng kinh tế chính trị thời hậu chiến, mở cánh cửa giao lưu hội nhập quốc tế. Các thành tựu bước đầu của công cuộc Đổi Mới đất nước gặp gỡ với xu thế liên kết quốc tế hậu chiến tranh Lạnh đồng bộ với sự phát triển vượt trội của nền tảng công nghệ internet và truyền thông mạng xã hội những năm giao thời cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21 đã giúp Việt Nam nhanh chóng tham dự vào quá trình toàn cầu hóa, từng bước khẳng định tiếng nói và vị thế trên trường quốc tế. Văn học nghệ thuật Việt Nam theo đó cũng có những bước phát triển mạnh mẽ, với những biểu hiện nghệ thuật đa dạng và sâu sắc, trong bối cảnh chuyển đổi nhanh chóng của đời sống kinh tế - xã hội, văn hóa - chính trị của đất nước suốt nửa thế kỷ qua.
Có sự thành hình “không gian văn học nghệ thuật thống nhất hòa bình sau ngày đất nước hòa bình thống nhất” từ ý thức tổ chức thiết chế cho tới những biểu hiện trong thực tiễn đời sống văn học nghệ thuật. Đặt văn học nghệ thuật thống nhất dưới ngọn cờ của Đảng Cộng sản suốt dải non sông, đường lối chính sách và cách thức quản lý tư tưởng văn hóa văn nghệ sau ngày đất nước hòa bình đã tạo nên những dấu ấn đặc thù trong văn học nghệ thuật, làm cho văn học nghệ thuật gắn bó chặt chẽ với các phong trào chính trị xã hội, các thiết chế văn hóa văn nghệ cũng như diễn ngôn ý thức hệ. Chiến tranh kết thúc, chính sách thời bình thay thế cho chính sách thời chiến, việc đấu tranh ý thức hệ dần nhường chỗ cho việc hàn gắn vết thương chiến tranh, tiến tới hòa hợp hòa giải dân tộc. Thêm nữa, từ bên ngoài, sự thay đổi trong đời sống chính trị thế giới cũng vang vọng vào đời sống đất nước. Hệ thống chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu tan rã kéo theo sự sụp đổ của bức tường Berlin, chấm dứt chiến tranh Lạnh và giúp vén bức màn sắt làm suy yếu cuộc chiến tranh ý thức hệ trên phạm vi toàn cầu. Sự phát triển của chủ nghĩa tân tự do trong kinh tế và chính trị ở các nước tư bản phát triển trở thành xu thế thời đại làm sôi nổi trở lại quá trình toàn cầu hóa, nhanh chóng đưa các nước thế giới thứ Ba hòa nhập vào quỹ đạo toàn cầu. Hoàn cảnh mới đã tác động mạnh mẽ tới mọi mặt đời sống đất nước, nhất là bộ phận nhạy cảm với những biến chuyển trong đời sống tinh thần xã hội như văn học nghệ thuật. Các cấp quản lý tư tưởng văn hóa văn nghệ, các văn nghệ sĩ và độc giả Việt Nam, tất cả họ, mỗi người mỗi cách, đã đối diện và tranh thủ những thời cơ mà hoàn cảnh mới đem lại để thúc đẩy sự phát triển và định hình tính chất của nền văn học Việt Nam mới hòa bình thống nhất trong đa dạng.
Từ Đổi Mới, chủ trương xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa không chỉ giúp cho đất nước thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội mà còn làm thay đổi cả cơ cấu của nền văn học nghệ thuật. Việc sớm đưa lĩnh vực xuất bản sách ra ngoài nền kinh tế kế hoạch từ sau Đổi Mới đã góp phần quan trọng cho sự hình thành thị trường sách và văn hóa phẩm. Các công ty tư nhân hoạt động trong lĩnh vực sách, văn hóa và truyền thông ra đời càng góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển của ngành này, làm cơ sở cho sự hình thành nền công nghiệp văn hóa ở Việt Nam hiện nay. Sự phát triển của các thiết chế liên đới tới văn học nghệ thuật, như báo chí và xuất bản, internet và mạng xã hội, như các trung gian công cộng cho sự phát triển và lưu hành của văn học, càng làm thay đổi tính chất của nền văn học nghệ thuật. Chưa lúc nào như lúc này, văn học nghệ thuật Việt Nam có được các diễn đàn rộng mở đến vậy để công bố, tương tác và thụ hưởng các sáng tạo văn học nghệ thuật. Với riêng văn học, sự tương tác giữa văn học với các loại hình nghệ thuật khác cũng đang có những chuyển biến mạnh mẽ tạo ra thách thức song cũng mở ra cơ hội cho văn học phát triển. Cùng với sự san sẻ thị phần công chúng, thành công của các loại hình khác thôi thúc văn học chuyển mình, tiếp biến đặc thù nghệ thuật của các loại hình nghệ thuật khác để chuyển đổi và làm giàu có các phương thức thể hiện nghệ thuật bằng ngôn từ. Việc chủ động bảo tồn và phát huy truyền thống di sản tư tưởng văn hóa dân tộc, việc tích cực giới thiệu và dịch thuật tư tưởng mỹ học và tinh hoa văn học nước ngoài cũng góp phần mở rộng kinh nghiệm thẩm mỹ cho nền văn học mới.
Có thể nói, trong không gian văn học thống nhất hòa bình, sự phát triển của văn học Việt Nam 50 năm sau ngày đất nước thống nhất chịu tác động mạnh mẽ từ các thiết chế bên ngoài văn học. Cũng giống như trong hoàn cảnh chiến tranh cần tới việc huy động sức mạnh tổng thể, sự phức tạp và những thách thức mới mẻ của thời bình cũng đòi hỏi Đảng và Nhà nước Việt Nam đưa ra đường lối và quán triệt sâu sắc mặt trận văn hóa văn nghệ trong nỗ lực duy trì thể chế, thống nhất dân tộc và xây dựng mối quan hệ hòa bình hữu nghị với cộng đồng quốc tế. Xem văn hóa là sức mạnh, là nền tảng tinh thần, động lực và nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội đất nước, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm tới văn hóa tư tưởng nói chung và văn học nghệ thuật nói riêng, vừa quản lý điều chỉnh, vừa tạo cơ hội cho văn học nghệ thuật phát triển. Sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, báo chí và xuất bản, internet và mạng xã hội đem tới tiềm lực tài chính và không gian xã hội cho sự phát triển rộng mở của văn học nghệ thuật. Chủ trương bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc cùng lúc với việc mở rộng giao lưu văn hóa văn học với khu vực và quốc tế đem đến sức mạnh nội sinh và ngoại sinh cho văn học, vừa bồi đắp những giá trị đặc trưng của văn học dân tộc vừa đem tới những nhận thức và trải nghiệm mới, làm đa dạng và sâu sắc hơn những khám phá và thể nghiệm nghệ thuật. Tiếp biến tư tưởng mỹ học và lý luận phương Tây, chuyển giao văn hóa quốc tế thời toàn cầu hóa cùng sự tương tác giữa văn học và các loại hình nghệ thuật khác cũng góp phần quan trọng vào việc vừa định hình bản sắc văn hóa dân tộc trong văn học vừa thúc đẩy văn học vươn tới những chân trời nghệ thuật mới mẻ, thúc đẩy quá trình dân tộc hóa và hiện đại hóa văn học nghệ thuật.
![]() |
Lễ thả 50 câu thơ đặc sắc của các nhà thơ nổi tiếng. Ảnh Minh Đức - TTXVN |
Sự hiện diện và chung sức của nhiều thế hệ nhà văn đã dệt nên bức tranh văn học nghệ thuật đa dạng và rực rỡ sắc màu ở Việt Nam 50 năm sau ngày đất nước hòa bình thống nhất. Thế hệ các nhà văn tiền chiến đóng góp trên cả phương diện sáng tạo tác phẩm mới và tái công bố những tác phẩm trước năm 1945. Chính sự trở lại rầm rộ của văn học Việt Nam trước 1945 trong những năm đầu tiên của công cuộc Đổi Mới đã góp phần quan trọng thúc đẩy văn học Việt Nam đổi mới và phát triển đa dạng. Các nhà văn tiền chiến cũng đã chú ý viết hồi ký văn học, qua đó phần nào giúp các thế hệ sau nắm được hệ thống và đa dạng về đời sống và trải nghiệm nghệ thuật của nhà văn Việt Nam trước năm 1945, giai đoạn khởi sinh và định hình tính chất nền văn học Việt Nam hiện đại. Thế hệ các nhà văn trưởng thành trong hai cuộc chiến tranh góp tiếng nói quan trọng vào việc tái nhận thức chiến tranh sau chiến tranh. Chính từ sự phản tư của họ mà các thế hệ sau có cái nhìn toàn diện hơn về người lính và và các cuộc chiến tranh đã qua. Bất chấp thực tế rằng, nhiều nhà văn trong số họ vẫn mang tư duy cũ, mang quán tính viết cũ, khiến cho khía cạnh đấu tranh ý thức hệ, tính chất lập trường nhiều khi vẫn còn được tô đậm trong sáng tác văn học, không triệt để đào sâu vào giá trị nhân văn, nhân bản của con người trong chiến tranh, sự tàn khốc và hủy diệt con người của chiến tranh, từ đó bồi đắp ý thức phản chiến và khát vọng hòa bình một cách mạnh mẽ. Thế hệ các nhà văn trưởng thành sau 1975 và thế hệ các nhà văn trẻ vừa viết về chiến tranh vừa viết về thời bình, đặc biệt là đời sống thế sự đời tư và những vấn đề của con người trong cuộc sống thường ngày. Họ không chỉ làm nên bước ngoặt về thể tài trong văn học Việt Nam, đưa văn học Việt Nam từ thời chiến sang thời bình, mà cũng là những nhà văn xác lập nên căn cước mới cho văn học Việt Nam, khiến văn học thoát ra ngoài bóng đổ của chiến tranh, nêu lên các vấn đề lớn của dân tộc và nhân loại, của nhu cầu xây dựng cộng đồng tiến bộ và phát triển bền vững.
Chưa khi nào như chặng đường 50 năm sau ngày đất nước thống nhất, văn học Việt Nam lại quy tụ được trong cùng một lúc nhiều thế hệ văn học cùng cất tiếng nói đến như vậy. Thế hệ các nhà văn tiền chiến trưởng thành trước 1945, thế hệ các nhà văn trưởng thành trong hai cuộc chiến tranh những năm 1945-1975, thế hệ nhà văn sau 1975 trưởng thành từ cao trào Đổi Mới, thế hệ các nhà văn trẻ trưởng thành trong thập niên cuối cùng của thế kỷ 20 và trong hai thập niên đầu tiên của thế kỷ 21. Mỗi một thế hệ, với tài năng và tính cách riêng, những nhận thức và trải nghiệm riêng, những khát vọng và tìm tòi riêng, họ đã làm nên sự đa dạng trong các thực hành văn học nghệ thuật. Không chỉ có vậy, tham dự vào nền văn học lúc này còn có sự hiện diện của đông đảo các nhà văn đến từ các dân tộc thiểu số anh em, các cộng đồng người Việt Nam ở bên ngoài tổ quốc. Nhìn từ lực lượng sáng tác ấy, văn học Việt Nam hiện lên với đầy đủ tính chất của một nền văn học thống nhất trong đa dạng, dựa trên sự nhận đồng văn hóa của các chủ thể nhà văn đến từ các cộng đồng khác nhau ở trong nước và trên toàn thế giới.
Có một tiến trình văn học với nhiều khúc quành, nhiều biến chuyển xuất phát từ sự phát triển tự thân của nền văn học, từ ý thức về vai trò xã hội của văn nghệ sĩ, và cả từ mối quan hệ khăng khít của văn học nghệ thuật với đời sống xã hội trong đời sống văn học Việt Nam 50 năm sau ngày đất nước thống nhất. Ở đấy, lịch sử văn học Việt Nam nửa thế kỷ đã qua ghi nhận những chặng đường lớn: những năm khủng hoảng sau chiến tranh (1975-1985), cao trào Đổi Mới và nối tiếp sau đó là những năm tháng tích cực giao lưu và hội nhập quốc tế (1986-2000); kỷ nguyên toàn cầu hóa (từ những năm 2000 đến nay) vẫn còn đang tiếp diễn.
Bước ra khỏi chiến tranh, tiến trình văn học Việt Nam 50 năm sau ngày đất nước thống nhất cũng là tiến trình mà ở đó văn học thăng trầm theo cùng sự thăng trầm của tiến trình vượt lên khủng hoảng để xây dựng đất nước. Mười năm sau chiến tranh, trong bối cảnh đất nước gặp muôn vàn khó khăn, văn học nghệ thuật đã vượt khó vươn lên, vừa tái nhận thức về cuộc chiến tranh gian khổ vừa tìm tòi để thể hiện những vấn đề mới nảy sinh trong đời sống hòa bình. Trong cao trào Đổi Mới, văn nghệ sĩ trí thức đã rất nhanh chóng trở thành đội ngũ tiên phong lĩnh xướng cả phong trào Đổi Mới đất nước. Sự gặp gỡ giữa khát vọng Đổi Mới của Đảng và Nhà nước cùng nhu yếu cách tân văn nghệ của văn nghệ sĩ đã tạo nên một khoảnh khắc tỏa sáng của văn học nghệ thuật. Sự thay đổi trong sách lược những năm sau đó để đảm bảo sự vững vàng của thể chế, tiếp tục duy trì công cuộc Đổi Mới khi hệ thống xã hội sụp đổ có làm trầm lắng phong trào đổi mới văn học nghệ thuật. Nhưng trong suốt những năm trầm lắng ấy, văn học Việt Nam vẫn lặng lẽ tìm kiếm con đường đi riêng. Sự kết thúc của chiến tranh Lạnh và nhất là sự hình thành xu thế hội nhập quốc tế từ thập niên cuối thế kỷ 20 từng bước đưa Việt Nam hòa nhập vào quỹ đạo toàn cầu đã hình thành trong văn học Việt Nam hai dòng chảy song song từ lúc này. Ở một phía là sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc với việc văn nghệ sĩ tái diễn giải lịch sử văn hóa đất nước. Ở phía khác là chủ nghĩa quốc tế với việc văn nghệ sĩ chủ động đổi mới nghệ thuật theo các trào lưu văn học nghệ thuật phương Tây hiện đại. Xu hướng này tiếp tục được duy trì và phát triển trong suốt 25 năm mở đầu thế kỷ 21. Ở đó, chủ nghĩa quốc tế nổi trội hơn trong mươi mười lăm năm đầu, khi quá trình toàn cầu hóa diễn ra suôn sẻ. Chủ nghĩa dân tộc chiếm ưu thế trong mười năm tiếp theo, khi chủ nghĩa bảo hộ trỗi dậy thách thức trật tự thế giới được xây dựng dựa trên quá trình dân chủ hóa toàn cầu, một quá trình không thiếu những mảng tối, song về căn bản vẫn đem tới những lợi thế và cơ hội phát triển cho tất cả các quốc gia tích cực tham dự vào quá trình toàn cầu hóa kinh tế và văn hóa như Việt Nam.
Có sự xuất hiện ý thức sâu sắc về thể loại văn học, trong cả việc đi tìm đặc trưng và lằn ranh thể loại và trong cả việc xóa nhòa các ranh giới ấy để tìm kiếm và thể nghiệm phương thức biểu đạt nghệ thuật mới. Chính những suy tư về hình thức nghệ thuật và quy phạm thể loại này đã hình thành những mã thẩm mỹ làm nên nét đặc thù của văn học Việt Nam 50 năm sau ngày đất nước thống nhất, đồng thời thôi thúc văn học tìm kiếm và trình hiện những khuynh hướng mới, những biểu hiện nghệ thuật mới.
Thơ, tiểu thuyết và truyện ngắn là nhân vật trung tâm trong hệ thống thể loại văn học. Thơ, đặc biệt là trường ca, đã gia tăng yếu tố tự sự để làm nên một cuộc tổng kết về chiến tranh sau chiến tranh. Thơ cũng len lỏi vào các ngõ ngách tâm tư con người thời bình. Vốn là một dân tộc yêu thơ, nên thơ lúc nào cũng được chú ý. Song chính cũng vì thế mà dẫn tới tình trạng “lạm phát” thơ, khiến cho thơ rộng về nền nhưng không trội lên nhiều đỉnh. Tiểu thuyết và truyện ngắn trở thành những thể loại quan trọng trong việc nhận thức và thể hiện đời sống đất nước và con người, từ đời sống chiến tranh tới đời sống hòa bình, từ đời sống cộng đồng tới đời sống cá nhân, thậm chí trở về với quá khứ xa xưa của dân tộc để thôi thúc các thức nhận về hiện tại, tìm đến hiện đại từ truyền thống. Chính loại hình tự sự này đã trở thành tài liệu quan trọng trình bày, diễn giải, và qua đó giúp hiểu về đất nước và con người Việt Nam, vừa giữ gìn bản sắc dân tộc vừa mời gọi giao lưu văn hóa qua văn học. Kịch chiếm lĩnh đời sống văn học nghệ thuật Việt Nam mười năm sau chiến tranh kết thúc và những năm đầu Đổi Mới khi nó khai thác và trình diễn hiệu quả các xung đột xã hội trong khủng hoảng. Tản văn và các thể ký nảy nở trong công cuộc Đổi Mới và ngày càng chiếm tỉ trọng lớn trong đời sống văn học từ đầu thế kỷ 21. Sự trưởng thành của con người cá nhân không mang nặng thương tích chiến tranh, sự nở rộ của phương tiện truyền thông hiện đại, sự hình thành một thế hệ công dân toàn cầu,... tất cả đã làm nảy sinh nhu cầu ghi chép và tỏ bày về những sự kiện, những vùng đất, những tâm tư tình cảm. Nó là nguyên nhân làm cho tản văn và các thể ký phát triển vượt trội. Có những khảo cứu văn hóa có chiều sâu ra đời bên cạnh rất nhiều những ghi chép vụn vặt, hời hợt làm nên thành công và hạn chế của thể loại này trong đời sống văn học Việt Nam hôm nay, dù ở nhiều khía cạnh, đây là thể loại dễ được tiếp nhận, và vì thế mở ra cánh cửa làm tăng sự hiện diện xã hội của văn học và làm tăng vai trò của văn học trong việc thúc đẩy ý thức nhận đồng và giao lưu văn hóa.
Tuy nhiên, bên cạnh việc duy trì mô hình văn học lấy mẫu hình phương Tây hiện đại, làm sâu sắc hơn đặc trưng nghệ thuật ngôn từ qua các mẫu hình thể loại đã trở nên quen thuộc như tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ, kịch, tản văn và các thể ký, văn học giờ đây còn được hình dung như là nghệ thuật của ý thức hệ, nơi sáng tạo và tiếp nhận văn học được xem như là những thực hành văn hóa, mang tính cá nhân và tính chính trị rõ rệt. Chính từ trong cách hình dung ấy về văn học, trong điều kiện xã hội và văn học đặc thù được xác lập bởi không gian hậu thuộc địa và thời gian hậu hiện đại, văn học Việt Nam đã hình thành những khu vực mới, trình ra những biểu hiện mới. Đó là ý thức về hội đoàn và nhóm phái văn học theo cùng khát vọng nhập tâm và ly tâm các tổ chức văn học nghệ thuật, là ý thức về giới theo cùng sự bùng nổ của nữ nhà văn và văn học nữ, là ý thức về con người cá nhân cá thể theo cùng sự giải thể của con người cộng đồng trong chiến tranh, là ý thức về quốc gia dân tộc trước những sóng gió mà đất nước phải đối diện, là ý thức về giá trị thương mại và tính giải trí của văn học khi nó được bỏ bớt các gánh nặng chức năng và khi nó được tương tác với nền công nghiệp văn hóa manh nha hứa hẹn sự phát triển sôi động,… Đây chính là những đóng góp mới mẻ của văn học Việt Nam nửa thế kỷ qua vào gia tài chung của văn học Việt Nam.
Nửa thế kỷ vận động và phát triển, nền văn học nghệ thuật Việt Nam hòa bình và thống nhất trong đa dạng đã có được những thành tựu đáng ghi nhận. Vượt lên khủng hoảng sau chiến tranh, thực hiện thành công công cuộc Đổi Mới, hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả, Việt Nam vừa giữ vững được thể chế, ổn định xã hội và từng bước phát triển đất nước, xây dựng vị thế trên trường quốc tế. Trên cơ sở phát huy sức mạnh nội tại, hấp thu ảnh hưởng tích cực từ nước ngoài nhờ vào chủ trương mở rộng quan hệ quốc tế, văn học nghệ thuật Việt Nam đã tiến từ quỹ đạo của nền văn chương tranh đấu thời chiến sang nền văn chương xây dựng thời bình, từng bước xóa bỏ tàn dư ý thức hệ để bồi đắp một ý thức văn học mới, vì hòa bình, độc lập, nhân bản và tiến bộ xã hội. Là thước đo tinh thần xã hội, văn học nghệ thuật Việt Nam từ ngày đất nước thống nhất còn làm cây cầu nối liền những cộng đồng bị chia cắt bởi khoảng cách địa lý và/hoặc ý thức hệ, từng bước đưa việc thống nhất từ lãnh thổ tới văn hóa tư tưởng, đưa cộng đồng văn học từ người Việt chiếm đa số đến cộng đồng văn học đa tộc người, và mở rộng phạm vi của nền văn học vượt ra ngoài biên giới quốc gia, để trở thành nền văn học tiếng Việt toàn cầu theo chân những người Việt Nam du hành xa xứ và theo cùng quá trình du hành của chính văn học Việt Nam trên trường quốc tế. Từ viễn tượng ấy, vẫn còn đó các đòi hỏi về việc tiếp tục thức nhận các cuộc chiến tranh, về sự thống nhất từ lãnh thổ tới thống nhất về văn hóa, tư tưởng, nhân tâm, về việc hòa hợp hòa giải dân tộc, về cách thức Việt Nam cố kết cộng đồng và định vị bản sắc,... cần được văn học nghệ thuật đề cập, sáng tạo và diễn giải. Đó là nhiệm vụ, là thách thức song cũng là cơ hội và giải pháp cho văn học nghệ thuật Việt Nam tìm tới những chân trời mới.