Chuyên đề

Cách đặt tên tự, tên hiệu của người xưa

Đỗ Tiến Bảng
Câu chuyện văn hoá
16:47 | 17/10/2024
Baovannghe.vn - Trước đây, theo lối cổ, truyền thống, một con người từ khi ra đời đến khi chết đi đều được đặt tên đầy đủ. Đó là tên tục, tên húy, tên chính, tự, hiệu, thụy, rồi biệt danh, biệt hiệu, lại bút danh, bút hiệu dùng đề khi viết văn, làm thơ
aa

Lục lại các khái niệm, truy nguyên những tập tục này mới thấy người xưa trân trọng, gửi gắm, kì vọng vào con người biết bao. Trong cõi thế có bao điều suy ngẫm mà hành xử.

Trong các từ điển Tiếng Việt phổ thông, những định nghĩa đều bị giới hạn. “Tên tục”: tên do cha mẹ đặt lúc mới sinh, chỉ để gọi lúc nhỏ, thường xấu xí, nhằm tránh sự chú ý quấy phá của ma quỉ. Khuynh hướng chọn tên không cần thâm thúy, chỉ là từ Nôm bình thường, có khi tục tĩu (cò, đĩ, hĩm,…) Tục danh, có khi gọi nhũ danh, được thay vào 5-10 tuổi bằng tên chính thức - chính danh - thường là tên Hán Việt, nghe hay, có ý nghĩa. Khi đi học dùng tên này, có người cũng đổi vài tên. Ví dụ: Nguyễn Khuyến (1835-1809), nguyên tên Nguyễn Thắng, thi mấy lần không đỗ mới đổi tên; Kiều Oánh Mậu (1854-1911) lúc nhỏ tên Kiều Dực, sau do tránh “húy” miệu hiệu Tự Đức, đổi Kiều Doãn Cung, sau mới là Kiều Oánh Mậu).

Tự và hiệu được đặt khi đã trưởng thành. Việc này liên quan đến một trong bốn lễ tiết được qui định chặt chẽ; là Quan, Hôn, Tang, Tế. Quan là lễ Gia quan - lễ đội mũ. Liễu Tông Nguyên cho rằng: “Người đời xưa coi trọng quan lễ vì lễ này xác nhận sự trưởng thành về mọi mặt của một con người. Đó chính là điều bậc thánh nhân quan tâm bậc nhất. Nguồn gốc của lễ Gia quan là lễ Thành đinh (lễ công nhận trở thành trai tráng) trong xã hội thị tộc. Lễ này tiến hành trong ba lần: lần một, chi bố quan - mũ may bằng vải đen, biểu thị từ nay có quyền tham gia cai trị dân chúng; lần hai, bì quan - mũ may bằng da hươu trắng, biểu thị tham gia chinh chiến; lần ba, chịu mũ tước bì - mũ đỉnh bằng màu đen pha sắc đỏ tía, biểu thị tham gia tế tự. Sau đó đến nghi thức đặt tự, người chịu lễ mặc lễ phục, đội mũ lễ, đi bái yết quốc quân, bậc khanh, đại phu, thầy học. Ở nước ta, Phạm Đình Hổ (1768-1839) có bàn về Lễ đội mũ (trong Vũ trung tùy bút). Ông cho biết lâu nay bỏ đi, nên có sự lộn xộn xác định ngôi vị trong các bậc trưởng, ấu, lão, thiếu. Cùng với tình trạng không bàn đến lễ, chỉ người đỗ Hương cống mới theo quan chủ khảo bái quị. Ông lược khảo các khăn mũ một số thời, và nói đến vai trò chế tác khăn mũ của ông Nguyễn Công Hãng (1680-1732).

Cách đặt tên tự, tên hiệu của người xưa
Người xưa trân trọng, gửi gắm, kì vọng vào con người biết bao - Tranh minh họa từ internet

Đặt tự

Cách đặt tự, nếu chỉ dựa theo từ điển phổ thông, chỉ thấy một vài nét nghĩa, chưa cho biết thao tác, các khuynh hướng đặt tự. Theo trình bày của GS. Nguyễn Tài Cẩn (nhân bàn về từ loại danh từ trong tiếng Việt) sẽ vỡ vạc ít nhẽ:

“Tự là một danh từ riêng thường được chọn để giải thích tên gọi chính thức. Vì tên chính thức thường là tên Hán Việt nên cách đặt tự hay đi theo mấy khuynh hướng sau đây:

1) Tìm một câu trong Tứ thư, Ngũ kinh có chứa đựng chữ làm tên, rồi trích ra hai chữ khác để làm tự. Ví dụ Lê Quang Định, đặt tự là Tri Chỉ vì trong Đại học có câu “Tri chỉ nhi hậu hữu định”.

Cũng có thể tìm một câu như trên rồi chỉ trích ra một chữ, nhưng đem chữ đó kết hợp với những chữ như tử, trai, khanh v.v.

2) Khuynh hướng thứ hai là không dựa vào các câu có sẵn, mà dựa vào điển tích.

Có thể đây là một điển tích văn học. Ví dụ Lý Văn Phức giải thích tên Phức (nghĩa là “thơm”) bằng cách đặt tự là Lân Chi (làm người hàng xóm gần cỏ chi) dựa trên điển tích “cỏ chi là một loại cỏ thơm”.

Có thể đây là một điển tích lịch sử. Ví dụ Nguyễn Văn Siêu giải thích tên Siêu của mình bằng cách đặt tự là Tốn Ban (nhường ông Ban), dựa trên thực tế lịch sử có ông Ban Siêu nổi tiếng (Từ loại danh từ trong tiếng Việt hiện đại, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1975, tr 96-97).

Xem cách đặt tự của Nguyễn Bỉnh Khiêm, quả là thâm thúy. Hanh Phủ, “Hanh” là lấy từ Kinh Dịch, quẻ Khiêm, lời Kinh nói: “Khiêm hanh quân tử hữu chung” (quẻ Khiêm hanh thông, đấng quân tử có sau chót).

Như vậy, tên tự ở đây là từ Kinh Dịch, lấy ra chữ “Hanh”, có liên hệ với tên “Khiêm”, kết hợp với chữ “phủ” làm thành tự: Hanh Phủ. “Hanh thông” (亨通), có nghĩa: hiển đạt, học vấn rộng; thanh thản, trôi chảy. Hanh Phủ là người tôn quí hiển đạt, học vấn rộng.

Đặt hiệu

Hiệu thường đặt theo mấy lối như sau:

1) Hoặc dựa vào một đặc điểm vùng quê quán (đặc điểm về núi, sông, cây cỏ…) làm cơ sở. Ví dụ: Tản Đà, Quế Đường, Minh Viên…

2) Hoặc dựa vào một nét nào đó trong tính cách mà mình ưa thích để làm cơ sở. Ví dụ: Nghị Trai, Lãn Ông…

3) Gần đây lại xuất hiện thêm những khuynh hướng mới như sắp xếp lại các chữ cái trong tên để đặt hiệu, ví dụ: Khánh Giư > Khái Hưng; Lê Văn Bái > Leiba …

Hoặc đặt hiệu thuần Nôm. Ví dụ: Thợ Rèn, Thép Mới. “Hồi mình bị kiểm duyệt của Pháp treo giò, mình viết truyện cho trẻ con, lấy tên là Ngọc Oanh, đảo lộn chữ cái của tên Công Hoan” (Nguyễn Công Hoan - Nhớ gì ghi nấy, Nxb Hội nhà văn,1998).

“Người viết văn thường có biệt hiệu, theo điển tích ở sách. Ví dụ: Thái Phỉ, Nguyễn Đức Phong (rau phỉ, rau phong), Sở Cuồng Lê Dư (Người cuồng nước Sở, tên là Dư).

Về sau người ta làm biệt hiệu bằng nhiều cách: Nói lái tên, như Nguyễn Thứ Lễ, đặt là Thế Lữ (đi trên đường đời). Viết chữ tắt: Họa sĩ Trần Quang Trân lấy chữ “Người yêu mợ”, đặt tên là Ngym. Đái Đức Tuấn lấy chữ “Tôi chẳng yêu ai”, đặt tên là Tchya (bị đọc đùa là Tẩy xia).

Tự, hiệu của Nguyễn Đình Chiểu

Đặt tên tự, hiệu đã thành truyền thống với văn nhân, nho sĩ Việt Nam. Những nguyên tắc đặt tự, hiệu thì đã rõ, nhưng lí do mà người đặt tự, hiệu ấy cho mình là điều không dễ giải thích. Cuốn Tên tự tên hiệu các tác gia Hán Nôm Việt Nam” của PGS TS Trịnh Khắc Mạnh tập hợp 1098 tên tự, tên hiệu, là những chỉ dẫn cần thiết cho người quan tâm về vấn đề này.

Tôi có quen biết và thường trao đổi với cố PGS TS Nguyễn Đăng Na. Ông đã chỉ ra những nhầm lẫn của một số học giả đã cắt nghĩa tự hiệu của Nguyễn Đình Chiểu (bài trên chuyên san KHXH &NV Nghệ An, 5/2013). Lược trích như sau:

Khi cụ Nguyễn Đình Chiểu mất năm 1888 thì năm sau - 1889, Trương Vĩnh Kí (1837 - 1898) lập tức in Truyện Lục Vân Tiên trong đó ghi: “Nguyễn Đình Chiểu 阮 廷 炤, tự Mạnh Trạch 孟 擇, hiệu Trọng Phủ 仲 甫, (sau khi bị mù lấy hiệu Hối Trai 晦 齋)...”. 85 năm sau - 1973, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Hoàn chú thêm: “Hối Trai (cái nhà tối)”. Từ đó đến nay, người viết đều ghi theo Trương Vĩnh Kí là: Nguyễn Đình Chiểu (阮 廷 炤) tựMạnh Trạch (孟 擇), hiệuTrọng Phủ (仲 甫), sau khi bị mù có thêm hiệuHối Trai (晦齋). Ngoài ra, vài người “giặm” theo ông Nguyễn Văn Hoàn: Hối Trai là “cái nhà tối”, hoặc Hối Trai là “cái phòng tối”.

Theo Thế phả, cụ Đồ Chiểu là tộc Nguyễn Đình (阮 廷), tên húy là Chiểu (炤), tên húy của thân phụ là Huy (煇). Xin chú ý là, thời trung đại, tên họtên người Việt Nam đều viết bằng chữ Hán, đọc theo Hán Việt và tên (Nguyễn Đình) Huy, (Nguyễn Đình) Chiểu thuộc bộ hỏa (火, 灬). Chữ Huy nghĩa là sáng sủa, rực rỡ như mặt trời, còn chữ Chiểu nghĩa là soi sáng con người. Riêng chữ Chiểu có dị thể là chiếu (照).

Vậy tên tựMạnh Trạch (孟 擇) lấy từ đâu ra mà vẫn bao trùm nghĩa chữ Chiểu? Ấy là từ câu Tích Mạnh mẫu” (昔 孟 母), Trạch lân xử” (擇 鄰 處) trong Tam tự kinh do Vương Ứng Lân (1223 - 1296) thời Tống, người Chiết Giang (浙 江) thuộc Bách Việt viết, kể thân mẫu của Mạnh Kha (Tr.CN 372 - 289) nước Lỗ, lao tâm khổ tứ, 3 lần chuyển nhà (bỏ nhà gần nghĩa địa, bỏ nhà gần chợ, bỏ nhà gần trường) để tìm nơi tốt nhất cho con học hành thành người. Nhờ công lao của thân mẫu, Mạnh Kha trở thành Á Thánh sau Tiên Thánh Khổng Khâu và tích đó thành điển Mạnh mẫu trạch lân (孟 母 擇 鄰). Đấy là tại sao cụ Nguyễn Đình Huy muốn đặt tên tự Mạnh Trạch cho con thành hiền tài, sáng soi cuộc đời.

Đặt hiệu thứ nhất: Trọng Phủ

Có lẽ cụ Đồ Chiểu dựa vào 2 cơ sở đặt hiệu Trọng Phủ:

Một là, trước, thân phụ đã đặt cho tên tựMạnh Trạch, thì chữ mạnh thuộc dãy số thứ tự: 1 là mạnh (孟), 2 là trọng (仲), 3 là quý (季). Cho nên, sau Mạnh (Trạch) là Trọng (Phủ). Vả chăng, thân mẫu của cụ là bà thứ, sau bà cả; nghĩa là, dù con cả, cụ Đồ Chiểu vẫn hệ thứ - Trọng.

Hai là, chữ phủ (甫) dùng để tôn kính đàn ông, hoặc gọi bậc trượng phu là phủ, như gọi cụ Khổng Tử là Ni Phủ. Đặc biệt, chữ phủ còn chỉ bề tôi hiền tài. Như vậy, đặt hiệu Trọng Phủ vừa nghĩa là Chàng Hai, vừa nghĩa là bề tôi hiền tài, vừa chỉ tên húy Chiểu (炤): soi sáng con người! …

Cụ Nguyễn Đình Huy, người Việt Nam thời Nguyễn đặt tên húy cho con là Chiểu (炤) - chỉ Nguyễn Đình Chiểu, với nghĩa soi sáng con người. Lúc lớn lên, người con thấy tên húy của mình không được khiêm tốn và e rằng đời người chê cười. Vì thế, những người con phải tự nhún mình bằng cách đặt hiệu ngược nghĩa chữ húy. Như cụ Chu Hi, người Giang Nam, Bách Việt, đặt hiệu Hối Am (晦 庵) trong đó chữ đầu có nghĩa ngược chữ Hi: Hối; cụ Đồ Chiểu đặt hiệu Hối Trai trong đó chữ đầu cũng ngược nghĩa chữ Chiểu: Hối. Chữ Trai vốn nghĩa là thân - tâm thanh khiết để chuẩn bị tế lễ. Sau, người ta lấy chữ Trai ghép vào một số khái niệm trang trọng, như Thư trai (phòng sách), Trai ốc (nơi tụng kinh, lễ bái), Dưỡng Tâm trai (nơi nuôi dưỡng tâm linh)...

Mong rằng những kiến giải trên của PGS TS Nguyễn Đăng Na đem đến những hiểu biết thêm cho những người quan tâm đến tên Tự, tên Hiệu, nói chung; và trường hợp tác gia Nguyễn Đình Chiểu nói riêng.

Tên “cúng cơm”, tên “húy”

Xem phim Làng Ma mười năm sau, chiếu trên VTV3, thấy nhân vật nữ tên Hương giới thiệu với bạn trai: “Ngày bé em có tên cúng cơm là Nở”. Việc hiểu về “Tên cúng cơm” như nhân vật trong phim không biết có phải do tác giả kịch bản và đạo diễn “cố tình” hay “vô ý”; nhưng nhầm lẫn này không phải cá biệt, nếu không nói là phổ biến. Đúng ra, nhân vật này chỉ nói: “Ngày bé em có tên là Nở” (nói “chữ” thì gọi là “nhũ danh”) tên chính, hay tên khai sinh là “Hương”. Còn “tên cúng cơm” là tên đặt cho người chết.

Tìm hiểu về tục lệ tang lễ, theo Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến cho biết ở sách Thọ Mai gia lễ Văn Công gia lễ qui định: “Là đặt tên thụy tên hiệu cho ngài, còn gọi “tên hèm”, hay “tên cúng cơm”, đặt tên gì thì cứ tùy theo cái đức tính của ngài (như đàn ông thì chữ Trực 直, đàn bà thì chữ Từ慈, v.v…) Nhưng cần thưa trình cho ngài biết hoặc tùy ý ngài đặt lấy thì càng hay. Những bậc có phẩm hàm thì chiểu theo quan chế có tên thụy sẵn” (tạp chí Nam Phong, số 90, tháng 11.1924). Như thế “tên cúng cơm”, tên hèm, hay thụy hiệu trước đây là để ghi vào Thần chủ (bài vị) đưa vào từ đường, và khấn tên người chết khi cúng giỗ.

Nho sĩ và quan chức thời trước thường có đầy đủ các tên: tên chính (sau khi chết gọi là “húy”), tự, hiệu (đặt khi trưởng thành, khi làm lễ “đội mũ”, gọi là “quan”), có thể có biệt hiệu, và tên thụy. Ví dụ như nhà thơ lớn Nguyễn Du (1765-1820) chính là “Du” (ngày bé là chữ “Du” 瑜 bộ “ngọc”, sau đổi “Du” 攸 bộ “phộc”), tự là Tố Như, hiệu Thanh Hiên, biệt hiệu Nam Hải Điếu Đồ, Hồng Sơn Liệp Hộ, và thụy là Trung Thanh.

Hiện nay, phần nhiều các gia đình chỉ đặt tên chính để làm khai sinh, ở nhà có thể có “nhũ danh” (như “Bi”, “Bin”, “Đen”, “Vàng”, “Bống”, v.v…) Đối với người chết thì phần nhiều vẫn gọi tên chính, có nhà thì gọi “họ” kèm chữ “công”(với nam), chữ “thị” (với nữ), như: “Trần Quí Công”, “Trần Thị”...; hay ghép chữ “Phúc” với một chữ có nghĩa, như Phúc Đăng, Phúc Thịnh…; người nữ thì lấy chữ “Từ”, chữ “Diệu”…để ghép, như Từ Mẫn, Từ Minh,…, Diệu Thiện, Diệu Hằng.

Nhắc lại chút cách đặt tên của người xưa, giờ chỉ còn “vang âm một thời”! Nét văn hóa phôi pha, bể dâu còn đổi, huống chi cái tên Người!

Đỗ Tiến Bảng | Báo Văn nghệ

Văn Miếu Sơn Tây trong dòng chảy lịch sử văn hóa Người đọc trong bối cảnh chuyển đổi số và toàn cầu hóa Hội thảo khoa học Quốc tế " Danh nhân Lê Quý Đôn, cuộc đời và sự nghiệp" Những người phụ nữ lặng thầm gìn giữ bản sắc văn hóa M’nông Để Văn hóa phi vật thể tiếp tục tỏa sáng
Tuần lễ Âm nhạc Việt Nam - Vietnam Music Week 2024 tại TP.HCM

Tuần lễ Âm nhạc Việt Nam - Vietnam Music Week 2024 tại TP.HCM

Baovannghe.vn - Từ ngày 13-15.12, tại TP.HCM sẽ diễn ra Tọa đàm ngành kinh doanh âm nhạc - Tuần lễ Âm nhạc Việt Nam 2024 - Vietnam Music Week 2024 (VMW 2024)
Công chiếu 3 bộ phim đặc sắc của điện ảnh Việt Nam

Công chiếu 3 bộ phim đặc sắc của điện ảnh Việt Nam

Baovannghe.vn - Ba bộ phim đặc sắc được công chiếu "Dòng sông hoa trắng" ngày 11/12; "Cây bạch đàn vô danh" ngày 12/12 và "Người đàn bà mộng du" ngày 13/12
“Bài văn về trứng vịt lộn” đoạt giải Nhất Cuộc thi sáng tác truyện tranh

“Bài văn về trứng vịt lộn” đoạt giải Nhất Cuộc thi sáng tác truyện tranh

Baovannghe.vn - Vượt qua hai vòng chấm Sơ khảo và Chung khảo “Bài văn về trứng vịt lộn” đoạt giải Nhất Cuộc thi sáng tác truyện tranh do Nxb Kim Đồng tổ chức
Gió phương xa. Truyện ngắn dự thi của Trần Thủy

Gió phương xa. Truyện ngắn dự thi của Trần Thủy

Baovannghe.vn- Ngơ ngác, bấn loạn, tôi loanh quanh ở nhà chờ, nơi nhận hành lí để thoát ra ngoài. Cả ba tiếng đồng hồ trôi qua tôi chưa thấy gã. Gã lặn mất tăm với chiếc vali
Han Kang: “Tôi vô cùng sốc khi thiết quân luật một lần nữa lặp lại”

Han Kang: “Tôi vô cùng sốc khi thiết quân luật một lần nữa lặp lại”

Baovannghe.vn - Nhà văn Han Kang vừa có buổi gặp gỡ với báo chí tại Viện Hàn Lâm Thụy Điển trong thời gian chuẩn bị cho buổi nhận giải Nobel Văn chương.