Chuyên đề

Những người phụ nữ lặng thầm gìn giữ bản sắc văn hóa M’nông

Phan An
Văn học địa phương
15:00 | 05/10/2024
Baovannghe.vn - Cũng như các dân tộc cư trú trên dải đất Trường Sơn – Tây Nguyên, dân tộc M’nông có một kho tàng văn hóa truyền thống đặc sắc. Thế nhưng theo thời gian, nhiều nét văn hóa đã bị mai một và lãng quên.
aa

Để bản sắc văn hóa dân tộc mình được giữ gìn, trao truyền và phát huy, nhiều người tâm huyết đã có những việc làm thiết thực, trong đó có cả những người phụ nữ với những công việc tưởng chừng như thật lặng thầm.

Nặng lòng với dệt thổ cẩm M’nông

Khi những cơn gió vun vút từ triền đồi ùa về căn nhà nhỏ của chị H’Jon làm cho đêm thanh vắng trở lạnh, các thành viên trong Tổ hợp tác dệt thổ cẩm bon Pi Nao, xã Nhân Đạo, huyện Đăk R’lấp vẫn cần mẫn với công việc của mình. Dịp này, để chuẩn bị cho các hội diễn văn nghệ, nhiều địa phương, tổ chức, cá nhân đã đặt hàng tổ hợp tác các sản phẩm thổ cẩm như váy, áo, khăn, chăn... bởi vậy hầu như tất cả các thành viên đều cùng nhau gắng sức làm đến tận khuya.

Tổ hợp tác dệt thổ cẩm bon Pi Nao được thành lập từ năm 2019, gồm 14 thành viên đủ các lứa tuổi. Thành viên cao tuổi nhất đã hơn 60, thành viên trẻ nhất mới 15, 16 tuổi. Cứ thế, người già chỉ bảo người trẻ, người giỏi hướng dẫn người mới học dệt. Theo thời gian, các thành viên trong tổ hợp tác dần hoàn thiện các kỹ năng dệt thổ cẩm. Theo như lời của chị H’Jon, tổ trưởng tổ hợp tác: Trong bon Pi Nao có đến hơn 70% chị em biết dệt thổ cẩm. Có nhiều em nhỏ tuổi mới lên tám cũng đã quen với sợi len, mũi chỉ. Dẫu các em chưa biết về hoa văn nhưng những yêu cầu cơ bản liên quan đến thao tác dệt thổ cẩm, các em đã thành thạo.

Hướng dẫn cho người trẻ M'nông cách dệt vải. Ảnh: Internet
Hướng dẫn cho người trẻ M'nông cách dệt vải. Ảnh: Internet

Dệt thổ cẩm ở bon Pi Nao và nhiều bon làng M’nông khác trên địa bàn tỉnh Đắk Nông chủ yếu là phục vụ nhu cầu sinh hoạt cho gia đình và bán trong bon cũng như một vài bon lân cận. Để dệt một bộ váy áo, với một nghệ nhân dệt cũng phải mất đến gần tháng trời, bán cho bà con trong bon, trừ chi phí mua chỉ sợi cũng chỉ còn hơn triệu bạc. Thế nhưng đây là nghề truyền thống, gắn liền với đôi bàn tay khéo léo cùng đức tính chịu thương, chịu khó, tỉ mỉ của người phụ nữ M’nông nên phải gìn giữ. Trong hai năm trở lại đây, các sản phẩm thổ cẩm do chị em bon Pi Nao dệt nên được khách hàng gần xa đặt hàng nhiều nên tổ hợp tác quyết định tập trung đến nhà chị H’Jon để cùng dệt. Cái hay của tổ hợp tác dệt thổ cẩm của bon Pi Nao đó là các chị em không chỉ khai thác những nét hoa văn truyền thống đặc trưng của đồng bào M’nông mà còn học hỏi, tiếp thu thêm nhiều loại hoa văn của các dân tộc anh em như Ê đê, Mạ, Chăm... để tạo nên những sản phẩm thổ cẩm phong phú, đa dạng về hoa văn.

Để vơi bớt mệt nhọc của công việc dệt thổ cẩm, các chị em trong tổ hợp tác đã động viên nhau cùng tập hát dân ca. Những khúc dân ca mượt mà, đằm thắm được cất lên dường như làm cho đôi bàn tay của các chị thoăn thoắt, nhịp nhàng hơn. Không chỉ trong bon Pi Nao mà các bon lân cận đã được nghe tiếng hát của các chị như H’Đăn, H’ Tinh... Cùng nghe, cùng hát, nhiều thành viên trong tổ hợp tác đã có thể thuộc một vài khúc hát dân ca của dân tộc mình. Từ đây, sự gắn bó, kết nối yêu thương giữa các thành viên ngày càng bền chặt hơn.

Gìn giữ tiếng chiêng cho bon làng

Ở bon N’Jang Bơ, xã Trường Xuân, huyện Đắk Song, bên cạnh đội chiêng của các nghệ nhân cao tuổi còn có thêm một đội chiêng nữ. Đội chiêng nữ gồm các chị em trong độ tuổi thanh niên và trung niên - những người trực tiếp học hỏi kỹ năng diễn tấu chiêng từ các nghệ nhân già trong bon làng. Người điều hành hoạt động của đội chiêng nữ là chị H’Hiệp.

H’Hiệp hiện là Phó Bí thư Chi bộ, trưởng bon N’Jang Bơ. Với người nữ trưởng bon này, tiếng chiêng và diễn tấu chiêng đã trở nên rất đỗi thân quen từ khi còn nhỏ bởi bà ngoại và mẹ là những nghệ nhân cồng chiêng và hát dân ca M’nông có tiếng khắp bon gần, bon xa. Khi chứng kiến thực trạng tiếng chiêng có khả năng sẽ chẳng còn ngân vang ở bon làng và văn hóa cồng chiêng sẽ không chỉ mai một mà còn có thể biến mất, H’Hiệp đã vận động, thuyết phục các chị em trong bon cùng thành lập đội chiêng nữ.

Đội chiêng nữ của huyện Đắk Song, tham dự Hội thi văn nghệ. Ảnh: Internet
Đội chiêng nữ của huyện Đắk Song, tham dự Hội thi văn hoá thể thao. Ảnh: Báo Đắk Nông

Đến nay, qua mấy năm hoạt động đội chiêng nữ bon N’Jang Bơ vẫn duy trì đều đặn mỗi tháng 2 buổi tập. Khoảng thời gian dịch bệnh COVID - 19 lây lan, bùng phát trên diện rộng, dù không thể cùng nhau tập luyện các bài chiêng nhưng chị H’Hiệp và các chị em vẫn tranh thủ tìm hiểu những bài chiêng mới, tìm hiểu về văn hóa cồng chiêng và giá trị của nó để thêm yêu quý và tự hào về văn hóa truyền thống M’nông. Theo chị H’Hiệp, lợi thế của đội chiêng nữ do chị thành lập đó là lòng nhiệt tình, hăng hái của tuổi trẻ. Hơn thế, các thành viên còn tự nguyện đóng góp kinh phí để trang trải cho các hoạt động của đội. Dẫu trước đó, để có được một đội chiêng nữ của bon làng, H’Hiệp và các chị em khác cũng đã trải qua nhiều vất vả và có lúc nản lòng. Trong đó cái khó nhất là việc thuyết phục các ông chồng đồng ý cho vợ tham gia. H’Hiệp đã đến từng gia đình, gặp từng cặp vợ chồng để trao đổi, động viên. Có ông chồng đã hỏi H’Hiệp rằng: Tham gia đội chiêng thì được cái gì? H’Hiệp đã phân tích cặn kẽ và giảng giải rằng, cái được lớn nhất đó là sẽ giúp người phụ nữ thoát ra khỏi được việc chỉ biết quanh quẩn trên nương rẫy và góc bếp, được tham gia các hoạt động xã hội để mở mang kiến thức, giao lưu cùng mọi người để thêm tiến bộ, hơn thế còn là góp phần lưu giữ được một nét đẹp văn hóa của ông cha. Và họ đã đồng ý. Theo thời gian, được chứng kiến các hoạt động sinh hoạt, biểu diễn của đội chiêng, họ càng thêm tích cực động viên, ủng hộ cả về tinh thần và vật chất. Nhờ sự đồng lòng của các thành viên đội chiêng, sự đồng thuận và ủng hộ của gia đình và cả bon làng, đội chiêng nữ bon N’Jang Bơ đã trở thành hạt nhân nòng cốt trong các phong trào văn nghệ quần chúng của xã Trường Xuân.

Thực tiễn cho thấy rằng, trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số tại chỗ, bên cạnh sự quan tâm, đầu tư, hỗ trợ của chính quyền các cấp và ngành văn hóa, yếu tố “tự thân” - ý thức gìn giữ, trao truyền bản sắc qua các thế hệ của chính đồng bào luôn có vai trò đặc biệt quan trọng. Nói như chị H’Jon: “Giờ mình còn biết dệt thổ cẩm, con mình sắp vào đại học rồi, nếu không chỉ cho con, có khi nó cũng lãng quên mất”. Tâm sự của chị H’Jong cũng chính là trăn trở của rất nhiều nghệ nhân dệt thổ cẩm hay nghệ nhân cồng chiêng M’nông. Các bà, các chị lo cho một tương lai của thế hệ trẻ không còn giữ được bản sắc văn hóa của chính dân tộc mình. Dẫu vậy, chúng ta vẫn có cơ sở để tin rằng nhiều giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số tại chỗ sẽ tiếp tục được trao truyền, phát huy bởi vẫn còn đó những nghệ nhân nặng lòng như H’Jon, H’Tinh, và đặc biệt là vẫn còn đó những người trẻ mang trong mình tinh thần trách nhiệm như chị H’Hiệp, trưởng bon N’Jang Bơ, người thành lập đội chiêng nữ của bon làng.

----------

Bài viết cùng chuyên mục:

Giữ gìn bản sắc dân tộc, bản sắc văn hóa trong cuộc vận động xây dựng nông thôn mới Phụ nữ Việt Nam: Sự tỏa sáng về phẩm chất, làm giàu thêm bản sắc văn hóa Việt Nam trong thời đại mới – thời đại Hồ Chí Minh Vấn đề bản sắc văn hóa dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hóa: Giữ gìn hay khẳng định? Bản sắc văn hóa dân tộc và vấn đề chuyển thể văn học sang điện ảnh "Lan tỏa bản sắc văn hóa Tết truyền thống"
Nguồn Tạp chí Nậm Nung (Đắc Nông)
Nguyễn Đình Thi - Thơ Nguyên Hùng

Nguyễn Đình Thi - Thơ Nguyên Hùng

Baovannghe.vn- Sinh ở Lào nhưng là người Hà Nội/ Một nghệ sĩ hào hoa sắc sảo đa tài
Triển lãm nghệ thuật "Sắc màu bừng nở"

Triển lãm nghệ thuật "Sắc màu bừng nở"

Baovannghe.vn - Từ ngày 23/11 đến ngày 15/12/2024, tại Nguyen Art Gallery (Hà Nội), sẽ diễn ra triển lãm tranh màu nước Colors in Bloom - Sắc màu bừng nở của nhóm 6 họa sĩ trẻ.
Yêu người cây mở đất - Thơ Chung Tiến Lực

Yêu người cây mở đất - Thơ Chung Tiến Lực

Baovannghe.vn- Như những mũi lao cắm vào vùng ngập mặn/ Mầm sống gieo trên sóng nước hoang sơ
Nên bị gai đâm - Tản văn của Chu Văn Sơn

Nên bị gai đâm - Tản văn của Chu Văn Sơn

Baovannghe.vn - Và ta cứ yên trí đi qua thế giới này với bước chân quen xéo lên cỏ hoa. Thỉnh thoảng bàn chân nên bị gai đâm, để ta được giật mình: Tổn thương là rỉ máu.
Trịnh Hoài Đức - Nhà thơ, nhà viết kịch tài hoa

Trịnh Hoài Đức - Nhà thơ, nhà viết kịch tài hoa

Baovannghe.vn - Kịch Trịnh Hoài Đức ngoài chất hài ý nhị, sâu cay, cười ra nước mắt còn bao hàm cả triết lý sâu sắc về thế giới quan, nhân sinh quan... Thơ của ông như gieo vào lòng người cái tình sâu lắng, ngôn ngữ giản dị mà nhân văn đa nghĩa đầy tính bác học...