Sự kiện & Bình luận

Văn Miếu Sơn Tây trong dòng chảy lịch sử văn hóa

Đỗ Tiến Bảng
Lăng kính văn nghệ
08:00 | 19/08/2024
Baovannghe.vn - Miếu tòa sừng sững bên núi Tản sông Lô, mỗi khi qua cổng ai cũng phải sinh lòng tôn kính, mỗi khi nghe tiếng ai cũng thấy phấn chấn trong lòng. Cứ thế kéo dài phúc lớn đến muôn vạn năm sau.
aa

1. Dòng chảy địa - văn hóa Sơn Tây – Xứ Đoài

Nói đến Văn miếu Sơn Tây là nói đến vùng đất Sơn Tây - Xứ Đoài! Tên Sơn Tây, xuất hiện vào triều Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (1469) gọi là Sơn Tây thừa tuyên (lãnh 6 phủ, 24 huyện; Phủ Quốc Oai lãnh 5 huyện: Từ Liêm, Đan Phượng, Thạch Thất, Ninh Sơn; phủ Tam Đái lãnh 6 huyện Yên Lãng, Yên Lạc, Bạch Hạc, Phù Ninh, Tân Phong, Lập Thạch; phủ Thao Giang lãnh 4 huyện: Sơn Vi, Thanh Ba, Ma Khê, Hạ Hoa (sau này mới gọi “Hòa”); phủ Đoan Hùng lãnh 5 huyện: Đông Lan, Tây Lan, Để Giang, Đương Đạo, Tam Dương; phủ Đà Dương lãnh 2 huyện: Tam Nông, Bất Bạt; phủ Quang Oai lãnh 2 huyện Mĩ Lương, Ma Nghĩa). Năm Hồng Đức 21 (1490, vẫn triều Lê Thánh Tông) gọi là xứ, sau đổi trấn Sơn Tây. Gia Long vẫn để tên trấn như cũ, có 5 phủ 24 huyện đến năm Minh Mạng 12 (1831) mới chia tỉnh, tỉnh Sơn Tây đặt dưới quyền Tổng đốc Tam tuyên (ba tỉnh : Sơn Tây- Hưng Hóa- Tuyên Quang). Sau này còn có nhiều lần chia tách phủ, huyện, và đổi tên.

Trấn Sơn Tây bao gồm các tỉnh: Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc, Sơn Tây, và các huyện Từ Liêm, Hoài Đức, Đan Phượng của Hà Nội hiện nay. Từ 1831 lập tỉnh Sơn Tây, thì Tổng đốc Sơn Tây cũng là tổng đốc Tam Tuyên (Sơn Tây- Hưng Hóa - Tuyên Quang). Chia tỉnh, nhưng người đứng đầu vẫn phụ trách như khi còn Trấn, đặt chức Tổng Đốc Tam Tuyên. Đến năm 1892, Chính phủ “bảo hộ” chia các tỉnh Bắc Kỳ để tiện việc cai trị, đặt tỉnh Sơn Tây còn 2 phủ 6 huyện: Phủ Quảng Oai, Phủ Quốc Oai; Huyện: Tiên Phong, Bất Bạt, Tùng Thiện, Phúc Thọ, Thạch Thất, Yên Sơn. Từ 1924 còn 2 phủ Quốc Oai, Quảng Oai; 4 huyện: Phúc Thọ, Thạch Thất, Tùng Thiện, Bất Bạt.

Từ 1954 tỉnh Sơn Tây có 6 huyện: Quảng Oai, Bất Bạt, Tùng Thiện, Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai (từ tháng 4 – 8. 1954, theo Quyết định của Liên khu ủy III, huyện Đan Phượng thuộc tỉnh Sơn Tây)

Tỉnh Sơn Tây nhập với Hà Đông từ 1965, thành tỉnh Hà Tây; năm 1976 nằm trong tỉnh Hà Sơn Bình, năm 1979 một phần Sơn Tây nhập vào Hà Nội; năm 1991 trả về Hà Tây (lúc Hoà Bình trở lại tỉnh riêng). Năm 2007 thành lập Thành phố Sơn Tây (Nghị định 130/2007/ NĐ- CP, 20.8.2007), một năm sau, 2008, trở lại Thị xã Sơn Tây thuộc thành phố Hà Nội, cùng các huyện của Hà Tây.

Sơn Tây gắn với cái tên Xứ Đoài!

Xứ Đoài, cái tên tưởng như “nôm na” mà đầy gợi cảm, xuất hiện từ bao giờ, để gọi một vùng đất cổ chứa đầy huyền tích? Câu hỏi không dễ có lời giải thỏa đáng!

Chỗ bắt đầu phải xét ở ngữ ngôn, chữ “đoài” trong từ điển phổ thông đưa ra hai nét nghĩa: tên một quẻ trong bát quái và chỉ phương tây. Bát quái là phạm trù khái niệm trong Kinh Dịch - bộ sách triết học phương Đông, một sách quan trọng trong “ngũ Kinh”, mà Tần Thủy hoàng cũng không ra lệnh đốt. Kinh Dịch có nguồn gốc từ vua Phục Hy, ông vua thần thoại thuộc sử Tàu. Bát quái gồm: Càn (hay Kiền, tượng trời), Khảm (tượng thủy), Cấn (tượng núi), Chấn (tượng sấm sét), Khôn (tượng đất), Đoài (tượng đầm hồ), Ly (tượng hỏa), Tốn (tượng gió). Bát quái kết hợp, các quẻ chồng lên nhau, thành 64 quẻ. Quẻ Đoài qui vào ngũ hành thuộc “kim”, qui phương hướng thuộc “phương tây”. Hai quẻ Đoài chồng lên nhau, là Bát thuần đoài, theo Kinh Dịch: “Đoài hanh lợi trinh (Quẻ Đoài hanh lợi về sự chính bền), “Đoài là đẹp lòng”, “cứng trong mà mềm ngoài”, “thuận với trời, ứng với người”. Có biết nghĩa này ta mới thấm thía lời học giả Phan Huy Chú khi viết về Sơn Tây (Dư địa chí, trong Lịch triều hiến chương loại chí): “Dòng sông Tam Kỳ quanh vòng vặn vẹo, các núi Tản Viên mọc lên la liệt; núi cao sông lớn hơn cả các nơi, thực đáng gọi là chỗ đất vui vẻ ở phương tây…Thực là một khu có hình thế tốt đẹp và là chỗ đất có khí thế hùng hậu.”

Như vậy, tên gọi Xứ Đoài để gọi một vùng đất phía tây kinh đô Thăng Long như một khái quát ý nghĩa, vừa gửi gắm, gợi cảm từ âm thanh con chữ. Có thể lúc đầu là cách gọi Trấn Sơn Tây. Cái tên để khu biệt vùng đất (địa văn hóa) không phải chỉ địa giới hành chính. Cái tên ít nhiều chỉ một vùng văn hóa rộng, mà ranh giới chia theo tứ trấn thời Lí - Trần. Lấy Thăng Long - Kẻ Chợ làm trung tâm thì phần còn lại của đồng bằng Bắc bộ chia bốn phần, gọi là tứ trấn (đọc trạnh là tứ chiếng): Xứ Đông (Hải Đông trấn), Xứ Đoài (Sơn Tây trấn), Xứ Nam (Sơn Nam thượng, hạ trấn), Xứ Bắc (Kinh Bắc trấn); các vùng miền núi và Thanh - Nghệ là ngoại trấn. Sau khi đổi đơn vị hành chính trấn, thì cái tên Xứ Đoài chỉ còn trong tâm thức dân gian.

Xứ Đoài từ huyện Từ Liêm: xưa có chiếc hồ (Chẳng vui cũng thể hội Thầy/ Chẳng trong cũng thể hồ Tây xứ Đoài) gọi Hồ Tây Xứ Đoài vì lúc đó huyện Từ Liêm thuộc trấn Sơn Tây (Tục ngữ ca dao dân ca Hà Tây, Ty văn hóa thông tin Hà Tây, 1975)

Cái tên gọi địa lí có khi nằm “đông lạnh” trong sách vở, chỉ người nghiên cứu mới làm sống dậy, dựng nó lên. Trong tâm thức dân gian tên gọi cổ vẫn luôn sống động bởi sự lưu truyền. Xứ Đoài có núi Tản - Ba Vì là chủ sơn, núi chúa, núi tổ của không gian Việt Mường (theo cách gọi của GS Trần Quốc Vượng ). Nó gắn liền với truyền thuyết, thần thoại Sơn Tinh - Đức Thánh Tản, một vị Thần – Tiên - Thánh (đứng đầu trong Tứ bất tử: Thánh Tản Viên, Thánh Gióng, Chử Đồng Tử, Mẫu Liễu). Theo Dư địa chí của Nguyễn Trãi, “Thần núi Tản Viên gọi là trụ quốc đại vương, linh hiển có tiếng. Nhân tông triều Lý sai thợ làm đền thờ ở trên ngọn núi thứ nhất, có lầu 20 tầng.” Từ mạch núi này chảy xuống Thạch Thất có núi Câu Lậu (Tây Phương), rồi núi Sài (Thày, Quốc Oai), với những huyền tích của chính sử, dã sử. Cát Hồng luyện đan sa (thuốc tiên) ở Tây Phương; Từ Đạo Hạnh trút xác hoá Lý Thần Tông ở chùa Thày. Rồi con “Sông Tích ở cách huyện Bất Bạt 22 dặm về phía Nam, cũng gọi sông Bùi, phát nguyên từ núi Tản Viên chảy qua địa phận hai huyện Tùng Thiện và Phúc Thọ…hợp lưu với sông Hát. Tương truyền sông Tích là do thần Thủy Tinh làm cho nước vọt ra để đánh nhau với thần núi Tản Viên…”( Đại Nam nhất thống chí, quyển XXI, tr 210).

Tiếng vọng trong sách vở, thơ văn; hồn xưa in dấu, còn lại một nỗi nhớ thời gian.

Văn Miếu Sơn Tây trong dòng chảy lịch sử văn hóa
Một góc thành cổ Sơn Tây - Ảnh: VGP

Trong con mắt nhà sử học Trần Quốc Vượng, thì Sơn Tây - Xứ Đoài văn hiến thủ trước công nguyên là một vùng ĐẤT TỔ, là vùng thềm phù sa cổ vùng thượng châu thổ của tam giác châu sông Nhị - Thái Bình. Tên chữ “Đoài” cứ nhắc đến là gợi nỗi niềm u uẩn. “Đoài phương tĩnh nhất khu”, thành ngữ ấy không biết có từ đâu, đã nói về đời sống yên bình của vùng đất cổ. Câu ca nghe ngờ ngợ về đời sống lầm lũi đói nghèo: “Tiếng ai như tiếng Xứ Đoài/…”. Xứ Đoài nửa đầu thế kỷ XX nổi lên thi sĩ kì tài Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu: Tản Đà lên “HẦU TRỜI” trở về bản quán, “trở về nguồn”, với tiếng quê tha thiết “Trăng tà đưa lối về non Đoài/ Non Đoài đã tới quê trần giới.” Câu thơ của Quang Dũng trong Mắt người Sơn Tây lại xa vời nhớ thương, nuối tiếc, “Tôi nhớ Xứ Đoài mây trắng lắm.” Ghi dấu những Vang bóng một thời, nhà văn Nguyễn Tuân tả con đường ngược Xứ Đoài: “Con đường xứ Đoài cát bụi nhiều quá”, “…muốn quên cái đằng đẵng của mấy thôi trạm trên đường xứ Đoài” (truyện Ngôi mả cũ). Rồi cái không khí u hoài tịnh mịch trong một truyện ngắn Chữ người tử tù, Nguyễn Tuân lấy bối cảnh không gian từ thành Sơn Tây: “Tiếng trống gần đấy đã bắt đầu thu không. Trên bốn chòi canh, ngục tốt cũng đã bắt đầu điểm vào cái quạnh quẽ của trời tối mịt, những tiếng kẻng và mõ đều đặn thưa thớt…”, “ Đêm hôm ấy, lúc trại giam tỉnh Sơn chỉ còn tiếng mõ vọng canh…”

Trong hồi kí Cát bụi chân ai, Tô Hoài có viết: “Cụ Tú Hải Văn đã cho cậu con trai mới lên mười theo đến nhà hát ả đào Hàng Giấy. Thơ Đỗ Mục, cụ Tú dịch Mười năm tỉnh mộng châu Dương. Hời thêm một tiếng phũ phàng ngày xanh…Cuộc đời phóng túng và nếp nhà quan cách cụ nội là đại thần trị nhậm Sơn Tây, đã in đậm, đã mờ chồng lên ngày tháng đời con cháu từ bao giờ. Nhiều lần Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng và tôi thường lên Sơn. Chúng tôi thường ngồi lên hào thành, dưới cây sữa. Chúng tôi mặc Nguyên Hồng với bà “cai Ách” bán hàng - khuôn khổ người đẹp kiểu của ông. Tôi hỏi Nguyễn Tuân: Chữ người tử tù, Đỉnh non Tản và tất cả “vang bóng” của ông đều phảng phất Sơn Tây, “thế ông đã đi ả đào ở Đông Tác chỗ gần chốt Nghệ kia chưa?” Nguyễn Tuân tủm tỉm và lặng yên. ( tr 40)

Rồi câu chuyện còn dài khi bàn về “Văn hóa Xứ Đoài”!

2. Văn miếu cùng hệ thống các nơi thờ tự

Trước hết cần hiểu khái niệm Văn miếu trong hệ thống Đàn, Đền, Miếu, là nơi thờ tự tại các tỉnh thành từ thời Nguyễn trở về trước.

“Đàn” là cái đài làm bằng đất và gỗ, tre; chọn nơi đất phẳng để dựng đàn (phố cổ Hàng Đàn (phố Đinh Tiên Hoàng hiện nay) là nơi bán vật liệu làm “đàn” nên có tên này). “Đền” (tiếng Hán là “từ”), để thờ thần, thánh, tổ tiên. “Miếu” là nhà thờ thần, thờ tổ tiên, cung điện nhà vua.

Văn Miếu Sơn Tây trong dòng chảy lịch sử văn hóa
Văn Miếu Sơn Tây (Ảnh tư liệu)

Theo sách Đại Nam nhất thống chíSơn Tây tỉnh chí, Đàn Xã Tắc “ ở thôn Vân Già, huyện Minh Nghĩa (sau là Tùng Thiện), …xây dựng năm Minh Mệnh thứ 14 (1833)”. Đàn Xã Tắc là nơi thờ thần Xã (thần Đất- Hậu Thổ) và thần Tắc (thần Lúa - Cốc thần). Xã Tắc cũng tượng trưng cho đất nước, quốc gia. Hàng năm, quan đầu tỉnh đến tế lễ cầu mong “phong đăng hòa cốc”, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Nếu thời tiết bất thường không lợi cho mùa màng cũng phải đến đây cầu cúng. Thôn Vân Già (Đám mây lành dừng lại, che chở; chữ “già” đọc chệch thành “gia”- Vân Gia) nay là thôn Vân Gia, thuộc phường Trung Hưng. Từ cầu Cộng đi vào Đền Và, “Đàn” nằm bên phải. Nơi đây trước là trại giam, có thời giam giữ tù binh Mỹ, nên có vụ tập kích Sơn Tây của quân đội Mỹ (đêm 20 rạng ngày 21 tháng 11 năm 1970). Hiện là khu tập thể công an Sơn Tây.

Đàn Tiên nông: “ ở xã Tiền Huân, huyện Phúc Lộc…dựng năm Minh Mệnh thứ 14 (1833)”, “ở phía Đông Bắc thành tỉnh” ( Sơn Tây tỉnh chí ). Đàn Tiên nông là nơi thờ ông tổ dạy nghề nông - Thần Nông. Hàng năm quan chức đầu tỉnh, đến đây làm lễ “tịch điền”. Thôn Tiền Huân nay thuộc phường Viên Sơn, đàn Tiên Nông ở gần khu nhà máy Cơ khí Sơn Tây hiện nay. Theo các cụ già địa phương, nơi “đàn tế” có phiến đá to, nay không còn. Người dân đã xây dựng nhà ở.

Đàn Sơn Xuyên “ ở tây nam tỉnh thành, dựng năm Tự Đức thứ 6 (1853)” ( Sơn Tây tỉnh chí ghi là Tự Đức thứ 4 (1851) thuộc địa phận thôn Vân Già, huyện Minh Nghĩa (sau 1854 là Tùng Thiện). Đàn Sơn Xuyên thờ thần Núi, Sông.

Văn Miếu “ở xã Mông Phụ huyện Phúc Thọ, về phía tây tỉnh thành, đền Khải thánh ở phía tây Văn miếu; đền Khải thánh trước ở xã Cam Giá Thịnh, năm Thiệu Trị thứ 7 (1847) dời đến chỗ hiện nay” (do Nguyễn Đăng Giai (?- 1854), giữ chức Hữu kỳ kinh lược đại sứ, năm 1844 làm Tổng đốc Sơn- Hưng - Tuyên, đứng ra trông nom việc xây dựng). Thời Cao Xuân Dục (1843 – 1923) làm Tổng đốc Sơn - Hưng - Tuyên (1889- 1891) đã “Phổ khuyến trùng tu Văn miếu tỉnh Sơn Tây”(1891), quyên góp tiền xây dựng lại Văn Miếu và viết “Văn bia trùng tu Văn từ tỉnh Sơn Tây”. Năm 1976 Văn Miếu bị phá dỡ để xây dựng nhà máy Chế biến thức ăn gia súc. Văn Miếu hiện ở thôn Văn Miếu, xã Đường Lâm, năm 2012 được Bộ văn hóa cho tiến hành trùng tu, tôn tạo; đến 2014 hoàn thành một số hạng mục. Đến nay cơ bản đã hoàn thành.

Văn miếu là nơi thờ Khổng Tử, bốn vị Á thánh ( Mạnh tử, Tăng tử, Tử Lộ, Tử Do) và 72 vị tiền hiền. Bia khắc số người đỗ Tiến sĩ ở trấn Sơn tây (288 vị). Đền Khải thánh thờ bố mẹ Khổng Tử. Vào năm có kì thi Hương, các sĩ tử trong vùng đến đây ứng thí. Năm Đinh Mão (1807) Gia Long năm thứ 6, có tổ chức kì thi ở đây. Hàng năm, xuân thu nhị kì đều có cúng tế. “Văn miếu khi xưa từng dùng làm trường thi để sĩ tử ứng thí tuyển sinh, khóa sinh và thi hạch” (Sơn Tây tịnh địa chí )

Miếu Hội đồng “ở thôn Nghĩa Phủ huyện Tùng Thiện; trước ở Cam Giá Thịnh, năm Minh Mạng 12 (1831) dời đến chỗ hiện nay”. Trước Miếu Hội đồng ở xã Cam Giá, huyện Phúc Lộc, có 15 người sung làm sái phu. Hàng năm vào mùa xuân, mùa thu, ngày Nhâm trấn quan đến tế lễ. Miếu Hội đồng thờ những người có công ở tỉnh Sơn Tây. Thôn Nghĩa Phủ, nay thuộc phường Trung Hưng.

Miếu Thành Hoàng

Xây tháng 12 năm Thiệu Trị 9 (1849), tại phía tây thành tỉnh, thuộc địa phận thôn Nghĩa Phủ.

Ở đây thử so sánh, điểm số lượng với một một số tỉnh lân cận về các nơi thờ tự này, để hiểu biết hơn về số lượng các di tích ở Sơn Tây.

Tỉnh Sơn Tây có 3 “đàn”, 9 miếu, 19 đền; tỉnh Hưng Hóa có 3 “đàn”, 4 miếu, 10 đền; tỉnh Tuyên Quang có 3 “đàn”, 3 miếu, 6 đền. So với một tỉnh có truyền thống như Bắc Ninh, chỉ hơn Sơn Tây đôi chút; Bắc Ninh có 3 “đàn”, 10 miếu, 21 đền.

3. Vài nét về Văn Miếu Sơn Tây

Để làm phong phú hơn bản sắc của một Hà Nội mở rộng, ta cần hiểu rõ hơn về các di tích văn hoá vật thể này. Điều đáng chú ý là về Văn Miếu Sơn Tây, tuy có các bài viết, tài liệu nêu ra, nhưng cũng sơ sài, có chỗ chưa thống nhất. Tôi xin nêu một số điểm và trao đổi như sau:

Về thời gian xây dựng Văn Miếu, số bia và số các vị được ghi danh. Sách Sơn Tây thành phố Xứ Đoài (nxb Văn hoá thông tin- Công ty văn hoá trí tuệ Việt, 2007) cho biết: “Sơn Tây còn có Văn Miếu được xây dựng từ năm 1931...Theo các bậc cao niên kể, nơi đây có 128 bia ghi lại những danh nhân thi đậu ở Kinh Thành”( tr 24); cũng cuốn Du lịch thị xã Sơn Tây (Sở Du lịch Hà Tây- UBND thị xã Sơn Tây, 2003) thì cho rằng: “có đến 288 vị tiến sĩ được ghi danh tại tấm bia làng Văn Miếu này”(tr 43).

Sách Đại Nam nhất thống chí cho biết: “Văn miếu: ở xóm Mông Phụ huyện Phúc Thọ, về phía tây tỉnh thành, đền Khải thánh ở phía tây Văn miếu; trước kia đền Khải thánh ở xóm Cam Giá thịnh, năm Thiệu Trị thứ 7 (tức năm 1847-ĐTB chú) dời đến chỗ hiện nay”(tập IV, nxb KHXH, 1971, tr 221). Ông Phạm Xuân Độ, trong Sơn Tây tỉnh địa chí, lại cho biết: “Văn miếu tỉnh Sơn xây từ năm Thành Thái thứ IV (1892)”. Như vậy theo ba sách thì có đến ba thời điểm xây Văn Miếu: 1831, 1847, 1892! Để trả lời chính xác thời điểm xây Văn Miếu là việc không đơn giản dễ dàng, cần tìm hiểu mở rộng. Trước hết cần biết, ở Kinh đô tới các tỉnh thành, thường có các công trình tế lễ được xây dựng đồng thời. Đó là Đàn Nam Giao, nơi tế trời đất (chỉ có ở Kinh đô), Đàn Xã Tắc, nơi tế thần đất (Hậu thổ) và thần Nông; Đàn Sơn Xuyên, thờ thần Núi và thần Sông. Về Miếu có Miếu Văn, Miếu Thành Hoàng, Miếu Hội đồng. Miếu Văn (hay Văn Miếu) là nơi thờ Khổng Tử- Khổng Tử được suy tôn là bậc thánh của Nho giáo, tập trung mọi vẻ đẹp là “văn”, nên còn gọi Văn Thánh. Văn Miếu được xây dựng ở Kinh đô cho đến các tỉnh thành. Văn Miếu Hà Nội được nhà Lý xây dựng vào năm 1070, sáu năm sau lập Quốc Tử Giám. Văn Miếu một số tỉnh lân cận: Bắc Ninh, tu bổ năm Gia Long thứ 1 (1802), làm lại năm Thiệu Trị thứ 4 (1844); Lạng Sơn dựng từ đời Lê, tu bổ năm Gia Long thứ 9 (1810); tỉnh Hưng Hóa, tu bổ năm Minh Mệnh 11 (1830), đền Khải Thánh dựng năm Minh Mệnh 20 (1839); tỉnh Tuyên Quang, dựng năm Minh Mệnh thứ 6 (1825)...

Qua đối sánh thì thấy những tỉnh vốn là Trấn cũ, Văn Miếu phải được dựng từ lúc lập trấn. Sơn Tây vốn là một trọng trấn, nên Văn Miếu chắc phải được dựng từ thời gian rất xa xưa. Bởi trấn sở Thành Sơn Tây từ La Phẩm, huyện Tiên Phong (nay khoảng xã Tản Hồng, huyện Ba Vì), đời Lê Cảnh Hưng ( 1740-1786) dời về Mông Phụ, huyện Phúc Thọ (nay là thôn Mông Phụ, xã Đường Lâm, Sơn Tây). Sách Sơn Tây tỉnh chí ghi cụ thể: “Thành cũ nguyên ở phía nam xã La Phẩm, huyện Tiên Phong. Đắp từ thời Lê, năm Cảnh Hưng bị nước xói đổ, bèn dời về xã Mông Phụ, huyện Phúc Thọ”, đến năm Minh Mệnh thứ 3 (1822) mới dời về chỗ hiện nay. Văn Miếu của trấn Sơn Tây chắc phải dựng gần nơi trấn sở, từng có ở xã La Phẩm, huyện Tiên Phong, rồi chuyển về Cam Giá. Địa điểm cuối là ở làng Văn Miếu, xã Đường Lâm hiện nay.

Cũng cần biết thêm rằng, thành Sơn Tây khi ở Mông Phụ được mô tả: “Thành trấn Sơn Tây ở địa phận Cam Giá Thịnh huyện Phúc lộc (sau 1822 mới đổi Phúc Thọ) phủ Quảng Oai. Thành đắp năm Bính Dần (1746), chu vi 761 tầm 3 thước, ngoài thành có hào, mở 3 cửa. Trong thành chính giữa dựng hành cung, cùng các dinh trấn thủ, mặt sau vọng cung, công khố (góc Tây Bắc thành), kho thuốc súng (ở góc tây thành), khám đường, trại giam (ở góc bắc thành) chuồng voi (ở phía đông thành). Trong thành, chính giữ dựng Hành cung (phàm khi gặp lễ lớn cùng là ngày rằm, mồng một hàng tháng, trấn quan mặc phẩm phục, tề tựu làm lễ bái vọng)” ( theo Bắc thành địa dư chí lục, trong Tuyển tập địa chí, tập 2, tr 973 ). Như thế, Văn Miếu của trấn Sơn Tây chắc được xây dựng ít năm sau khi chuyển trấn sở từ La Phẩm về Mông Phụ.

Văn Miếu Sơn Tây trong dòng chảy lịch sử văn hóa
Toàn cảnh Văn Miếu Sơn Tây (Ảnh: tuoitrethudo.vn)

Trong Bia Văn Thánh ở Văn Miếu Sơn Tây chỉ cho biết chung: Văn Miếu tỉnh ta được xây dựng ở thôn Cam Giá, huyện Phúc Lộc. Năm Thiệu Trị thứ 3 (1843), Nguyễn Đăng Giai mới dời về tại đây. Sau đó Văn Miếu được trùng tu vào các thời gian 1886, 5.1891 - 3.1892. Vậy có thể nói: Văn Miếu ở tại thôn Văn Miếu xã Đường Lâm được khởi dựng từ 1843, đền Khải Thánh- thờ bố mẹ Khổng Tử- chuyển về năm 1847; có hai lần trùng tu vào các năm 1886, 1892. Theo sự mô tả của Kiểm học Phạm Xuân Độ về cảnh quan của Văn miếu: “Văn miếu này cũng tương tự như văn miếu các tỉnh khác. Ngay giữa có bài vị đức thánh Khổng và bốn bực á thánh: Mạnh Tử, Tử Tư, Tăng Tử và Nhan Tử. Hai bên thờ thất thập nhị hiền. Duy có phong cảnh ở đây là đẹp. Những ngọn thông xanh dờn ở lối cửa vào và những cây lim cao ngất ở xung quanh miếu làm cho nơi này luôn luôn râm mát. Chiếc đồi lại đột khởi giữa những đồng ruộng mênh mông, nên cảnh trí càng thêm phong quang tĩnh mịch. Văn miếu xưa kia từng dùng làm trường thi để sĩ tử ứng thí tuyển sinh, khoá sinh và thi hạch. Hàng năm, xuân thu nhị kì các Nam quan trong tỉnh đến đây tế lễ”( Sơn Tây tỉnh địa chí, xb 1940, tr152).

Văn Miếu chỉ là nơi thờ tự, tôn vinh những vị đỗ đạt khoa danh. Liên quan đến trường học và trường thi, sách Sơn Tây tỉnh chí (cuối thế kỷ XIX đầu XX) cho biết “Trường học của tỉnh, vốn xây ở thôn Đạm Trai, huyện Minh Nghĩa, năm Thiệu Trị 3 (1843) mới dời về xây ở ngoài quách phía nam thành tỉnh”, học xá tỉnh Sơn Tây “đặt quan Đốc học trông coi việc dạy học.” Sơn Tây là một trong sáu trường thi, vào năm Gia Long 6, Đinh Mão (1807), gồm Hoài Đức, Tuyên Quang, Hưng Hóa, Cao Bằng (theo Trần Văn Giáp, Lược khảo khoa cử Việt Nam).

Về số bia ở Văn Miếu Sơn Tây, nói 128 bia là sai quá đáng! Bởi Văn Miếu Hà Nội mới có 83 bia, nhà Thái học Huế có 36 bia. Trong một bài báo, tác giả Văn Gia cho biết: “trong nhà miếu có 2 tấm bia đá cỡ lớn. Các tấm bia khắc chữ cả 2 mặt bằng chữ Hán ...của 288 vị khoa giáp” (Tản Viên Sơn, số Xuân Giáp Tuất, 1994). Có hai loại nội dung được khắc bia: Một loại ghi bài văn bia, đó là “Văn Thánh bi”(bia Văn Thánh), nêu ý nghĩa, lí do tôn vinh Văn hiến, tôn thờ Tiên Thánh, Tiên Sư; tình hình xây dựng và trùng tu Văn Miếu; việc ghi danh những nhà khoa bảng đỗ cao thấp theo từng khoa thi và phạm vi khu vực; tâm nguyện bảo vệ tôn thờ Văn Miếu. “Một loại bia ghi danh các vị đỗ đại khoa, dựa vào sách Đăng khoa lục, tra cứu các vị đỗ từ cuối triều Lê trở về trước, thuộc Trấn Sơn Tây (bao gồm các vị ở Từ Liêm ( Hà Nội) cho đến vùng Tuyên Quang, Hưng Hoá, Phú Thọ, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc). Bia Văn Thánh đó nói rõ: “đối với các vị giáp bảng của bản triều (tức triều Nguyễn, tính đến thời điểm soạn bia là năm Thành Thái thứ tư (1892- ĐTB chú) thì dành riêng một khoản chiểu theo khoa thứ mà khắc tên. Cuối mục ấy, dành khoảng lưu không để về sau này có ai đỗ thêm thì khắc tiếp”. Có 38 khoa thi, 558 người đỗ đại khoa ở triều Nguyễn. Tính đến trước thời điểm trùng tu (Kiến Phúc, 1884) có 27 khoa với 368 người đỗ. Vậy, ngoài 2 bia trên cũng còn một số bia ghi danh các vị người tỉnh Sơn Tây đỗ đại khoa các kì thi thời Nguyễn. Như vậy, số 288, chỉ là các vị đỗ các khoa thi từ nhà Lê về trước của trấn Sơn Tây (số liệu này cũng có sách ghi khác: Liệt huyện đăng khoa bị khảo của Phan Huy Ôn, ghi thống kê Sơn Tây là 281 vị; Sơn Tây đăng khoa lục thổng kê 282 vị- dẫn theo Lược truyện các tác gia Việt Nam, nxb KHXH, 1971, tr 82, 86).

Hoạt động và phục vụ ở Văn miếu, theo sách Bắc Thành địa dư chí lục: “..có 30 người sung làm miếu phu. Hàng năm và mùa xuân, mùa thu, ngày Đinh, trấn quan vâng sắc dụ đến tế theo nghi thức”.

Để nhận biết ý nghĩa Văn miếu, cũng cần nhắc lại lời văn trong bài Phổ khuyến trùng tu Văn miếu tỉnh Sơn Tây của Tổng đốc Sơn Hưng Tuyên, Cao Xuân Dục (1843 - 1923)

“Ngày mồng 3 tháng 3 năm Thành Thái thứ 3 (1891)

Thiết nghĩ, Đức Phu tử là bậc Thánh sư của muôn đời, từ khi có sinh dân tới nay chưa từng có người nào được như thế. Nước ta từ khởi dựng cơ đồ ở phương Nam, mở mang nên văn hiến rạng rỡ. Ở Kinh thì có Quốc Tử Giám, các tỉnh bên ngoài đều có Văn miếu riêng của mỗi địa phương, hàng năm xuân thu nhị kì cúng tế, việc đều có biên chép trong điển thờ, để bày tỏ sự tôn sùng Thánh đạo.

… Xưa nay trên đời này không có thời nào là hanh thái mãi mãi, mà chỉ có Thánh đạo mới khiến cho đời được luôn hanh thái, giữa chốn đất trời không có vật nào không bị hư hoại mà chỉ có con người mới giữ cho được bền lâu. Ngôi nhà cao một cây cột không mong chống đỡ, lâu đài rộng nghìn cánh tay góp sức ắt dựng nên. Vì thế núi Thái không chối từ nằm nơi đất nhỏ, biển rộng chẳng kén chọn dòng suôi con. Việc nghĩa đáng làm nên phải rộng truyền cho đồng chí, thời gian gấp gáp lẽ nào vì chưa kịp mà chối từ. Gắng sức đồng lòng phù trì đạo Thánh để rường cột bền vững, đền miếu khang trang, mỗi khi tế lễ khỏi bận tâm lo lắng gió mưa… Miếu tòa sừng sững bên núi Tản sông Lô, mỗi khi qua cổng ai cũng phải sinh lòng tôn kính, mỗi khi nghe tiếng ai cũng thấy phấn chấn trong lòng. Cứ thế kéo dài phúc lớn đến muôn vạn năm sau, đó chính là ước vọng lớn lao của bản chức vậy”(Long Cương văn tập, Nguyễn Văn Nguyên dịch, chú; nxb Lao động- Trung tâm văn hóa Đông Tây, 2012).

Ta càng hiểu tâm sự của vị Tổng đốc họ Cao khi Ông nhấn mạnh lại trong Văn bia trùng tu Văn từ tỉnh Sơn Tây, ý nghĩa của việc tu bổ, sửa sang Văn miếu:

“Cho nên mai ngày, nếu có khi nào cần tu bổ sửa sang đền miếu này, giữ cho khỏi hư nát, để cho những ai nghe thấy tinh thần của nó đều dấy niềm hứng khởi trong lòng, những ai đi qua cổng này đều biết được điều tôn kính, thì đó chính là trách nhiệm phải gánh vác của người đời sau vậy”.

Lời nhắc nhở của Tổng đốc Cao Xuân Dục càng có ý nghĩa với những công việc chúng ta đã đang trùng tu, hoàn thiện, xiển dương những giá trị Văn Miếu Sơn Tây.

Trên đây là mấy ý kiến nhỏ xung quanh tìm biết về “Văn Miếu Sơn Tây trong dòng chảy lịch sử văn hóa”, mong được nhiều vị quan tâm, trao đổi trong công việc tìm lại dấu tích văn hóa ở một vùng đất cổ của Sơn Tây - Xứ Đoài.

Đỗ Tiến Bảng | Báo Văn nghệ

Bài viết thể hiện quan điểm và góc nhìn của tác giả. Không nhất thiết là quan điểm của Văn Nghệ. Mọi ý kiến đóng góp và bài vở cho chuyên mục LĂNG KÍNH VĂN NGHỆ xin vui lòng gửi về: baovannghe.vn@gmail.com

Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Baovannghe.vn - Chiến dịch thần tốc như một cơn lốc không ngày không đêm, đơn vị vừa đánh vừa hành quân gần như xuyên dọc theo Quốc lộ 13 hướng về Sài Gòn mỗi ngày một gần thêm.
Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Baovannghe.vn - Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc ngày 22/11 với phiên thảo luận tổ về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) và dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Baovannghe.vn - Mây đen tan. Nắng nhẹ. Hương sen còn sót hòa cùng hương bùn đánh dạt mùi khói xe, đưa nụ cười của hai người đàn ông lấp đầy mi mắt đang nhìn về phía mặt trời.
Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Baovannghe.vn - Bài thơ Thề non nước không chỉ là lời tự tình đằm thắm của một tâm hồn thủy chung, tin cậy mà còn cất giấu trong mình một bức tranh thiên nhiên tráng lệ và quyến rũ mê hồn vì một vẻ đẹp như sinh ra bởi con người và cũng chỉ dành để cho con người.
Nhà văn Nguyễn Chí Trung

Nhà văn Nguyễn Chí Trung

Baovannghe.vn - Nhà văn Nguyễn Chí Trung trưởng thành từ thiếu sinh quân. Đi lính từ bé và làm cán bộ đại đội từ trẻ - ngày nền nông nghiệp của ta xứng danh với cái tên “nghèo nàn và lạc hậu” thì ông hòa nhập vào lớp thanh niên “vượt lên hàng đầu, vượt là vượt như tên bay”...