Diễn đàn lý luận

"Cái hôm nay" trong "Hà Nội những mùa cổ điển"

Trịnh Thu Tuyết
Tác phẩm và dư luận
16:00 | 18/10/2024
Baovannghe.vn - Hà Nội những mùa cổ điển viết về cái hôm nay đang tiếp diễn, tác giả mượn hai nhân vật lịch sử, đặt họ vào nhịp sống hiện tại, đặng soi chiếu hiện tại chân thực hơn, từ cách con người hôm nay sáng tác, ăn uống, yêu đương, hành xử... tới cách họ đánh giá quá khứ, sự đánh giá phần nhiều xuất phát từ nhu cầu của hiện tại, tuân thủ sự khắc nghiệt của hiện tại!
aa

Những người đọc của thế kỷ XXI sẽ không còn quá ngạc nhiên hay gặp khó khăn khi cầm trên tay một cuốn tiểu thuyết mà đọc mãi chưa thấy “chuyện” cùng mạch truyện, chỉ thấy các nhân vật ẩn hiện giữa những không gian thực và ảo, những thời gian khi hiện tiền, khi bị che mờ bởi phong rêu ký ức; họ luôn phải cố gắng nắm bắt, xác định vị trí của những mảnh ghép phi lý, rời rạc, tản mạn, đứt nối trong tác phẩm. Nhiệm vụ của người đọc không chỉ đơn thuần kết nối những mảnh ghép, dù ngay cả việc ấy, nhiều khi cũng chẳng dễ dàng gì; việc họ cần làm là giải mã “bản thiết kế” bên trong cái sản phẩm đã đầy đủ hình hài, da thịt; “đọc” ra các thông điệp ý nghĩa của một tập hợp hỗn độn các mảnh ghép, những ý nghĩa có thể có trong dụng ý ban đầu của người thiết kế, cũng có khi lại trượt rất xa đâu đó ngoài dự liệu của ông ta, hoặc lệch hẳn so với những “tín hiệu” thật và giả trên văn bản ngôn từ... Tiểu thuyết của tác giả Uông Triều là một trong những cuốn sách như thế khi tôi cứ men theo định hướng của nhan đề để tìm “chuyện”, và sau rốt lại đọc ra cái “giả cổ điển” của hôm nay trong Hà Nội những mùa cổ điển!

"Cái hôm nay" trong tiểu thuyết "Hà Nội những mùa cổ điển"
Sách "Hà Nội những mùa cổ điển".

Tiểu thuyết mang tên Hà Nội những mùa cổ điển - cụm từ “mùa cổ điển” có thể đưa tới niềm hứng thú sang trọng cho những tâm hồn luôn hoài nhớ một thế giới chuẩn mực, khuôn thước thời quá vãng. Và ít nhiều họ đã được thỏa mãn khi nhà văn lát kín không gian nghệ thuật của tác phẩm bằng những địa danh quen thuộc của Hà Nội, từ những cảnh vật, quán xá khu phố cổ: những quán phở Bát Đàn, Lý Quốc Sư, cà phê Manzi số 14 Phan Huy Ích, quán Cây bàng, Quả trám phố Phùng Hưng; quán mì vằn thắn gần Ô Quan Chưởng, quán phở gà số 1 Hàng Điếu, quán cà phê Bảo Khánh, Hàng Hành...; từ những địa danh âm vang quá khứ như Hoàng thành Thăng Long, tháp nước Hàng Đậu, phố Lý Nam Đế, Quán Thánh, Phan Đình Phùng, Hòe Nhai, Trần Nhật Duật...; cho tới những cây cầu bắc qua sông Hồng như Chương Dương, Long Biên... Chất cổ điển cũng thấp thoáng trong những chi tiết nội thất dẫu nhỏ bé, vụn vặt, như hình ảnh “cái lò sưởi xây bằng gạch đỏ” (29) trong tầng hai ngôi biệt thự cổ phố Nguyễn Biểu hay “những bậc cầu thang gỗ lim cổ điển trong một căn biệt thự của người Pháp được xây dựng theo phong cách Đông Dương” (10), nay là tòa nhà số 4 huyền thoại của “phố nhà binh” Lý Nam Đế!

Chất cổ điển dẫu khá hình thức ấy cũng phần nào khu biệt xuất thân, tính cách của cặp nhân vật đối trọng trong tác phẩm khi tác giả để Nguyễn Ánh chọn nơi cư ngụ hiện tại là tầng hai ngôi biệt thự cổ phố Nguyễn Biểu; còn người anh hùng Nguyễn Huệ với quyền năng vô lượng của một người cõi khác lại chọn “căn nhà tập thể cũ ở phố Gia Quất [...], lan can chuồng cọp chìa ra ngoài như một hàm răng vổ, đặc trưng của những khu nhà tập thể kiểu cũ ở Hà Nội” (32) làm nơi tạm trú ở cõi này!

Tuy nhiên, người đọc không khó nhận ra những hình thức cổ điển trong tác phẩm chủ yếu để chuyển tải cuộc sống xô bồ, ồn ã, lấm láp cùng khá nhiều khuất lấp nhem nhuốc của cuộc sống thực tại. Tất cả các nhân vật trong tác phẩm, bất luận sinh vào thế kỷ nào, đều hoặc thuộc về thời hiện tại, hoặc bị cuốn vào thời hiện tại.

Trước hết, cần kể tới cặp nhân vật đến từ thời quá vãng và đã được, hoặc đã bị “hiện tại hóa” từ những chi tiết hình thức với quần áo, trang phục cho tới những thói quen, sở thích hằng ngày khi tác giả để cho Hoàng đế Quang Trung mặc “trang phục thể thao màu đen với những sọc trắng”(227), uống bia lạnh và trà đá; vị vua sáng lập triều Nguyễn chọn ăn chả rươi Ô Quan Chưởng, phở gà ở nhà hàng số 1 Hàng Điếu, uống “cà phê, thứ nước ban đầu ông cũng không quen nhưng uống nhiều thì thấy thú vị” (227); gã lùn, thuộc hạ của ngài thì nham nhở “gọi một chai bia ướp lạnh và cầm luôn chai để uống” (227)! Sự “hiện tại hóa” những hình bóng quá khứ không dừng lại ở những yếu tố bên ngoài mà chủ yếu thể hiện trong sự rã rời của chất cổ điển (vốn chỉ có “mùa”!) bởi sức mạnh chi phối không thể chống đỡ của văn minh hiện đại. Đó là sự tan nát rã rời cái uy quyền tuyệt đối của các vị Hoàng đế uy danh lừng lẫy thế kỷ XVIII khi phải hóa thân trong những hình bóng “hồn Trương Ba da hàng thịt”, ở nhờ hiện tại, bị hiện tại đồng hóa, chi phối; luôn ấm ức phản ứng với hiện tại nhưng cũng luôn phải thỏa hiệp bất đắc dĩ với những góc khuất của hiện tại; mọi phản ứng với hiện tại chỉ là vài trò tiểu nhân vặt vãnh như cho thuộc hạ đi bắt cóc người của đối phương; cho chim, sóc phóng uế, quấy rối những kẻ dám phản kháng; thậm chí trực tiếp trộm đồ (Nguyễn Ánh lấy của Uông cây bút máy và cuốn sách; Nguyễn Huệ lấy của anh con dao Mèo)...! Sự khó chịu đầy cam chịu của Nguyễn Huệ cũng hiện qua chi tiết: “Người đàn ông cau mày khi người con gái xưng tên trong khi nói chuyện. Ngày xưa thì ai được phép như thế, nhưng bây giờ thì không giống xưa”(34). Hoặc khi nói về Đinh Văn Nho cùng những bài báo “hai mang” của anh ta, Nguyễn Huệ cũng phải thừa nhận với người phụ tá của mình: “Ta hiểu thế khó của bọn chúng nhưng vẫn cần để ý” (363) - “để ý” để kiềm giữ tính “hai mang” chứ không phải ban án tử khi Nho dám viết những bài báo phạm thượng, dù chỉ để cân bằng sau những tụng ca ngưỡng mộ! Hoặc khi nghe về quan niệm của Uông về yếu tố lịch sử trong cuốn tiểu thuyết của anh: “Nếu trong cuốn tiểu thuyết của tôi có phần nào hơi quá thì xin ông lượng thứ” (283), Nguyễn Ánh thấu hiểu và bình thản chấp nhận: “Miễn là đừng bôi nhọ ta. Ta biết văn chương là thế nào” (283). Chi tiết này ít nhiều thể hiện quan niệm của tác giả cuốn sách về sự hư cấu khách quan trong tiểu thuyết lịch sử, hoặc tiểu thuyết có yếu tố lịch sử - có thể phơi bày chân thực những vết nhọ có thật của quá khứ, chỉ đừng bôi bẩn hay tô vẽ quá khứ theo nhu cầu của hiện tại! Đặt mình vào vai người ở nhờ hiện tại, khi sai gã lùn đi gặp nhà văn Uông để chất vấn anh về quan điểm khi cuốn tiểu thuyết Hà Nội những mùa cổ điển, Nguyễn Ánh cũng căn dặn gã: “Đừng để người ta nghĩ chúng ta là những kẻ lỗ mãng...”, và gã lùn đã phục tùng khi bẩm lại: “... tôi đã làm xong việc theo ý ngài, một cách văn minh vừa phải.” (136). Và những cuộc quyết đấu giữa hai vị Hoàng đế uy nghi lừng lẫy một thời, giờ cũng khá... mất vệ sinh bởi sự tham dự của “đàn ruồi khổng lồ”, cơn mưa “bùn loãng, màu đỏ như máu, mùi tanh lợm” (388) và hàng triệu triệu con châu chấu “bám chặt, quấy nhiễu, đạp càng, quật cánh, phóng uế...” (389)!

Cuốn sách viết về cái hôm nay đang tiếp diễn, tác giả chỉ mượn hai nhân vật lịch sử, đặt họ vào nhịp sống hiện tại, đặng soi chiếu hiện tại chân thực hơn, từ cách con người hôm nay sáng tác, ăn uống, yêu đương, hành xử... tới cách họ đánh giá quá khứ, sự đánh giá phần nhiều không xuất phát từ quá khứ mà từ nhu cầu của hiện tại, tuân thủ sự khắc nghiệt của hiện tại!

Với tiểu thuyết Hồ Quý Ly của Nguyễn Xuân Khánh, Bão táp triều Trần của Hoàng Quốc Hải, Từ Dụ Thái hậu của Trần Thùy Mai... các tác giả đặt nhân vật lịch sử vào đúng quá khứ cổ kính, thiêng liêng họ từng sống, tái hiện bản chất lịch sử theo quan điểm, cách nhìn, cách cắt nghĩa, lý giải, phản ánh của hiện tại. Hà Nội những mùa cổ điển của Uông Triều có sự khác biệt cơ bản với những tiểu thuyết lịch sử trên, đó là cuốn sách viết về cái hôm nay đang tiếp diễn, tác giả cuốn sách chỉ mượn hai nhân vật lịch sử, đặt họ vào nhịp sống hiện tại, đặng soi chiếu hiện tại chân thực hơn, từ cách con người hôm nay sáng tác, ăn uống, yêu đương, hành xử... tới cách họ đánh giá quá khứ, sự đánh giá phần nhiều không xuất phát từ quá khứ mà từ nhu cầu của hiện tại, tuân thủ sự khắc nghiệt của hiện tại!

Có thể nói về cái hôm nay trong những chi tiết đời thường quen thuộc mà nhức nhối như tắc đường, kẹt xe, rồi sự thờ ơ vô cảm của một đám đông rất mực hiếu kỳ khi “... xe cấp cứu đã đến phố Phan Đình Phùng và có khi chết cứng không nhúc nhích được. Tiếng còi hú tuyệt vọng. Ở miệng hố, các loại điện thoại vẫn hau háu chĩa xuống cái hố đã tối đen” (7); hoặc chi tiết Uông “nhìn thấy một cô gái rơi xuống hố và lạ thay, người ta không tìm thấy cô ấy”, và kinh ngạc bởi đó là “chuyện động trời mà cư dân thành phố thấy cũng như không” (25). Có khi chỉ là một thông tin mang sắc thái trung tính nhưng sự bình luận đã mặc nhiên hiện hữu ngay trong dòng thông tin: “Mộ của Vũ Trọng Phụng ở nghĩa địa Quán Dền - Nhân Chính gần phố Nguyễn Tuân và người ta có ý định dời đi vì chủ trương không để nghĩa địa trong thành phố” (36). Những thông tin thời sự quốc tế cũng được cập nhật đồng thời với từng đoạn kết cục của những cuộc bút chiến không ngưng nghỉ trên Facebook: “Còn chiến sự ở Ukraine, anh đã hủy kết bạn với một số người trên facebook vì bất đồng quan điểm về cuộc chiến này, như ý anh thì người ta không có lý do chính đáng để gây ra chiến tranh” (57).

Một nét đặc biệt trong tác phẩm có thể gây chú ý cho người đọc, đó là những chi tiết ghi chép tỉ mỉ, cụ thể về thời gian, địa điểm, giá tiền... cho những sinh hoạt đời thường, hoặc hẹn hò của những người yêu nhau, hoặc cuộc gặp của những cựu thù... Rất nhiều đoạn văn tạo bởi những chi tiết xác thực, mang đặc điểm của phong cách hiện thực: “Bữa ăn đến 9 giờ tối thì kết thúc, chai rượu 750ml cạn đáy. Thanh toán xong rồi, Hiếu gọi taxi để đón mình và Quyên, còn Uông vẫn đi xe máy được, anh quyết đinh đến nhà Vân.” (143) hoặc “Đó là một quán phở bò kiểu Nam Định [...] trong khi các các quán phở khác ba mươi đến bốn mươi nghìn một bát thì đây chỉ hai mươi lăm nghìn. Uông thường gọi bát ba mươi nghìn...” (216). Phải chăng đây là cách tác giả làm mờ chất ước lệ của chủ nghĩa cổ điển, hoặc giễu nhại nét tâm lý khá thời thượng của một lớp người hối hả mưu sinh, kiếm sống, yêu đương... trong guồng quay hiện đại, tuân thủ nó, tạo lập nó, vật vã trong nó, mặt khác lại thích hưởng những thú vui “cổ điển” khả dĩ đem lại cảm giác thanh cao, tự tại, tạo ảo giác như đang trong điệu sống nhịp nhàng, êm ả tựa thời quá vãng!

"Cái hôm nay" trong tiểu thuyết "Hà Nội những mùa cổ điển"
Nhà văn Uông Triều. Ảnh: NVCC.

Những tương tác bất đắc dĩ của hai nhân vật lịch sử với con người thời hiện đại, đặc biệt với Uông không chỉ nhằm tái hiện chân thực nhiều góc cạnh khi nhem nhuốc, khi bẽ bàng của cuộc sống thời hiện đại mà còn giúp tác giả bộc lộ nhiều quan điểm về lịch sử, về nghề báo, nghề văn... Dù không ai đồng nhất nhân vật Uông với tác giả Uông Triều, bất chấp nửa cái tên “huyền thoại” cùng những chi tiết trùng hợp về công việc, nơi làm việc, những cuốn sách đã viết, và thậm chí cả tên một nhà văn thời tiền chiến được tác giả ngưỡng mộ..., nhưng tất nhiên cũng không ai không nhận ra một phần nhà văn Uông Triều thấp thoáng trong những quan điểm, cách nhìn, cách sống, cách viết của nhân vật Uông!

Khi Uông, nhân vật người kể chuyện cũng là một nhà văn làm việc trong một cơ quan báo chí tên tuổi thì mạch truyện đương nhiên sẽ phản ánh chân thực nhiều ngóc ngách của báo chí đương đại. Đây là những phát ngôn và quan điểm của ông Tổng biên tập khi phải lựa chọn giữa những bài báo sắc sảo, quyết liệt với những bài viết nhạt nhẽo, an toàn: “Chúng ta đang yên lành, tôi muốn duy trì sự yên lành” (77); “Tổng biên tập bảo thời nay làm báo phải mềm dẻo thì mới sống được. Việc của ông là viết, việc của chúng tôi là in, không phải quan tâm nhiều” (100); thậm chí để được lòng cả hai phe, Trưởng phòng Châu và sau đó là Tổng biên tập đã thống nhất giải pháp: “Bài ca ngợi Nguyễn Huệ thì đã có rồi, không phải sửa gì nữa. Giờ đặt anh ta viết một bài lật ngược để ca ngợi Nguyễn Ánh, phủ nhận những gì anh ta đã nói ở bài bên kia” (95). Chi tiết này có thể liên tưởng tới tiểu thuyết Ruồi Trâu của Ethel Lilian Voynich, nhân vật chính (Ruồi Trâu) tấn công Hồng y giáo chủ Motaneli bằng cách một mình tạo ra cuộc bút chiến với loạt bài viết công kích rồi lại tiếp loạt bài bênh vực... Tuy nhiên, nếu các bài viết của Ruồi Trâu là việc làm thông minh, quyết liệt nhằm lôi kéo sự chú ý của công luận, phơi bày chân tướng của Giáo hội mà Motaneli có thể coi là người đại diện thì những bài viết “hai mang” theo lệnh Tổng biên tập của Tiến sĩ Đinh Văn Nho hôm nay lại là sự lươn lẹo, hèn hạ, tiểu nhân, hoàn toàn chỉ vì an toàn và danh lợi.

Thực tế đáng xấu hổ của báo chí khi đặt an toàn và lợi ích lên trên tính trung thực, khách quan của thông tin cũng được Trưởng ban Châu khẳng định: “Tạp chí cần phải dung hòa các lợi ích, không quá tả hoặc quá hữu, vì còn có cấp trên soi xét và bạn đọc nhìn vào. Làm phật ý cấp trên không được và đi ngược lại sự mong chờ của bạn đọc cũng không nên.” (93)

Tiến sĩ Sử học Đinh Văn Nho là nhân vật được miêu tả đầy đặn, công phu trong một diễn biến tâm lý và hành xử theo hướng tha hóa khá thảm hại. Lúc đầu, anh ta là tác giả của loạt bài báo viết về Tây Sơn Nguyễn Huệ theo quan điểm chính thống; khi bị thuộc hạ Nguyễn Ánh dằn mặt, anh ta vẫn gắng bình tĩnh nói: “Tôi là người nghiên cứu, tôi viết bài dựa vào những căn cứ khoa học, chứng cứ lịch sử” (53); thậm chí khi chút hơi men, Nho còn văng tục và khẳng định không “bẻ cong ngòi bút” (85); nhưng sau khi nhận nhiều sự “bảo ban” nặng tay (49) của thuộc hạ Nguyễn Ánh, nhất là khi nhận được những món nhuận bút nặng túi tương ứng với những bài viết “hai mang” từ Tòa soạn, rồi khoản thưởng gấp ba lần nhuận bút từ gã lùn, “Tinh thần khách quan khoa học của Đinh Văn Nho bị lung lay vì tiền bạc và những thế lực bên ngoài” (235), dù anh vẫn bị dằn vặt khi chia sẻ với vợ: “Như thế thì khốn nạn quá nhưng biết làm thế nào. Anh biết có thằng viết báo chửi cả hai phe và ăn tiền hai mang” (193). Sau cùng, Nho đã quyết định thay áo trở cờ không phải với Nguyễn Huệ hay Nguyễn Ánh mà là phản bội lại chính điều anh ta đã từng tin là nguyên tắc sống của mình. Chi tiết Nho ném xác con gà cảnh cáo của phe Nguyễn Huệ xuống sông Tô Lịch có thể coi như một bước trượt căn bản trong nhân cách khoa học của anh ta: “Sông Tô Lịch đã được xây bờ kè nhiều năm nay nhưng bị ô nhiễm rất nặng, bây giờ vứt thêm con gà xuống thì dòng nước càng bốc mùi.[...], một cái xác gà thì ăn thua gì, dòng Tô Lịch đã đen đặc thế kia, cũng như mình viết thêm bài báo rởm thì ai để ý” (196) - đây là nét tâm lý quen thuộc của con người: vứt thêm một túi rác xuống mặt đường đầy rác, viết thêm một bài báo “khốn nạn” (193) giữa một thế giới không ít sự khốn nạn, ai biết, ai hay, ngoại trừ lương tâm mình, mà nếu lương tâm đã ngủ yên trong sự an toàn và quyền lợi thì những hành vi “xả rác” ấy sẽ thật nhẹ nhõm, dễ dàng! Đây cũng là nét tâm lý gần gũi với một quan niệm đúng tới đê tiện: Trong thế giới người gù, kẻ thẳng lưng là khuyết tật! Sự dằn vặt trong tâm trí Nho cũng tựa như nỗi xấu hổ của những người không may bị trượt chân, lấm bẩn, thường chỉ có ở lần đầu; sau này, Nho tự tin nói với thuộc hạ Nguyễn Ánh: “Tôi viết được nhiều giọng điệu khác nhau, miễn là người ta đặt bài” (169); thản nhiên bày tỏ với Uông: “Ông không phải lo, tôi là dân viết chuyên nghiệp rồi, bài này quá dễ, chỗ nào bài trước chửi thì bài sau khen” (102); hân hoan như tìm ra lối sống mới: “Tôi viết cho cả hai phe, tôi ca ngợi cả hai, tôi chơi trò hai mang, như thế là ổn nhất” (237). Cuối cùng, tất cả sự nghiệp nghiên cứu, năng lực học thuật của Nho dành cho sự tráo trở của học thuật: “Nho mở máy tính và gần như lập tức viết được ngay, các luận điểm về Nguyễn Huệ và Nguyễn Ánh, anh ta gần như đã thuộc lòng. Giờ chỉ lật ngược lại vấn đề, có cái nhìn khác là xong một bài viết khoảng ba nghìn chữ in trên tạp chí. Nho viết vừa để kiếm ăn vừa để khẳng định học thuật của mình, anh là một trong những chuyên gia hàng đầu về Tây Sơn...” (97); và quá trình tha hóa của một nhân cách đã hoàn tất khi Nho “học được thói quen biết điều khi khách hàng yêu cầu. Khách hàng luôn luôn đúng...” (346), bởi theo Nho, nỗi nhục lớn nhất của con người không phải là đánh mất mình, là phản bội tưởng khoa học của mình, mà là tiền, “Không có tiền thì nhục lắm” (174).

Đặt điểm nhìn từ nhân vật Uông, tác giả cuốn sách cũng giúp người đọc nhận chân thực trạng viết lách ngày hôm nay, nhất là những bài báo, bài thơ, cuốn sách viết theo đặt hàng của một địa phương, cơ quan, tập đoàn, tổ chức nào đó! Với những đề tài mà người viết rất khó có cảm hứng thực, anh ta phải dùng kỹ năng, xảo ngôn từ thay thế, “Những bài viết kiểu này không đòi hỏi cao về kỹ thuật, nó chỉ cần sự mềm mại tương đối, một giọng điệu trung tính và nội dung chủ yếu là đưa ra những nét tích cực của doanh nghiệp” (258); “Cái khó là viết sao cho mềm mại dễ đọc, người ta thích các nhà văn viết chính vì sự uyển chuyển tinh tế này” (239); sự “uyển chuyển tinh tế” sẽ giúp các cơ sở đặt hàng có danh, người viết có lợi, vẹn cả đôi đường! Vạn nhất lương tri nghề nghiệp của người viết mà thức dậy, họ sẽ biết cách ru yên nó với lập luận: “Việc viết lách ấy không phạm pháp, cũng không có gì xấu hổ vì quan hệ xã hội và các việc liên quan, đôi khi người ta phải thỏa hiệp và mềm dẻo một chút” (259). Quan niệm: “Một tờ báo thà rằng hơi nhàn nhạt còn hơn bị xóa sổ ngay tức khắc” (272) đưa tới tiêu chí đánh giá: “Bài thế là ổn, không đặc sắc cũng không nhạt nhẽo, có thông tin hữu ích cho người đọc” (296); và hậu quả là người đọc ng ngày thụ hưởng những món ăn tinh thần nhàn nhạt, vô thưởng vô phạt và vô vị!

Hình ảnh nhà văn Khái Hưng xuất hiện như một biểu tượng cho cái đẹp lãng tử của nghệ thuật, và chi tiết ông cứu sống Uông phải chăng là minh chứng cho chân lý: “Cái đẹp cứu rỗi thế giới” (Dostoevsky)!

Nếu những góc nhìn về kiểu viết theo đơn đặt hàng là sự phản ánh chân thực thực trạng của một bộ phận không nhỏ người viết hôm nay thì thái độ của Uông khi rút ruột viết những tác phẩm máu thịt của mình lại là cách để tác giả Uông Triều thể hiện quan niệm về bản lĩnh, nhân cách người cầm bút. Là nhà văn trung thực, một người “làm nghề và có trách nhiệm” (386), Uông khó tránh được tai ương từ nghề khi những trang viết của anh “đụng chạm đến người khác, chạm đến những chỗ anh không được phép” (387). Như thi sĩ Phùng Quán từng so sánh: “Người làm xiếc đi dây rất khó/ Nhưng chưa khó bằng làm nhà văn/ Đi trọn đời trên con đường chân thật”, Uông cũng ý thức sâu sắc sự chênh vênh, nguy hiểm của nghề: “viết về lịch sử vừa khó, vừa nhạy cảm. Nhà văn phải đi trên dây nếu muốn tác phẩm của mình cá tính. Đôi khi anh ta sợ hãi nếu người chết đội mồ sống lại và phản đối những gì anh ta viết. Và công chúng nữa, là một thế lực rất đáng gờm” (282). Bất chấp mọi đe dọa vô hình hay những ràng buộc hữu hình, Uông vẫn quyết liệt: “Nhưng anh không thể không viết. Anh là nhà văn, anh quyết viết theo tư tưởng của mình dù có nguy hiểm thế nào” (378). Đặt mình vào vai trò một chứng nhân lịch sử trong màn quyết đấu giữa Nguyễn Huệ và Nguyễn Ánh ở cuối truyện, Uông như rơi vào trạng thái mê sảng khi cố gắng truy đuổi, kết nối các chi tiết mang “dấu vết” thực nhất với lịch sử và với “cảm nhận” của mình, anh mê man trong những tác động mãnh liệt của “tưởng tượng”, anh “viết như cuồng” (392) theo sự mách bảo, dẫn dụ minh triết tự cõi vô thức thâm u... Tuân thủ sự khắc nghiệt của nghề bằng tính trung thực của người làm nghề, Uông đã đưa ra thông điệp khẳng khái, đanh thép và chấp nhận trả giá: “Tôi không đứng về phe nào cả. Tôi là tôi”(393)! Các chi tiết Quyên dùng “cây bút máy ngòi vàng nhọn hoắt” làm “mũi phi tiêu uy lực”(391) tấn công Hiếu; Thúy dùng “cây sáo đồng”(392) uy hiếp Uông... gợi liên tưởng về sức mạnh của những trang viết khi con người trong thế giới hiện đại có thể làm hại nhau nhau bằng “bút máu” (Vũ Hạnh). Hình ảnh nhà văn Khái Hưng “mặc áo vét đen, đội mũ quả dưa [...] cầm cây ba toong” (393) xuất hiện như một biểu tượng cho cái đẹp lãng tử của nghệ thuật, và chi tiết ông dùng “cái ba toong [...] đánh cây sáo chệch mục tiêu” (393), cứu sống Uông phải chăng là minh chứng cho chân lý: “Cái đẹp cứu rỗi thế giới” (Dostoevsky)!

Với mạch truyện xoay quanh hai nhân vật lịch sử, tác phẩm mặc nhiên thể hiện quan điểm của nhà văn về lịch sử cùng các vấn đề, các nhân vật thời quá khứ. Khi “lịch sử là một người câm đi mất” thì hoài nghi khoa học là phẩm chất cần thiết bởi “đến lịch sử ghi trong sách chính thống còn chưa tin được.” (317); các xu hướng đánh giá khác nhau với quá khứ cũng được lý giải thấu đáo: “Không ai bóp méo lịch sử cả, chỉ có bên này nhìn phía bên kia theo cách của họ và ngược lại... Cùng một nhân vật lịch sử nhưng người ta sẽ nhìn nhận khác nhau tùy theo vị trí và quan điểm của mình” (358). Và người đọc nhận ra cố gắng điều chỉnh sự sai lạc, cực đoan, phiến diện của chính sử qua cái giật mình và tự vấn day dứt của nhân vật Uông: “Tại sao anh gọi Quân lùn là “gã” trong khi phía bên kia, đối với Thúy, anh lại gọi là “cô”? Có phải trong tiềm thức, anh coi trọng những người của Nguyễn Huệ và trợ thủ của ông ta, ví dụ Bùi Thị Xuân, Trần Quang Diệu hơn tập đoàn Nguyễn Ánh...” (252); anh nhận ra sự phiến diện hiện hữu ngay trên đường phố: “Sao bây giờ không có một con đường nào đặt tên Gia Long và tượng đài của ông ấy? Còn đâu đâu cũng đều là Nguyễn Huệ, Quang Trung” (53). Từ những chi tiết hữu hình khi Nho ngắm Thành Hoàng Diệu, thấy “bức tường đã có lúc được trát vữa sau đó bị bóc ra, cũng như hai vết đạn đại bác ở Cửa Bắc từng được vá kín rồi lại gỡ ra như nguyên dạng” (236), tác giả đã để vị Tiến sĩ Sử học trăn trở về cách ứng xử của hiện tại với những góc khuất của quá khứ: “Người ta băn khoăn với lịch sử, lưỡng lự trước những mâu thuẫn hoặc định kiến, giấu đi những vết thương hay để nguyên như chúng đã từng” (236). Tác giả để thuộc hạ Nguyễn Ánh chỉ ra một hiện thực quen thuộc nhưng lại chất chứa sự cảnh báo phẫn nộ của quá khứ: “người ta chỉ trích Gia Long [...] nhưng thích tham quan các công trình do ông ta và con cháu ông ta xây dựng, ấy là sự mâu thuẫn và bất công” (134). Tất nhiên, quan niệm ấy chưa hẳn đã là thông điệp, cũng như trước đây, Nguyễn Huy Tưởng bối rối về mâu thuẫn giữa giá trị muôn đời của những lâu đài “bền vững như trăng sao” với cái giá mà người dân thời đó phải trả cho sự muôn đời: “Than ôi, Như Tô phải hay những kẻ giết Như Tô phải? Ta chẳng biết. Cầm bút chẳng qua cùng một bệnh với Đan Thiềm.”

"Cái hôm nay" trong tiểu thuyết "Hà Nội những mùa cổ điển"
Nhà văn Uông Triều - Ảnh: NVCC.

Đánh giá về hai vị Hoàng đế thế kỷ XVIII, nhân vật Uông có quan niệm khá trung dung, (mà sự trung dung thường gần nhất với chân lý): “Nguyễn Huệ có công đánh giặc ngoại xâm còn Nguyễn Ánh có công thống nhất. Đó là những chiến tích lớn, không thể phủ nhận, dù có đứng về phe nào” (133). Tác giả cũng để cho chính Nguyễn Huệ công nhận tầm vóc của Nguyễn Ánh: “Ông ta bị truy đuổi nhiều lần nhưng ông ta không phải kẻ tồi. Đấy là đối thủ xứng tầm với bất cứ ai” (21); để Tiến sĩ Sử học Đinh Văn Nho bị trừng phạt thảm hại khi đang thách thức thuộc hạ của Nguyễn Ánh: “Mặt Nho vênh lên, anh ta ngửa mặt nhổ một bãi nước bọt lên trời, không ngờ bãi nước bọt rơi xuống trúng mặt anh ta.” (85); còn chính thuộc hạ Nguyễn Ánh thì khẳng định thực tế lịch sử: “chủ nhân tôi là người thắng lợi cuối cùng, còn những ai tự cho là kiêu dũng chỉ đi được một đoạn ngắn thôi” (159). Và dù Uông “giật mình” vì thấy mình như vướng vào định kiến, dù anh có đưa ra quan niệm trung dung, nhưng việc sắp xếp các chi tiết trong truyện vẫn làm hé lộ sự ngưỡng mộ của tác giả nghiêng nhiều hơn về nhân vật nào của quá khứ, cho thấy phần nào tác giả đã di chuyển từ định kiến chính thống sang sự thiên kiến của cảm xúc cá nhân ngay trong cố gắng điều chỉnh cách nhìn với quá khứ; có lẽ bởi khi người ta hoàn toàn trung thực với trái tim mình thì rất khó có sự công bằng và khách quan, Uông cũng “cảm thấy ít nhiều mình đã không thật công bằng trong khi viết nhưng liệu người ta có thể khách quan hoàn toàn khi sáng tạo nghệ thuật” (252).

Tôi nhớ khi có người hỏi nhà văn Trần Thị Trường về thể loại cuốn Phố Hoài là tiểu thuyết hư cấu hay sách phi hư cấu (Non-fiction book), chị khẳng định mình không viết Phố Hoài theo thể loại nào cả: “Tôi nghĩ ra thể loại cho tôi cách đây mười năm khi tôi quyết định viết cuốn sách đó”! Tác giả Uông Triều cũng để nhân vật Uông bày tỏ quan niệm: “Uông không viết tiểu thuyết lịch sử, anh viết cảm nhận về nhân vật lịch sử như anh hình dung” (265) - “Tôi nghĩ ra thể loại cho tôi” hoặc “anh viết cảm nhận về nhân vật lịch sử như anh hình dung”, đó là minh chứng cho một trong những quy luật văn chương: nội dung của cảm xúc và hướng triển khai, giải quyết vấn đề mới chính là yếu tố cơ bản quyết định hình thức chứa đựng, chuyển tải nó. Và tôi cho rằng Hà Nội những mùa cổ điển của Uông Triều đã có sự tương hợp tưởng cho những điều nhà văn muốn chia sẻ về cái hôm nay!

Trịnh Thu Tuyết | Báo Văn nghệ

------------

Bài viết cùng chuyên mục:

“Mặt Khác” của Hà Nội Hình ảnh Hà Nội trong truyện ngắn Đặng Nhật Minh Từ Thăng Long tới Hà Nội Nét độc đáo trong "Vua Ngan xóm Hồ" của nhà văn Uông Triều Trong đám tang của mình - Truyện ngắn của nhà văn Uông Triều
Bản tin Văn nghệ: Ra mắt vở kịch thơ "Nữ sĩ Hồ Xuân Hương"

Bản tin Văn nghệ: Ra mắt vở kịch thơ "Nữ sĩ Hồ Xuân Hương"

Baovannghe.vn - Nhà hát Thế Giới Trẻ (thuộc Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP HCM) sẽ công diễn vở "Nữ sĩ Hồ Xuân Hương" vào ngày 24/10 do NSND Trịnh Thúy Mùi - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đạo diễn.
"Cu li không bao giờ khóc" giành giải  FIPRESCI  - Liên hoan điện ảnh mới tại Canada

"Cu li không bao giờ khóc" giành giải FIPRESCI - Liên hoan điện ảnh mới tại Canada

Baovannghe.vn - Sau chiến thắng tại Liên hoan, Phim Cu li không bao giờ khóc cũng đã được ấn định lịch phát hành tại Việt Nam vào ngày 15/11 tới.
Đọc truyện: Thương. Truyện ngắn dự thi của Mai Linh

Đọc truyện: Thương. Truyện ngắn dự thi của Mai Linh

Baovannghe.vn - Giọng đọc: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Bộ GD&ĐT: 5 đối tượng được đề xuất tuyển thẳng vào lớp 10 THPT

Bộ GD&ĐT: 5 đối tượng được đề xuất tuyển thẳng vào lớp 10 THPT

Baovannghe.vn - Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Thông tư ban hành Quy chế tuyển sinh, trong đó có quy định rõ về các đối tượng được tuyển thẳng, được hưởng ưu tiên cộng điểm trong tuyển sinh vào lớp 10
Quốc hội bước sang ngày làm việc thứ 2 Kỳ họp thứ Tám

Quốc hội bước sang ngày làm việc thứ 2 Kỳ họp thứ Tám

Baovannghe.vn- Ngày 22.10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Báo cáo , dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025, Kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 3 năm 2025 – 2027.