Vua Ngan xóm Hồ đánh dấu sự bén duyên với văn học thiếu nhi của nhà văn Uông Triều. Cùng với Ong Béo và Ong Gầy (2022) mới lên kệ sách vào mùa hè này đã cho thấy cái duyên của tác giả đối với thể loại này. Và có thể nói chính nghệ thuật miêu tả loài vật độc đáo tạo nên sự hấp dẫn cho tác phẩm.
Nhà văn Uông Triều thuộc thế hệ 7X thành danh với những truyện ngắn, tiểu thuyết về đề tài lịch sử. Vua Ngan xóm Hồ đánh dấu sự bén duyên của nhà văn với đề tài văn học thiếu nhi. Tác phẩm mới này lôi cuốn người đọc bởi nghệ thuật sử dụng ngôn từ trong miêu tả và cách kể chuyện. Câu chuyện được kể ở ngôi thứ ba, là cách kể phổ biến, kể linh hoạt, tự do những gì diễn ra với nhân vật |
Truyện đồng thoại Vua Ngan xóm Hồ có độ dày hơn 100 trang, chia làm 11 chương đã giành Giải Khát vọng Dế Mèn lần thứ 4 - 2023 do Báo Thể thao và Văn hóa tổ chức. Uông Triều viết cho thiếu nhi trước hết với sự ưu tiên cao nhất là dành cho những đứa con của mình. Khi viết Vua Ngan xóm Hồ, anh không phải tìm kiếm cảm hứng đâu xa mà dựa ngay vào kỷ niệm tuổi thơ đầy ắp về những loài vật nuôi quá đỗi quen thuộc, gần gũi nơi quê nhà như cây cỏ, bùn đất, gà vịt, ngan ngỗng, rắn rết, chó mèo… đa dạng sắc màu, tràn ngập âm thanh.
Đọc Vua Ngan xóm Hồ, độc giả sẽ rất thích thú với nhân vật chính là Vua Ngan, được xây dựng như một bậc trượng phu, một anh hùng bảo vệ sự bình yên cho cuộc sống của cư dân ở xóm Hồ, một ông vua không ngai. Ngoài Vua Ngan hội tụ đủ mọi đức tính tốt đẹp: dũng cảm, cẩn trọng, khiêm nhường, đầy uy lực thì còn có Gà Trống sĩ diện, hay đố kị nhưng có tinh thần nghĩa hiệp; Mái Mơ chải chuốt, tỉ mẩn, chăm lo gia đình; Ngan Tồ ngốc nghếch, dễ thương; Trống Tía tuổi trẻ tài cao; Chó Mực và Mèo Mướp khôn ngoan, lanh lợi…
Nhà văn đã dày công quan sát đời sống các con vật và lựa chọn những chi tiết tiêu biểu để miêu tả. Vì vậy, mỗi nhân vật trong tác phẩm vừa mang những đặc điểm chung giống loài, vừa là những cá thể sinh động. Vua Ngan được miêu tả đi lạch bạch, tốc độ chậm, cần cổ nghển cao, tiếng khàn khàn; Gà Trống đẹp mã, có tiếng gáy dày dặn, rền căng; Mái Mơ sở hữu bộ cánh óng ả, mịn màu nhất, chẳng ai mượt mẩy bằng; Rắn Hổ Mang mốc meo, dài thượt trườn đi như vệt sóng, thổi phì phì đe doạ; Chó Mực con lông đen tuyền, mắt tròn toe hoe nhưng tính tình thì lấc khấc, hay trêu trọc các loài vật khác; Diều Hâu là kẻ săn mồi đáng sợ, ưu thế ở trên cao, tốc độ nhanh, mắt tinh như ống nhòm, mỏ cứng như thép và móng vuốt như lưỡi câu; Mèo Mướp đỏm dáng, ngày nào cũng liếm láp chăm chút bộ lông mịn tơ và khuôn mặt kiêu kì của mình.
Khi miêu tả loài vật, Uông Triều đã làm cho con vật hiện ra như chính nó trong thực tế. Ngan chỉ thích nằm dưới gốc cây bưởi, thiêm thiếp ngủ, không quá chăm lo đến hình thức như gà. Gà chiếp túm tụm vào nhau so bì cái chân, cái cánh, lúc thì cười cợt nhí nhoé trêu đùa. Mái Mơ no nê rồi thì tìm chỗ để điểm tô bộ lông cánh của mình. Quan sát kỹ lưỡng nên tác giả phát hiện ra Hổ Mang chiến đấu hăng tợn, mổ những cú bạo liệt và liều lĩnh, nhưng khi tìm cách thoái lui thì không vươn đầu quá cao, xuyên bạo qua bụi gai, trườn đi rất nhanh. Cá Trê đầu cứng như đá, nổi tiếng với cú đánh ngạnh sắc kinh hoàng, nhưng phần bụng thì non nhão. Chó Mực gặm chặt vào cái đuôi đang mọc lông của Ngan Tồ và cứ thế kéo ngược rồi khoái chá thả lỏng cho Tồ đi vài bước rồi cậu ta lại nhằn đuôi Tồ kéo lùi trở lại.
Bìa sách Vua Ngan xóm Hồ |
Uông Triều không những quan sát các con vật bằng tất cả các giác quan hết sức kỹ lưỡng, từ hình dáng bên ngoài, đến từng chi tiết, hoạt động, thói quen mà còn khéo léo chọn góc nhìn phù hợp để khắc họa nhân vật hợp với cái nhìn trong trẻo, thơ ngây đầy khám phá của thiếu nhi. Các con vật được nhân hóa, miêu tả vừa đúng đặc điểm tự nhiên vừa gửi gắm vào đó tính cách của con người, có hành động, ngôn ngữ được đặt trong những mối quan hệ giống xã hội loài người. Với vợ, Vua Ngan là người chồng mẫu mực, chung thuỷ. Với các con, Vua Ngan là người cha nhẹ nhàng, hết mực yêu thương, dạy dỗ. Với công dân xóm Hồ, Vua Ngan đối xử công bằng, có trách nhiệm, giữ gìn mối đoàn kết.
Các nhân vật có đời sống nội tâm phong phú, có tâm tư, khát vọng và cả những toan tính đời thường khiến từng câu chuyện nhỏ đều mang đậm hơi thở cuộc sống, không hề nhàm chán. Anh Trống ghen tị với Vua Ngan, hay hoạnh hoẹ Trống Choai nhưng khi cần chống lại kẻ thù thì rất hợp tác, thậm chí sẵn sàng chiến đấu, hi sinh cả tính mạng của mình. Cậu Mực và cô Mướp tranh công nhau bắt chuột để được nhà chủ ghi nhận, khen thưởng. Chị Mái Mơ sau khi chồng mất thì mong muốn có người bầu bạn san sẻ, cùng gánh vác việc chăm sóc gia đình nên tái giá với Trống Tía kém mình nhiều tuổi.
Vua Ngan xóm Hồ lôi cuốn người đọc bởi nghệ thuật sử dụng ngôn từ trong miêu tả và cách kể chuyện. Câu chuyện được kể ở ngôi thứ ba, là cách kể phổ biến, kể linh hoạt, tự do những gì diễn ra với nhân vật. Giọng kể chuyện luôn luôn thay đổi, có lúc duyên dáng hóm hỉnh, có lúc châm biếm, nhạo báng sâu cay, có chỗ là ngòi bút trữ tình đằm thắm. Uông Triều đã sử dụng thành công những đại từ xưng hô để gọi các nhân vật của mình, vẽ nên một bức tranh xã hội sinh động và thể hiện được cách đánh giá của từng đối tượng với nhau: Vua Ngan, anh Gà Trống, chị Mái Mơ, lão Rắn Hổ Mang, cậu Mực, cô Mướp, gã Chồn, tay Diều Hâu, bọn gà chiếp…
Đặc biệt, nhà văn đã tạo ra một hệ thống ngôn ngữ giàu có và sáng tạo để xây dựng những chân dung nhân vật - loài vật không lặp lại mình. Trong đó phải nói đến giá trị của những từ láy gợi hình, gợi cảm khắc họa nhân vật một cách sống động. Người đọc sẽ cảm thấy vô cùng thú vị khi phát hiện ra một số từ ngữ mới lạ, chưa gặp bao giờ nhưng lại vẫn hiểu được nghĩa, hợp lý đến tài tình. Chẳng hạn như: “Cư dân xóm Hồ quýnh quýt đỡ thằng Tồ khỏi lưng ngan bố” (từ quýnh quýt); “Mực vẫn chưa bỏ được tính lớt cớt, nhí nhả của mình” (từ lớt cớt, nhí nhả); “Bà mẹ khốn khổ ấy rú rít, run cầm cập, không đủ dũng khí đánh lại Diều Hâu” (từ rú rít); “Cậu Mực đã bớt ngương ngang nhưng thấy cô Mèo về thì không ưa lắm” (từ ngương ngang)…
Vua Ngan xóm Hồ chính là nỗ lực của nhà văn Uông Triều, góp phần tích cực trong việc lấy lại vị thế của nhà văn Việt Nam đang bị yếu thế ở mảng văn học thiếu nhi. Tác phẩm mang đặc trưng hồn cốt dân tộc không những khéo léo thể hiện các bài học giáo dục đạo đức qua bút pháp miêu tả loài vật tinh diệu mà còn giúp các bạn nhỏ nâng cao khả năng đọc, viết, vận dụng cách sử dụng từ ngữ, câu văn, trau dồi khả năng cảm thụ qua đó giữ gìn và phát huy sự giàu đẹp, trong sáng của tiếng Việt. Bởi vậy tác phẩm giống như một món ăn tinh thần ngon, hiện đại nhưng thuần Việt và đậm vị truyền thống không chỉ dành riêng cho trẻ em mà còn cho cả tất cả những ai muốn “xin một vé đi về tuổi thơ”.
Trà Đông |Báo Văn Nghệ