Diễn đàn lý luận

Hình ảnh Hà Nội trong truyện ngắn Đặng Nhật Minh

Lê Thị Dương
Lý luận phê bình
15:00 | 08/10/2024
Baovannghe.vn - Nghệ sĩ Nhân dân - đạo diễn Đặng Nhật Minh sinh ra ở Huế (1938), nhưng phần lớn cuộc đời ông gắn bó với Hà Nội. Sống giữa Hà Nội, sống với Hà Nội, Đặng Nhật Minh đã chứng kiến những thăng trầm, biến đổi của thành phố này. Sự gắn bó giữa Đặng Nhật Minh với Hà Nội được chính ông hình dung như tình ruột thịt. Điều này lí giải vì sao Hà Nội hiện diện trong nhiều tác phẩm của ông từ văn chương đến điện ảnh.
aa

Nghệ sĩ Nhân dân - đạo diễn Đặng Nhật Minh sinh ra ở Huế (1938), nhưng phần lớn cuộc đời ông gắn bó với Hà Nội. Sống giữa Hà Nội, sống với Hà Nội, Đặng Nhật Minh đã chứng kiến những thăng trầm, biến đổi của thành phố này. Sự gắn bó giữa Đặng Nhật Minh với Hà Nội được chính ông hình dung như tình ruột thịt. Điều này lí giải vì sao Hà Nội hiện diện trong nhiều tác phẩm của ông từ văn chương đến điện ảnh.

Trên thực tế, đa phần khán giả sẽ quen thuộc với Đặng Nhật Minh trong vai trò đạo diễn hơn là một Đặng Nhật Minh - nhà văn. Nhưng với những ai theo dõi sự nghiệp điện ảnh của tác giả này đều không thể phủ nhận, ở Đặng Nhật Minh, con người văn chương và con người điện ảnh luôn đồng hành, thậm chí đan bện vào nhau một cách chặt chẽ. Điện ảnh Đặng Nhật Minh là điện ảnh được kiến tạo từ văn học, dựa trên văn học. Phần lớn các nghiên cứu về Đặng Nhật Minh từ trước đến nay đều chủ yếu tập trung vào lĩnh vực điện ảnh, và văn học được xem xét như là yếu tố nội dung của tác phẩm điện ảnh. Trong khi đó, tác phẩm văn học có đời sống riêng, cách kể chuyện riêng của nó và cần được nghiên cứu như một đối tượng độc lập thay vì chỉ nhìn nhận văn học là thành phần tự sự để cấu trúc nên một bộ phim hoàn chỉnh. Bài viết của chúng tôi lựa chọn hướng đi này trên cơ sở khảo sát một số truyện ngắn của ông như Ngôi nhà xưa, Trở về, Nhà điều dưỡng nước khoáng và truyện vừa Hoa nhài. Trong đó ngoại trừ Nhà điều dưỡng nước khoáng, ba truyện còn lại đều đã được chính Đặng Nhật Minh chuyển thể thành phim truyện điện ảnh và trở thành những bộ phim có tiếng vang trong lịch sử điện ảnh Việt Nam. Các tác phẩm này lấy bối cảnh Hà Nội, hoặc kể về cuộc sống của người Hà Nội, hoặc gợi nhắc về Hà Nội ở cả khía cạnh vật chất (không gian, cảnh quan) lẫn tâm lý.

Hình ảnh Hà Nội trong truyện ngắn Đặng Nhật Minh
Nghệ sĩ Nhân dân - đạo diễn Đặng Nhật Minh

Truyện Ngôi nhà xưa dựa trên câu chuyện có thật của gia đình bên nhà vợ ông. Qua lời người kể chuyện xưng Tôi (nhân vật Thủy), truyện tái hiện đời sống Hà Nội từ sau năm 1954. Khi đó gia đình Thủy đang sống yên ổn trong căn nhà hai tầng do cha cô tự xây cất. Cha cô vốn là một luật sư của chế độ cũ, sau 1954, vì “mong muốn được góp sức mình cho sự nghiệp chung, bù lại những ngày đã không làm gì cho kháng chiến” nên ông đồng ý cho Nhà nước thuê lại tầng 1 của ngôi nhà làm trụ sở làm việc. Không lâu sau đó, ông buộc phải cho thuê cả ngôi nhà rồi chuyển đi nơi khác. Cuối cùng, gia đình ông đã không có cơ hội trở về ngôi nhà xưa, vì ông bị liệt vào diện buộc phải cải tạo do có nhà cho thuê trên 120 mét vuông. Ngôi nhà ấy còn liên quan đến số phận người anh trai thứ hai của Thủy tên là Hòa, năm 13 tuổi anh bị ngã từ trên cây ổi trồng trước sân nhà xuống đất, sau đó đầu óc chỉ mãi mãi như một đứa trẻ dù thể xác vẫn lớn lên cùng năm tháng. Anh luôn sống trong những hoài niệm đẹp đẽ về những ngày được sống trong ngôi nhà xưa cùng cả gia đình. Có thể nói Ngôi nhà xưa tuy được kể bằng một giọng điệu hồi ức bình thản, nhẹ nhàng nhưng lại chứa đựng trong đó nỗi xót xa sâu thẳm về một thời kỳ đau khổ của một lớp người Hà Nội như luật sư - Bách cha Thủy. Chính sách cải tạo nhà cửa những năm 60 đã trở thành kí ức buồn đau của cả một thế hệ. Sự biến chuyển của lịch sử, của Hà Nội ở đây được trình hiện một cách khéo léo qua việc mô tả sự thay đổi chủ nhân của ngôi nhà: ban đầu nó được xây dựng bởi một gia đình trí thức trong xã hội cũ, sau đó trở thành sở hữu của Nhà nước, một thời gian sau thuộc về một cán bộ cấp cao, cuối cùng được thuê bởi những vị khách nước ngoài. Truyện ngắn này về sau được chuyển thể thành phim Mùa ổi với một phong cách điện ảnh thơ vừa đẹp đẽ vừa u buồn. Cho đến nay, Mùa ổi vẫn được xem là một kiệt tác của điện ảnh Việt Nam và được công chúng nhiều nước trên thế giới biết đến.

Hình ảnh Hà Nội trong truyện ngắn Đặng Nhật Minh
Bìa sách Ngôi nhà xưa

Tiếp sau Ngôi nhà xưa, truyện Trở về tái hiện phần nào hình ảnh Hà Nội giai đoạn đầu Đổi mới. Truyện kể về Loan - một cô gái gốc Hà Nội vào Nam dạy học. Tại đây cô gặp và yêu Hùng - anh trai của người bạn thân cùng trường. Hùng khi đó đã có gia đình, và buộc phải vượt biên định cư theo sự sắp xếp của cha mẹ. Mối tình ngang trái giữa Loan với Hùng đứt đoạn. Loan sau đó lập gia đình với Tuấn - một tiến sĩ kinh tế vừa từ nước ngoài trở về tìm cơ hội làm ăn. Ba người họ gặp nhau trong tình cảnh trớ trêu khi Hùng và Tuấn tình cờ lại là đối tác của nhau trong một dự án kinh doanh. Hùng thất vọng khi nghĩ rằng Loan đã thay đổi, còn Loan cay đắng nhận ra mình hoàn toàn không phù hợp với quan điểm sống đề cao vật chất của Tuấn. Cô đã quyết định từ bỏ tất cả để trở về nhà, trở về với Hà Nội, cũng có nghĩa là về với sự bình yên, về với chính mình. Câu chuyện này cho thấy sự thay đổi của con người trước những biến động của thời cuộc. Tuy vậy, Loan, với phẩm chất của người con gái Hà Nội, vẫn giữ cho mình sự thủy chung với triết lý sống mà cô lựa chọn. Truyện Trở về tái hiện những khoảnh khắc bình yên của Hà Nội, nhất là ở căn nhà nhỏ của Loan trên phố Bưởi với vườn cây, giếng nước - nơi mà không khí hiện đại hóa chưa kịp len lỏi tới. Đó cũng chính nơi “chữa lành” cho Loan sau những tổn thương trong tình yêu và hôn nhân.

Cùng với Trở về, truyện Nhà điều dưỡng nước khoáng cũng đề cập đến cuộc sống của một lớp người trẻ ở Hà Nội thời kỳ Đổi mới, điển hình là vợ chồng Tuấn Khuê. Dù họ có điều kiện vật chất khá giả nhưng lại nhạt nhẽo trong cuộc sống tinh thần khi mỗi người theo đuổi một suy nghĩ riêng. Nhịp sống hiện đại dường như khiến cho sợi dây tình cảm giữa họ trở nên lỏng lẻo. Điều này cũng có thể nhận thấy qua câu chuyện của một cặp vợ chồng già mà Khuê quen biết khi cô điều trị tại khu điều dưỡng nước khoáng. Họ có ba người con trai, theo lời bà cụ thì “Chúng nó chung tiền nhau đưa chúng tôi lên đây ở. Thỉnh thoảng có cậu út, từ Hà Nội cùng vợ con lên thăm. Còn hai đứa kia làm công ty trong Sài Gòn, chẳng mấy khi ra Hà Nội. Có dịp nào nghỉ lâu chúng nó lại rủ nhau đi du lịch nước ngoài...”(1). Đặng Nhật Minh đã nhận thấy những sự rạn nứt trong mối quan hệ gia đình trong xã hội hiện đại. Ở Nhà điều dưỡng nước khoáng, tác giả còn đề cập đến sự xuất hiện của những không gian mới trong lòng Hà Nội, tương ứng với sự phát triển của đời sống đô thị: “Tuấn cho xe dừng lại trước một hàng ăn ở phố Lý Thường Kiệt - Hà Nội. Một dãy dài ô tô sang trọng đỗ bên hè đường. Đây là nơi ăn trưa của những viên chức làm tại các công ty trong và ngoài nước. Tất cả đều ăn mặc lịch sự. Nam chemise cravatte, đi giày da, xách cặp. Nữ gọn gàng trong những chiếc váy bó sát eo đi giày cao gót mõm nhọn. Một thế giới của tầng lớp được gọi là BOBO (bourgeois bohemien) mới hình thành trong xã hội Việt Nam thời kinh tế thị trường”(2).

Đến truyện Hoa nhài, đây có thể nói là tác phẩm trình hiện sinh động nhất cuộc sống của một Hà Nội thời hiện đại, bao gồm trong đó nhiều không gian phố thị từ bình dân đến sang trọng, từ truyền thống đến hiện đại. Hoa nhài cũng thể hiện một Hà Nội là nơi cộng cư của nhiều số phận, nhiều cảnh đời, qua đó cho thấy quan niệm riêng của Đặng Nhật Minh về người Hà Nội cũng như mối quan hệ giữa nông thôn và thành thị.

Không gian nổi bật nhất cũng là bối cảnh nền cho các hoạt động của nhân vật trong Hoa nhài là vỉa hè, là đường phố. Đọc truyện Hoa nhài, có thể thấy một bộ phận không nhỏ cư dân đô thị mưu sinh trên vỉa hè: vợ chồng bác thợ cạo (chồng cắt tóc, vợ bán quán nước vỉa hè); cậu bé Đức đánh giày trên vỉa hè, các quán ăn nơi vỉa hè. Chính vì xuất phát từ trải nghiệm cá nhân, từ những gì gần gũi thân quen, Đặng Nhật Minh đã “bắt” được những khuôn hình trực quan nhất, tự nhiên nhất, quen thuộc nhất để khắc họa nhịp điệu đời sống hàng ngày nơi vỉa hè. Dưới đây là một số đoạn được trích từ truyện Hoa nhài(3):

“Dưới một gốc cây cổ thụ trên hè phố là nơi hành nghề của một ông thợ cắt tóc già (...). Bên cạnh chỗ bác ngồi cắt tóc không xa là quán nước chè xu của bà vợ, cũng trạc tuổi ông. Đó là một cái quán lưu động. Cái bàn là chiếc thùng xốp đậy nắp. Mặt thùng là mặt bàn. Trên đó bày những lọ kẹo, thuốc lá, nước ngọt, nước khoáng... Bà vợ ngồi sau cái bàn, bên cạnh một cái ấm tích to đựng nước chè đã pha và một khay đựng cốc, chén cùng một chiếc phích nước nóng. Có chừng 6 cái ghế nhựa thấp cho khách ngồi” (tr.5, 7).

“Hiệu phở Cồ Nam Định vốn được người Hà Nội ưa chuộng. Buổi sáng người ta bày thêm ra trên vỉa hè những chiếc bàn nhựa màu xanh chắn cả lối đi lại. Nhưng không ai có vẻ khó chịu điều đó. Có lẽ vì đây là một hiệu phở có tiếng. Những chiếc ô tô đắt tiền đỗ san sát bên hè. Khách đến ăn là những dân sành ăn ở Thủ đô” (tr.16).

Đến một đoạn vỉa hè khác, những dãy bàn dài của khách uống bia ngồi la liệt, cười nói ồn ào” (tr.20).

Những mô tả hết sức chi tiết này cho thấy sự quan sát tỉ mỉ của Đặng Nhật Minh đối với thế giới xung quanh. Hoàn toàn không có hình ảnh nào xa lạ, Đặng Nhật Minh trải ra trước mắt người đọc cuộc sống đời thường của người Hà Nội, khiến cho Hoa nhài hệt như một cuốn phim tư liệu đường phố.

Với truyện Hoa nhài, hình ảnh Hà Nội không chỉ được phác họa qua hệ thống các tiểu không gian (nhà, ngõ, phố, vỉa hè, nhà hàng, quán cà phê, trường dạy nghề, khách sạn) - tức những yếu tố có thể được nhận diện qua quan sát bằng mắt thường, Hà Nội còn được tái hiện ở chiều sâu - qua những câu chuyện về tình người, qua cách nhìn nhận mối quan hệ giữa thành thị với nông thôn.

Trước hết, về mối quan hệ giữa thành thị với nông thôn, Đặng Nhật Minh không nhìn nhận trong sự đối lập như chúng ta vẫn thường thấy trong các nghiên cứu về hai khu vực này, mà coi đó là quan hệ hữu cơ, tương hỗ lẫn nhau. Điều này được thể hiện qua lời bác thợ cạo: “Gia đình ông trước cũng ở nông thôn. Ông nội ông trước kia làm thợ cắt tóc ở trong làng. Sau bỏ ra Hà Nội kiếm sống rồi ở lại luôn thành người Hà Nội. Bố ông cũng làm nghề cắt tóc, rồi truyền nghề cho ông. Bà là người gốc Thanh Trì, lên Hà Nội bán bánh cuốn rồi gặp ông mà thành vợ thành chồng” (tr.54); “Người Hà Nội chẳng qua là người nông thôn ra làm ăn, ở lâu mà thành. Bây giờ sinh viên tốt nghiệp ra trường ai cũng muốn làm ở Hà Nội, cán bộ các tỉnh khi về hưu cũng kéo về Hà Nội ở, thành người Hà Nội cả. Ai cũng là người Hà Nội. Hà Nội bây giờ rộng lắm. Một số bà con người Mường trên Hòa Bình bây giờ cũng là người Hà Nội” (tr.55).

Chính Đức sau nhiều năm tháng mưu sinh ở Hà Nội cũng nhận thấy: “Thành phố đâu có phải là nơi đáng sợ như nhiều người nói! Nó còn là nơi cho những người lang thang cơ nhỡ ra thành thị kiếm sống như mình... và trái lại nông thôn cũng là nơi để người thành thị lui về tìm một chốn yên tĩnh...” (tr.74).

Những người như Đức hay chị hàng xóm di cư từ nông thôn lên thành thị với mong muốn tìm kiếm cơ hội thay đổi cuộc sống cơ cực ở quê nhà. Trong Hoa nhài, Đặng Nhật Minh dành khá nhiều dung lượng để kể về câu chuyện của chị hàng xóm. Vì hoàn cảnh khó khăn, chị lên Hà Nội làm giúp việc, sau đó may mắn tìm được công việc chăm sóc người bệnh ở bệnh viện. Những người như chị không phải thiểu số. Qua nhân vật này, Đặng Nhật Minh gián tiếp đề cập đến cảnh sống bất an của những lao động nhập cư. Họ một mặt tham gia vào cơ cấu lao động ở thành thị, mặt khác phải đối diện với vô vàn khó khăn khi không có tay nghề, thậm chí có thể bị đối xử bất công. Với Đặng Nhật Minh, họ cũng là một phần của Hà Nội. Ngược lại, những người như vợ chồng bác thợ cạo, sau khi khu nhà của họ bị giải tỏa, họ tìm về vùng nông thôn sinh sống. Hai xu hướng trái ngược: ra thành thị tìm việc làm - về nông thôn để ổn định, một mặt phản ánh những xu thế phát triển của xã hội hiện đại, mặt khác là minh chứng cho sự kết nối không thể tách rời giữa nông thôn và thành phố.

Về những câu chuyện của tình người, Hoa nhài đã thể hiện một cách đẹp đẽ và sâu sắc tính nhân văn trong mối quan hệ giữa con người với con người ngay trong sự vận động của xã hội hiện đại. Cậu bé Đức phải bỏ dở việc học ra Hà Nội làm nghề đánh giày để đỡ đần cho mẹ và hai em. Tại đây, Đức được vợ chồng bác thợ cạo cưu mang, sau đó lại được thầy giáo dạy nhạc giới thiệu đến trường Hoa Nhài học nghề làm bánh mì. Từ một cậu bé đánh giày lang thang trên phố, Đức trưởng thành với một nghề nghiệp ổn định, và có cơ hội để giúp đỡ những mảnh đời khác. Tình người lan tỏa trong những sự sẻ chia, yêu thương ngay giữa những người không phải là ruột thịt. Lựa chọn hình ảnh hoa nhài, Đặng Nhật Minh một lần nữa gửi gắm sự trân trọng đối với vẻ đẹp của con người Hà Nội. Có thể nói, với Hoa nhài, Đặng Nhật Minh thực sự hoàn tất hành trình của mình trong văn chương và điện ảnh, để tri ân Hà Nội một cách trọn vẹn.

Nhìn theo chiều lịch đại, Đặng Nhật Minh đã tái hiện lịch sử hiện đại của Hà Nội, từ những năm tháng kháng chiến chống Pháp oanh liệt trong kịch bản Hà Nội mùa đông năm 46, đến thời kỳ cải tạo nhà cửa thập niên 1960 trong Ngôi nhà xưa, sau đó là Hà Nội những năm Đổi mới trong Trở vềNhà điều dưỡng nước khoáng, và cuối cùng, Hà Nội ở thời hiện tại trong Hoa nhài. Nếu truyện Hoa nhài có thể cung cấp cho điện ảnh nhiều bối cảnh thực tế được mô tả theo tư duy thẩm mĩ của cái thường ngày thì Ngôi nhà xưaTrở về lại đem đến những cảm xúc lắng đọng về Hà Nội qua việc đi sâu vào thế giới nội tâm của nhân vật. Đặng Nhật Minh gửi gắm trong các tác phẩm những kí ức và trải nghiệm của chính cá nhân mình gắn liền với các giai đoạn khác nhau của Hà Nội. Như vậy, qua văn học, Đặng Nhật Minh đã trình hiện hình ảnh một Hà Nội đa sắc màu được kiến tạo bởi nhiều yếu tố: sự thăng trầm của lịch sử, sự đa dạng của kí ức văn hóa, sự cộng cư của nhiều thế hệ. Đó cũng là những căn cứ để nghiên cứu về Hà Nội như một biểu tượng từ góc nhìn kí hiệu học văn hóa.

Lê Thị Dương | Báo Văn nghệ

.................

(1). Đặng Nhật Minh, “Nhà điều dưỡng nước khoáng”, in trong tập truyện vừa Hoa nhài, Nxb Dân trí, 2016, tr.91.

(2). Đặng Nhật Minh, “Nhà điều dưỡng nước khoáng”, in trong tập truyện vừa Hoa nhài, Sđd, tr.112.

(3). Các dẫn chứng trích từ truyện “Hoa nhài” được dẫn theo tập truyện vừa Hoa nhài, Sđd.

---------

Bài viết cùng chuyên mục:

Hình ảnh Hà Nội trong tạp văn Nguyễn Ngọc Tiến Cầu Long Biên – dải đăng ten thép giá 6 triệu phơ-răng Câu chuyện cửa ô xưa “Mặt Khác” của Hà Nội Hà Nội ngày về chiến thắng
Với Đào Tấn chuyện đời như kịch

Với Đào Tấn chuyện đời như kịch

Baovannghe.vn - Ngày trước, người viết tuồng có tài trước hết phải là một nhà thơ có tài. Đào Tấn là một nhà thơ có tài. Nhưng như thế chưa đủ. Người viết tuồng có tài còn phải là một đạo diễn có tài, một nghệ sĩ biểu diễn có tài, và một nhạc sĩ có tài nữa.
Nương ngày tháng ta về - Thơ Nguyễn Xuân Sang

Nương ngày tháng ta về - Thơ Nguyễn Xuân Sang

Baovannghe.vn- Những ngày tháng mười một gọi nhau về/ Vỡ òa đong đưa chiếc nôi kỉ niệm
Thời tiết ngày 24/11: Miền Bắc tiếp tục hanh khô, trước khi đón không khí lạnh mạnh

Thời tiết ngày 24/11: Miền Bắc tiếp tục hanh khô, trước khi đón không khí lạnh mạnh

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia thời tiết ngày 24/11 khu vực Bắc bộ duy trì trạng thái nắng hanh, Nam bộ mưa nắng đan xen
Quốc hội thông qua Luật Di sản Văn hóa (sửa đổi) với 9 điểm mới mang tính đột phá

Quốc hội thông qua Luật Di sản Văn hóa (sửa đổi) với 9 điểm mới mang tính đột phá

Baovannghe.vn - Chiều 23/11, tại Kỳ họp thứ Tám Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) với 9 điểm mới so với luật hiện hành.
50 năm sau ngày đất nước thống nhất - Lý luận, phê bình Văn học, nghệ thuật TP.HCM có gì?

50 năm sau ngày đất nước thống nhất - Lý luận, phê bình Văn học, nghệ thuật TP.HCM có gì?

Baovannghe.vn - Toạ đàm “Lý luận, phê bình Văn học, nghệ thuật TP.HCM 50 năm sau ngày đất nước thống nhất: Thực trạng và giải pháp” do Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM tổ chức sáng 23/11