Gắn mác dị bản kinh dị của truyện cổ Tấm Cám và được thực hiện bởi ekip có “số má” trong làng phim hù dọa, phim điện ảnh Cám khiến khán giả trông ngóng dài lâu, nhưng sau cùng làm số đông chưng hửng vì kịch bản nền yếu, cốt mỏng, vẻ ngoài lan man. |
Tự ngàn xưa, gia tộc của lý trưởng bị quỷ Bạch Lão khống chế bằng phép thuật, 10 năm một lần bắt hiến tế một trinh nữ cho hắn chiếm lĩnh linh hồn. Đến một ngày, chính Tấm và Cám cũng không tránh khỏi kiếp nạn trở thành “cống phẩm”. Giữa một thiên kim ái nữ và đứa con ruột mà coi như con ghẻ, lựa chọn của ông Hai Hoàng không khó để đoán ra. Đó cũng là lúc những trần gian ai oán bắt đầu.
Năm 2016, đạo diễn - nhà sản xuất Ngô Thanh Vân từng biến tấu chuyện đời chị em Tấm và Cám qua phim Tấm Cám: Chuyện chưa kể. Kịch bản vừa bám sát nguyên tác vừa thêm thắt chất liệu kỳ ảo, hành động tuy “sạn” không ít nhưng cũng ra dáng một cuốn phim giải trí, ít nhiều gặt hái thành công về mỹ thuật và làm nên bản hit quốc dân Bống bống bang bang ở phần nhạc phim. Điều này cho thấy Tấm Cám hoàn toàn là cốt truyện tiềm năng cho nghệ thuật thứ bảy khai phá.
Có lẽ vì vậy, khi được công bố cách đây hơn hai năm, dự án Cám (tựa cũ là Con Cám) thu hút nhiều sự chú ý. Một tích truyện quá đỗi thân thuộc với bao thế hệ người Việt nay từ câu chữ truyền miệng bước lên màn ảnh, phủ lớp áo mới, nhuốm màu quỷ dị sẽ mang hình hài, phong vị ra sao? Ấy là câu hỏi những người quan tâm văn hóa đại chúng đều muốn sáng tỏ.
Bên cạnh đó, sự lên ngôi của dòng phim kinh dị với chất liệu văn hóa dân gian, truyền thuyết đô thị mấy năm gần đây cũng là nền tảng tốt để Cám có đất phô diễn trên màn ảnh rộng. Gần nhất, Quỷ cẩu với câu chuyện quả báo nhãn tiền liên quan thói quen ăn thịt chó ở miền Bắc hay Ma da dựa theo lời đồn dân gian “ma da kéo giò” ở miền Tây lần lượt vượt doanh thu 108 và 127 tỷ đồng. Những thành tích xán lạn đi trước như thế là sự “mở vía” thuận lợi cho Cám ra rạp gặp khán giả.
Được thực hiện bởi ekip đứng sau loạt phim kinh dị khá ăn khách gồm Bắc kim thang, Chuyện ma gần nhà, Tết ở làng Địa Ngục, Kẻ ăn hồn, phim Cám cũng được kỳ vọng nối dài chất riêng của các nhà sáng tạo trẻ dưới sự dẫn dắt của đạo diễn Trần Hữu Tấn và nhà sản xuất Hoàng Quân.
Với chừng ấy lý do, Cám được mong chờ từ ngày bấm máy cho tới khi loan tin lịch phát hành là điều dễ hiểu. Kỳ vọng, thiện cảm của khán giả giúp phim có sức tiêu thụ tốt ngay khi mở bán vé. Ngày đầu ra mắt, tác phẩm thu về hơn 20 tỷ đồng, trở thành phim kinh dị có doanh thu mở màn cao nhất điện ảnh Việt. Con số này được nâng lên hơn 48 tỷ đồng sau ba ngày, theo ghi nhận của đơn vị độc lập quan sát phòng vé Box Office Vietnam.
Đi qua nửa đầu năm điện ảnh nội địa ảm đạm, phim dở áp đảo phim tốt, thua lỗ thì nhiều, lãi thì ít, Cám mang nhiều tiềm năng để mở ra những tháng cuối năm rực rỡ nơi thánh đường chiếu bóng. Nhưng sau cùng, tác phẩm chưa đáp ứng được trọn vẹn những kỳ vọng công chúng đặt ra, thậm chí gây tranh cãi về nhiều tình tiết.
Hai nữ diễn viên Rima Thanh Vy và Lâm Thanh Mỹ hóa thân chị em Tấm và Cám. Nguồn: Phim Cám |
Giống như loạt phim trước của đạo diễn Trần Hữu Tấn, Cám cuốn hút khán giả trước hết ở mặt hình ảnh đậm tính thẩm mỹ, đảm bảo tính chất phim cổ trang cả về cảnh sắc và trang phục. Khâu hóa trang và kỹ xảo cũng cho thấy sự lên tay của các nhà sáng tạo. Tuy nhiên, xiêm y, mũ mão bề ngoài lộng lẫy đến đâu cũng khó phủ lấp được nội hàm vừa rối vừa rỗng của Cám. Cái cốt lõi nhất của một cuốn phim là kịch bản rốt cuộc hóa thành điểm yếu của tác phẩm.
Câu chuyện ma mị khởi nguồn từ một ý tưởng thú vị, bẻ ngoặt tích cũ, xây đắp quá khứ bi thương của mẹ con Cám để dẫn giải hành xử ác đức của họ sau này. Nhưng thay vì để Cám ôm hận mà hắc hóa, phim cho Bạch Lão đoạt xác Cám rồi đại náo gia tộc. Chuyện diễn biến y chang với Tấm sau này. Với mạch truyện như thế, Bạch Lão xem chừng là nhân vật trung tâm, thâu tóm mọi con người, điều khiển mọi sự việc. Trong khi, Tấm và Cám không đảm bảo vai trò nhân vật chính bởi chẳng hề có biến chuyển tâm tính theo nguyên tắc kịch bản căn bản.
Ngoại trừ Cám và ông Hai Hoàng, hầu hết nhân vật trong phim đều được xây dựng quá mỏng, tính cách mờ nhạt, tâm lý thiếu đồng nhất. Trong khi nhiều chi tiết của Tấm trong truyện cổ tích được “chuyển giao” cho Cám, Tấm trong phim không được bù đắp các tình tiết mới. Ngoài tình thương em vô điều kiện và tính cách mít ướt, nhân vật không được mô tả gì thêm, trở nên một chiều, nhạt nhẽo. Và mặc dù xót xa Cám, Tấm chưa đủ quyết liệt bảo vệ em. Với cách xây dựng nhân vật nông như vậy, diễn viên khó lòng bộc lộ hết sức khả năng diễn xuất.
Cả ngàn năm, Bạch Lão đoạt hồn trinh nữ để tồn tại nhưng với Tấm và Cám, hắn chiếm lĩnh cả thân xác. Lý do dẫn tới khác biệt giữa hai nữ chính với những thiếu nữ còn lại không được làm rõ, gây khó hiểu. Thân thể của cô Tấm có gì vượt trội so với những cô gái trong cùng gia tộc mà khiến Bạch Lão thèm khát đến vậy là điều ai xem xong cũng đặt câu hỏi.
Hàng loạt chi tiết khác trong phim cũng gây chưng hửng như vậy. Thái tử phải lòng Tấm dù chưa hề có khoảnh khắc mắt chạm nhau giữa hai người. Mẹ Cám thường ngày đánh chửi con như kẻ thù bất chợt lo cho an nguy của Cám. Ông Hai Hoàng sai bảo Bờm kết thân rồi lừa gạt Cám mà chẳng rõ động cơ. Mọi hành xử của nhân vật gây cảm giác nhất thời, chộp giật, thiếu vắng sự “gieo mầm” dẫn dắt từ tốn.
Ra mắt đứa con tinh thần thứ sáu trong sự nghiệp, đạo diễn Trần Hữu Tấn khẳng định tình yêu lớn dành cho dòng phim kinh dị, đồng thời chứng minh sự tài tình trong việc xây dựng concept từng tác phẩm. Sức sáng tạo về visual cũng như cách kết hợp văn hóa dân gian trong những câu chuyện của thời đại mới cũng là điều không thể phủ nhận ở nhà làm phim này.
Tuy nhiên, điểm yếu trong kể chuyện của Trần Hữu Tấn chưa được cải thiện qua bằng ấy bộ phim. Tương tự các phim trước, Cám ôm đồm nhiều thông điệp: tính nam độc hại và thân phận nữ nhân thời phong kiến, lời nói và hành xử tàn nhẫn của gia đình, xã hội tác động tiêu cực đến người trẻ. Song, không thông điệp nào được truyền tải đến nơi đến chốn. Phim dài lê thê do sa đà vào các tình huống gây hù dọa, trong khi bỏ rỗng phần tâm lý nhân vật.
Không thỏa mãn kỳ vọng của phim là một nhẽ, Cám còn gây tranh cãi với cảnh tượng Tấm (khi bị Bạch Lão ngự trị) bước lên khỏi hồ sen và để lộ thân thể trần trụi gợi cảm. Một bộ phận khán giả đánh giá chi tiết này thừa thãi trong mạch truyện. Số khác thậm chí đánh giá hình ảnh phản cảm, nặng tính câu dẫn.
Nhìn nhận tổng thể, Cám được đầu tư kỳ công, thực hiện nghiêm túc. Tuy nhiên, kỳ vọng dài lâu của khán giả khó lòng cứu chữa quá nhiều lỗ hổng trong phim. Cám thu hơn 79 tỷ đồng sau 10 ngày trụ rạp, tốc độ chinh phục cột mốc trăm tỷ có lẽ sẽ rất chậm.
--------
Bài viết cùng chuyên mục: