Diễn đàn lý luận

Thương nhớ Võ Tòng Xuân

Trình Quang Phú
Chân dung văn học
15:00 | 24/10/2024
Baovannghe.vn - Tôi gặp Võ Tòng Xuân ở Đại hội 5 của đội ngũ trí thức khoa học công nghệ, cả hai chúng tôi được bầu vào Đoàn Chủ tịch Hội đồng Trung ương.
aa

Tôi gặp Võ Tòng Xuân ở Đại hội 5 của đội ngũ trí thức khoa học công nghệ, cả hai chúng tôi được bầu vào Đoàn Chủ tịch Hội đồng Trung ương. Sau đó, tôi và anh được phân công tham gia Ban công tác phía Nam do tôi làm Trưởng ban. Lúc ấy, Nam Bộ còn nhiều tỉnh chưa thành lập Liên hiệp Khoa học và Kỹ thuật cấp tỉnh, tôi và anh phải đến các tỉnh vận động và xây dựng phong trào. Anh Xuân với tôi cùng tuổi con rồng, chúng tôi thân nhau, gần nhau từ những ngày ấy đến nay đã gần một phần tư thế kỷ. Võ Tòng Xuân là nhà khoa học. Anh nói: “Khoa học hàn lâm thì lúc nào cũng cần, nhưng nếu cứ hàn lâm trên sách vở thì còn khoảng cách xa với cuộc sống lắm, phải bám thực tế và đưa khoa học ứng dụng vào cuộc sống”. Đúng như vậy, mỗi lần chúng tôi về miền Tây thăm anh, anh hết đưa đi xem lúa, lại xem cam, xem quýt, xem cây trái và xem cả nuôi tôm, anh xắn quần lội ruộng.

Những năm sau giải phóng anh nổi tiếng về giống lúa IR36, còn gọi là giống lúa chống rầy, có người còn gọi là giống “lúa xuân” - ý muốn gọi anh là tác giả. Anh cười:

Thương nhớ Võ Tòng Xuân
Giáo sư Võ Tòng Xuân (1940 - 2024)

- Gọi như thế chỉ đúng một phần - Võ Tòng Xuân nói: Không phải tôi tạo ra giống này, mà là người đưa giống này về với Việt Nam. Sự thể là thế này: Những năm 1970 Võ Tòng Xuân đang làm việc ở Viện cây lúa quốc tế ở Philippines, anh luôn trăn trở về cây lúa của đồng bằng sông Cửu Long. Tốt nghiệp tiến sĩ ở Nhật xong đúng vào dịp đất nước giải phóng, anh trở về vùng lúa Nam Bộ với bao nhiêu khát vọng. Thời gian sau ngày giải phóng, do chính sách ngăn sông cấm chợ, cả nước thì thiếu lương thực, nông dân Nam Bộ không được bán lúa. Người nông dân vốn đã nghèo gặp khó nên nghèo hơn. Năm 1977 bệnh rầy nâu càn quét hết cánh đồng này đến cánh đồng khác tạo nên cảnh cùng cực của nông dân Nam Bộ.

Lãnh đạo các tỉnh Nam Bộ và Học viện Cần Thơ cùng Võ Tòng Xuân chung đầu nhau cùng tính toán, tìm phương cách. Thuốc trừ sâu dùng đủ liều vẫn không ăn thua. Giám đốc Học viện (sau này là Trường Đại học Cần Thơ), thầy Phạm Sơn Khai, ngồi riêng với Tòng Xuân. Tòng Xuân nghĩ đến Viện lúa quốc tế Philippines nơi anh đã từng làm việc, anh liền đánh điện tín nhờ hỗ trợ. Mấy tuần sau Võ Tòng Xuân nhận được bưu kiện trong đó có 4 phong bì, mỗi phong bì đựng 5 gram cho một giống lúa, đó là các giống lúa: IR32, IR34, IR36, IR38. Xuân nhớ lại ngày ở Philippines thì giống IR36 là loại ít bị sâu bệnh, tốt nhất, loại lúa này rất ngắn ngày. Anh nói với Viện trưởng Sơn Khai:

- Cái này quý như vàng, mình phải nhân ra.

Học viện làm đất để gieo mạ cho năm gram này. Khi mạ lên đủ sức cấy, anh cho tách ra, mỗi cây một nhánh và cấy, bón đầy đủ. Mùa đến gặt được làm giống nhân tiếp ra. Một năm sau anh Xuân có hai ngàn ký lúa giống IR36. Anh đề nghị anh Khai cho toàn bộ sinh viên được học cách cấy một bụi, một tép. Anh luôn dặn các em hạt lúa là hạt vàng, phải tiết kiệm. Trường Đại học Cần Thơ sau đó đóng cửa 2 tháng để sinh viên ra đồng hướng dẫn nông dân cấy lúa chống rầy.

Anh Xuân cười, nhớ lại: Người nông dân mình là chúa bảo thủ, họ chỉ làm theo truyền thống, đâu có tin khoa học. Tôi cho sinh viên đem mạ về nhà thuyết phục cha mẹ. Họ nói: “Mấy ông thầy của tụi con làm sao hơn ông bà mình, tin sao nổi cây lúa lại không rầy”, họ không chịu nghe. Chúng tôi liền nghĩ ra mẹo bày học sinh mang mạ về nhà và nói với cha mẹ. “Cha mà không cấy lúa này là con mất điểm ở trường, lúa không lên tốt điểm con sẽ thấp”. Vậy mà có hiệu nghiệm, muốn con có điểm tốt họ cấy và chăm bón rất kỹ, mấy tháng lúa sai trĩu. Họ gặt và họ vui, họ tin. Tiếng lành đồn xa, sự lan tỏa rất nhanh. Những ngày tháng này Võ Tòng Xuân đến từng thửa ruộng, nâng niu từng tép mạ và đêm ngủ cũng nằm mơ thấy lúa. Hai vụ lúa thu hoạch vừa không bị rầy lại có năng suất lên đến 10 tấn một hecta, tăng sản lượng gấp bốn lần giống lúa mỗi năm một vụ. Ba năm sau toàn bộ đồng bằng sông Cửu Long sử dụng giống này, Viện lúa quốc tế cũng không ngờ giống IR36 lại có kết quả tích cực như vậy ở Việt Nam. Các nước cũng áp dụng, lương thực các nước được tăng trưởng chính nhờ giống này.

Võ Tòng Xuân nói: Đầu đuôi của giống lúa kháng rầy là như vậy, là sử dụng giống IR36 của Viện lúa quốc tế, ta nghiên cứu áp dụng. Việc nhân ra, áp dụng được là một cuộc cách mạng đầy tâm huyết không chỉ của thầy trò chúng tôi, mà cả của hệ thống lãnh đạo các tỉnh.

- Nhưng anh Xuân là người khởi đầu và quyết liệt.

- Ừ, phải cứu lúa, cứu dân chứ! Đó là mệnh lệnh của trái tim mà. Anh Xuân trả lời chắc mẩm như một tuyên ngôn.

Võ Tòng Xuân là một nhà khoa học, một bác học nhưng như anh nói là nhà khoa học của ruộng đồng nên rất giản dị, chân tình. Tôi đã ngồi với anh rất nhiều lần, đặc biệt là ở Khu du lịch Sao Mai tỉnh Phú Yên quê tôi, và những lần như thế chúng tôi lại trao đổi với nhau có lần như một tọa đàm bỏ túi. Chủ đề của chúng tôi là làm sao để người nông dân được giàu lên.

- Tôi nhất trí với anh, nước mình bảy mươi đến tám mươi phần trăm là nông dân. Nông dân giàu thì đất nước giàu.

- Nhưng nếu cứ bắt nông dân trồng lúa thì họ cứ nghèo hoài - Võ Tòng Xuân nói.

- Sao lại gọi là bắt? Tôi hỏi anh.

- Anh nghĩ coi, đồng bằng sông Cửu Long theo quy hoạch phải trồng lúa. Đâu đâu cũng lúa, có khi vùng khai khẩn đất nhiễm mặn, nhiễm phèn cũng trồng lúa. Anh tính đi, một hecta lúa một năm hai vụ giỏi thì mười tấn. Mười tấn bao nhiêu tiền? Một tấn lúa bán cao lắm là chín triệu, một hộ nông dân giỏi thì có một hecta, còn trung bình là nửa hecta. Ta lấy mỗi hộ có một hecta rộng thì một năm thu về từ năm mươi triệu đến chín mươi triệu, trừ chi phí còn một nửa. Một hộ nông dân coi như bốn người làm được bốn mươi lăm triệu thì mỗi người một tháng chưa được một triệu đồng. Vậy thì làm sao giàu được. Đó là chưa kể loại lúa năng suất chỉ năm đến sáu tấn một hecta. Và ở Nam Bộ có đến bảy mươi phần trăm nông dân chỉ có nửa hecta lúa.

- Vậy theo anh phải làm sao?

- Phải bớt trồng lúa đi, đừng vì bốn chữ “an ninh lương thực” mà cứ cắm đầu trồng lúa.

Võ Tòng Xuân giờ sổ tay ra và đọc cho tôi. Nước mình, năm xuất khẩu gạo cao nhất lên đến tám triệu tấn, 90% là của Nam Bộ với trị giá bốn tỉ bảy trăm triệu đô la Mỹ. Còn rau hoa quả năm rồi (2023) ta xuất khẩu đến năm tỉ sáu trăm triệu đô la, chỉ riêng sầu riêng đã bức phá xuất thu về hai tỷ đô la Mỹ. Cao hơn xuất khẩu gạo, trong khi đó đồng bằng sông Cửu Long chỉ mới trồng có nửa triệu hecta cây ăn trái. Võ Tòng Xuân dang 2 tay:

- Nước mình có đến 50 loài cây ăn quả của vùng ôn đới, á nhiệt đới và nhiệt đới. Ngoài Bắc có nhãn, vải là đặc sản, còn Nam Bộ mình thì phong phú: Dừa, bưởi da xanh, chôm chôm Bến Tre, xoài cát Hòa Lộc, vú sữa Vĩnh Kim, cam Lai Vung, sầu riêng hạt lép Cái Mơn…, sao không phát triển. Trồng cây ăn trái dưới gốc còn nuôi tôm. Vùng phèn, mặn nên nuôi tôm cá thay cho trồng lúa.

Khi nào người nông dân trồng lúa bên cạnh có cây ăn trái, có nuôi tôm, nuôi cá thì đời sống họ sẽ được nâng lên gấp bốn, năm lần, thậm chí mười lần.

Hơn nữa - Võ Tòng Xuân chém vè và khẳng định: Đừng ép đất, đất nào hợp với cái gì thì trồng thứ đó, phải theo trời. Anh cười: “Thuận thiên” mà.

Một tháng sau, từ Hà Nội Võ Tòng Xuân gọi điện cho tôi, anh cười vang trong máy và khoe: Tôi mới gặp Thủ tướng, tôi nói: “Thủ tướng tháo dùm cái vòng kim cô trên đầu nông dân Tây Nam Bộ đi”.

Thủ tướng hỏi tôi: Cái gì là kim cô? Tôi nói đó chính là bắt người nông dân Tây Nam Bộ phải trồng lúa. Ta dư lúa, dư gạo vẫn trồng, đến đất ven biển bị nhiễm mặn vẫn phải trồng lúa, mà lẽ ra đất này nuôi tôm nuôi cá, trồng cây ăn trái thì họ sẽ thu hoạch tốt hơn. Tôi thưa với Thủ tướng như vậy là không theo ý trời, là không thuận thiên nên nông dân nghèo hoài. Nói xong anh lại cười và nói:

- Bữa nay tôi vui vì được Thủ tướng đồng ý phải thuận thiên. Cái này lớn lắm. Gần cả triệu hecta bị nhiễm mặn, mùa mưa thì trồng lúa, mùa nắng thì nuôi tôm, nuôi cá, hoặc làm vùng chuyên canh trên luống trồng cây ăn trái, dưới mương nuôi tôm. Nông dân mình sẽ thoát nghèo.

Một lần ngồi với nhau, tôi đùa vui:

- Cha mẹ đặt tên anh là Tòng Xuân, mà tôi thấy anh chuyên “Tòng lúa thôi”.

Anh cười, nụ cười đôn hậu truyền thống của anh:

- Ông bà xưa nói phụ nữ thì “xuất giá tòng phu” (lấy chồng phải theo chồng). Còn Xuân thì “xuất gia tòng nông” (ra khỏi nhà thì làm cho nhà nông). Chữ Tòng theo chữ Hán Nôm xưa, có hai chữ nhân đứng sát nhau có nghĩa là tùng, là theo, là làm theo, là đi theo suốt đời…

Anh nhìn tôi và nói tiếp:

- Anh thấy có phải số kiếp không? Võ Tòng Xuân nói - Sinh ra đã có chữ Tòng. Nhưng tôi thấy hạnh phúc khi được “tòng nông”. Võ Tòng Xuân vui vẻ.

- Phải nói đúng nghĩa là anh đã “Tòng nông” để mang chữ Xuân về cho mỗi nhà nông thôn ở đất Nam Bộ này.

Võ Tòng Xuân cười vừa lòng, tôi đọc được trong nụ cười thỏa nguyện của anh có cả việc vừa lòng với sự dấn thân của nhà khoa học đến với ruộng đồng, với nông dân, dùng khoa học để giải phóng lạc hậu của nông nghiệp, giúp nông dân vươn mình.

Cuộc “tọa đàm bỏ túi” sau cùng giữa tôi và anh vào đầu năm 2024 ở Cần Thơ. Chúng tôi ngồi bên bờ sông Hậu trong một khu du lịch xinh đẹp của bạn anh. Hôm đó Võ Tòng Xuân hỏi tôi:

- Campuchia dự định đào kênh Funan Techo, anh nghĩ sao?

- Tôi lo đồng bằng sông Cửu Long mất đi một lượng lớn nước và khi đó mặn sẽ có thêm yếu tố để tấn công. Giữa lúc khí hậu biến đổi này mà dòng Mê Kông hết đập này đến đập kia ngăn dòng lại đến kênh đào chia nguồn nước, thật đáng lo.

- Theo anh phải đối phó thế nào? Tòng Xuân hỏi.

Anh hỏi tôi nhưng tôi biết anh đã có câu trả lời. Biết vậy, nhưng tôi vẫn nói: Tôi nghĩ có 3 việc ta phải làm: là làm thủy lợi, phải đào hồ lớn để chứa nước cho mùa nắng. Phải có hệ thống ngăn mặn và phải chuyển đổi diện tích cây trồng theo cách thuận thiên của anh.

- Đúng. Anh nói như mở lòng tôi, từ nghìn đời con sông Tiền, sông Hậu đưa nước phù sa về cho đồng bằng sông Cửu Long. Thời gian qua mấy ông bạn mình xây hàng chục đập thủy điện, dòng nước bị giảm bớt đúng giữa lúc “ông Biển” đang liếm vào đất lúa, việc nhiễm mặn phát triển nhanh. Bây giờ đến kênh đào chia nước từ sông Bassac. Nếu đào xong, mùa mưa ta mất gần bốn năm tỷ mét khối, mùa khô từ cuối năm đến tháng 4 cũng mất trên một tỷ mét khối. Một năm mất chừng ấy nước là một thách thức lớn. Vì vậy, tôi nhất trí với anh là phải đào hồ lấy nước, gọi là hồ chứ đúng ra là tạo ra những cái biển nhân tạo. Ta có Đồng Tháp Mười rộng đến bảy trăm ngàn hecta, giờ mình múc sâu xuống, mở rộng ra, rồi đào ở Tứ giác Long Xuyên, nơi thấp trũng nhất. Nếu hai nơi này, có hai cái biển hồ chứa xấp xỉ mười, mười lăm tỷ mét khối nước, mùa nắng ta lấy ra một nửa bù cho sự mất mát. Tuy nhiên, nước ở sông vẫn thiếu, có nghĩa là nước sông yếu lực, nên ông Biển lại mò vào - việc này phải học Hà Lan để ngăn mặn. Một việc nữa, theo tôi là ngon hơn, là phải chuyển đổi cây trồng, phải thuận thiên. Từ lâu tôi nói chỉ cần một triệu hecta lúa sản lượng cao là đảm bảo an ninh lương thực cho đất nước, phần diện tích còn lại thì cho lúa và tôm, hoặc chuyên canh cây ăn trái, chuyên nuôi thủy sản. Võ Tòng Xuân lưu ý tôi: Anh nhớ giùm một hecta lúa cần nước gấp năm đến bảy lần một hecta cây ăn trái. Hai cái biển hồ đó sẽ là vùng sinh thái có lợi lắm.

Võ Tòng Xuân đứng dậy nói như kết luận: Việc này nhà nước phải chủ động, toàn xã hội phải vào cuộc. Đây cũng có thể gọi là cách mạng giữ nước.

Tôi hưởng ứng anh:

- Bác Hồ đã nói: Tổ quốc là đất và nước, có đất mà không có nước thì không thành tổ quốc.

- Quá đúng. Xuân vỗ tay vào đùi và hỏi tôi: Bác Hồ nói ở đâu vậy?

- Bác nói ở Hội nghị làm thủy lợi toàn quốc từ những năm đầu sáu mươi (1960).

Hôm nay khi tôi ngồi nhớ anh, thì anh đã đi rất xa. Tôi ghi lại vài việc làm, vài ý tưởng của anh với hy vọng đất nước sẽ vẫn lắng nghe anh, sẽ giúp thực hiện ước nguyện của anh làm cho nông dân giàu lên như ở các nước phát triển.

Chúng tôi có năm cặp kết thân với nhau, đó là vợ chồng giáo sư Trần Hồng Quân và Mai Thị Năm; tiến sĩ Lý Thị Mai, tiến sĩ Nguyễn Khắc Thuần; cặp vợ chồng tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng; vợ chồng tôi và cặp Võ Tòng Xuân, Mai Ánh Loan. Võ Tòng Xuân vợ mất đã lâu, anh có người bạn gái Mai Ánh Loan, một bác sĩ trẻ xinh đẹp đã bên anh nhiều năm tháng, đã hết lòng thương yêu chăm sóc anh. Bỗng một hôm, Ánh Loan cho biết, anh Xuân bị bệnh ác tính, phải đi chữa bệnh ở Singapore. Chúng tôi bần thần lo lắng và hồi hộp theo dõi. Sau đó, Ánh Loan cho hay: Singapore chịu thua, đành đưa anh về. Nhưng Võ Tòng Xuân vẫn lạc quan, anh nói với tôi khoa học đang có phương thức để chữa căn bệnh này.

Tháng 7, Viện nghiên cứu phát triển Phương Đông của chúng tôi có hội thảo quốc tế ở Phú Yên, Võ Tòng Xuân là thành viên Hội đồng khoa học, thành viên nhóm chuyên gia cao cấp của viện, chúng tôi biết anh đang bệnh nặng nên không mời. Nhưng anh nghe được và vẫn quyết định bay đi Phú Yên. Tôi giật mình thảng thốt khi trước mặt mình là một Võ Tòng Xuân phải ngồi xe lăn, gầy yếu, xanh xao... Tôi nói như thét lên:

- Anh đang yếu, còn cố làm gì? Võ Tòng Xuân vẫn bình thản nhìn thẳng vào tôi, đôi mắt vẫn sáng long lanh, anh nở nụ cười thân thuộc và nói trong xúc động.

- Tôi phải đi, phải ra… để được gặp anh em…

Xúc động quá, tôi nghẹn ngào. Lần đó, anh gặp đông đủ các nhà khoa học, bạn bè trong Nam, ngoài Bắc, các giáo sư đến từ các nước Pháp, Philippines, Singapore, Malaysia, Nhật Bản... Chúng tôi thì rất lo, nhưng Võ Tòng Xuân lúc nào cùng nói: Không sao, không sao!

Đêm đó, khi đưa anh ra sân bay Tuy Hòa, anh đề nghị chụp chung bức ảnh. Võ Tòng Xuân ngồi xe lăn, chúng tôi quây quanh anh. Anh vẫn mỉm cười với chúng tôi. Tôi thầm nghĩ rằng sẽ không có dịp chụp một bức ảnh như thế này nữa.

Sáu mươi ngày sau, Võ Tòng Xuân lặng lẽ ra đi để lại trong anh em, bè bạn, trong bà con nông dân đồng bào sông Cửu Long sự thương xót vô bờ. Chúng tôi về Cần Thơ cùng các anh chị Cần Thơ, An Giang, cùng đội ngũ các nhà khoa học, các cháu sinh viên và hàng nghìn, hàng nghìn bà con nông dân trên suốt dọc đường ở Cần Thơ, ở An Giang lưu luyến, tiếc thương vĩnh biệt ảnh. Con rồng của mùa xuân, con rồng của nông dân, của đồng lúa Nam Bộ đã bay về trời.

------------

Bài viết cùng chuyên mục:

Giáo sư Lê Trí Viễn – Hậu duệ của nòi văn Với tôi, Giáo sư Vũ Khiêu Giáo sư Trần Đăng Suyền, nhà khoa học văn chương Cao Huy Thuần: Nhà hiền triết qua những trang viết thấm đẫm yêu thương Giáo sư Đào Duy Anh - Nhà sử học, nhà văn hóa lớn thời hiện đại
Đại biểu Quốc hội: xác định nhu cầu thực về nhà ở thương mại

Đại biểu Quốc hội: xác định nhu cầu thực về nhà ở thương mại

Baovannghe.vn - Sáng 21.11, Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất (dự thảo).
Cờ bay trong nỗi nhớ.  Truyện ngắn của Khuất Quang Thụy

Cờ bay trong nỗi nhớ. Truyện ngắn của Khuất Quang Thụy

Baovannghe.vn - Có nằm mơ tôi cũng không mơ được câu chuyện lạ lùng này: Tôi bỗng trở thành thông gia với một người mà tôi đã từng có đôi chút thành kiến.
Lựa chọn khả dĩ. Truyện ngắn của Đào Văn Hợp

Lựa chọn khả dĩ. Truyện ngắn của Đào Văn Hợp

Baovannghe.vn - Y hài lòng với phương châm sống và cuộc sống hiện tại. Mẹ y thấy thế thì lo lắm. Kinh nghiệm dạy mẹ như vậy
Lúc ấy - Thơ Nguyễn Đăng Khương

Lúc ấy - Thơ Nguyễn Đăng Khương

Baovannghe.vn- Chấm vệ tinh xâm thực mây/ bầu trời dõi theo mắt người
Đọc truyện: Giao lộ nhân sinh. Truyện ngắn của Nguyễn Minh Chung

Đọc truyện: Giao lộ nhân sinh. Truyện ngắn của Nguyễn Minh Chung

Baovannghe.vn- Giọng đọc: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương