Khi tôi mười tuổi có một lần tôi nói ba: “Sao họ ba kì thấy mồ, họ Thạch hổng đẹp gì hết trơn.” Vì vô trường mấy đứa bạn hay trêu chọc tôi ba mày là Thạch Sanh chém chằng. Tôi chưa hiểu hết cái gì là thiêng liêng của dòng họ, dù giàu hay nghèo, ta vẫn có một gia tộc. Sau này lớn lên tôi mới hiểu hết điều này. Tôi hay kể cho con tôi nghe về quê nội của mình và cũng chính là quê ngoại của con tôi.
Hòa bình xong, vì bị giựt hụi, má tôi phải bán nhà, bán đất để trang trải nợ nần, cả nhà mướn ghe về quê nội tại Trà Mòn*. Hôm đó tôi nhớ rất rõ, trời mưa và má tôi thì khóc, cái khóc lặng lẽ của người rời bỏ nơi chôn nhau cắt rún của mình mà đi. Con sông Cần Thơ sóng sụt sùi, tôi cùng mấy đứa em ngồi thu lu trong mui nhìn đám lục bình bềnh bồng, cứ nghĩ số phận con người cũng mông mênh như vậy. Ba tôi được người bác cho mượn thẻo đất cất cái chòi che mưa che nắng, kêu bằng chòi vì nó nhỏ xíu, chứa gần chục con người. Đó là những năm nhà nước cho làm ruộng tập đoàn, gạo thì hiếm, nhà tôi chỉ ăn toàn cơm độn chuối sống, chuối nhiều hơn cơm. Đường đi về thì toàn là cỏ, lát, sình bùn, kinh rạch làm gì có cầu. Từ nhà tôi ra lộ phải thức thật khuya mới có tàu, chưa kể đón xe phải giành giựt mới đi được, tàu Trà Ôn - Cần Thơ ngày chạy có hai chuyến. Cái gì cũng phải gấp gáp, phải vất vả, giành giựt.
![]() |
Quê nhà. Ảnh: Pixabay |
Tôi nhớ có lần theo chuyến tàu chót về quê, không còn xe tôi phải lội bộ đến chạng vạng mới tới xóm Sóc Ruộng, vừa mệt, vừa đói, tôi lấy tay khoát nước định rửa mặt…Ôi trời, chừng hơn năm chục con đỉa lội rối rít đen sì một khoảng nước. Đường về nhà còn mấy chặng quanh co, heo hút, tôi xin một nắm lá dừa đốt làm đuốc mò mẫm đường về nhà, đến nhà thường chín mười giờ đêm. Thằng em trai đi học không có đôi dép mang bị cô giáo phạt hoài, má tôi bán mấy thứ vặt vãnh: Chao, tương, nước nắm bột ngọt… dành dụm mua cho nó đôi dép, mỗi lần đi học, cột dây treo ở cổ, đến trường rửa chân mang vô, đôi dép ấy mang suốt bốn năm học cấp II.
Gian khổ quá nên tôi ít khi về, mà ở luôn tại trường. Má tôi nhớ thì lủ khủ gạo thóc đi thăm. Có lần lâu quá không thấy tôi về, ba tôi xuống trường thăm, đó là thời kì ăn bo bo, bột mì… Hai cha con ngồi bệt ngoài lộ trò chuyện, không một miếng nước để uống, cơm gạo làm gì có. Khi nhìn ba tôi lên xe trở lại quê nhà, tôi khóc tức tưởi một mình và đó cũng là lần cuối cùng ba tôi đến thăm tôi. Đến bây giờ tôi luôn tự trách mình rất tệ. Mà thật như vậy, tôi không có cái gì để mời ba tôi cả, lương giáo viên lúc đó tôi được 50.000 đ, có hộp sữa chế độ để dành, đứa học trò bịnh quá khui cho nó uống hết rồi. Tôi cùng cô bạn ngày mua 1 đồng tương hột, hái rau, bông lục bình chấm ăn hàng ngày. Chuyện cười ra nước mắt, lần đó không phát bo bo mà phát bột mì, chúng tôi đem vô phụ huynh đổi bột gạo để nấu bánh canh với tép (mấy thầy giáo mượn tay lưới kéo được kha khá) nồi bánh canh nấu xong để trên bếp, gió thổi làm bồ hống bay đen thui, đâu biết, họp hội đồng xong, lúc múc ra chén ai cũng giành vì cho đó là tiêu, nhưng thực ra thời đó làm gì mà có tiêu để rắc cho thơm ngon. Ăn xong vỡ lẽ ra ai cũng cười bò lăn. Nói thế cho biết chúng tôi cũng đã sống qua một thời vô cùng khó khăn như vậy.
Quê nội tôi nghèo lắm, mùa mưa thì lầy lội, mùa nắng thì khô nứt nẻ, cá cua rủ nhau trốn sạch. Con rạch trước nhà cạn sát đáy, qua sông cứ lội ngang khỏi đi vòng. Ba tôi bệnh nặng trong mùa hè năm 1990, gia đình tôi đưa ba xuống xuồng xúm nhau đẩy qua mấy con rạch quanh co cạn queo như vậy, giữa đường ba tôi mất, vẫn đưa vào bệnh viện vì con cái tản mạn chưa về đủ má tôi xin bác sĩ chích mũi hồi sinh chờ con cái về, vị bác sĩ nạt ngang, chết rồi thì chở về, còn hồi sinh làm gì? Người Khmer thời đó cũng khổ lắm. Lúc này tôi đã chuyển về làm công tác sưu tầm hiện vật về Bác tại Bảo tàng Bác ở Cần Thơ, khi đó tôi đang ở Tiền Giang, lúc hay tin, về tới Cần Thơ không có đò, phải chịu, hôm sau tôi đi chuyến đò sớm nhất, về tới Trà Ôn gặp người quen:
- Ủa sao bây giờ bây mới dìa, ba bây thiêu hồi hôm rồi.
Tôi cứ mặc cho nước mắt mình chảy đầm đìa không nói được lời nào.
Ba tôi là vậy đó, trong trí nhớ tôi đó là người đàn ông cao gầy, mặt bộ đồ bà ba đen, với cây ba-ton thăm đồng ngày hai bận như công chức sáng chiều, chỉ để ngắm đồng ruộng, để nhìn cây lúa lớn từng ngày vuốt ve thì thầm với nó, lấy đó làm niềm vui.
Má tôi, từ nhỏ bà ngoại chết sớm, cáng đáng nuôi hai đứa em nhọc nhằn, lớn lên gánh bầy con mười đứa, cho ăn học đàng hoàng. Về quê nội, không biết một tiếng nói của quê chồng, má tôi cũng cực khổ biết mấy, ngày cách ngày phải đi chợ bổ hàng, một là vốn ít hai là tiệm nhỏ xíu như cái lỗ mũi, nói là tiệm cho oai, chứ thật ra mấy miếng ván bắt vòng vòng vách để lên đó mấy thứ bán cho bà con lối xóm: Con khô, cây cốm, hũ chao… Mùa khô thì đỡ, mùa nước rong, gió tết, mỗi lần qua con rạch đầy nước má tôi phải cởi quần áo lội qua, mặc vào phải chạy cho người được ấm và như vậy trong một khoảng thời gian dài. Đúng là “cực trần thân”.
Bao năm trôi qua chưa bao giờ kí ức tôi phai nhạt về quê nội của mình, nơi mà khi về tôi chỉ nói và nghe được mỗi câu: “Sóc xà bay bòn ơi!” Nhưng tôi vẫn yêu quí vùng đất ấy, và tôi cứ hay kể cho con tôi nghe “cái thời gian khổ” đó.
Có lẽ nghèo khó quá nên ai cũng muốn rời xứ đi xa làm ăn, có người qua Nam Vang lấy vợ sinh con lập nghiệp, phần lớn đi Sài Gòn làm thuê, làm mướn, họ chỉ về thăm quê ba ngày tết. Nghĩ thì cũng buồn, nhưng cái ăn cái uống nó buộc con người phải li hương mà đau lòng lắm chớ. Tôi cũng vậy đi dạy xa, mỗi năm tết, hè mới về nhà năm bữa nửa tháng lại đi. Lớp trẻ cứ thế mà lần lượt rời quê.
![]() |
Đường quê - Ảnh: Pixabay |
Bây giờ thì tốt rồi, đường xi-măng mở rộng xe vào tới nhà, qua sông đã có những cây cầu bê-tông to khỏe vắt ngang sông chễm chệ nhìn ngắm trời cao, thách thức với mưa nắng đất trời. Người dân quê tôi đã được sống trong những ngôi nhà cao ráo, tươm tất, có cây nước, có điện, trường học khang trang, tường vôi vàng lóa trong nắng. Những đứa trẻ Khmer nghèo giờ được học tới cấp III, có em vào cao đẳng, đại học… Hầu hết các nhà đều sắm được truyền hình, có nhà còn mua được tủ lạnh, xe máy thì cũng nhiều. Tôi thích về quê hơn, nhìn ngắm cánh đồng lúa ngay trước nhà, thì mạ non đến khi chín vàng rực, ngắm các hàng thốt lốt rào rào trong gió, nước thốt lốt thì mát, đường thốt lốt vừa thơm vừa ngọt, được ăn bánh ống, được ăn canh xiêm lo… Hình như quê hương ba tôi đã trở thành một phần máu thịt của tôi từ lâu rồi, và tôi cũng tự hào về cái họ mà ba tôi đã cho chúng tôi. Tết tôi lại chở con trai về quê ngoại, cho nó biết cội nguồn, biết ông bà, biết vùng đất một thời tôi đã sống, để yêu thương và để gắn bó.
Bài thơ con trai tôi viết đạt giải Nhất - Cuộc thi Thơ Bút Mới năm 2011 do báo Tuổi Trẻ tổ chức là những gì tôi đã kể với con, những gì tôi ấp ủ, đau đáu trong lòng bao nhiêu năm, nhưng sao tôi không viết được, tôi chỉ viết về những trăn trở vui buồn của cuộc đời, của số phận riêng tôi, mà tôi quên quê nội của mình, vùng đất mà ba tôi sinh ra, lớn lên và nằm xuống, nơi mà mẹ tôi chọn làm quê hương thứ hai suốt cả cuộc đời. Tôi vẫn canh cánh trong lòng tôi “nợ quê nghèo nợ mẹ một lời ru”.
(*) Trà Mòn: Địa danh một sóc Khmer ở xã Tân Mỹ, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long
Trúc Linh Lan| Báo Văn nghệ