Mỗi năm, thí sinh giành chiến thắng chung cuộc sẽ được trao giải thưởng học bổng trị giá 50.000 USD để du học, đây là một bước đệm quan trọng để các nhà vô địch tiếp tục phát triển bản thân và sự nghiệp ở các quốc gia có nền giáo dục tiên tiến. Tuy nhiên, vinh quang đi kèm với áp lực khi những người chiến thắng phải đối mặt với sự soi xét, chỉ trích từ công chúng và truyền thông.
Sau trận chung kết "Đường lên đỉnh Olympia 2024", Võ Quang Phú Đức, học sinh đến từ Trường chuyên Quốc học Huế, đã trở thành tâm điểm của những cuộc tranh luận trên mạng xã hội. Mặc dù Phú Đức đã giành chiến thắng một cách hợp lệ, nhiều khán giả cho rằng cậu đã sử dụng "mánh khóe" khi bấm chuông nhanh giành quyền trả lời câu hỏi cuối cùng dù không biết đáp án chính xác. Hành động này đã gây ra sự hụt hẫng cho nhiều người xem, họ mong muốn một màn chung kết gay cấn với những câu trả lời chính xác hơn là một chiến thắng bằng thao tác nhanh tay.
Khán giả cũng chỉ ra rằng việc Phú Đức bấm chuông khi không có đáp án đúng đã "cướp" đi cơ hội của thí sinh đứng thứ hai là Nguyên Phú, khiến cho kết quả chung cuộc có phần thiếu thuyết phục. Một số người còn đề xuất thay đổi luật chơi, yêu cầu thí sinh tiếp theo có cơ hội trả lời nếu người giành quyền không trả lời đúng. Những chỉ trích này không chỉ làm giảm đi niềm vui chiến thắng của Phú Đức mà còn khiến dư luận đặt câu hỏi về tính công bằng của chương trình.
Tuy nhiên, từ góc độ khác, hành động của Phú Đức lại được nhiều người đánh giá cao vì cho thấy sự khôn ngoan và bản lĩnh trong thi đấu. Phú Đức không chỉ cần có kiến thức mà còn phải biết nắm bắt thời cơ và điều chỉnh chiến lược để giữ vững vị trí dẫn đầu. Ở câu hỏi cuối cùng, khi thấy Nguyên Phú có khả năng lội ngược dòng, Phú Đức đã nhanh chóng bấm chuông để giành quyền trả lời. Dù đáp án không chính xác và bị trừ điểm, cậu vẫn bảo toàn được số điểm dẫn đầu và giành chiến thắng.
Hành động này không hẳn là "tiểu xảo", mà là một chiến thuật hợp lý trong bối cảnh cuộc thi, nơi áp lực và thời gian là yếu tố quyết định. Nhiều khán giả đồng tình rằng, để trở thành nhà vô địch, không chỉ cần kiến thức mà còn cần khả năng tính toán và ra quyết định đúng đắn vào những thời điểm quan trọng. Phú Đức đã thể hiện điều này một cách xuất sắc.
Phú Đức - quán quân Đường lên đỉnh Olympia 2024. Ảnh: Thạch Thảo |
Dưới góc độ lý thuyết trò chơi, quyết định của Phú Đức là một bước đi chiến lược hoàn hảo. Trong mọi cuộc thi cạnh tranh, mỗi người chơi phải tối ưu hóa cơ hội của mình để giành chiến thắng, dựa trên quy tắc và tình huống thực tế. Luật chơi của "Đường lên đỉnh Olympia" cho phép thí sinh bấm chuông giành quyền trả lời, và Phú Đức đã tận dụng điều này để bảo toàn điểm số của mình.
Lý thuyết trò chơi nhấn mạnh rằng trong một hệ thống có nhiều biến số và kết quả phụ thuộc vào hành động của nhiều người, người chơi thông minh là người biết khai thác những yếu tố này để đạt được lợi thế. Phú Đức đã hiểu rõ luật chơi và tình thế, và quyết định bấm chuông, dù có thể bị trừ điểm, vẫn là một lựa chọn hợp lý để dành lấy ngôi vị quán quân.
Dựa trên những phân tích trên, việc chỉ trích Phú Đức có phần không công bằng. Cậu đã tuân thủ đúng luật chơi và sử dụng chiến lược hợp lý để giành chiến thắng. Những cảm xúc hụt hẫng từ khán giả chủ yếu xuất phát từ kỳ vọng về một trận đấu kịch tính và công bằng hơn, nhưng cần nhớ rằng trong bất kỳ cuộc thi nào, chiến lược cũng là một phần không thể thiếu.
Việc bấm chuông nhanh không phải là gian lận hay "tiểu xảo", mà là sự tỉnh táo và nhạy bén trong việc nắm bắt cơ hội. Phú Đức xứng đáng được tôn vinh vì sự thông minh và bản lĩnh của mình trong suốt cuộc thi. Việc "ném đá" một học sinh 17 tuổi vì cách cậu ấy chơi trong một cuộc thi kiến thức không chỉ là hành động thiếu thiện chí, mà còn làm giảm giá trị của sự nỗ lực và cống hiến.
Thay vì chỉ trích, chúng ta nên công nhận những thành công mà Phú Đức đã đạt được, đồng thời hiểu rõ rằng trong một cuộc chơi, người chiến thắng là người biết sử dụng cả kiến thức lẫn chiến thuật để đạt được mục tiêu của mình.