BƯỞI THỜ
Vườn nhà tôi ở quê khá rộng. Bố tôi trồng nhiều giống bưởi. Bưởi là loại cây ăn quả không có tuổi thọ cao lắm. Cho nên trong vườn nhà tôi bây giờ chỉ còn lại ba cây. Trong đó có một cây bưởi đào. Thường là qua rằm tháng Tám thì quả của những cây bưởi khác đã hết. Bố tôi chỉ giữ quả ở cây bưởi đào vì để làm bưởi thờ ngày Tết.
Sang tháng 11 âm lịch là trời đã lạnh lắm rồi. Lá bưởi đã rụng quá nhiều. Và sương muối thường đổ xuống. Bố tôi phải lấy những mảnh vỏ rách để bảo vệ bưởi. Một là đỡ cho bưởi khỏi rụng. Hai là chống lũ chuột ban đêm trèo lên cây ăn bưởi. Vào thời gian này, bưởi đã chín lắm rồi. Chỉ cần khẽ đụng vào quả là rụng ngay. Đêm ngồi trong nhà nghe "thịch" một tiếng là biết có bưởi rụng. Cầm đèn ra vườn soi đã thấy bưởi rụng. Giống bưởi nhà tôi khi chín thì vỏ vàng sẫm lại, toả mùi thơm ngan ngát. Tôm bưởi mọng nhưng khô. Và ruột quả bưởi rỗng ra. Bởi thế khi rụng xuống đất, quả nào cũng vỡ đôi. Nước trong múi bưởi ứa ra màu đào và ngọt như mật. Cả một cây bưởi dăm chục quả cho đến Tết chỉ còn lại mươi quả thôi.
Ngày 28 Tết là bố tôi chuẩn bị ban thờ và mâm ngũ quả. Việc đầu tiên là chọn quả bưởi to nhất cây để thờ. Để lấy được quả bưởi từ cây xuống mà không rụng cuống quả là một việc kỳ công. Sau đó, bố tôi lấy một chậu nước mưa trong chiếc bể lớn của nhà tôi để tắm cho bưởi rồi lau khô và đặt lên mâm ngũ quả.
Những năm gần đây, lê và táo Trung Quốc bán nhiều. Thế nhưng, bố tôi không bao giờ dùng loại quả ấy để bày mâm ngũ quả. Cam thì phải là cam sành. Còn quýt thì phải là giống quýt đồi từ Hoà Bình đỏ như ruột gấc.
Cả ngày 28 Tết, bố tôi dành cho việc chuẩn bị ban thờ. Chỉ khi ban thờ chuẩn bị xong, bố tôi mới làm những việc khác.
![]() |
Ảnh pixabay. |
MÓN CÁ NƯỚNG CỦA MẸ TÔI
Với người làng Chùa của tôi, ngày Tết mà không có món cá mè nướng thì không thành Tết. Làng tôi, một bên là nhà ở, một bên là ao. Hàng năm, trước Tết khoảng một tháng, người làng bắt đầu tát ao. Ao làng tôi chủ yếu thả hai loại cá: cá mè trắng và cá chép. Ngày Tết, nhà nào làng tôi cũng phải có món cá mè nướng.
Mẹ tôi thường chuẩn bị làm món cá nướng khoảng nửa tháng trước Tết. Mẹ tôi mua cá mè to, bóc sạch mang, rửa sạch bụng, nhưng không đánh vảy. Cá mè cắt làm ba, ướp muối chừng ba tiếng đồng hồ, rồi rửa sạch. Sau đó, mẹ tôi xếp cá vào chõ, có rải kèm lá bưởi vò nát và đồ như đồ xôi. Cá chín, mẹ tôi gỡ cá bày ra những chiếc nong thưa và phơi. Cá được phơi dăm ngày cho bớt nước, sau đó xếp vào những chiếc vỉ làm bằng tre tươi.
Công đoạn khó nhất là công đoạn nướng cá. Mẹ tôi nướng cá bằng than lõi ngô. Cá nướng phải được ăn "bảy lửa, bảy khói". Nghĩa là phải nướng bảy lần. Năm nào, mẹ tôi cũng phải chuẩn bị lõi ngô đủ cho nướng cá. Lõi ngô đốt lấy than. Than lõi ngô đượm lửa mà ít khói. Khoảng cách từ vỉ cá đến bếp than chỉ đủ nóng rát tay. Như vậy, cá nướng không bị cháy và cũng không bị non lửa. Mỗi ngày nướng cá một lần. Nướng xong thì treo lên giàn bếp. Khi nướng là cho cá ăn lửa. Khi treo giàn bếp là cho cá ăn khói. Cứ thế, lửa và khói chầm chậm ăn vào con cá. Nướng như thế, miếng cá vừa dẻo vừa thơm. Cá nướng để hết tháng ba âm lịch vẫn chưa bị mốc.
Trong ngày Tết, món cá nướng là món tôi thích nhất. Cá mè nướng có thể xé từng sợi thịt như xé mực chấm với nước mắm bỏ tiêu, ăn với cơm gạo tám. Càng nhai, càng thấy ngọt và đậm, và thoảng mùi lá bưởi.
BÁNH MẬT
Ngày Tết bây giờ nhiều loại bánh quá, mà chủ yếu là bánh Tây như Chocolate, gatô, qui bơ... Ngày Tết rét đậm, ăn gatô và Chocolate thật như là phá Tết. Những chè lam, bánh mật, bánh lá, chè kho, mứt gừng... đâu rồi?
Trong đời tôi, có ba loại bánh kẹo là tôi thích và đôi khi vô tình thấy thoảng lên đâu đấy mùi vị của ba loại bánh kẹo này. Đó là kẹo vùng chợ Tía, bánh khảo Cao Bằng và bánh mật mẹ tôi làm ngày Tết.
Hồi nhỏ đi chợ Tết, mẹ tôi hay mua cho tôi một chục kẹo vừng bọc trong lá chuối khô. Mỗi chiếc kẹo vừng chỉ to hơn đồng năm xu ngày trước một chút. Kẹo vừng chợ Tía quê tôi mỏng, màu trắng ngà, phủ kín vừng. Kẹo vừng chợ Tía chỉ khẽ chạm răng vào là đã vỡ tan. Kẹo ngọt béo và thơm. Khi ăn kẹo vùng chợ Tía, nghe kỹ thấy từng thanh, không gắt, ăn thấy mát đầu lưỡi cùng với vị vừng, hạt vùng nổ một tiếng tách mơ hồ. Cầm chiếc kẹo vừng chợ Tía ném xuống sàn nhà thì chiếc kẹo vỡ vụn như thuỷ tinh.
Còn bánh khảo Cao Bằng tôi cũng thi thoảng được ăn vì tôi có ông anh vợ công tác ở trên đó. Bánh khảo Cao Bằng lát từng lát nhỏ, vuông vức với vệt nhân đậu xanh màu vàng nhạt ở giữa. Ăn bánh khảo Cao Bằng phải thật chậm, thật thư thái. Ăn vội, bột bánh bung ra xông lên tận mũi, sặc ngay. Ăn vội bánh khảo chỉ thấy được cái vị mà không thấy được cái hương. Ăn bánh khảo Cao Bằng, rồi uống với chè Thái thì tự thấy mình thanh tao.
Món bánh mật quê tôi giản dị và mộc mạc hơn. Bánh mật làm bằng bột nếp có pha bột tẻ. Năm nào làm bánh mật mẹ tôi cũng giã bột chứ không xát như hiện nay. Gạo ngâm một đêm, rồi để khô mới đem giã. Vừa giã vừa dùng rây để rây bột. Giã đến khi nào còn lại lõi gạo thì thôi. Bột giã xong nhào với nước mật đun với gừng. Nhân của bánh mật thường dùng đỗ tương bỏ vỏ xào với mật như làm chè kho. Lá gói bánh mật phải là lá chuối khô. Bánh mật xếp vào chõ đồ. Ngày 28 hay 29 Tết thì làm bánh mật, nhưng trong ngày Tết ít khi người ta ăn bánh mật. Bởi bánh mật ăn sau khi đồ chín một hai ngày thì chưa thấy vị bánh mật. Bánh mật làm trong ngày Tết, nhưng lại để ăn vào giêng hai.
Ăn bánh mật cũng có cách riêng của nó. Bóc bánh là việc đầu tiên. Bóc sao cho lá chuối khô không còn dính vào bánh. Sau đó dùng dao bổ cau cắt bánh ra từng lát mỏng trông như miếng tiết gà luộc. Ăn bánh mật phải ăn từng miếng nhỏ, không ăn miếng to như bánh chưng.
Nhưng ăn bánh mật thú nhất là bánh mật nướng. Vào giêng hai, bánh mật cứng lại như đất thó phơi khô. Người ta vùi chiếc bánh vào tro nóng cho đến khi thấy mùi cháy thơm thì bới ra. Lớp ngoài của bánh cháy xém, giòn và vị thơm lạ lùng của bánh có pha mật và nước gừng tươi.
Năm nào mẹ tôi cũng làm chừng 100 cặp bánh. Sau Tết lúc nào thích thì ăn. Cứ thể ăn nhẩn nha sang cả tháng ba mới hết bánh.
Món bánh mật hấp dẫn anh em tôi bao nhiêu thì món mứt Tết làm chúng tôi sợ bấy nhiều. Có năm nhà tôi được biếu nhiều mứt, sau Tết không biết phải làm gì. Táo tàu thì chua loét, hạt sen thì chẳng khác gì một cục đường bị vón... Xanh đỏ tím vàng cứ loạn cả lên. Những năm gần đây tôi thấy, cái việc ăn của người Việt ta mỗi ngày một tệ.
Có lẽ chỉ bởi những điều giản dị kia mà tôi chưa chấp nhận một năm nào ở lại thành phố ăn Tết. Tất nhiên còn nhiều điều khác nữa. Nào là ra sông Đáy vo gạo nếp và rửa lá dong gói bánh chưng. Nào là dậy sớm gọi nhau mổ lợn sáng 30. Nào là tắm nước lá mùi già phơi khô ngày cuối năm. Nào là cả xóm xúm nhau vào làm cây đèn truyền thống. Nào là sáng mồng một con trai trong họ vào nhà thờ tổ làm lễ tổ tiên và báo công vân vân và vân vân. Mỗi năm thêm một tuổi, lại càng thấy làng quê mới là chốn thanh thản của mình.