Điều này có thể thấy được ở những đám đông tụ tập nhậu nhẹt. Các chàng tỏ ra am hiểu giá cả thị trường, nhất là khoản bia rượu. Chai rượu ngoại này bao nhiêu, chai kia bao nhiêu. Đêm nên uống rượu gì, ngày uống rượu gì. Rồi là rượu khai vị, rượu để bữa tiệc hải sản v.v... mỗi thứ đều đáng giá tháng lương mà các chàng nói như thể mỗi ngày phải mua một hai chai vậy. Đến cái khoản bia, sự uyên bác càng tăng lên. Rượu Tây thì còn có thể ngờ vực túi tiền các chàng, chứ bia thì nên tin là các chàng có mua, mua thực sự chứ không phải đi uống "chùa". Giá tiền các chàng cũng nói vanh vách, bia nội bia ngoại, bia chai bia lon, bán sỉ và bán lẻ, cả thùng hoặc một vài lon đều có giá khác nhau. Chưa kinh bằng việc so sánh giá bia trong quán bia ôm với quán cóc ven đường.
|
Thật đúng là văn nghệ sĩ, gì gỉ gì gì cái gì cũng biết. Nhưng không phải ai cũng chịu ai. Vì thế mới có màn tranh luận. Sau nâng lên thành cãi nhau. Bữa tiệc suýt hỏng chỉ vì hai chàng quá lớn tiếng về giá một lon bia nào đó.
Bà chủ quán ngồi nhẫn nhục lắng nghe và chăm chỉ tiếp đá vào ly cho các chàng, gương mặt đầy sự cảm phục sự thông thái đặc biệt ấy. Rồi đợi cho trận khẩu chiến tạm lắng, bà chủ quán mới nhỏ nhẹ hỏi: "Vậy các chú có biết bây giờ một ký gạo giá bao nhiêu không?" Các chàng nhìn nhau, ngẩn người ra một lát. Rồi lại khẩu chiến tiếp; nhưng lần này về giá gạo. Ba ngàn một ký! Xạo! Bốn ngàn! Xì, chỉ có ba ngàn rưỡi thôi mấy cha...
Cãi qua cãi lại không ai nói đúng cả. Bởi có mấy vị đi chợ bao giờ. Trăng, gió, và mây xa vời với các chàng đều biết, nhưng giá gạo thì không. Một chàng nói bâng quơ: "Ở một nước nọ có vị bộ trưởng suýt mất chức chỉ vì không biết giá vé xe điện ngầm là bao nhiêu đấy!".
Cả bọn đều cười, bà chủ quán cũng cười. Chuyện bên Tây với bên mình giống nhau ra phết.