Sáng tác

Cồn Cỏ - một dấu yêu tâm cảm

Võ Văn Luyến
Tản văn
16:00 | 21/08/2024
Baovannghe.vn - Những lớp sóng thời gian vỗ mãi như nỗi thao thức phận người. Một Cồn Cỏ anh hùng. Một Cồn Cỏ tuyến đầu đánh Mỹ.
aa

Mang tình yêu thiên nhiên thấm đẫm từ căn cốt, từ nỗi hoài vọng của loài người trở về bên “người mẹ thứ hai “ luôn bao bọc, che chở, nuôi dưỡng ta không tính đếm thời gian, ôm trọn cả kiếp Vĩnh hằng, tôi đã bước xuống con tàu cao tốc Cồn Cỏ Tourist ra đảo. Đây không phải lần đầu với cảm giác ngỡ ngàng và thú vị dâng trào thúc giục đôi bàn chân xăm xăm vòng quanh đảo ngọc. Biển mặn nghìn đời vạn thuở, đương nhiên. Thế mà thoả mãn cơn khát tình yêu tôi lại như đang uống nước ngọt. Ngọt đến mát lòng mát dạ. Mới hay, cuộc sống huyền hoặc mở ra muôn chiều ý nghĩ khai phóng những gì bằng tầm nhìn của con mắt mà ta cho nó chật hẹp nhưng lại hóa ra vô cùng như thời gian, như lịch sử đồng hành sự bay bổng của chân trời sáng tạo.

Đảo Cồn Cỏ
Đảo Cồn Cỏ

Phải đi hết tuổi thơ mới thấm thía “lá phổi xanh “ của sự sống, ngay cả khi bao nhiêu cơn cuồng nộ của thiên tai hay rung trời dậy đất trong bão lửa chiến tranh. Nhìn cây bàng vuông thôi đã khôn nguôi kỷ niệm. Nhìn cây phong ba đã dựng dậy ý chí quật cường. Nhìn con cua đá mới thấy sự kiên gan đáng ngưỡng mộ. Những điều đó chưa phải là tất cả những gì Cồn Cỏ đang có nhưng ít nhiều khơi dòng suy tưởng những tâm hồn lắng sâu giữa muôn lớp sóng ba đào, không khéo dễ nhấn chìm và khuất lấp khi chiếc neo ta bị đánh mất lực hấp dẫn từ cuộc sống đem lại.

Mỗi sinh thể, vật thể đều chứa những bí mật. Câu chuyện về Cồn Cỏ theo bước chân con người tưởng khó có điều gì mới hơn. Nhất là mang cái tư duy về diện tích 330 ha của đảo nhỏ quê hương. Bất giác làm tôi nhớ đến nhà thơ tài năng Chế Lan Viên từng phát ngôn thơ, đại ý rằng là không phải cái gì cũng đo bằng thước tấc cơ học mà nhiều khi “đem hồn đo cho trời bể thêm sâu” (Đo). Một sinh thể dù bé nhỏ nhưng chứa đựng một thế giới rộng lớn là thế.

Những lớp sóng thời gian vỗ mãi như nỗi thao thức phận người. Một Cồn Cỏ anh hùng. Một Cồn Cỏ tuyến đầu đánh Mỹ. Một Cồn Cỏ núm ruột của đất liền với bao nhiêu năm luôn có những con thuyền vượt qua sóng dữ, băng qua đạn bom thủy lôi, không sợ hi sinh để tiếp sức làm nên chiến công được Bác Hồ khen tặng “ Cồn Cỏ nở đầy hoa thắng trận/ Đánh cho tan xác giặc Huê Kỳ”. Những thập niên máu đỏ cỏ xanh. Sức sống mãnh liệt ấy bắt nguồn từ sự oanh liệt của quân dân Cồn Cỏ - Vĩnh Linh và của cả nước dồn lại. Hơn hai mươi năm Cồn Cỏ anh dũng lẫn đau thương. Niềm vui chan hoà nước mắt . Ở đâu trên mảnh đất này cũng thế nhưng Cồn Cỏ có lúc như con thuyền đứt neo, sóng xô nghiêng ngửa vẫn bền lòng ngóng phía niềm tin. Cồn Cỏ là thế, không cần định nghĩa.

Cồn Cỏ, một ân từ của đấng tạo hóa dành tặng cho mảnh đất nắng gió. Nghĩ mà xem, cái eo thắt lưng ong mềm mại uyển chuyển thế kia đáng để dụ dẫn người hát tình ca lại khác gì thách đố. Gió ràn rạt như vó ngựa phi nước đại. Nắng đổ lửa như đốt cháy hơi thở nhân gian. Tiếng cười chưa dứt đã đẩy về phía ban mai, rơi vào hoang hút vô định. May nhờ đảo xanh giữ lại, thoát khỏi cái chới với chơi vơi giữa mênh mông rợn ngợp. Thử hình dung hai cửa biển đẹp lung linh, nhìn ra biển Đông lại thiếu đi cái chấm xanh như nốt ruồi duyên điểm xuyết trên gương mặt thanh tú, ta sẽ tiếc nuối biết bao nhiêu!

Cồn Cỏ, một dấu yêu tâm cảm luyến láy sóng nhạc. Những năm chiến tranh, con cua đá hiến mình góp sức cho bộ đội ta đánh giặc. Cua đá như một lựa chọn định mệnh, khó thay thế được trước hoàn cảnh hết sức cam go, không thể lùi bước. Mỗi lần vang lên trong tôi hai tiếng Cồn Cỏ, ca khúc “Con cua đá” của Ngọc Cừ - Phan Ngạn lại bật ra tự nhiên như máu thịt đời người, xao xuyến và xúc động. Rồi ra, sau ngần ấy thời gian chỉ nghĩ hình ảnh con cua đá sẽ ngủ yên trong tâm tưởng. Nhưng quả thật bất ngờ, qua Chánh văn phòng huyện đảo Lê Quang Phi, mới biết Cồn Cỏ đang xây dựng mô hình nuôi cua đá làm thương phẩm và xa hơn, là đặc sản cùng với hàu khổng lồ, cá khô, trà Giảo Cổ Lam… Miên man liên tưởng nhiều chiều, nhìn ở giác độ văn hóa du lịch, tôi thầm ước có một phù điêu cua đá khổng lồ giương hai cái càng lên trời mời mọc, dụ dẫn du khách khi rời tàu và đặt những bước chân đầu tiên lên Cồn Cỏ. Hình tượng quen quen là lạ ấy làm nên tín hiệu gợi mở việc đi tìm những ẩn số lịch sử - địa lý – tâm linh – sinh thái mang dấu ấn đặc sắc của đảo Thép, đảo Ngọc. Con cua đá đã lót ổ chắc chắn trong tâm hồn bằng một “Đảo ca” đi cùng năm tháng đáng được dựng tượng hoặc phù điêu vì sự hiến tế cao cả ấy.

Tình yêu Cồn Cỏ không cần phải truy nguyên bản lai diện mục vốn có trong huyền thoại, trong lịch sử huyện đảo đã ghi. Tôi chỉ băn khoăn sao hình tướng đảo nhỏ qua dâu bể số phận lại dừng ở cái tên Cồn Cỏ. Đem tự vấn trao qua đổi lại với những người dân sống bằng nghề biển ngụp lặn trong vật vã mưu sinh và nhận về câu trả lời võ đoán có thể chấp nhận, ấy là cỏ cây xanh tốt quanh năm, nếu nhìn sang Cù Lao Chàm hay Lý Sơn mới thấy ân sủng trời cho Cồn Cỏ thật tuyệt vời.

Sắc xuân trên Cồn Cỏ
Sắc xuân trên Cồn Cỏ

Mơ giấc mơ Cồn Cỏ đi tới chân trời tươi sáng không còn xa nữa. Đó không phải là giấc mơ hóa bướm của Trang Tử chất chứa những câu hỏi sâu thẳm trong nhận thức luận mà đã bước ra thực tiễn. Huyện đảo đang từng ngày thay da đổi thịt. Cuộc sống sinh sôi nẩy nở thêm lên nhờ chính sách dân sự hóa. Những gương mặt trẻ trung, giàu năng lượng tích cực và không thiếu hoài bão của thanh niên xung phong ra xây dựng đảo và duyên lành đến theo. Họ nên vợ nên chồng và trở thành cư dân đầu tiên của đảo. Nhà nước và chính quyền địa phương quan tâm đặc biệt. Mỗi hộ dân được hỗ trợ mười tám tháng lương thực, nhà xây kiên cố; tạo công ăn việc làm, điều kiện sinh sống. Đường sinh kế không còn nằm trên bàn giấy việc mở dịch vụ du lịch, buôn bán nhà hàng, xe điện đưa đón, tàu đáy kính ngắm san hô phục vụ du khách. Về lâu dài, đảm bảo sự bền vững của chính sách an dân là việc đóng tàu nhỏ; chồng đánh bắt hải sản gần bờ, vợ chăn nuôi trồng trọt, con cái được học hành tử tế. Vấn đề tưởng nan giải nhất là điện, nước ngọt đã được giải quyết; thông tin liên lạc kết nối vào thế giới phẳng. Tất cả những điều đấy đã nên hình hài hồng hào sức sống của Cồn Cỏ. Cái định kiến “ mơ mộng quá hóa ảo tưởng” không còn có đất cho sự tồn tại ở nơi này.

Từ đảo xanh hoang sơ cổ tích, Cồn Cỏ đã ngời lên sắc phố. Đường thảm nhựa và lung linh ánh đèn. Những căn nhà tỏa ra hơi ấm hạnh phúc, Ngọc trái tim qua thương đau quyến dụ lòng người mở đón ân cần bằng sự thiết tha cháy bỏng. Đến Cồn Cỏ có cảm giác như về nguồn, chiêm bái người mẹ thiên nhiên nhân hậu bao dung muôn đời. Đến Cồn Cỏ, bụi bặm đời người phút chốc gột rửa, tẩy trần. Tình yêu là thế. Có khi không cần đến sự lý giải.

Tháng 7/2024

Tùy bút Võ Văn Luyến | Báo văn Nghệ

---------

Bài viết cùng chuyên mục

Cái Tôi văn hóa trong tùy bút Đỗ Chu: KHÁM PHÁ VÀ TRI ÂM Tùy bút cho một tiểu thuyết Vẻ đẹp con người Hà Nội trong một tùy bút của Nguyễn Tuân Trùng trùng nhịp đá. Tùy bút của Cao Ngọc Thắng Hỏi rằng người ở đâu ta? Tùy bút của nhà văn Ngô Khắc Tài
Viết để cho hậu thế biết thế hệ cha anh mình đã sống, chiến đấu và hi sinh như thế nào

Viết để cho hậu thế biết thế hệ cha anh mình đã sống, chiến đấu và hi sinh như thế nào

Baovannghe.vn - Đại tá, nhà văn Nguyễn Khắc Nguyệt được biết đến là nhà văn của Binh chủng Tăng Thiết giáp, bởi suốt 38 năm quân ngũ của ông đều gắn với binh chủng này và gần như 16 đầu sách mà ông đã xuất bản đều gắn với câu chuyện về những người lính tăng.
Bộ Chính trị, Ban Bí thư: nghiêm túc, đúng quy định trong sắp xếp bộ máy

Bộ Chính trị, Ban Bí thư: nghiêm túc, đúng quy định trong sắp xếp bộ máy

Baovannghe.vn - Sáng 3/5, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã họp, cho ý kiến về tình hình, tiến độ sắp xếp tổ chức bộ máy. Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì cuộc họp
Đọc truyện: Người làng - Truyện ngắn của Lê Vạn Quỳnh

Đọc truyện: Người làng - Truyện ngắn của Lê Vạn Quỳnh

Baovannghe.vn - Giọng đọc: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Những ngày làm báo Văn nghệ Giải phóng

Những ngày làm báo Văn nghệ Giải phóng

Baovannghe.vn - Trong cuộc đời viết văn của tôi, ở quãng giữa một đợt đi thâm nhập thực tế và sáng tác, tôi thường được phân công làm báo.
Đêm thị xã. Truyện ngắn của Nguyễn Hiền Lương

Đêm thị xã. Truyện ngắn của Nguyễn Hiền Lương

Baovannghe.vn - Giữa năm 1972, sau khi kết thúc khoá huấn luyện, Tiểu đoàn 5, thuộc Trung đoàn 246, chúng tôi nhận lệnh hành quân gấp từ Đại Từ, Thái Nguyên, vượt Tam Đảo, sang Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc, giúp dân hộ đê, chống lụt.