Sáng tác

Cù lao quê tôi - Tản văn của Hoàng Thị Trúc Ly

Hoàng Thị Trúc Ly
Tản văn
07:00 | 28/08/2024
Baovannghe.vn - Cù lao quê tôi bao năm vẫn xanh biếc. Xanh trong sắc nước, xanh màu mây trời và cả màu xanh của những vườn cây trái sum suê...
aa

Cù lao quê tôi bao năm vẫn xanh biếc. Xanh trong sắc nước, xanh màu mây trời và cả màu xanh của những vườn cây trái sum suê. Sông Hậu như người mẹ mà bầu sữa là phù sa nuôi dưỡng mảnh đất này.

Rất riêng và đặc trưng cho miền Tây trù phú, là những mảnh đất nằm chơi vơi, lọt thỏm giữa bao vây muôn trùng sóng nước. Nhỏ bé, đơn độc nhưng gần gũi trong tình đất, tình người. Cù lao - cái tên gọi trở nên thân thuộc đối với tôi - người con sinh ra và lớn lên ở nơi đây. Những con đường quanh năm rợp mát bóng cây. Ngôi trường nhỏ nằm sau rặng tre, ngày hai buổi vang vang tiếng ê a đọc bài. Những độ đầu hạ, hoa bằng lăng nở rộ dọc bờ kênh. Nhìn thơ mộng và lãng mạn đến buồn. Lũ trẻ chúng tôi trèo cây bẻ me nước rồi hí húi tranh nhau chùm quả đẹp. Đất phù sa nuôi dưỡng nên cây trái nào cũng sum suê, cho hoa, cho quả nhiều.

Không ngẫu nhiên người ta thường gắn từ “hồn” mang ý nghĩa tâm linh khi nói về nắm đất của xứ sở. Nơi ấy, trong sâu thẳm tâm thức của mỗi người nó trở nên vô cùng thiêng liêng, vô cùng trân quý. Vì vậy, ai nhắc đến quê hương mà không tự hào, không háo hức...

Người dân quê tôi cũng không ngoại lệ, họ tự hào về cù lao Ông Hổ lắm. Sự ra đời tên quê mang màu sắc huyền thoại dân gian vốn dĩ đã thể hiện rõ sự linh thiêng của vùng đất này. Chúng tôi - những đứa trẻ ngày thơ bé đã được hun đúc lòng yêu quê mình qua những mẩu chuyện thần bí về đất và người nơi đây. Càng tự hào hơn khi vùng địa linh này sản sinh ra nhân kiệt Tôn Đức Thắng. Tôi ngày một lớn lên trong sự kiêu hãnh về vùng đất quê mình.

Ngoài những vườn cây trái quanh năm tốt tươi, nơi đây còn lưu giữ bao làng nghề truyền thống nào nghề đan lát, dệt lưới cước, nghề làm nhang. Gia đình tôi bao đời sinh sống bằng nghề làm nhang. Mẹ tôi bảo, khi bà về xứ này làm dâu, nhà nội đã có “thương hiệu” làm nhang nức tiếng. Trong kí ức về nội, tôi nhớ mãi cái dáng lưng cong cong in xuống mặt đường giữa trưa, lúc nội đi trở nhang cho được nắng. Bà cẩn trọng, nâng niu từng thành quả lao động của gia đình. Những năm gần cuối đời, có lẽ do tuổi già, sức yếu, nội rất ít ngủ. Có những đêm thức học bài, tôi thấy nội hay trở dậy, nội rọi đèn dầu đi lần mò xuống xưởng làm nhang, tay nội rờ rẫm từng bao bột, từng bó tâm nhang, chiếc máy se nhang, rồi ngồi xuống ghế hít hà hương nhang tỏa ra thoang thoảng trong không khí. Nội thở dài. Hơi thở khó nhọc như chính số phận của những cây nhang, trải bao công đoạn mới thành hình, hay sự nhọc nhằn cho những ai đang theo đuổi nghiệp làm nhang truyền thống? Tôi lờ mờ nhận ra số phận hẩm hiu của cây nhang, khi nhang điện bày bán rầm rộ trên thị trường. Nội rút hai cây trong một bó nhang thơm, đánh lửa, rồi thắp lên bàn thờ ông, khấn vái. Cũng như mẹ, nội biết se nhang khi về làm dâu nhà ông nội. Giờ đây, trước cảnh nhang tụt giá, ế ẩm, không sản xuất được nhiều, bán không được chạy như ngày xưa, lòng nội không khỏi hoang mang, lo lắng. Nó không chỉ đơn thuần là bát cơm gia đình mà còn là nghề gia truyền, mai này xuống cửu tuyền, bà sẽ ăn nói với tổ tiên thế nào. Sau nhiều năm nội mất, tôi mới đọc được tâm trạng của bà vào cái đêm hôm ấy. Người già vốn lo xa, nhưng điều nội tôi lo lắng cũng có xa xôi gì. Cũng may sau đó vài năm, trước khi nội đi theo ông, bà đã tận mắt thấy cha mẹ tôi mua máy se nhang hiện đại, thuê thêm nhân công, hương liệu làm nhang luôn ngào ngạt trong nhà. Các bạn hàng xa gần đến đặt mối. Không chỉ riêng gia đình tôi mà cây nhang quê hương cù lao này đã đặt chân đi nhiều mảnh đất xa lạ của Tổ quốc.

Đi trên dòng sông Hậu, tôi mê mải ngắm nhìn quê hương xanh biếc đang thay da, đổi thịt. Nghĩ về trong niềm tự hào, suy tư trước cảnh, trước tình như thơ, như tranh, tôi mơ màng thấy bóng nội đứng đón bên kia bờ cù lao, thoảng trong hương nhang ngan ngát.

Hoàng Thị Trúc Ly

-----------

Bài viết cùng chuyên mục:

Cụp ơi! Về đâu... - Tản văn của Hoàng Quốc Quyền Hạ cũ. Tản văn của Ngọc Hoài Lâm Kem que một thủa - Tản văn của Lê Hà Ngân Dáng quê. Tản văn của Kim Loan Lớp học trong ngôi chùa cổ - Tản văn của Nguyễn Hải Yến

Bình luận

avatar-comment
Khai mạc triển lãm mỹ thuật "Hành trình Huỳnh Phương Đông"

Khai mạc triển lãm mỹ thuật "Hành trình Huỳnh Phương Đông"

Baovannghe.vn - Sáng 11/4, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, đã diễn ra lễ khai mạc triển lãm chuyên đề Hành trình Huỳnh Phương Đông. Đây là triển lãm có quy mô lớn nhất từ trước đến nay của chiến sĩ - họa sĩ Huỳnh Phương Đông, trưng bày 151 tác phẩm tiêu biểu của ông.
Bộ sưu tập của nhạc sỹ Hoàng Vân được UNESCO ghi danh Di sản Tư liệu Thế giới

Bộ sưu tập của nhạc sỹ Hoàng Vân được UNESCO ghi danh Di sản Tư liệu Thế giới

Baovannghe.vn - Bộ sưu tập của nhạc sỹ Hoàng Vân được UNESCO ghi danh Di sản Tư liệu Thế giới. Đây là di sản tư liệu đầu tiên về âm nhạc của Việt Nam được ghi danh, góp phần làm giàu thêm kho tàng văn hóa dân tộc và văn minh nhân loại.
Bản tin Văn nghệ ngày 11/4/2025

Bản tin Văn nghệ ngày 11/4/2025

Baovannghe.vn - Giải thưởng Lớn Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 2024-2025 thuộc về công trình Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam (năm 2024).
Trong cánh rừng già… - Thơ Huỳnh Thị Kim Cương

Trong cánh rừng già… - Thơ Huỳnh Thị Kim Cương

Baovannnghe.vn- Những dốc dài bỏ lại phía sau/ ngày trả về im ắng
Vẽ - Thơ Tân Quảng

Vẽ - Thơ Tân Quảng

Baovannghe.vn- Ngất ngư ngồi vẽ cơn say/ hồn như cốc chén rót đầy hoàng hôn