Chuyên đề

Lớp học trong ngôi chùa cổ - Tản văn của Nguyễn Hải Yến

Nguyễn Hải Yến
Văn học thiếu nhi
10:00 | 27/08/2024
Baovannghe.vn - Kim Trang Tây của tôi xưa là làng cổ, gần sông, đất trũng nên năm nào cũng lụt. Xa làng mấy mươi năm, tôi vẫn nhớ...
aa

Kim Trang Tây của tôi xưa là làng cổ, gần sông, đất trũng nên năm nào cũng lụt. Xa làng mấy mươi năm, tôi vẫn nhớ, sau mỗi lần nước dâng, trên tường vôi phèn trường cấp II Lam Sơn của chúng tôi lại in một lần ngấn nước phù sa. Cao thấp không đều, ngấn mới chồng ngấn cũ.

Bọn trẻ con chúng tôi gọi ngôi trường gồm bốn phòng học mái ngói, tường xây nhưng nền đất và không cửa ấy là trường cấp II vì nó xa tít, cách làng cả một quãng đồng, lại gần sông và chỉ có bọn lớp 6 trở lên mới được ra ngoài ấy học. Còn cấp I thì tuỳ nghi di tản, đi học nhờ mỗi lớp một nơi: Nhà kho hợp tác, giải vũ đình và cả ở trong chùa.

Mấy năm cấp I tôi đều học trong chùa như thế.

Làng tôi có một ngôi chùa cổ, gọi là chùa Chè.

Đến tận bây giờ, tôi vẫn không biết vì sao chùa lại có tên như vậy vì khắp chùa, từ vườn trong, sân ngoài, đến cả bờ giậu giáp đồng cũng không có lấy hồn vía nửa cây chè. Chỉ duy nhất bóng muỗm cổ thụ lừng lững, che khuất mặt trời. Chùa làng bé tẹo, nằm gọn dưới tàng cây, quanh năm không bóng nắng, từ tường cổng xây kiểu bức bàn đến mái ngói, tường vôi lúc nào cũng ẩm sì, quanh năm rêu phủ; từ sân chùa lát đá xanh, có cỏ mềm trổ hoa quanh mép đá đến vườn chùa quanh năm âm âm bóng cả - bóng nhãn, bóng xoài sẫm trong hơi đất, từ đồng Ngoài nhìn về trông như những quả đồi con. Rồi chỉ nhấc một bước chân lên bậc cấp, qua ngưỡng gỗ là bước vào lớp học. Giữa những vòng khói hương trầm lang thang trong không khí, giữa tiếng chim lích tích trên mái ngói là lũ bàn học được làm từ mấy tấm ván kê hai đầu hai chồng gạch xếp. Không có ghế sẵn. Đứa nào đi học phải cắp theo một cái ghế gỗ. Hết buổi, bàn xếp vào một góc, ghế lại cắp nách mang về.

Lớp học trong ngôi chùa cổ - Tản văn của Nguyễn Hải Yến
Một lớp học xưa - Ảnh: giaoduc.net

Cô giáo dạy mấy lớp đầu cấp của tôi ngày ấy tôi gọi bằng bà. Bà Ninh. Chẳng biết sau này bà già đi, trông thế nào chứ trong trí nhớ của tôi, bà Ninh lúc nào cũng là một người phụ nữ có mái tóc dài cặp bằng chiếc cặp ba lá sắt tây sáng loáng, dáng đi khoan thai nhưng trên tay lúc nào cũng cầm lăm lăm cây thước gỗ và ngày mùng bốn tháng chín năm nào cũng bắt đầu công việc của mình bằng cách đi đến nhà từng đứa gọi ngày mai đi khai giảng. Thế là ngày mai chúng tôi dậy sớm, diện bộ quần áo mặc lại của ai đó đã được mẹ cẩn thận vá dặm từ hè. Những chỗ hay rách như khuỷu tay, nách áo được chèn lại vài đường cho chắc. Cái ống quần xơ tướp thì lên gấu. Cái mông quần đã sờn thì tích kê. Hoa trên bàn giáo viên đầy cả ôm, toàn là hoa ngắt vội từ hàng rào dâm bụt cuối vườn nhà hay dọc đường đến lớp. Rồi chen chúc nhau, há mồm nghe bà Ninh dặn mai học mấy giờ chiều. Dặn mua vở thế này, mực thế ấy, bút thế nọ. Đi học không được la cà ngoài cống ông Đống kẻo ông Đống bắt xuống. Đến lớp không được phá bàn vì bàn đã hỏng hết rồi. Nhớ bảo bố mẹ đóng cho cái ghế con để ngồi vì lớp không có ghế. Đi học sớm không được vào nghịch tượng, phải tội... "Nhớ cả chưa?" "Rồi ạ!"…râm ran.

Thế là xong khai giảng. Nhớ mãi lời bà Ninh dặn: "Không được vào nghịch tượng. Phải tội. Nhớ chưa?"

Chùa làng tôi nhỏ nên từ ngày bà sư già ẩn mình vào trong ngôi mộ tháp giữa vườn cây thì mấy năm liền không có người trông coi. Bà Ninh dạy ở đấy và kiêm cả việc trông chùa. Hai công việc khác hẳn nhau. Và bà Ninh khi dạy học cũng khác hẳn với bà Ninh lúc trông chùa.

Cấp I của chúng tôi hồi ấy chỉ học chiều. Từ vườn nhà, nhìn qua ao cả, cách một con đường đất mảnh như chỉ là thấy chùa Chè, bốn mùa im lìm sẫm màu trong bóng cây. Nhìn thấy rõ cả tường vôi xám loang rêu mốc, ngói mũi thâm xỉn màu. Gần là thế nhưng bao giờ chúng tôi cũng phải đi mất già hai tiếng. Hai tiếng đồng hồ cho quãng đường ướm vội chừng non cây số. Nắng như mưa, đông như hạ chẳng bao giờ có thể nhanh hơn. Bởi vì ngày ấy chẳng ai đi học một mình mà phải đi rủ bạn. Cứ vòng lên, lộn xuống những con ngõ dài đầy những hoa giun nở đủ màu, những rặng duối già quả chín vàng mọng như hạt ngô lai, những ổi xanh, sung chát… ra đến đầu cống ông Đống là tập hợp được gần nửa lớp đồng Trong. Ngồi dãi thẻ trên thành cống đá nghỉ chân chờ bọn đồng Ngoài để cùng rẽ xuống vệt đường đất dẫn vào chùa - vệt đường xanh um ngang đầu gối những bụi thèn đen, quả tím, ngọt như mật, vòng qua hông chùa vào lớp.

Rồi bắt đầu cãi nhau inh ỏi, loạn cào cào.

Lớp chùa Chè của chúng tôi sĩ số chẳng bao giờ cố định vì mỗi đứa đi học thường dắt theo em, vừa trông em vừa học và lúc nào cũng nháo nhào, nhộn tít như chợ vỡ. Tiếng thước gỗ đập cành cạch trên mặt bàn. Tiếng bà Ninh oang oang át cả tiếng thưa cô, tiếng nói chuyện, tiếng gào từ đầu lớp xuống cuối lớp để mượn tẩy, mượn ngòi bút, tiếng chân chạy huỳnh huỵch để chấm nhờ mực, để chạy ra ngoài đi vệ sinh kẻo lại ra quần... Tiếng đứa em nào đó khóc ré lên… Tiếng bà Ninh dỗ dành… Thậm chí cả hát ru…Vở đứa nào cũng quăn tít mép. Mực hôm nào cũng bị đổ, bôi đầy sách, đầy quần áo, đầy mặt, nhuộm tím cả răng. Hôm nào cũng có đứa bị ăn quát, thậm chí tét vào mông nhưng đố dám mếu. Vì cứ thử mếu mà xem, bà Ninh trên đường về sẽ rẽ vào mách mẹ, lúc ấy ăn đòn cháy đít như chơi!

Lớp học trong ngôi chùa cổ - Tản văn của Nguyễn Hải Yến
Tuổi thơ

Không biết bao nhiêu ngày cả lũ nhếch nhác, nhãi nhai với đống chữ cái, đồng thanh gào theo nhịp gõ trên bảng của bà Ninh. Cạch..."O - kéo co". Cạch..."A - cái ca"...Cạch... "Một cộng một bằng hai"...Nghiến răng, vẹo cổ, tô mòn bút chì, rách cả giấy, nghe đầy cả hai lỗ tai tiếng quát : "Xòe tay ra! Sao viết chữ như giun, như dế thế này!" Bà Ninh một tay nhăm nhăm cái thước kẻ, tay kia mỗi lúc cắp nách một đứa trẻ con là em dắt theo của đứa nào đó, đi suốt từ đầu lớp đến cuối lớp. Tiếng thước gõ trên mặt bàn cồng cộc… Không chỉ các anh chị mà lũ em đi theo lớ rớ cũng bị quát. Nhưng loanh quanh mấy hồi, ngoảnh đi ngoảnh lại biết chữ lúc nào không nhớ. Chỉ có điều hành trình biết chữ thật gian nan vì buổi học hôm nào cũng phải dừng giữ chừng, chờ bà Ninh thay quần áo cho một đứa em đái dầm hay ru một đứa nào gắt ngủ…

Chùa Chè ba mùa xuân – thu - đông không buổi chiều nào không náo loạn. Bắt đầu từ lúc cái cổng gỗ mục khập khiễng mở ra và kết thúc lúc hai cánh gỗ xỉn màu lập cập khép lại cùng ríu rít tiếng chào : "Chúng em chào cô! Cháu chào bà Ninh!" "Ừ về nhé! Mai đứa nào đến sớm phải gọi bà! Không được trèo! Cánh cổng ải hết rồi. Sập ngã gãy chân."

Bà Ninh đứng bên cánh cổng gỗ mục nhìn theo chúng tôi rồi quay vào, vơ lấy cái chổi quét từ trong lớp quét ra đến ngoài sân, thế là biến thành một bà Ninh trông chùa, chẳng có chút gì giống bà Ninh cách đây mấy phút tay cầm thước gỗ đi dọc lớp, vừa đọc mẫu vừa đập cái thước vào lòng bàn tay thành nhịp làm đứa nào yếu vía toát mồ hôi.

Nhà bà Ninh ở giữa làng, cũng cấy hái, lợn gà như bao nhiêu nhà khác, chẳng hiểu bà làm lúc nào mà bao giờ, khi chúng tôi vào học, chùa Chè cũng sạch bóng như lau. Rồi một cánh cổng chùa nữa được mở ra giữa hàng rào cúc tần đầy dây tơ hồng như những sợi chỉ vàng lấp lánh trên nền xanh lá. Cổng ấy là cổng phụ, hướng về phía bến sông. Có lần, đứng từ đó nhìn ra, bà chỉ cho chúng tôi thấy con đò dọc vừa cập bến, trong số những người vừa lên có một người đàn bà trẻ tuổi, đội mê nón rách, ôm đứa trẻ, ngơ ngác không biết tìm người hay tìm đường giữa hoàng hôn. Bà bảo cổng chùa mình cần hướng về phía bến, mà lúc nào cũng phải rộng mở, để từ bi đón những kiếp đời phiêu dạt ghé nương nhờ. Rồi từ ngày có bà, cây muỗm già cổng chùa, mỗi mùa quả bao giờ cũng dựng sẵn dưới gốc một cây sào dài, có ngoéo, nối vào cái giỏ đan bằng cật tre, để lũ trẻ con lấy quả chín, quả xanh tùy ý, khỏi trèo. Và rồi không chỉ bọn trẻ con mà cả người lớn hai làng Kim Trang Đông và Kim Trang Tây ngày ấy chắc sẽ chẳng bao giờ quên mỗi buổi chiều, trong chùa Chè bốn mùa xanh bóng lá, có một bà giáo mái tóc dài như nước, ngồi giữa lớp học không bàn ghế, thỉnh chuông gọi hoàng hôn buông xuống, cầu bình an cho muôn triệu kiếp người.

Tôi xa quê năm mười ba tuổi. Mấy năm mới về một lần. Con ngõ quen thêm nhiều người lạ. Nhưng đường ra chùa Chè vẫn sẫm thành vệt trong kí ức không thể nào quên. Từ những chữ cái đọc lên trong ngôi chùa cổ, lũ chúng tôi lên đường mang theo bài học vỡ lòng là cánh cổng chùa rộng mở, là cây sào lấy quả lúc vào mùa và là lời nguyện cầu bình an cho tất cả vì trong số ấy chắc chắn sẽ có mình. Cô giáo cấp I của tôi cứ già đi trong ngôi chùa cổ, cả đời chỉ quẩn quanh ở làng chắc chắn không biết bài cô dạy theo chúng tôi đi mãi nơi nào.

Rồi có một buổi chiều, mấy đứa trẻ cấp I học trong chùa Chè ngày xưa gọi nhau về tiễn bà Ninh đi khúc cuối. Đưa bà qua cống ông Đống, rắc ít tiền vàng nhờ ông Đống đưa đường kẻo bà mới xuống, lơ ngơ lạc lối, mấy đứa giục tôi gọi: "Bà ơi! Chùa Chè - Lớp học ngày xưa của bà đấy! Nhưng khi nào về bà nhớ tìm đất cũ chứ đừng tìm dáng cũ. Bà nhìn đi, chùa cũ phá hết rồi. Chùa mới đang dựng lại. Mới có nền thôi mà đã cao ngang tầm chùa cũ, lớp cũ ngày xưa. Chỉ còn cây muỗm già trăm năm buông bóng cả, làm điểm tựa để muôn linh hồn nương theo, về cùng gió nghe cầu siêu cho trọn kiếp luân hồi."

Đồi cỏ nến. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Hải Yến Thềm sương - Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Hải Yến Mùa mưa nhớ cha - Tản văn của Nguyễn Minh Nguyệt Cụp ơi! Về đâu... - Tản văn của Hoàng Quốc Quyền Dáng quê. Tản văn của Kim Loan
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Trong số các nhà văn nữ Việt Nam đương đại, nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, là cây bút văn xuôi có nội lực sung mãn. Chị là tác giả của nhiều truyện ngắn hay, ghi dấu trong lòng bạn đọc mà “Nhà Thánh” - giải nhất Cuộc thi truyện ngắn Lửa mới 2018-2019 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức là một minh chứng tiêu biểu.
Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Baovannghe.vn - Bà ngoại chỉ nói: "Đừng thúc ép gì nhiều. Phải tội. Đời người bạc, phận mỏng, biết sao được số trời. Mày làm thế không sợ chuốc khổ cho con bé".
Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4  trên khu vực trung Lào

Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4 trên khu vực trung Lào

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, sáng sớm nay (19/9), áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành bão - cơn bão số 4 năm 2024.
Bản tin Văn nghệ: Cuộc thi "Đưa Văn vào đời" - trao thiệp gửi yêu thương

Bản tin Văn nghệ: Cuộc thi "Đưa Văn vào đời" - trao thiệp gửi yêu thương

Baovannghe.vn - Cuộc thi thiết kế thiệp Văn học: Đưa Văn vào đời 2024, do Nxb Hội Nhà văn phối hợp tổ chức, Hội Nhà văn Việt Nam bảo trợ chuyên môn