Sáng tác

Mùa mưa nhớ cha - Tản văn của Nguyễn Minh Nguyệt

Nguyễn Minh Nguyệt
Tản văn
00:00 | 16/08/2024
Baovannghe.vn - “Ngoài hiên giọt mưa Thu thánh thót rơi…” là giọng hát ngân nga của cha tôi mỗi lúc trời mưa mà tôi mang theo trong ký ức từ thơ ấu đến xế chiều
aa

Cái thời mà ai hát nhạc tiền chiến sẽ bị quy là “phản động”, với một người hoài cổ, có tâm hồn lãng mạn như cha tôi quả thật là nặng nề và khổ tâm vô hạn.

Cha tôi vốn lá một thủ lĩnh thanh niên thời thành phố Vinh tiêu thổ kháng chiến, cùng gia đình tản cư lên thị trấn Đô Lương. Những năm tháng tuổi trẻ của người là chuỗi ngày hăng say với công tác đoàn thể. Từng làm dân công tiếp vận cho các chiến dịch Biên giới, chiến dịch Điện Biên Phủ… trở về ông lại lao vào những hoạt động thể thao, văn hóa phục vụ bộ đội và nhân dân. Hình ảnh ông năng nổ trên sân bóng đá hay ôm đàn măng-đô-lin ngồi hát được khắc vào trí nhớ của các dì, các cô cùng thế hệ mà mãi mấy chục năm sau họ vẫn còn nhắc mỗi khi gặp lại. Khổ nỗi, người ta chỉ mê cha tôi khi ông tham gia phong trào văn, thể, khi ông làm cán bộ đoàn mà văn hay chữ tốt nên thường được phân công viết báo cáo, kẻ vẽ khẩu hiệu… còn khi đến chơi, thấy gia cảnh nhà nội tôi túng bấn nghèo nàn thì đều lảng ra hết. Bởi vậy, tiếng là tài hoa, tháo vát nhưng chàng cán bộ Đoàn thanh niên ngày đó cứ “ế” mãi, năm ba mươi tuổi mới gặp mẹ tôi và nên vợ nên chồng.

Gia đình nội tôi ba bốn đời đều chỉ có một con trai nên áp lực phải “phá thế độc đinh” đè nặng lên vai cha mẹ tôi từ những ngày đầu về với nhau. Lần lượt bảy đứa con ra đời, gánh nặng cơm áo làm cha tôi hầu như quên hết thú vui ngày trẻ của bản thân mình. Thời gian để đàn hát, chơi thể thao được chuyển đổi thành giờ làm thêm kiếm tiền, giờ giúp vợ công việc gia đình… Tôi nhớ hồi đó ông hay nói câu ngạn ngữ bằng tiếng Pháp “mười hai cái nghề là mười ba cái khổ” để tự giễu mình khi chị em tôi thán phục thấy cha hầu như không có việc gì là không làm được.

Mùa mưa nhớ cha - Tản văn của Nguyễn Minh Nguyệt
Ảnh Internet

Ông đào giếng, làm nhà, rèn dao kéo, gò xoong nồi, khâu vá quần áo… Trăm thứ việc không tên của một gia đình có người vợ yếu và đàn con đông đúc gần như vắt kiệt sức cha tôi sau giờ làm việc ở cơ sở sản xuất và trực chiến trong tổ Dân quân tự vệ, ấy thế nhưng chưa bao giờ ông phàn nàn, ca thán mà luôn hóm hỉnh kể những câu chuyện vui để quên đi mệt nhọc. Tôi nhớ những đêm mùa Đông lạnh lẽo, sau khi quạt than ủ nóng cho mẹ tôi và em bé, cha đến từng giường kiểm tra xem chị em tôi đã đủ ấm chưa, mấy đứa em trai có đạp tung chăn hay thò tay chân ra ngoài màn… rồi ông lặng lẽ ngồi đọc sách bên ngọn đèn dầu leo lét. Truyện yêu thích của cha tôi là “Tam Quốc diễn nghĩa” và “Đông Chu liệt quốc”. Hai bộ sách ấy trong trí nhớ của tôi đã ố vàng, cũ kỹ, sờn và rách nhiều chỗ được ông dán và đóng lại bìa bằng giấy “xi-măng” để dùng được bền lâu. Không biết những câu chuyện lịch sử đó có ảnh hưởng tới cha tôi nhiều không nhưng từ lúc biết nhận thức tôi đã thấy ông sống theo tinh thần nghĩa hiệp, luôn quan trọng chữ tín, coi khinh kẻ luồn cúi, gian xảo trong cuộc sống.

Chính tính khảng khái, trung thực, thẳng thắn nhưng hơi thiếu mềm mỏng, khôn khéo nên dù có tư chất và khả năng bao quát công việc, suốt đời ông cũng chỉ làm cấp phó, nhiều lần được đề bạt nhưng rồi vẫn bị gạt ra khỏi những vị trí quan trọng. Những mơ ước thời trẻ không có điều kiện thực hiện, khi có con ông như dồn hết sang cho chúng tôi. Bận rộn bao nhiêu ông cũng dành thời gian xem bài vở của các con, dạy các con biết chăm học và biết làm những công việc phù hợp với lứa tuổi của mình để giúp gia đình. Tôi là chị cả của một đàn em trai ngỗ nghịch, từ nhỏ đã phải cùng cha mẹ trải qua những tháng ngày vất vả kiếm sống nhưng rất ham học và yêu thích đọc sách, làm thơ… những tư chất được “di truyền” từ cha nên ông hay gần gũi và tâm sự cùng tôi.

Có những đêm khuya sau khi học bài cha con tôi ngồi nói chuyện, ông luôn hồi tưởng quãng đời sôi nổi thời thanh niên, ông kể nhiều chuyện về các đời cụ, ông bà… Ông luôn nhắc để tôi nhớ rằng ông thích đi học biết bao và tuy học giỏi nhưng phải nghỉ học để đi làm từ thời niên thiếu là một sự thiệt thòi và nỗi tiếc nuối không bao giờ nguôi. Qua những câu chuyện, tôi hiểu rằng ông muốn chị em tôi phải cố gắng học hành dù khó khăn đến mấy, đừng như ộng phải gác lại những khát khao kiếm tìm kiến thức thời trẻ. Dù cuộc sống của một gia đình nghèo đòi hỏi mọi chi tiêu phải tằn tiện và tính toán chi li, nhưng chưa bao giờ ông từ chối khi tôi đòi mua sách. Ông nhịn ăn sáng, không may quần áo mới, tự mua sợi thuốc lá về cuộn thay vì hút loại thuốc lá có thương hiệu…tất cả sự dành dụm đó được chuyển thành những cuốn sách cho cô con gái đã có thiên hướng giỏi văn từ cấp một. Ngày tôi đạt giải nhất kỳ thi học sinh giỏi văn thành phố, ông còn vui hơn tôi.

Tết năm đó ông dẫn tôi đi thăm họ hàng, tiếng cười sang sảng, ánh mắt ấm áp khi “khoe” cô con gái với các cô các bác làm tôi nhớ mãi và luôn tự nhắc mình phải cố gắng để nụ cười luôn nở trên môi cha – một người cha âm thầm, tận tụy, quên cả bản thân mình vì đàn con đông đúc.

Cha tôi yêu thích dòng nhạc tiền chiến và thuộc nhiều bài hát giai đoạn này. Những ca khúc như “Dư âm”, “Sơn nữ ca”, “Thiên thai”, “Giọt mưa Thu”… thường đựơc ông hát nho nhỏ bằng một giọng trầm buồn. Ông hát không hay lắm nhưng rất đúng nhạc có lẽ vì ngày xưa chơi đàn măng-đô-lin. Những bài hát đó không được lưu hành trong suốt một thời gian dài, nhất là giai đoạn chiến tranh chống Mỹ. Hình như người ta cho rằng giai điệu du dương, gợi buồn của những ca khúc tiền chiến sẽ làm nhụt ý chí chiến đấu nên ai hát loại nhạc đó bị gán mác “phản động”. Cha tôi rất buồn, ông luôn hy vọng rằng đến một lúc nào đó người ta sẽ cho phục hồi những tác phẩm văn học, những bản nhạc hay hiện thời đang bị cấm. Giờ niềm hy vọng đó đã thành hiện thực thì cha tôi đã đi xa mấy chục năm rồi. Ông mất vì bạo bệnh ở tuổi 62, lứa tuổi mà giờ đây thế hệ chúng ta mới thực sự sống cho mình với những sở thích du lịch, thể thao, giao lưu bè bạn…

Cả cuộc đời cha tôi chưa được hưởng một ngày thảnh thơi sung sướng. Xứ Nghệ quê tôi mùa nắng nóng như nung, gió Lào ràn rạt khô cây héo lá. Cha tôi ngày hai buổi đạp xe đi làm lưng áo đẫm mồ hôi. Có những hôm trời đã tối mà còn nóng hầm hập, giếng cạn khô nước, vừa đi làm về ông lại nhảy ngay xuống nạo vét cát, chắt từng gầu nước nhỏ nhoi cho đàn con tắm giặt. Mùa mưa bão, một mình ông loay hoay chằng buộc trên mái nhà, trở xuống lại túm mảnh ni-lông che chỗ này, chắn chỗ kia cho nhà đỡ dột. Mẹ tôi sinh em bé, chúng tôi còn nhỏ, một tay ông giặt giũ, quạt than, nấu nướng, vừa chăm sóc vợ vừa lo cho đàn con trong cảnh nhà túng thiếu “giật gấu vá vai”. Nhiều khi tôi cũng thấy ngạc nhiên tự hỏi: một người đàn ông gầy nhỏ như cha tôi lấy đâu ra sức mạnh và nghị lực để quần quật quanh năm với việc công, việc tư mà vẫn đọc sách, làm thơ , thỉnh thoảng lại tự hát cho mình nghe vài bản nhạc tiền chiến để thỏa lòng hoài cổ, nhớ về một thời xa lắc ôm đàn ngồi hát giữa bạn bè nam thanh nữ tú cùng thời tản cư năm xưa…

Cha tôi – người cho tôi hình hài, người dạy tôi tính cách, người mà suốt thời thơ ấu của tôi đã thủ thỉ tâm tình như một người bạn, người khuyên bảo, hướng dẫn tôi từng chi tiết nhỏ nhất khi từ tuổi thơ qua thời thiếu nữ như một người mẹ… đã mãi mãi đi xa trong một ngày Hè năm 1990 để lại cho vợ con sự bàng hoàng đau xót mãi không thôi. Giờ tôi đã hơn tuổi cha ngày ấy, bước chân tôi đã đi qua bao miền đất, bao đất nước, ăn biết bao món ngon, ngắm biết bao cảnh đẹp… mà mãi cứ canh cánh bên lòng nỗi niềm thương cha. Nhớ lại lời cha nói mấy tháng trước lúc đi xa “Cậu vẫn muốn trở lại Sài Gòn lần nữa” mà không bao giờ còn thực hiện được, mắt tôi lại nhòa lệ.

Tháng Bảy mùa Vu lan báo hiếu. Mưa gió não nề cả tuần nay, lòng tôi quặn thắt nhớ cha, nhớ câu mà ngày xưa cha thường hát “Ngoài hiên giọt mưa Thu thánh thót rơi, Trời lắng u buồn mây hắt hiu ngừng trôi…”

Nguyễn Minh Nguyệt | Báo Văn nghệ

-----------

Bài viết cùng chuyên mục:

Nhớ ba - Tản văn Nhật Lượng Nỗi nhớ... tản văn của Trần Quỳnh Nga Qua cửa sổ con tàu. Tản văn của Hoàng Khánh Duy Hà Nội và tôi - tản văn của Trần Thị Tuệ Anh Ai chè sen - Tản văn của Lê Hà Ngân

Tags:

Nguyễn Đình Thi - Thơ Nguyên Hùng

Nguyễn Đình Thi - Thơ Nguyên Hùng

Baovannghe.vn- Sinh ở Lào nhưng là người Hà Nội/ Một nghệ sĩ hào hoa sắc sảo đa tài
Triển lãm nghệ thuật "Sắc màu bừng nở"

Triển lãm nghệ thuật "Sắc màu bừng nở"

Baovannghe.vn - Từ ngày 23/11 đến ngày 15/12/2024, tại Nguyen Art Gallery (Hà Nội), sẽ diễn ra triển lãm tranh màu nước Colors in Bloom - Sắc màu bừng nở của nhóm 6 họa sĩ trẻ.
Yêu người cây mở đất - Thơ Chung Tiến Lực

Yêu người cây mở đất - Thơ Chung Tiến Lực

Baovannghe.vn- Như những mũi lao cắm vào vùng ngập mặn/ Mầm sống gieo trên sóng nước hoang sơ
Nên bị gai đâm - Tản văn của Chu Văn Sơn

Nên bị gai đâm - Tản văn của Chu Văn Sơn

Baovannghe.vn - Và ta cứ yên trí đi qua thế giới này với bước chân quen xéo lên cỏ hoa. Thỉnh thoảng bàn chân nên bị gai đâm, để ta được giật mình: Tổn thương là rỉ máu.
Trịnh Hoài Đức - Nhà thơ, nhà viết kịch tài hoa

Trịnh Hoài Đức - Nhà thơ, nhà viết kịch tài hoa

Baovannghe.vn - Kịch Trịnh Hoài Đức ngoài chất hài ý nhị, sâu cay, cười ra nước mắt còn bao hàm cả triết lý sâu sắc về thế giới quan, nhân sinh quan... Thơ của ông như gieo vào lòng người cái tình sâu lắng, ngôn ngữ giản dị mà nhân văn đa nghĩa đầy tính bác học...