Ảnh minh họa. Nguồn internet. |
Ai cũng có trong lòng một dáng hình quê hương để mà thương, mà nhớ. Với tôi, đó là hình dáng con đường đi học, hình dáng của bụi tre làng thấp thoáng trong đêm trăng. Là dáng mẹ gánh lúa trên đê hay là dáng cha đang lom khom cày ruộng. Chỉ hai tiếng dáng quê mà rưng rức lòng, có lẽ đó không chỉ là nơi ta được sinh ra và nuôi lớn, mà còn là nơi chan chứa nhiều kỷ niệm êm đềm của tuổi thơ. Chẳng cần phải xa quê mới cảm thấy nhớ quê, như tôi vẫn ở trong lòng quê mà không phải quê xưa, vẫn ở mảnh đất này nhưng không còn tìm thấy ngôi nhà xưa, con đường xưa đâu nữa.
Dáng quê trong tôi là chiếc bờ ruộng làm đường đi vào thôn chỉ vừa cho một người đi lại. Bờ chật nên hàng xóm giữa đường gặp nhau thế nào cũng chào và thăm hỏi râm ran. Chiếc bờ ruộng thẳng tắp ngăn hai thửa ruộng mướt xanh, hai bên mọc lên nào là hoa dại. Ngày đó nhà tôi có một chiếc xe đạp, không biết bao lần tôi đi xe bị ngã nhào xuống ruộng nhưng vẫn rất thích. Ngã thì ngã vẫn đứng lên chạy tiếp dù chân tay đầy bùn đất lấm lem. Mỗi ngày đi học, lúc đi thì nhanh mà lúc về bao giờ cũng lâu hơn. Vì chung con đường nhỏ nên bọn con nít trong thôn hay túm tụm cùng nhau, chơi mấy cái trò như đá cỏ gà hay chỉ đơn giản là đuổi bắt nhau í ới. Nắng trưa chang chang là thế, chúng tôi vui đùa mặt nhễ nhại mồ hôi, tiếng cười giòn tan một thời thơ ấu
Dáng quê tôi hay là dáng mẹ, tất bật sau nhà bao nhiêu việc qua tay. Có dáng quê ai cũng giống quê tôi, là chiếc đòn gánh cong cong mẹ gánh nước, trăng vàng soi lóng lánh. Mẹ tôi hay gánh nước đêm để sáng kịp đi làm. Giếng mùa thu thơm thoảng hương trầu, mẹ giặt áo, mẹ gội đầu, mẹ gánh về đổ đầy lu, ánh trăng tràn ra khóm rau diếp cá. Giếng quê tôi sâu lắm, mẹ phải xách lên từng gàu nhỏ rồi mới đổ qua thùng lớn, ba gàu được một thùng, hai thùng thì được một đôi. Mà mẹ đâu có đếm bao nhiêu đôi thì được đầy lu, mẹ cứ gánh về đổ đến khi nào tuổi thơ con đầy ắp. Dáng quê trong tôi là dáng mẹ gánh đàn con theo tháng năm dài, chưa bao giờ mẹ nghĩ đến khi nào con cái có thể nuôi lại mẹ.
Dáng quê tôi là ánh lửa nhảy múa trong chiếc “đèn hột vịt”, mẹ chong đêm khuya khâu chiếc áo rách cho ba. Chiếc áo đó mẹ khâu chắc cũng mấy lần rồi, chỗ vá có khi lớn hơn những chỗ còn lành lặn. Chiếc đèn mẹ treo trên cây cột cạnh giường, phòng khi đứa em nhỏ hay giật mình trong đêm đòi mẹ rồi khóc quấy. Tôi lớn hơn em nên hay chờ mẹ ngủ cùng, trong khi mẹ làm, tôi hay nhìn vào ánh đèn leo lét kia. Bởi lúc đó cũng không có gì để chơi, tôi hay nhìn ngọn đèn và nhìn những cái bóng trên vách do ánh đèn vô tình tạo ra rồi tha hồ tưởng tượng và thích thú. Được một lát, tôi ngủ lúc nào không hay, chỉ giật mình khi mẹ xong việc rồi khe khẽ vào giường nằm bên cạnh. Việc cuối cùng trước khi ngủ là mẹ vặn đèn nhỏ lại cho khỏi hao dầu, tôi cũng bất giác nhìn theo hướng đó. Giấc ngủ tuổi thơ của tôi đọng lại trong mắt là ngọn đèn dầu, ngọn đèn thay mẹ dỗ dành giấc ngủ, ngọn đèn ấm áp tỏa sáng đời con.
Trong những hình dáng của quê hương, có lẽ in đậm trong tâm trí tôi là hình ảnh ngôi nhà và khu vườn cũ. Ở nơi đó dáng quê in hằn lên từng vách gỗ, in hằn lên mái ngói, in hằn lên cây bưởi, cây chanh và bụi chuối sau hè. In hằn lên cái ao sau nhà, lũ vịt xiêm lớn nhanh như thổi. Dáng quê trong dáng hàng tre trưa hè lộng gió, ba lấy tre già làm thành chiếc chõng bên thềm, nằm nghe gió chuyển mùa sang.
Dáng quê dịu dàng như khóm hoa lan, anh trai mang từ rừng về tặng cho em gái. Chị trồng thêm cây hoa nhài trước ngõ, mẹ hái pha trà cho ba thơm chiếc ấm cũ quai sờn.
Biết bao giờ mới kể hết những yêu thương, đôi khi người ta nhớ không phải là muốn trở lại thời khốn khó, mà nhớ để biết rằng có được hôm nay là nhờ những ngày xưa đó. Tôi nhớ mãi hình dáng của quê hương mình dù vẫn hân hoan với sự đổi mới. Tôi nghĩ đó không có gì là mâu thuẫn với tình yêu quê hương tha thiết nồng nàn, dáng quê và dáng mẹ, vẫn mãi trong lòng không thể nào quên.
Kim Loan | Báo Văn nghệ
---------
Bài viết cùng chuyên mục: