Sáng tác

Cụp ơi! Về đâu... - Tản văn của Hoàng Quốc Quyền

Hoàng Quốc Quyền
Tản văn
03:00 | 18/08/2024
Baovannghe.vn - Ông nội tôi sinh ra và lớn lên ở ven sông Lô thuộc Phú Thọ.
aa

Ông nội tôi sinh ra và lớn lên ở ven sông Lô thuộc Phú Thọ. Nhà ông gần cảng nhà máy giấy Bãi Bằng nổi tiếng, một thời là biểu tượng của sự hợp tác liên doanh, hỗ trợ và chuyển giao công nghệ giữa Việt Nam - Thụy Điển.

Năm 1980, ông chuyển cả gia đình lên Hà Giang và cũng chọn nhà gần với sông. Vì sống gần ven sông nên ông tôi bơi, lặn rất giỏi. Ông đánh bắt cá thuộc hàng “đỉnh” và nếu trước có mạng xã hội như bây giờ thì ông tôi cũng thuộc vào top của Việt Nam chứ chẳng đùa. Việc đánh cá của ông chẳng giống ai. Tôi còn nhớ ông tôi luôn dùng một cái cụp đan bằng tre tự tay ông làm, cái cụp đó thường làm mất khoảng hai ngày. Làm cụp phải chọn những cây tre già tới, chặt về chẻ nó ra làm bốn rồi lột bỏ phần ruột của từng miếng chỉ giữ lại phần bên ngoài của cây tre. Sau khi chuẩn bị đủ nguyên liệu thì ông bắt đầu đan cụp, thoạt nhìn giống cái lồng để nuôi chim cu bây giờ nhưng to hơn, các mắt đan của nó có thể đút vừa hai nắm đấm. Phần bên trên nhìn như quả bóng cắt làm đôi, phía bên dưới là một mặt phẳng, sau khi đan xong ông tôi viền xung quanh cả trên và dưới rồi nẹp lại bằng những thanh tre vót tròn to bằng ngón tay cái. Sau khi đan xong hai phần, ông tôi nối lại với nhau bằng những sợi dây mây hoặc lạt tre, làm sao khi nhấc phía bên trên lên nó mở to ra được gần hết 180 độ. Phần thú vị nhất là các dây bên trong cụp, cái dây được buộc lại phía trên đỉnh chia làm ba đều đặn, để đảm bảo độ nặng đưa xuống những nơi nước chảy xiết, ông buộc vào vòng quanh chiếc cụp khoảng năm đến sáu hòn đá, tổng trọng lượng nó sẽ khoảng 20 đến 30 kg. Để không trôi mất khi thả xuống nước, phía trên của cụp sẽ được buộc lại bằng một chiếc dây thừng dùng buộc vào gốc cây nào có sẵn ở ven bờ nơi thả cụp.

Cụp ơi! Về đâu... - Tản văn của Hoàng Quốc Quyền

Ông tôi thường chọn chỗ nước chảy hoặc có dòng xoáy thả cụp. Khi thả thì cụp được mở ra như miệng con cá mập và chỉ chờ con mồi chui vào là nó tự sập xuống. Ông dặn tôi là cụp nên để ở những chỗ nước chảy xiết, vì những con cá to mới hay bơi ở đó và chỉ cá to mới bơi sát phía dưới. Chiếc cụp chỉ sập xuống với những con cá đủ to, đủ nặng thường là 2 đến 5 kg. Cá bé vào thì không đủ trọng lượng để cụp sập. Thường thường, khoảng một đến hai ngày ông sẽ ra lặn xuống vớt cụp khi nó đã sập. Chiến tích bên trong luôn là những con cá nheo, cá chiên, cá mang, thỉnh thoảng có con cá quất to ngoại cỡ. Tôi mê nhất đi theo chân ông lúc lặn cụp vì cũng hồi hộp chờ đợi chiến lợi phẩm mang về khoe. Mỗi lần ông đi lặn cụp là cả đám trẻ con như tôi đi theo sẽ hô mấy câu như đồng dao mà tôi cũng chẳng biết ai chế ra và nó có từ bao giờ: “Gió hiu hiu ông Điều lặn cụp” (ông Điều là tên ông nội tôi) - câu đó cứ gắn liền với ông.

Sau mỗi lần bắt được cá là cụp phải mang về chỉnh sửa và buộc lại các dây bẫy, ông thường nhấc ngửa cụp lên trời hoặc gọi bố tôi ra vác về. Khi ông sửa xong cụp là chúng tôi lại có trò chơi, được “đề mô” cụp trên cạn và đoạn đấy là “phê” nhất. Sân nhà tôi rất rộng, mấy anh em vác cụp ra để giữa sân, đầu tiên là mang thóc hoặc ngô rắc vào bên trong gọi gà đến, chúng liền chui vào ăn và chúng tôi chỉ chờ để xem. Cụp sập, hai đến ba con gà to giật mình hoảng hốt đập cánh, nhảy nhót tứ tung tìm cách thoát ra kêu loạn cả lên, nếu không nhanh giải thoát cho chúng ra khỏi cụp là anh em chúng tôi dễ ăn “lươn” vì tội bẫy gà. Có hôm chán gà chúng tôi sẽ bẫy chó và mèo. Nhưng chó và mèo bẫy không thích vì khi cụp sập chúng cũng không hoảng hốt và kêu loạn như gà.

Chiếc cụp của ông tôi cứ như vậy đi qua hết các mùa và cứ đều đặn bắt những con cá to ngon về góp thêm vào những bữa ăn của gia đình. Rồi tôi cũng lớn lên, dòng sông thì không lớn lên, những chiếc cụp của ông tôi thả chẳng còn thấy cá chui vào nữa và nó cứ mất dần, mất dần…

Sau 20 năm, đến giờ dòng sông đã biến dạng, bờ thì rộng mênh tít tắp, nước chỉ còn xăm xắp, lờ đờ chảy. Cá tôm tự biến đi đâu mất theo thời gian. Những cuộc đào bới tìm kiếm vàng của người dân tứ xứ, rồi cuộc đổ bộ của bà con trồng những cánh rừng cam bát ngát; những chất thải của chăn nuôi, của hoá chất, thuốc bảo vệ thực vật đã cùng nhau làm mất dần cá tôm, làm mất đi một con sông. Mỗi lần về quê, tôi cũng chẳng muốn nhìn dòng sông đó nữa, nó không còn là dòng sông của kí ức, không còn là dòng sông của câu hát “Gió hiu hiu ông Điều lặn cụp” nữa, mà giờ đây bỗng thành một dòng chảy ngoằn ngoèo, đen sì một màu ma quái...

Hành trình hi vọng - Tản văn của Hoàng Quốc Quyền Qua cửa sổ con tàu. Tản văn của Hoàng Khánh Duy Hà Nội và tôi - tản văn của Trần Thị Tuệ Anh Chuyện biển... Tản văn của tác giả Phạm Xuân Dũng Ngẫu nhiên. Tản văn của Nguyễn Tri Thức

Hoàng Quốc Quyền| Báo Văn nghệ

Nguyễn Đình Thi - Thơ Nguyên Hùng

Nguyễn Đình Thi - Thơ Nguyên Hùng

Baovannghe.vn- Sinh ở Lào nhưng là người Hà Nội/ Một nghệ sĩ hào hoa sắc sảo đa tài
Triển lãm nghệ thuật "Sắc màu bừng nở"

Triển lãm nghệ thuật "Sắc màu bừng nở"

Baovannghe.vn - Từ ngày 23/11 đến ngày 15/12/2024, tại Nguyen Art Gallery (Hà Nội), sẽ diễn ra triển lãm tranh màu nước Colors in Bloom - Sắc màu bừng nở của nhóm 6 họa sĩ trẻ.
Yêu người cây mở đất - Thơ Chung Tiến Lực

Yêu người cây mở đất - Thơ Chung Tiến Lực

Baovannghe.vn- Như những mũi lao cắm vào vùng ngập mặn/ Mầm sống gieo trên sóng nước hoang sơ
Trịnh Hoài Đức - Nhà thơ, nhà viết kịch tài hoa

Trịnh Hoài Đức - Nhà thơ, nhà viết kịch tài hoa

Baovannghe.vn - Kịch Trịnh Hoài Đức ngoài chất hài ý nhị, sâu cay, cười ra nước mắt còn bao hàm cả triết lý sâu sắc về thế giới quan, nhân sinh quan... Thơ của ông như gieo vào lòng người cái tình sâu lắng, ngôn ngữ giản dị mà nhân văn đa nghĩa đầy tính bác học...
Microsoft ra mắt nhà xuất bản sách in truyền thống

Microsoft ra mắt nhà xuất bản sách in truyền thống

Baovannghe.vn - Tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới - Microsoft đã chính thức bước chân vào ngành xuất bản sách với việc ra mắt 8080 Books, một nhà xuất bản được thiết kế để thúc đẩy sự đổi mới trong xuất bản và kể chuyện. Được đặt tên theo bộ vi xử lý Intel 8080 – nền tảng cho sự khởi đầu của Microsoft trong thập niên 1970 – 8080 Books không chỉ là một cột mốc mới trong chiến lược đa dạng hóa của công ty mà còn đại diện cho tham vọng đưa công nghệ vào thay đổi ngành xuất bản vốn còn nhiều hạn chế.