Văn hóa nghệ thuật

Cu li không bao giờ khóc và những “lớp lang” điện ảnh của Phạm Ngọc Lân

Mỹ Anh
Điện ảnh
13:00 | 19/11/2024
Baovannghe.vn - Cu li không bao giờ khóc không hề khó hiểu, mà ngược lại, rất dễ theo dõi và cảm nhận. Phạm Ngọc Lân tạo ra một ngôn ngữ điện ảnh tiết chế và hàm súc nhưng vẫn khiến người xem thâm nhập vào thế giới phim một cách tự nhiên. Trên tất cả, vị đạo diễn đã ghi dấu ấn trong bộ phim dài đầu tay của mình bởi những “lớp lang” điện ảnh của riêng mình.
aa

1

Thoạt tiên khi xem Cu li không bao giờ khóc của đạo diễn Phạm Ngọc Lân, trong tôi hiện lên hai điều. Trước hết, đó là những thay đổi của Hà Nội, thành phố tôi yêu với những con đường, góc phố, những cảnh sắc và sự biến đổi mà tôi đi qua mỗi ngày. Và hai, khi lời độc thoại của nhân vật nữ chính vang lên trong những giây đầu tiên, khiến tôi liên tưởng đến tiểu thuyết Và khi tro bụi của nhà văn Đoàn Minh Phượng, kể về một người đàn bà sầu muộn trong giai đoạn để tang chồng vừa qua đời. Sau những cảm xúc tự nhiên khi ký ức cá nhân gọi về đó, tôi nhập tâm hoàn toàn vào bộ phim, chẳng còn một gợn những liên tưởng so sánh với tác phẩm văn học, nghệ thuật nào nữa.

Cu li không bao giờ khóc cuối cùng lại khiến tôi xúc động và thành ra suy tư nhiều hơn nữa. Bộ phim kể câu chuyện của hai người phụ nữ (dì, cháu) ở hai thế hệ khác nhau. Một bên là người dì - bà Nguyện (NSND Minh Châu đóng) vừa từ Đức trở về, đang để tang người chồng li thân từ lâu vừa qua đời. Thứ bà đưa về, ngoài một hũ tro cốt và một con cu li là những kí ức. Câu chuyện thứ hai kể về người cháu gái tuổi đôi mươi (Vân, Hà Phương đóng) sắp thành hôn. Một người lần tìm quá khứ để tìm thấy sự hiện hữu của bản thân ở hiện tại. Một người băn khoăn trước ngưỡng cửa của việc trở thành vợ, thành mẹ trong tương lai.

Trên nền một câu chuyện không có nhiều xung đột dữ dội trên bề mặt, Cu li không bao giờ khóc có các cuộc xung đột âm thầm và âm ỉ trong mỗi nhân vật. Tất cả được Phạm Ngọc Lân nén vào những đoạn độc thoại dài và những màn đối thoại giữa các nhân vật. Những xung đột này không hẳn diễn ra ở những mối bất hoà giữa các nhân vật mà quan trọng hơn, trong chính họ. Vì thế mà xem Cu li không bao giờ khóc thấy một nỗi buồn man mác của con người trước cuộc đời. Mỗi cá thể bám vào những “khả thể” để thấy mình hiện hữu, để sống trong hiện tại, để sống tiếp trong mơ ước tương lai. Tác phẩm của Phạm Ngọc Lân có tinh thần chủ nghĩa hiện sinh rất tinh tế. Bộ phim giống như một giấc ngủ mơ màng, mà khi thức dậy, thấy cuộc sống vẫn tiếp tục, dù những gì đã trải qua, dù tương lai còn chưa đến.

Cu li không bao giờ khóc và những “lớp lang” điện ảnh của Phạm Ngọc Lân
Tranh minh họa

2.

Phim nghệ thuật thường dễ khiến người ta vô thức nhăn mặt mà đặt câu hỏi: Chắc phải khó xem lắm? Phim thắng giải quốc tế lớn (Cu li không bao giờ khóc thắng giải Phim đầu tay xuất sắc tại LHP Berlin 2024) không dành cho số đông? Những nhận định này có thể đúng, cũng có thể không. Với ngôn ngữ điện ảnh được Phạm Ngọc Lân biểu đạt một cách lớp lang trong Cu li không bao giờ khóc thì nhận định này dường như không đúng, Bộ phim khiến bất kì khán giả nào cũng có thể “chạm” được vào tác phẩm.

Thưởng thức một tác phẩm điện ảnh luôn có nhiều cấp độ khác nhau tuỳ vào tri kiến và gu thẩm mĩ của từng khán giả. Cu li không bao giờ khóc không hề khó hiểu, mà ngược lại, rất dễ theo dõi và cảm nhận. Phạm Ngọc Lân tạo ra một ngôn ngữ điện ảnh tiết chế và hàm súc nhưng vẫn khiến người xem thâm nhập vào thế giới phim một cách tự nhiên. Trên tất cả, vị đạo diễn đã ghi dấu ấn trong bộ phim dài đầu tay của mình bởi những lớp lang điện ảnh của riêng mình.

Các nhà làm phim độc lập Việt Nam có cách tạo nên phong cách điện ảnh của riêng mình. Những cú máy dài đẹp mê hồn tạo nên một dấu ấn cá nhân (Bên trong vỏ kén vàng, Phạm Thiên Ân); hoặc những trường đoạn “tăng tốc” đến nghẹt thở (Ròm, Trần Thanh Huy)... Với riêng Phạm Ngọc Lân, điều làm nên phong cách trong các tác phẩm của anh, dù là phim ngắn hay phim dài đầu tay, luôn chứa đựng một sự bí ẩn của những câu chuyện cá nhân nhưng mang yếu tố thời đại, khiến người xem đồng cảm. Sự lồng ghép tự nhiên giữa lịch sử một cá nhân và lịch sử của một thời kì chứa đựng những sự thân mật nhưng đồng thời cũng mang tính phổ quát.

Những thước phim đen trắng (không phải chủ đích ban đầu), thường được đóng hộp trong những không gian bí bách như phòng khách, một tiệm sinh vật cảnh, một phòng họp, một quán bar cũ nhưng cũng có những khung cảnh bao la vô cùng, bên ngoài cánh đồng, bên cạnh một thác nước, giữa một khu rừng. Không chỉ thay đổi màu phim, trong quá trình thực hiện, Phạm Ngọc Lân (và Nghiêm Quỳnh Trang) còn viết lại kịch bản để phù hợp với diễn viên, nhân vật của mình. Khả năng kể chuyện bằng hình ảnh (góc máy, khuôn hình, sắp đặt bối cảnh) của Phạm Ngọc Lân cũng hấp dẫn như khả năng sử dụng các yếu tố thoại, và ngôn ngữ kể chuyện. Âm nhạc và âm thanh (tiếng động) trong Cu li không bao giờ khóc cũng độc đáo, tạo nên những liên tưởng để “kể” trọn vẹn câu chuyện trong phim.

Các ẩn dụ (metaphor), biểu tượng (symbol) hay ám chỉ (allusion) cũng được Phạm Ngọc Lân sử dụng rất nhẹ nhàng và tinh tế trong Cu li không bao giờ khóc. Bằng cách lồng ghép các biểu tượng điện ảnh, văn học... được nhiều người biết tới, nhà làm phim khiến người xem liên tưởng về bối cảnh phim hơn là “đánh đố” khán giả. Vì thế mà không ít cảnh phim hay trường đoạn mở ra những trải nghiệm điện ảnh phi thường. Và cũng vì thế, bộ phim tự nó yêu cầu khán giả phải chăm chú theo dõi và đắm chìm vào trong đó. Bởi vẻ đẹp của Cu li không bao giờ khóc nằm ở chính những khuôn hình có sức mạnh kể chuyện, ngoài cung cấp nội dung diễn biến còn là những mĩ cảm của riêng nhà làm phim. Phim đạt được hai yếu tố ấn tượng và trừu tượng dù câu chuyện rất đời, không khó để nắm bắt, cảm nhận.

3.

Nán lại sau buổi chiếu phim, tôi có cơ hội trò chuyện ngắn với đạo diễn Phạm Ngọc Lân. Trong khung cảnh rạp chiếu phim đã bớt lộn xộn vào quãng gần 11h đêm, nhà làm phim chia sẻ về hạnh phúc khi một tác phẩm độc lập mang nhiều dấu ấn cá nhân của mình lại đến được với công chúng trên cả nước. Anh chia sẻ rằng, bộ phim như là một cuộc đối thoại với điện ảnh; mọi thứ xuất hiện trong tác phẩm xuất phát từ những phản hồi tự nhiên của anh với nghệ thuật. Trong lúc trao đổi, anh cho tôi xem những cảnh phim Cu li không bao giờ khóc khiến chính anh vừa tự hào cũng vừa xúc động.

Chiến thắng hạng mục Phim đầu tay xuất sắc tại LHP Berlin 2024 không nằm trong dự tính của Phạm Ngọc Lân. Anh cũng cho biết rằng, mục tiêu làm điện ảnh và phim Cu li không bao giờ khóc không phải là để tham gia các giải thưởng hay liên hoan phim quốc tế. Đi lại giữa các liên hoan phim, với Phạm Ngọc Lân, cũng là chứng kiến nhiều sự thay đổi về mặt tổ chức các giải thưởng, và cả những con người cũ, những câu chuyện cũ. Nhà làm phim không phủ nhận sự vinh dự và trân trọng, LHP Berlin đã trao giải thưởng cho một bộ phim Việt Nam, với tiếng nói từ bên trong đất nước mình.

Phạm Ngọc Lân đồng ý rằng, một nền điện ảnh phát triển cần tiếng nói đa dạng và độc đáo từ nhiều nhà làm phim. Những tác phẩm độc lập như Cu li không bao giờ khóc được ngành công nghiệp điện ảnh, cũng như ngành chiếu phim để ý quả thực là một tín hiệu đáng mừng. Khi được hỏi về dự án tiếp theo, Phạm Ngọc Lân chia sẻ rằng, anh đang đợi phản ứng của khán giả khi phim đầu tay của anh chính thức ra rạp. Những phản ứng này cùng sự ấm nóng của phát triển điện ảnh sẽ giúp anh có những định hướng tiếp theo trên con đường làm phim của mình.

Mời quý vị đón đọc báo Văn nghệ số 50/2024

Mời quý vị đón đọc báo Văn nghệ số 50/2024

Baovannghe.vn - Báo Văn nghệ số 50/2024 ra ngày 14/12/2024 có các nội dung sau đây:
Thơ Lê Vĩnh Thái và những cuộc đi hoang

Thơ Lê Vĩnh Thái và những cuộc đi hoang

Baovannghe.vn - Lê Vĩnh Thái luôn mang tâm thế là một thầy giáo nghèo vùng ngoại ô của Huế. Sự vất vả, lam lũ, khung cảnh nông thôn chính vì thế luôn là không gian nghệ thuật nổi bật trong thơ anh.
Ngôn ngữ mỹ thuật trong tranh Trương Đình Hào

Ngôn ngữ mỹ thuật trong tranh Trương Đình Hào

Baovannghe.vn - Trong tranh của Trương Đình Hào, ta thường bắt gặp nón quai thao, một cặp nam nữ đang hát quan họ, các con vật và vật dụng thường ngày… Thoạt nhìn, rất dễ để xem tranh Hào dưới góc nhìn văn hoá, di sản: các tác phẩm ghi lại các hoạt động bình dị hằng ngày của đời sống nông thôn ở miền Bắc Việt Nam giai đoạn trước Đổi mới.
Trông đám đông hỏi lấy một người: Phỏng vấn một cái cây ở sân 51 Trần Hưng Đạo

Trông đám đông hỏi lấy một người: Phỏng vấn một cái cây ở sân 51 Trần Hưng Đạo

Trong đáBaovannghe.vn - 51 Trần Hưng Đạo - Hà Nội là trụ sở của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Tòa nhà bình dị này mang một ý nghĩa rất lớn.
Ở trong tôi - Thơ Kim Chuông

Ở trong tôi - Thơ Kim Chuông

Baovannghe.vn- Tôi gặp mùa thu trên mặt sông đầy/ nhịp cầu giống chiếc đòn gánh lớn