Sáng tác

Dạ Đàm tùy lục - Tráng Tử

Hòa Bang Ngạch - Châu Hải Đường dịch
Văn học nước ngoài 11:48 | 16/05/2025
Sau Liêu Trai chí dị của Bồ Tùng Linh, ở Trung Quốc giai đoạn cuối thời Minh, đầu thời Thanh đã hình thành một phong trào sáng tác tiểu thuyết mạnh mẽ và rộng khắp, trong vô số tác phẩm thời kỳ đó, Dạ Đàm tùy lục của Hòa Bang Ngạch có thể nói là tác phẩm xuất sắc và nổi bật nhất. Trong Dạ Đàm tùy lục tác giả lại dùng một nét bút lạnh lẽo đen tối để miêu tả thế giới hồ ly ma quỷ. Thế giới ấy cũng đen tối xấu xa như thế giới con người.
aa
Hòa Bang Ngạch, tự là Nễ Trai, hiệu là Tễ Viên Chủ Nhân, người Mãn tộc, sinh khoảng năm Càn Long nguyên niên, tức năm 1736, chết năm nào không rõ. Cuộc đời của ông chu du nhiều nơi, từ Thiểm Tây , Thanh Hải, Cam Túc, Triết Giang, Phúc Kiến, Kinh đô đều có lưu lại dấu chân ông. Ông lại là người có kiến thức rộng, thích thâu thập những truyện dân gian kỳ lạ. Ông là một tiểu thuyết gia nổi tiếng vào đời nhà Thanh.

Tráng Tử (Chàng ngốc)

Tạ Mai Trang tự Tế Thế, khi làm chức Hàn lâm, mướn ba người ở: một người giảo hoạt, một người thật thà, một người ngốc nghếch. Gặp dịp các vị cùng làm trong quán đến Tạ gia mở hội Thù du nhân tiết Trùng cửu, thưởng cúc, ăn cua, chủ khách cùng vui thỏa chí. Rượu uống đã ngà say, một vị khách nói: “Chúng ta hết hứng rồi. Gọi đâu được mấy đứa ca kỹ đến đây trợ tửu nhỉ?” Tên giảo hoạt nói: “Có!” Lại sợ tên ngốc kia làm rối loạn hỏng việc, bèn xin chủ nhân kiếm việc gì cho hắn đi chỗ khác, đồng thời bảo tên thật thà ra canh cửa, còn mình thì đích thân đi tìm ca kỹ. Tên giảo hoạt còn chưa về tới nơi, tên ngốc đã quay về rồi. Trông thấy hai nàng ca kỹ ôm đàn tì bà, dẫn theo bốn năm đứa nhỏ đang đứng trước cổng, liền lấy làm lạ, hỏi: “Chúng mày đến đây làm gì?” Tên giảo hoạt nói: “Phụng mệnh chủ nhân mời họ đến.” Tên ngốc trừng mắt lớn tiếng quát bảo: “Ta ở dưới cửa ngài mười mấy năm nay, chưa từng thấy hạng người này ra vào bao giờ, chủ nhân nhất định là uống say rồi nên mới bảo thế.” Bèn vung nắm đấm, đuổi đám ca kỹ đi hết. Khách khứa kéo nhau tan về, Tạ Tế Thế vô cùng bực mình với tên đày tớ ngốc ấy.

Dạ Đàm tùy lục - Tráng Tử
Cúc và Đá, tranh của họa sĩ Trần Hồng Thụ.

Một tối, Tạ Tế Thế đốt nến, uống rượu soạn sách. Khí trời rất lạnh, bình rượu đã dốc cạn, mà mặt mũi chưa thấy ấm hồng lên. Tên đày tớ giảo hoạt đưa mắt ra hiệu cho tên thật thà lại đi mua thêm rượu. Lúc mua rượu về, nửa đường thì gặp tên đày tớ ngốc. Tên ngốc đoạt lấy bình rượu, về đến nhà khuyên ngăn Tạ Tế Thế rằng: “Hôm nay hai bình, ngày mai ba bình, chỉ có tăng chứ không có giảm. Mua nhiều thì tốn tiền, uống nhiều thì tổn sức, chỉ có hại chứ không ích gì.” Tạ Tế Thế đành miễn cưỡng nghe theo lời hắn mà thôi không uống nữa.

Sau Tạ Tế Thế đổi nhậm chức ngự sử, một buổi vào chầu sớm, bảo thư đồng cầm đèn, dầu trong đèn đổ ra làm bẩn cả triều phục của Tạ. Tên đày tớ giảo hoạt dậm chân bảo: “Đúng là không tốt lành!” Tạ Tế Thế nhân thế nổi giận, sai tên đày tớ thật thà đánh đòn thư đồng, tên ngốc liền tiến lên ngăn lại, lại khuyên bảo: “Tôi từng nghe chủ nhân nói, cổ xưa từng có người bị đày tớ làm đổ canh vào áo, để nến cháy râu, nhưng không hề cáu giận, lẽ nào chủ nhân lại chỉ có thể nói mà không thể làm như vậy ư?” Tạ Tế Thế chuyển cơn giận sang tên ngốc, bảo: “Ngươi muốn được tiếng là chính trực hả, hay là muốn ra ân với người để hòng được báo đáp?” Tên ngốc đáp bảo: “Những cái ấy tôi đều không dám. Ân huệ là ân huệ của chủ nhân, chứ đày tớ thì có ân huệ gì? Tôi chỉ học theo cách ngu trung, nhưng chủ nhân lại nói tôi muốn được tiếng chính trực. Hiện nay chủ nhân làm chức gián quan, ngày sau quỳ trước sập rồng nói điều phải trái với hoàng đế, ở chốn triều ban tranh việc được hay không được với đại thần, coi việc mất ấn thụ chả khác gì mất đôi giày rách, cam chịu việc biếm trích như được về nhà, lẽ nào chủ nhân cũng là vì muốn lấy tiếng ngay thẳng mà làm ư? Người khác cũng cho rằng chủ nhân là vì muốn được tiếng trung trực mà làm ư?” Tạ Tế Thế không đáp lại được, ngoài mặt thì cảm tạ, mà trong tâm thì càng thêm tức giận hắn. Từ đó, tên đày tớ giảo hoạt liền thừa cơ, ngày đêm tìm kiếm lỗi của tên đày tớ ngốc, xúi bẩy tên thật thà cùng bẩm chuyện thị phi với Tạ Tế Thế, khuyên chủ nhân đuổi tên ngốc đi.

Về sau, gặp lúc Tạ Tế Thế nhân bị tội phải hạ ngục, nhưng tội còn chưa định, không lâu sau lại phụng mệnh đi lính ra biên ải. Lúc ra khỏi ngục sửa soạn hành trang để đi, thì tên đày tớ giảo hoạt trốn đi mất, tên đày tớ thật thà cũng ra sức xin được cho đi nơi khác, chỉ có tên đày tớ ngốc phủi tay áo, tiến lên bẩm: “Bây giờ là lúc chủ của ta báo quốc, cũng là lúc chúng ta báo ơn chủ! Nô tài xin đi cùng!” Bèn mua ngựa đóng xe, may màn đệm, chuẩn bị lương thảo, cùng đi với Tạ. Tạ Tế Thế thấy vậy thì chợt thở dài bảo: “Ta xưa nay luôn cho rằng đứa giảo hoạt có ích, đứa thật thà có thể dùng. Bây giờ mới biết rằng, đứa giảo hoạt có ích nhưng không thể dùng, mà đứa ngốc thì có thể dùng; Đứa thật thà có thể dùng nhưng kỳ thực thì vô dụng, mà đứa ngốc thì lại hữu dụng!” Bèn nhận tên ngốc làm nghĩa tử, đặt tên là Tráng Tử.

Đến nơi quân doanh, chưa được bao lâu, tiền bạc đã tiêu hết, chỉ còn cách bán cả áo da, ngựa tốt đi. Thời gian lâu dài, dần dà không nghĩ ra được cách gì nữa. Tráng Tử hàng ngày phải vác súng, đi xa hơn mười dặm, săn bắn hươu nai, lợn thỏ, để lo bữa cho Tạ Tế Thế. Một hôm, Tráng Tử vì đuổi theo một con hươu chui vào trong bụi cỏ rậm, một lát bị vướng ngã, thấy chân lún sâu xuống đất đến hơn một thước. Rút được chân lên nhìn xuống, thấy dưới hố đất cát có ánh kim loại trắng lấp loáng. Đếm thử xem, thấy có đến hai chục khối lớn, phải đến một ngàn lạng, bèn lấy ra mang về. Tạ Tế Thế đem việc ấy báo lên tướng quân. Tướng quân nghe xong rất kinh ngạc, hỏi rõ duyên do, mới biết là do Tráng Tử phát hiện ra, liền vỗ đùi nói: “Giữa chốn sa mạc, làm gì có vàng bạc giấu? Đó là ông trời ban cho để khen thưởng cho đứa nghĩa bộc của ông đấy!” Bèn đem vàng ấy trả lại cho Tạ Tế Thế. Tạ gọi Tráng Tử lại, thưởng cho nó áo cừu, dê ngựa, và mười lạng vàng. Từ đó, những vương hầu ngoài ải đều đặc biệt tôn kính Tạ Tế Thế.

Đến khi Tạ được xá tội cho về, đến vùng Hồ Tương làm quan, Tráng Tử lại khuyên ông mạnh dạn lui bước. Tạ Tế Thế bèn từ quan, ẩn cư trong chốn lâm tuyền, di dưỡng tuổi trời. Tráng Tử sống đến chín mươi tuổi, không bệnh mà mất. Mọi người đều cho rằng đó là vì trung nghĩa mà được báo đáp.

Dạ Đàm tùy lục - Tráng Tử

Sau Liêu Trai chí dị của Bồ Tùng Linh, ở Trung Quốc giai đoạn cuối thời Minh, đầu thời Thanh đã hình thành một phong trào sáng tác tiểu thuyết mạnh mẽ và rộng khắp, trong vô số tác phẩm thời kỳ đó, Dạ Đàm tùy lục của Hòa Bang Ngạch có thể nói là tác phẩm xuất sắc và nổi bật nhất.

Tuy vậy, khác với thế giới của Liêu Trai, trong Dạ Đàm tùy lục tác giả lại dùng một nét bút lạnh lẽo đen tối để miêu tả thế giới hồ ly ma quỷ. Thế giới ấy cũng đen tối xấu xa như thế giới con người.

Trong khi Liêu Trai miêu tả một thế giới lý tưởng đẹp đẽ của hồ ma để phản đối lại hiện thực xấu xa, thì Dạ Đàm lại xem xứ sở ảo tưởng của hồ và ma chính là hình bóng của thế giới hiện thực xấu xí, và không hề lý tưởng hoá để nó trở nên tốt đẹp.

Cùng là nói chuyện hồ ly ma quỷ, nhưng sự truy cầu mạnh mẽ, trong sáng đối với chủ nghĩa lãng mạn trong Liêu Trai, đã trở nên ảm đạm, thê lương trong Dạ Đàm. Thay vào đó là những ý tứ của một chủ nghĩa hiện thực lạnh lẽo, dữ dằn, và đau thương.

Tăng cường quan hệ chuyên môn trong lĩnh vực bảo tàng học

Tăng cường quan hệ chuyên môn trong lĩnh vực bảo tàng học

Baovannghe.vn - Ngày 28/5, tại Hà Nội, Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên PhủBảo tàng Ký ức Chiến tranh Caen (Cộng hòa Pháp) đã ký kết Thỏa thuận hợp tác nhằm tăng cường quan hệ chuyên môn trong lĩnh vực bảo tàng học và phát huy giá trị di sản lịch sử, đặc biệt là những tài liệu, hiện vật liên quan đến trận chiến Điện Biên Phủ.
Mẹ và quê hương trong thơ Nguyễn Hữu Quý

Mẹ và quê hương trong thơ Nguyễn Hữu Quý

Baovannghe.vn - Đọc thơ Nguyễn Hữu Quý tôi chợt nhận ra, mẹ và quê hương là hai dòng chảy song hành, không thể tách biệt. Và có lẽ, sự song hành đó đã làm nên một Nguyễn Hữu Quý rất riêng.
Đá - Thơ Bùi Quang Vinh

Đá - Thơ Bùi Quang Vinh

Baovannghe.vn- Cheo leo/ Nghiêng trong yên tịnh/ Mỏm đá ngủ.
Đọc truyện: Sáng trăng - Truyện ngắn của Trần Ngọc Diệp

Đọc truyện: Sáng trăng - Truyện ngắn của Trần Ngọc Diệp

Baovannghe.vn - Giọng đọc và hậu kỳ: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Bà tôi - Thơ Đỗ Thượng Thế

Bà tôi - Thơ Đỗ Thượng Thế

Baovannghe.vn- keng… keng… keng…/ Kẻng vỏ bom/ từng hồi