Sáng tác

Đánh trận giặc lúa - Truyện ngắn của nhà văn Bùi Hiển

Nhà văn Bùi Hiển
Danh tác văn học
20:00 | 11/07/2024
Suốt cả cánh đồng lúa rạp đều một chiều, ngả rướn... Hạt lúa chắc lại. Bông trĩu nặng, cong xuống, đu đưa như bàn tay ngoắt gọi mọi người đã vun quén cho mình.
aa

Một hôm, tên quan hai Pi-ve, trưởng đồn Quý Sơn, cho gọi lý trưởng làng Quý Sơn lên. Tên thông ngôn dịch lời Pi-ve:

- Bắt đầu từ ngày mai, anh đưa năm mươi cu li lên đồn làm việc. Phải là trai tráng. Phải có đủ cuốc xuổng, bốn trăm cây tre, hai trăm tấm tranh. Quan lớn sẽ cấp cho mỗi cu li mỗi ngày năm trăm gờ-ram gạo. Tiền tranh tre sẽ trả dần. Anh nghe chưa?

Viên lý trưởng gãi đầu, đáp chậm rãi:

- Quan lớn để cho nghĩ đã...

Tức thì Pi-ve nổi cáu:

- Nghĩ cái gì? Anh tưởng chuyện đùa à? Lúa ngoài đồng sắp chín rồi. Phải đắp sân phơi, phải làm kho cho kịp. Lần này quyết không để một hột lúa lọt vào họng bọn Việt Minh.

Lý trưởng chưa kịp đáp, thì Pi-ve lại dỗ dành:

- Trong việc này, làng anh không có thiệt hại gì cả. Lúa của Quý Sơn tập trung ở đây, sẽ phát lại cho dân làng ăn dần. Ấy là để bảo vệ cho các anh khỏi sự cướp bóc của bọn Việt Minh. Còn quan lớn chỉ cố trị tụi bên làng Vân Tập, tụi đó đầu bò lắm, chúng nuôi Việt Minh chống lại quân đội của quan lớn. Phải giam đói cho chúng trắng mắt ra, chắp hai tay xin quy thuận mới tha.

Viên lý trưởng Quý Sơn lo trước những sự khó khăn về việc bắt cu li và lấy tranh tre, bèn kiếm cớ dùng dằng:

- Xin quan lớn để cho tôi về thưa lại với cha xứ. Bữa qua Ngài có dạy bổn đạo phải sửa soạn làm lễ Cả cho trọng thể...

Pi-ve trừng hai con mắt xanh lè. Cái cổ gà chọi càng đỏ gay lên. Râu mép hắn

ngoay ngoáy:

- Quan lớn sẽ thông tri cho Cha biết. Nhà thờ không được ngáng trở công việc quân sự. Anh nhớ rõ chưa? Bắt đầu từ ngày mai, năm mươi cu li, bốn trăm tre, hai trăm tranh. Cu li phải có mặt ở đây bảy giờ sáng mỗi ngày. Nếu thiếu thì anh chịu trách nhiệm. Anh đã về hùa với dân làng mà dây dưa nhiều lần rồi. Lần này quan lớn quyết không dung thứ. Hiểu chưa?

*

Ùng oằng... ùng oằng, ngày ngày moóc-chiê đồn Quý Sơn rót về cánh đồng làng Vân Tập. Từng đám khói nâu bốc lên giữa đám lúa đang ngả vàng.

Dân làng rúc trong hầm đào ngay giữa nền nhà. Hết trận bắn lại bò lên, phủi quần áo tóc tai. Và lại thấy ngay bóng dáng thấp lùn vạm vỡ của đồng chí Chằm, Bí thư nông dân xã, đi tất tả ngoài ngõ. Anh bảo:

- Đừng sợ. Hắn dọa non mình đó.

Rồi anh tất tả đi. Anh triệu tập hội nghị nông dân, bàn kế hoạch bảo vệ mùa màng. Giọng anh rắn chắc. Qua nhiều đêm thức khuya, mặt anh khô choắt lại, cằm hàm vuông bạnh ra, lún phún râu đen. Hai mắt long lanh, đồng chí Chằm kết luận:

- Giặc hắn rắp tâm móc miếng cơm khỏi cổ họng mình đó. Chuyến ni phải tích cực huy động đồng bào, một sống một chết mà giữ lấy lúa, phải không các đồng chí?

Một tiếng đạp vút ra từ đám đông xôn xao:

- Mình không phải là con chó mà để cho thằng Tây cướp không công lao mình được. Ai không nhớ đã đổ mồ hôi sôi nước mắt như thế nào mới có hột lúa ngoài đồng bữa ni. Ai không nhớ? Ai không nhớ thì cứ ngó lại cánh tay cụt của đồng chí Hòa đó!

Hội nghị rào rào lên. Các bác nông dân sống lại những ngày làm mùa cực nhọc. Nắng tháng Năm năm nay, như về hùa với giặc đốt cháy cánh đồng. Mỗi sáng ra thăm đồng, trở về mà lòng không đành. Đất ruộng khô trắng, nẻ thành từng đám lục lăng xiên xẹo, cắn chặt cây mạ. Chân mình đi lên còn đau, huống chi cây lúa. Ngọn mạ úa đỏ, châm cây diêm chắc cháy rụi. Tát nước, nước không có. Chỉ có bùn đen lầy nhầy giữa lòng hói sâu. Giặc đã phá tan đập cống tây; chúng lại đóng cọc tre, đổ đất ngăn tác hói ở quãng ngang làng Quý Sơn. Nông dân Vân Tập không chịu thua trời, không chịu thua giặc. Đêm, kéo đoàn cào cuốc trên vai, phá cái rào ngăn hói. Nước tuôn ào ạt, bao nhiêu gàu sòng gàu dai chực sẵn phía trước, tát hối hả. Giặc lại ra ngăn lại, chôn mìn tự động, đêm đêm chĩa liên thanh bắn ra ào ào. Có người trúng đạn chết. Đồng chí Hòa phải cắt cụt tay. Họ bèn cất công đào một cái mương dài ba cây số, bắt nguồn vào hói Thanh Thủy. Lúa mát nước, tốt sởn sơ.

Moóc-chiê vẫn nổ hằng ngày. Nắng tháng Tám cháy hừng hực. “Ùng oàng”, tiếng nổ của moóc-chiê. Không khí hừng hực cũng như nổ theo. Có quả rơi vào trong xóm, bốc tung mái tranh; đất nắp hầm rung rả rả xuống đầu xuống lưng người nấp. Bông lúa nở phình ra. Đồn Quý Sơn đứng chỗ ngỏ bên đường quốc lộ, hai vọng gác nhô lên ở hai góc, ngói mới còn đỏ chói. Dọc tường trắng, lỗ châu mai vuông đen như những con mắt đói nhìn hau háu về cánh đồng Vân Tập lúa vàng ngan ngát.

Đôi mắt đồng chí Chằm càng chói sáng trong vòm sâu thâm quầng. Anh đi sâu vào từng xóm. Anh nhắc:

- Đã cất kỹ liềm hái chưa? Cả cày bừa xe đạp nước nữa. Còn ai chưa đưa trâu bò vô lùm phải đưa ngay đi. Phải dè chừng giặc gắn tràn vô đốt phá đó!

Một sáng chủ nhật, súng nổ lạch tạch bên Quý Sơn cắt đứt tiếng chuông nhà thờ ngân nga. Nhìn từ bên này sang thấy bóng người chạy láo nháo. Đồng chí Chằm cắn khít răng, quai hàm vuông nổi gân. Kế hoạch vừa hội ý hôm trước với đồng chí tiểu tổ nông dân Quý Sơn, nay đã có kết quả. Trai tráng Quý Sơn chống bắt cu li, trốn đi. Mỗi sáng chỉ có dăm bảy mống lểu thểu lên đồng, phần nhiều gầy gò có tuổi. Lý trưởng Quý Sơn bị bắt giam. Giặc phải tổ chức lùng bắt người. Chúng thọc vào nhà thờ. Không có thanh niên, chúng bắt phụ nữ. Cha can thiệp, chúng bảo:

- Chúng tôi theo lệnh quan đồn. Ngài cứ lên đồn mà kêu. Không có lúa thì ăn chi mà sống mà cầu kinh?

Cha thất vọng buồn bã ngước mắt lên trời.

Súng nổ lẻ tẻ đến gần trưa mới thôi. Dân chúng Vân Tập cũng bị một phen nháo nhác; mọi người đã chuẩn bị tản cư, phòng giặc tràn sang lùng. Dân quân du kích ôm bom, cầm lựu đạn đã rút chốt chạy thình thịch đi bố trí các ngả.

Bà Mãng, mẹ chiến sĩ, theo đồng bào trở về nhà, vừa cất lại bọc quần áo giấy tờ vào buồng, vừa phân vân hỏi:

- Tại sao đến bữa ni mà tụi hắn chưa về, hè(1)?

*

Ngay đêm ấy, “tụi hắn” về thật. Bà Mãng đang ngủ chợt thức giấc. Dưới nhà ngang có tiếng động. Tiếng chân bước lạo sạo, tiếng người thì thào. Tiếng cánh cửa bưng ra khỏi mộng, đặt lên đất. Bà hỏi:

- Bay đã về đó à?

Tiếng trả lời:

- Dạ, cá con về đây. Mẹ chưa ngủ à?

Bà Mãng đi xuống, bụng phật phồng. Bà kêu lên:

- Chao, Thái, Trà, Bình. Ui chao thằng Thẻo nữa. Mấy đứa mô đây?

Một anh giơ cao ánh sáng bật lửa:

- Con đây Ngữ đây.

- Đạm đây, mẹ ơi!

- Còn con là thằng Tư mốc, mẹ có còn nhớ không?

- Sao lại không nhớ! Chao, mấy lâu tụi bay đi mô, mẹ trông mòn con mắt. Hồi sớm mấy thằng chó Tây ra sủa bên Quý Sơn, tao cứ hỏi thăm tụi bay mãi. Lúa sắp chín rồi bay ơi!

- Tưởng vô du kích cho mẹ ngủ, ai ngờ đang thức. Hai giờ sáng rồi.

- Không, mẹ đã ngủ được một giấc rồi. Rứa mà anh em về thì như có cái hơi cái hướng chi, hắn xui mở con mắt ra liền. Thôi, tắt máy lửa đi, kẻo đồn hắn thấy chừ.

Bà lên nhà lấy trầu, rồi vừa nhai trầu vừa kể chuyện:

- Bữa trước tụi Tây đi lùng bên Xuân La, hắn bắn chết tám con trâu. Có ông già tức quá hét lên: “Thà bay đốt nhà tao. Để cho tao con trâu đi cày, tao còn làm lại nhà được”. Ông xông vô, chưởi: “Tổ cha bay!”, hắn bắn chết luôn... Bay nạ, nghe nói lão lý trưởng Quý Sơn bị giam, ức quá, nhịn đói luôn hai bữa ni, đòi tự tử. A, có chuyện mấy thằng bảo vệ đi ăn cướp vằng hái, bị bà Thành trùm quần lên óc, thiệt vui. Bà Thành xóm Bàng bên Sơn Lai. Bay có nhớ không nạ?... Bay ngủ cả rồi à?

Tiếng ngáy rè rè đáp lại. Bà Mãng kêu lên:

- Ôi chao! Cái tụi ni ăn ngủ như con nít!

Một anh ngủ say đến nỗi đầu ngật ra, nghẻo trên nền đất. Bà sửa lại đầu cho anh ta, đứng ngắm những bóng mờ nằm ngổn ngang một lát, rồi chậm chạp lên nhà.

Đại đội địa phương phân tán trong toàn huyện để chuẩn bị đánh trận giặc lúa. Một trung đội về đóng vùng Vân Tập.

Nhà mẹ Mãng nhìn thẳng ra cánh đồng. Màu vàng nhạt bao la. Nắng nung nấu tỏa từ vòm trời xanh ngắt điểm ửng đám mây trắng ngồn ngộn. Tưởng như mây sắp bốc lửa. Không khí oi nồng. Nhìn ra xa chút nữa, luồng mắt vướng ngay phải đồn Quý Sơn, cắm hai vọng gác như hai cái cọc nhọn. Những lỗ con mắt châu mai vẫn sòng sọc rình ra đồng lúa đang chín dần.

Làng Vân Tập chỉ cách đồn Quý Sơn một cánh đồng mỏng không đầy cây số. Bộ đội được lệnh không được hát, không được làm ồn, không được ra vào láo nháo, sợ lộ mục tiêu. Ăn xong rồi, tụ nhau trong nhà, học tập. Học rồi vật lộn nhau oành oạch cho đỡ tù cẳng, hoặc tán chuyện với người nhà.

Anh Thảo bá cổ bà Mãng, lấy giọng nũng nịu hỏi:

- Mẹ ơi mẹ có ưng lấy chồng nữa không, con gả mẹ cho ông Móm?

Cả bọn phá lên cười, nhưng vội bịt miệng. Bà Mãng cáu:

- Đồ ngụy tặc! Tao tra nậy(2) như thế ni rồi, bay còn chọc chồng với con.

Bà ra đứng nơi cổng, vẫy tay sang phía đồn, giả cách cao giọng:

- Ua(3) Tây ôi! Sang đây mà bắt, Việt Minh về cả đống đây nì(4).

Chị Hồng, con bà, vừa rửa bát vừa bụm miệng cười lặng lẽ.

Chợt có tiếng ù ù. Tàu bay! Người trong nhà vội tụt xuống hầm. Bọn Thẻo ra nấp hào giao thông. Một chiếc máy bay bà già cánh vuông dưới bụng hai chân choạc oạc, chao đi chao lại, tiếng máy cũ kỹ vỡ rè rè. Hai ca nông từ Long Thọ và Nam Giao bắn về. Moóc-chiê Quý Sơn bắn sáng. Tiếng nổ rầm rầm, choáng tai tối mắt. Rè rè, rè rè... bà già điểm cho trọng pháo bắn vào quanh vùng.

Một lát nó nới rộng vong bay. Tiếng nổ xa xa. Thé lên còi tập hợp. Tiểu đội trưởng Bình, sắc mặt nghiêm lại, nói rất mau:

- Lệnh cho ban chỉ huy trung đội. Toàn tiểu đội chuẩn bị chiến đấu. Coi chừng địch dọn đường cho bộ binh sang lùng.

Các đội viên nhảy lên khỏi hào giao thông, vào nhà giật lấy súng, theo anh tiểu đội trưởng chạy lom khom dọc các bờ bụi, băng qua các vườn tược, ra bố trí ở xóm Bàu đầu làng, nằm nép bên những bờ ruộng.

*

Nhưng lần ấy bố trí hụt: giặc không sang. Đồn trưởng Pi-ve đang chờ. Chờ lúa thật chín; chờ kho lúa làm xong, hoặc tạm xong. Cu li bắt được lổ đổ, tranh tre thiếu hụt, việc làm kho tiến hành rất chậm. Pi-ve chỉ tăng gia khủng bố để thị uy.

Ngày ngày, hắn lặng lẽ nhìn qua lỗ châu mai nhìn ra cánh đồng lúa vàng phất phơ ngon mắt.

“Phải cướp cho được!” Mệnh lệnh trên Huế về, quyết liệt. “Phải cướp cho được! Nếu không có điều kiện đem về đồn, thì phải hủy phá triệt để”. Lúa vàng trang trải bao la. Mặt Pi-ve nhìn nghiêm nghị. Những bụi cây làng Vân Tập xanh đen, im lìm, bí mật. Việt Minh chắc cũng đang rình. Địch thủ lợi hại... Pi-ve nhay nát mẩu xì gà trong miệng. Chợt quay lại, thấy tên thông ngôn đang đứng sau lưng, miệng cười xu nịnh, hắn giơ hai bàn tay lông lá vồ chợt vai tên này, day đi day lại tàn bạo, và hét:

- Đứng làm gì đấy, con khỉ già?

Tên thông ngôn vội lánh xa khỏi cơn điên của chủ.

Ngày này qua ngày khác, nắng tỏa khí nóng hừng hực. Lúc bắt đầu đỏ đuôi, màu hoa sẫm dần. Gió nam thổi lộng. Suốt cả cánh đồng lúa rạp đều một chiều, ngả rướn về phía Vân Tập. Hạt lúa chắc lại. Bông trĩu nặng, cong xuống, đu đưa như bàn tay ngoắt gọi mọi người đã vun quén cho mình. Lòng người Vân Tập trĩu nặng, mừng nao nao, mong thấp thỏm. Râu quai hàm đồng chí Chằm đâm ra đen cả mặt. Nhưng trong mắt sáng quắc, long lanh niềm vui tin tưởng.

Pi-ve, con mắt cú vọ càng cháy những ánh thèm khát.

Bỗng một sáng, Pi-ve kinh ngạc. Suốt cả một dẻo đồng ngay sát đồn và dọc quốc lộ đã trụi lủi chỉ còn trơ gốc rạ. Hắn gọi tên thông ngôn lên, bảo nhìn, nhìn xem có thể thực như thế được không. Tên thông ngôn không dám nói, ngập ngừng trả lời:

- Thưa... thưa thiếu úy, không biết có phải tôi bị hoa mắt không...

Pi-ve hét lên, tưởng chừng hắn sắp nhai nghiến bộ râu mép:

- Thì mày cứ nói thẳng là Việt Minh nó đã gặt phéng mất rồi. Hừ! Cái đòn cũng sâu cay đấy!

Lập tức, hắn cho lệnh bắn moóc-chiê vào Vân Tập. Tiếng đạn nổ trong nòng súng “rùm rùm”. Những tiếng nổ xa đáp lại. Rồi những đám khói nhỏ từ từ bốc lên sau những bụi cây khóm tre làng Vân Tập. Lơ đãng nhìn những đám khói, Pi-ve phân vân tự hỏi:

- Làm sao mà chúng nó gặt lanh được đến thế? Chỉ trong một đêm! Chắc phải có đến ngàn người.

Khói từng đám, từng đám, mọc dần thêm mãi. Bụi cây khóm tre làng Vân Tập vẫn im lìm, gan lì. Pi-ve lau mồ hôi toát dầm dề trên cổ gà chọi.

Gần trưa, thừa lúc các gia đình tụ tập ăn cơm, Pi-ve cho quân ra lùng bắt người ở Quý Sơn và mấy làng lân cận ở bên kia quốc lộ. Lựu đạn dân quân nổ rầm rầm ở Xuân La, Mỹ Thiện. Tuy nhiên, hắn cũng vơ vét được hơn hai chục người, kể cả trẻ con, ông già, bà cả. Hắn nhét liềm vào tay, bắt ra gặt. Một trung đội bảo vệ đi áp dẫn. Đoàn người thất thiểu đi ra đồng, khóc lóc mếu mếu, cắt lúa trật trà trật trệu. Có người cắt phải tay, máu ra lênh láng. Chợt bốn, năm tiếng lựu đạn nổ tung tóe, mấy đầu người nhô lên trên lúa:

- Đồng bào chạy đi, để bộ đội tiêu diệt giặc!

Nghe thét, đồng bào quăng liềm quăng lúa chạy tả ra các phía. Tụi bảo vệ bỏ chạy đến gần đồn mới hoàn hồn, nằm soài sau các mô đất và quay bắn vung vãi ra khắp cánh đồng.

Các anh dân quân du kích đắc thắng rút lui về, bò lom khom các giường ruộng. Đạn rít vèo vèo trên đầu, xuyên qua lúa lột sột.

*

Đồng chí Chằm họp ngay cán bộ nông dân Vân Tập:

- Thế là ta đã thắng giặc hai trận nhỏ. Nhưng còn trận lớn. Trận ni rồi gay đây, các đồng chí ạ. Phải đánh lanh, đánh mạnh, cho giặc không kịp trở tay. Đêm ni huy động, tất thảy đồng bào ra gặt.

Có tiếng nói:

- Cũng không đủ.

- Không đủ à? Đêm không xong thì mai gặt tiếp.

Hội nghị rào rào. Có người chép miệng. Một câu hỏi ngập ngừng:

- Gặt cả ban ngày à?

Đồng chí Hòa đứng dậy, một ống tay áo lủng lẳng:

- Tôi có ý kiến. Cần thì gặt cả ban ngày. Không chần chừ được nữa. Cháy gan cháy ruột đi rồi!

Mấy tiếng hưởng ứng:

- Phải rồi! Ăn thua đêm ni với ngày mai đây!

- Phải chết sống với thằng Tây phen ni!

- Đồng ý gặt cả ban ngày! Có chết cũng phải lăn ra mà cắt cho được. Dù cho hắn có khủng bố cũng...

Đồng chí Chằm giơ tay:

- Các đồng chí không lo. Đã có kế hoạch chống khủng bố của tỉnh, chút nữa rồi tôi phổ biến. Qua vấn đề phân công. Bên Lương Mai, Tượng Sơn, Quan Hóa báo cáo chiều ni cho người qua gặt giúp. Còn bên Sơn Lai báo trước đến chậm, vì đường xa, lại phải chờ chiều tối mới qua lô cốt xóm Bàng được.

Vừa may, khi đoàn gặt Vân Tập, Lương Mai, Tượng Sơn, Quan Hóa tập trung thì đồng bào Sơn Lai cũng vừa đến. Họ kêu:

- Khát quá! Cho nước uống. Đi một thôi năm cây số luôn không nghỉ đây.

Đồng chí Chằm cho phân tán ngay thành từng tốp, phòng địch nã moóc-chiê qua. Mỗi tốp lại rải người đi cách xa nhau.

Ánh trăng lưỡi liềm mờ mờ. Đoàn người kéo hàng dài tuôn đi nhiều ngả, tan vào trong các vạt lúa.

Ba tiếng mõ từ xa vọng lại. Ba tiếng nữa tiếp theo. Mõ vọng gác đồn địch. Đồn Quý Sơn không trông thấy, đã mất tăm giữa bờ bụi đen, những đoàn người gặt không khỏi cảm thấy một niềm canh cánh, mắc míu, thấp thỏm. Thỉnh thoảng, vài ba tiếng súng tắc bọp vẩn vơ như thường lệ. Coi chừng! Giặc hắn đang nghiền ngẫm mưu độc chi đây?

Bà Mãng vừa lanh tay gặt vừa tự nhủ: “Bọn thằng Thẻo xách súng ra đi rồi đó”. Chị Hồng chốc chốc xáp lại gần bà, thì thào gọi:

- Mạ ơi, mạ có đó không?

Cả bốn phía chung quanh lột sột, loạt soạt. Khắp cả một cánh đồng ruộng trăm mẫu, ba ngàn con người còng lưng hối hả gặt. Roạt, roạt, liềm bén cắt ngang thân lúa. Bông lúa va chạm ran ran. Hơi thở gấp gấp. Tiếng ông già ho khù khụ nén trong vạt áo. Đoàng hoàng, hai phát súng đơn lẻ. Các trẻ em chạy đi chạy lại xăng xái, cố ý khom lưng cho có vẻ mạo hiểm hơn, chuyển lúa lên bờ ruộng.

Một làn chớp lóe. Tiếng nổ xé toạc đêm tối. Mọi người bổ nhoài nằm dán xuống ruộng. Những ai ở gần bờ ruộng, cố trườn đến các hố tròn đã đào chuẩn bị mấy ngày hôm nay.

Moóc-chiê nổ liên tiếp, đỏ lóe lên chập chờn khắp nơi trong lúa. Mảnh đạn bay vù vù. Mùi thuốc khét nồng mũi. Một trận mưa sắt, mưa lửa. Tiếng nổ càng lúc càng lồng lộn lên, băm vằm, xâu xé.

Bỗng dưng phía đồn Quý Sơn có tiếng nổ. Tiếng la hò. Moóc-chiê địch như do dự, ngừng bắn. Rồi quay mũi sang phía bên kia. Tiếng đồng chí Chằm sang sảng hô lớn:

- Quân ta đang quấy rối đồn địch. Đồng bào dậy gặt tiếp mau!

Mọi người vội nhỏm dậy.

Súng nổ rền trời. Bộ đội địa phương bố trí bên kia quốc lộ, bắn moóc-ta vào đồn, la hò ầm ĩ, để kéo địch chú ý về phía mình. Địch phóng moóc-chiê, V.B ra loạn xạ. Liên thanh tặc tặc từng tràng dài. Cả một góc trời lập lòe, nhay nháy. Một lát rồi như mệt mỏi, liên thanh chỉ còn nổ ba tiếng một rời rạc. Thì tiếng la hò khiêu khích lại dậy lên. Moóc-ta lại rót vào. Địch như giật mình tỉnh ngủ, lại bắn ra toác toác, cáu kỉnh, hoảng hốt.

Cứ thế suốt đêm. Địch không tài nào nhắm mắt được một phút. Pi-ve ngồi co trong bóng tối, rụt cổ béo. Bao nhiêu đèn phải tắt hết. Hai quả moóc-ta đã rớt toang toác vào giữa sân đồn.

Ánh sáng buổi mai chiếu vào một cái mặt thằng Tây to phị bơ phờ, râu mép xệ xuống một bên. Ngoài sân, hai bóng bảo vệ chạy thất thểu, khiêng xác tên cai trúng đạn moóc-ta đi vùi ở đám đất hoang sau đồn.

Pi-ve nhìn ra cánh đồng. Đêm nay Việt Minh chỉ gặt bông không kịp cắt rạ, nên trông không trơ trụi như rẻo đồng Quý Sơn gặt đêm qua. Chợt hắn trợn mắt lên, áp mặt vào lỗ châu mai nhìn lại cho kỹ. Phía xa xa còn sót một đám người đen lô nhô trong lúa. Hắn hét vang ra lệnh cho tất cả súng trong đồn khạc lửa về phía đó. Mắt Pi-ve ánh lên một hằn độc dữ lạnh lẽo chăm chắm theo làn đạn vi vút xói vào những hình người thấp thoáng. Một lát sau, hai máy bay xăm xắm từ Phủ Bài lên, rắc xăng, bỏ bom lửa. Lửa đỏ và xanh bốc phừng phừng, ngốn cháy mất vạt lúa lớn. Đám người gặt bị lửa nuốt chửng trong phút chốc.

Pi-ve ghì cổ tên thông ngôn đến cạnh lỗ châu mai.

- Nhìn, nhìn xem! Không một mống nào thoát nhé!

Tên thông ngôn vội nhe răng, hòa theo tiếng khoái trá của chủ.

*

Tảng sáng trong làng Vân Tập, bao nhiêu lúa đã thành hột đều tuôn đi gửi các làng xa, hoặc cất tạm vào lùm, ở những kho bí mật đã đựng sẵn. Mấy người trúng đạn moóc-chiê hồi đêm, băng bó rồi cũng được cáng đi một nơi yên tĩnh, chờ chiều tối qua quốc lộ trên bệnh viện tỉnh ở chiến khu.

Nhà nhà rộn rịp, gắng đạp cho hết lúa. Nhóm gặt cuối cùng là “Đội xung phong” theo hào giao thông từ ngoài đồng kéo về. Mọi người ùa ra đón, hỏi han:

- Có ai việc chi không?

- Có anh An bị thương ở bả vai. Nhẹ thôi. Hắn bắn vô đám bù nhìn mình cặm nghi binh trong lúa đã cắt rồi, đạn bay lạc sang. Chao! Hắn bắn đã dữ mà bom càng dữ.

Anh khác tiếp:

- Cháy mất mấy đám rạ với năm chục thằng bù nhìn. Chuyến ni phải nhắn thằng tàu bay mang gương cận thị rồi hãy bom kẻo toi cơm.

Đồng chí Chằm giục:

- Thôi khoan phách lác. Bỏ lúa ngụy trang trên lưng xuống. Rồi lăn vô mà đạp đi, đạp đi!

Gần trưa, trung đội địa phương rút về, chỉ để lại một bộ phận nhỏ phối hợp với dân quân xã canh gác quanh làng. Nhắm mắt một chút đã bật dậy ra giúp tay đồng bào.

Mẹ Mãng bảo:

- Anh em nghỉ ngơi đi đã. Cả đêm không ngủ.

Anh tiểu đội trưởng Bình đáp:

- Thì đồng bào suốt đêm ni cũng có ngủ mô. Gắng một chút, bữa sau ngủ. Coi, thằng ăn cướp bên đồn đang rình đó.

Thẻo tiếp:

- Mà có muốn ngủ cũng không tài chi ngủ được. Trâu giậm lúa lộp bộp lạt xạt, nghe nôn nao trong ruột quá.

Bà Mãng nửa đùa nửa dò xét:

- Lại nhớ làng nhớ quê rồi. Chắc là hồi đêm người Sơn Lai qua, có o mô nhắn chi Thẻo đó chớ chi?

Thẻo vội cãi:

- Không phải! Con muốn nói là lúa còn lê lét ra trước mắt thằng giặc gì mình không yên tâm.

Rồi Thẻo thúc trâu đi. Chị Hồng liếc mắt thấy Thẻo ngậm một cọng rơm trong miệng, mum mum, lặng lẽ.

Tối, bà Mãng mệt, ngả lưng rồi ngủ thiếp đi. Khuya chợt thức giấc, bà thấy bóng tối chung quanh có vẻ lành lạnh, trống trải khác thường. Bà nghĩ thầm: “Chắc tụi hắn đi rồi”. Bà vội đi xuống nhà ngang. Quả nhiên thấy vắng ngắt. Mình Hồng ngồi trong ánh đèn hắt hiu, một tay chống má, cuốn vở học bình dân trước mặt. Bà Mãng chép miệng:

- Mấy cái thằng! Cứ mẹ mẹ con con mà đi không cho ai biết, về không cho ai hay. Hắn không coi tao ra chi cả à?

Hồng hơi gắt:

- Mẹ nói lạ chưa! Các anh phải bí mật chớ.

Bà Mãng ngồi nhai trầu. Không biết tụi hắn kéo đi mô? Chắc là về bên Lương Mai, Quan Hóa. Nơi mô lúa sắp cắt thì tụi hắn mò về. “Thần giữ của” cho đồng bào đó. Tiếc quá, đang định rang cho khô một ít nếp, làm cốm cho tụi hắn ăn. Cái cách chi ra đi lại không nói không thưa chi hết? Bà cứ thấy giận giận trong bụng, tuy biết là vô lý. Bà ngồi nghĩ lan man. Bà biết bọn hắn cũng quanh quẩn trong vùng đây thôi. Nhưng chỗ nào có làng có xóm, có bụi tre, có lúa chín, có mùa gặt mùa cấy, có giặc quấy nhiễu là có bóng dáng tụi hắn, quấn quýt, thân thuộc, che chở. Vậy mà chưa chi bà đã nhớ rồi. Bà nhớ thằng Tư mốc, mặt và cổ lốm đốm lang ben, người thôn Quan Hóa trước hay sang cày thuê ở Vân Tập. Bà nhớ thằng Thẻo còn trẻ như học trò, nghịch ngợm, hay làm nũng bà, một hôm vật lộn đạp gãy phên, bị bà cầm roi đuổi đánh; hắn oặn người tránh rất lanh khỏi làn roi, lại còn đứng lại lêu lêu để chọc tức; nhưng một lát sau, thấy bà giận, hắn mon mem tới gần, thủ thỉ:

- Mẹ để con sửa lại phên. Bữa sau con không nghịch như thế nữa.

Bà nhớ anh tiểu đội trưởng Bình, con mụ Trường bán bánh bèo bên Quý Sơn, thằng mau lớn thật, vừa mới ba, bốn năm đây bà còn thấy hắn mặc áo dài đen theo mẹ lon xon đi lễ nhà thờ; vậy mà bây giờ đã đóng tiểu đội trưởng; mỗi khi nghe vang tiếng chuông nhà thờ, hắn chằm chằm nhìn sang đồn giặc Quý Sơn. Bà nhớ, bà nhớ... Bà đổi giận làm thương. Tội nghiệp, tối qua thức suốt đêm, tối nay lại thức. Bây giờ tụi hắn đã được ngủ chưa? Bà giục Hồng đi ngủ, bà bỏ miếng trầu khác vào miệng, nhai nhóp nhép thâu đêm.


1. Hè: nhỉ.

2. Tra nậy: già cả.

3. Ua: bớ.

4. Nì: này.

Nhà văn Bùi Hiển bây giờ Nhà văn Bùi Hiển và Hoàng Trung Thông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh Xuất bản tuyển tập truyện ngắn "75 gương mặt Văn Nghệ" Bộ quần áo mới - Truyện ngắn của Ngô Ngọc Bội Con cá song - Truyện ngắn của nhà văn Anh Đức
Tuyển tập 75 gương mặt Văn nghệ - Kỷ niệm 75 năm báo Văn Nghệ
Thời tiết ngày 20/9: Thanh Hóa - Quảng Trị tiếp tục có mưa lớn diện rộng

Thời tiết ngày 20/9: Thanh Hóa - Quảng Trị tiếp tục có mưa lớn diện rộng

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, từ đêm 19/9 - 20/9, mưa lớn xảy ra tại khu vực từ Thanh Hóa - Quảng Trị
Báo Văn nghệ nhận Tặng thưởng của Ban Bí thư về hoạt động tuyên truyền lý luận, phê bình VHNT năm 2023

Báo Văn nghệ nhận Tặng thưởng của Ban Bí thư về hoạt động tuyên truyền lý luận, phê bình VHNT năm 2023

Baovannghe.vn - Tối ngày 19.9.2024 Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã tổ chức lễ trao Tặng thưởng các tác phẩm lý luận, phê bình VHNT năm 2023, tại Nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội)
Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Baovannghe.vn - Đọc truyện: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Trong số các nhà văn nữ Việt Nam đương đại, nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, là cây bút văn xuôi có nội lực sung mãn. Chị là tác giả của nhiều truyện ngắn hay, ghi dấu trong lòng bạn đọc mà “Nhà Thánh” - giải nhất Cuộc thi truyện ngắn Lửa mới 2018-2019 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức là một minh chứng tiêu biểu.