Tác giả Phế Danh (1901-1967), tên thật Phùng Văn Bỉnh, tự Uẩn Trọng, quê ở Hoàng Mai, tỉnh Hồ Bắc. Ông là nhà văn, nhà thơ, tiểu thuyết gia hiện đại Trung Quốc, được xem là người đặt nền móng cho dòng văn học Kinh phái trong lịch sử văn học Trung Quốc hiện đại. Năm 1922, ông trở thành học trò của học giả nổi tiếng Chu Tác Nhân. Tháng 10 năm 1925, Phế Danh xuất bản tập truyện ngắn đầu tay Chuyện rừng trúc. Các năm sau đó, ông liên tiếp ra mắt những tác phẩm có ảnh hưởng như Đào viên (1928), tiểu thuyết dài Cây cầu và Truyện ông Mạc Tu Hữu (1932). Ông giảng dạy nhiều năm tại các trường đại học Bắc Kinh, Nhân dân Đông Bắc. Năm 1967, Phế Danh qua đời tại Trường Xuân do bạo bệnh, khép lại cuộc đời một nhà văn uyên bác, trầm mặc và độc hành trong văn giới hiện đại Trung Quốc. Trong suốt sự nghiệp sáng tác, ông để lại nhiều tác phẩm đặc sắc. |
Đào Viên quả thật là tên gọi khác của Vương Lão Đại. Trong thị trấn nhỏ này, không ai trồng nhiều đào như ông.
Đào Viên rất cô quạnh, hàng xóm duy nhất là nha môn huyện. Nhưng điều này cũng chẳng khiến Đào Viên sôi động hơn. “Bức bình phong ngoài trời” trước nha môn nhìn đã chẳng còn vẻ uy nghi, cứ như chỉ chớp mắt là sẽ chui tọt vào lòng đất, mà từ đó đến “chính đường” còn cách mấy chục bước. Ngoài bức bình phong đó là pháp trường, từ khi rời ngã tư tới nay, việc hành hình đều diễn ra ở đây. Chưa biết chừng Vương Lão Đại lại có luôn mảnh đất lớn ấy, vì nó giáp với pháp trường, nếu không ai đến trồng cây thì nơi này chỉ toàn cỏ dại mọc đầy.
Một bên hàng rào của Đào Viên liền kề với tường thành, điều này khiến Vương Lão Đại thường xuyên càu nhàu, khách đi trên thành có thể tiện tay hái trộm đào của ông. Nhưng A Mao, con gái ông, lại không để tâm lắm. Nó còn trồng thêm vài dây hoa bìm bìm trên tường thành. Khi hoa nở, nhiều cô bé khác đến chơi, hái đầy váy đem về. Trên thành có thể thấy mặt trời đỏ rực, đó là mặt trời lặn đằng tây, vì nơi đây chính là phía tây thành. A Mao mỗi lần thấy vầng thái dương ấy lại nhớ đến bức tranh trên tấm bình phong ngoài trời vẽ thiên cẩu muốn nuốt mặt trời, đều màu đỏ.
![]() |
Minh họa Phạm Hà Hải |
Mùa xuân đến, hoa đào nở rộ khắp vườn, A Mao từ trên cao nhìn xuống cha mình trong vườn, nói:
“Cha ơi, vườn đào nhà mình có hai mặt trời.”
Thốt lên như thế, trong trái tim bé nhỏ kia ngập tràn một chữ “đỏ”.
Mặt trời à, A Mao gầy đi nhiều lắm rồi, còn mặt trời lại chẳng phai sắc đỏ chút nào.
Hoàng hôn cuối mùa thu. A Mao ốm bệnh vẫn ngồi chơi ở bậu cửa, nhìn cha gánh nước. Trong Đào Viên có một giếng nước. A Mao yêu vô cùng từng cây đào nơi đây, từ những cây đã lớn tới những cây non mới trồng, yêu đến mức thấy mình như cô bé con, sáng tinh mơ dậy còn chưa kịp chải tóc. Dường như cây đào cũng lờ mờ hiểu điều đó. Cả ngày hôm nay A Mao chẳng muốn động tới bát ăn cơm. Cha gánh nước tưới cây đi khắp vườn, thỉnh thoảng lại cúi lưng thấp đến gần chạm lá cây. A Mao từng dùng bàn tay nhỏ bé của mình vuốt ve bao nhiêu cây như thế, không, là từng cái cây đã lớn lên nhờ chính tay A Mao ôm ấp. Có phải do cha tưới nước mà cây mới lớn vậy? A Mao chợt nhớ đến những ngôi mộ trên núi bên ngoài thành, mẹ cũng có một nấm mồ như thế. Giá mộ mẹ nằm ngay trong vườn thì tốt biết bao! Sao cha lại cãi nhau với mẹ? Có lần còn đá đổ cả sọt đào, A Mao phải nhặt từng quả bỏ vào sọt. Nếu thiên cẩu thực sự nuốt mất mặt trời thì sao?...
A Mao thấy vầng trăng khuyết trên trời. Mặt trời bị thiên cẩu nuốt nhưng nuốt không trôi, đến giờ phút này, lại càng tỏa sáng rực rỡ bầu trời của nó. Đó là trái tim A Mao.
Khung trời mùa thu cao vời vợi. Nơi này quá trống trải ư? Không, A Mao mở to đôi mắt, để ánh trăng chiếu ngập tràn. Cha đã đi đến cuối vườn nhưng nó hoàn toàn không để ý. Trăng lên sớm quá! Có khi sáng sớm cũng đã thấy trăng!
Tường thành cũ kĩ đen sì như ngói, gạch đầy rêu xanh mướt, điều đó lôi kéo sự chú ý của A Mao. A Mao tưởng như mắt mình sáng long lanh.
Nó không tin trời sẽ tối đi, tối rồi chẳng phải sẽ không nhìn thấy rêu xanh nữa sao? Nếu vườn đào của nó trồng cam thì hay biết mấy, lá cam xanh hơn cả rêu. Có lần đi ngang qua sân một nhà nào đó, A Mao thấy một cây cam lớn thò ra ngoài hàng rào, tán lá rậm rạp như che phủ lấy nó. Nhưng ngay sau đó trong mắt A Mao lại là cả một vườn lá đào.
Nếu A Mao diễn đạt được suy nghĩ của mình, lúc này nó sẽ nói không có thì thôi.
Cây đào không chịu nổi gió, lá rụng tơi tả, chẳng còn sức sống.
A Mao thấp giọng buông một câu:
“Đào à, mày có bị bệnh đâu.”
Nó đứng dưới gốc cây, ôm cái rổ, nhìn cha hái đào. Bên ngoài vườn không còn trời, trời chính là đào, là lá đào, là cái cây này ư? Cây này sang năm có lại sum suê không? Khi ấy nó không bị bệnh thì tốt. A Mao không thật sự thích hoa đào, nó chỉ thích gió thổi hoa rơi xuống giếng. Nó từng thả một hòn đá xuống giếng mà cha không biết. (Thế tức là chẳng ai biết cả.)
…
“A Mao, vào nhà đi, ngoài này gió lạnh lắm.”
Vương Lão Đại bước đến cửa, cúi nhìn con gái.
Lúc này, A Mao mới thấy cha xỏ dép cỏ, đi không nghe thấy tiếng động.
“Cha ơi, cha có sắp lên phố không?”
“Hôm nay trễ rồi, không đi nữa.” Vương Lão Đại đặt gánh nước xuống, đưa tay đỡ con gái.
“Con thấy chai rượu đã bị uống hết rồi.”
“Hết thì thôi, không uống nữa.”
Cha thật tốt, A Mao sắp khóc tới nơi. Nhưng sao ngày xưa cha lại cãi nhau với mẹ? Nửa đêm canh ba còn lên phố. Ở nhà uống chưa đủ lại ra quán. Nhưng mẹ biết rõ rành rành cha ở bên ngoài chưa về cũng không nên khóa cửa sớm như vậy. Bây giờ mẹ chắc cũng thương cha rồi.
“A Mao, cả ngày hôm nay cha không thấy con ăn gì, chỉ uống trà. Trà làm sao no được? Cha đây uống rượu thì uống no được đấy.”
“Con không muốn ăn gì.”
Rồi nó chậm rãi nói:
“Cha ơi, sang năm mình mua ít cây cam về trồng nhé!”
“Mua vài cây cam về trồng? Con biết cha còn sống được mấy năm nữa không? Đợi đến lúc cam kết trái thì cha đã vào quan tài rồi.”
Vương Lão Đại nói vậy với con gái ư? Hỏi ông, ông cũng không trả lời. Nhưng cây cam trong lòng A Mao đã bị nhổ bật rễ. Nó chỉ có đôi tay gầy guộc. Lúc nãy, sắc mặt nó vàng ệch như màu quả cam.
Loại người như Vương Lão Đại, chắc phải uống đầy một bụng rượu mới không phải là kẻ say.
“Cái nơi chết tiệt này, ma quỷ cũng biết lừa người! Trương Tứ nói chiều nay đến, giờ này vẫn chưa thấy bóng dáng đâu.”
“Chú Trương Tứ vẫn còn nợ nhà mình tiền ạ?” A Mao khe khẽ hỏi.
“Sao lại không? Nợ hai xâu tiền đấy.”
Lúc này trăng đã sáng hẳn, lơ lửng trên tán đào, ánh sáng rải khắp nhà. Vương Lão Đại ngồi xuống ghế dài cởi đôi dép cỏ, A Mao gục đầu ngủ trên bàn.
“A Mao, lên giường ngủ đi.”
“Con không ngủ được.”
“Con muốn ăn cam không?”
“Không ạ.”
Mặc dù A Mao nói muốn trồng cam nhưng thật ra nó không nghĩ đến quả cam, chỉ nghĩ đến cái cây thôi. Nó còn chưa ăn cam bao giờ.
“A Mao, tay con nóng lắm.”
A Mao biết rõ trong lòng rằng cha đang sờ trán, nắn tay mình, nhưng vẫn nhắm mắt khóc thầm.
Vương Lão Đại đóng chốt cửa, nhốt ánh trăng bên ngoài. Đóng cửa rồi mới thắp đèn.
Trăng bán nguyệt như trút ánh sáng xuống mặt đất, ba gian nhà cỏ của Vương Lão Đại năm nay lợp bằng rơm mới, trong trẻo, lạnh lẽo hơn cả lá đào. Nếu nói lá đào như đang nổi bập bềnh trên cái ao lớn, thì đất bên dưới hàng rào đều bị ngập trong nước, lá vừa bị ngập mà. Mặt đất chỗ này rất thấp; hồi xây nhà, Vương Lão Đại đã xây cao hơn vườn đào. Nhưng nhà vẫn thấp. Trước kia, nơi này không thuộc về Đào Viên.
Pháp trường là khu vực trống trải, trong đêm thu chẳng có gì khác biệt, chữ “giết” thổi qua tai như gió thoảng, khiến người ta rùng mình, như vô số tiếng ma quỷ than khóc, chỉ mong sao ánh trăng chiếu xuống thanh tẩy mọi thứ. Càng chiếu càng ẩm ướt, càng ẩm ướt càng chiếu rọi. Không ai nhớ đến cỏ, dù đám cỏ ướt đó ban ngày phóng mắt nhìn ra thấy xanh mướt, người ta chỉ nhìn nhà mái rơm. Con đường uốn lượn ngoằn ngoèo tựa như đang chờ đợi người đi qua. Vương Lão Đại đi nhiều nhất, trở về nhà dưới ánh trăng đã thành thói quen. Không sợ ông dẫm lên cỏ, sương trên cỏ không làm ướt chân ông, như cái cổ đỏ ửng vì rượu của ông chẳng phải là cảnh đẹp dưới trăng gì cho cam.
Lỗ trên thành kéo dài một dãy, cố tình thu lại nhỏ xíu, trắng đến lóa mắt. Là tường của nha môn; từng cụm ngói thành mây đen, không che nổi trời xanh...
Tại sao trên đó cũng có một mái nhà tranh? Người đi qua không khỏi giật mình.
Có lẽ mái nhà ấy không nên tồn tại.
Kỳ thực, với Vương Lão Đại, thế gian chỉ có căn nhà lá ba gian, ông và A Mao ngủ trong đó. Ông cũng rất khổ tâm, vì A Mao không ngủ được.
Tiếng mõ canh từ nha môn vang lên.
“Cha ơi, đó là đánh mõ canh à?”
“Ừ.” Vương Lão Đại thuận miệng đáp.
Đêm khuya nghe mõ canh khiến A Mao cảm thấy dễ chịu. Nó hiểu việc đánh mõ, nhưng hiếm khi nghe thấy. Nó nhắm chặt mắt, nó sợ. E rằng nỗi sợ này liên quan tới một hòn đá nhỏ trên đường. Âm thanh chậm rãi đi tới, băng qua tất cả, đến chỗ này, chính là nỗi sợ đó.
Tiếp theo là sự tĩnh lặng.
“Con muốn uống trà.” A Mao nói.
Đèn đã bị thổi tắt từ lâu, nhưng không tối. Vương Lão Đại trở dậy lần tìm ấm trà.
“A Mao, hôm nay là mười hai; mai, ngày kia là rằm, cha dẫn con lên miếu thắp hương, hỏi Bồ Tát một chút.”
“Vâng.”
A Mao nhớ đến một ni cô. Miếu nào thì nó không nhớ, chỉ nhớ khuôn mặt, ni cô ấy từng đến vườn đào của nó.
Đó là lúc Đào Viên còn tươi tốt. A Mao đứng một mình trước cổng rào, một ni cô mang đồ hóa duyên nghỉ chân bên vệ cỏ ven đường, nhìn A Mao cười, gọi nó là “bé con”. Khuôn mặt ni cô đầy mồ hôi. A Mao hỏi:
“Sư phụ, người có ăn đào không?”
“Bé con, con cho ta đào à? A Di Đà Phật!”
A Mao chạy về nhà, bưng ra ba quả đào đỏ. Nó chỉ tiếc là mình không trèo lên cây hái được.
Giờ đây, ni cô ấy lại bước vào Đào Viên - vườn đào tươi tốt của nó.
A Mao mở mắt, vừa mở mắt là bức màn khép lại.
Trong lòng A Mao trống rỗng, chẳng nghĩ gì, chỉ biết mình đang bệnh.
“A Mao, đừng nói nữa, ngủ đi.”
Vương Lão Đại nhắm mắt ngủ, nhưng còn nói thêm câu nữa:
“Con muốn ăn gì, mai cha lên phố mua.”
“Đào ngon lắm.”
Câu này không phải là A Mao nói cho cha nghe, nhưng lại như tiếng sấm bên tai. Ánh mắt Vương Lão Đại ngây ra, nhìn trừng trừng lên trần nhà. Nếu không phải đang nằm trên giường lúc đêm khuya, chắc A Mao đã sợ hết hồn khi thấy một câu nói của mình khiến cha như vậy.
Đào, vì đào mà Vương Lão Đại từng cãi nhau với người ta, hàng ngàn hàng vạn quả không thoát khỏi tay ông, ông ăn ngấu nghiến từng quả một. Nhưng hôm nay mới nghe được chữ ấy!
“Giờ còn chỗ nào bán đào chứ?”
Chưa dứt lời, ông đã chậm rãi nói thêm:
“Đừng nói nữa, ngủ đi!”
Người không ngủ là Vương Lão Đại.
Ánh trăng rọi qua cửa sổ. Không biết vì sao, Vương Lão Đại cảm thấy bất bình. Trăng vậy mà dám chuyển động, chai rượu của ông ở góc phòng cũng sáng lên. Vương Lão Đại tức giận trợn mắt nhìn.
A Mao đã nói, rượu uống cạn rồi. Nhưng chai rượu giờ đây còn lớn hơn ban ngày.
Vương Lão Đại chỉ muốn vùng dậy đạp vỡ nó. Cả thế giới chỉ còn mỗi chai rượu này, đập vỡ là xong hết!
Ông ôm chai rượu đi ra phố.
“Rằm, mai là rằm, ta phải dẫn A Mao lên miếu thắp hương.”
Ông cúi đầu lẩm bẩm với vẻ thất thần.
Dĩ nhiên, Vương Lão Đại ra phố để mua rượu.
Câu nói “đào ngon lắm” của A Mao bất chợt hiện lên trong đầu ông. Không, Vương Lão Đại đứng sững lại, bên đường có người bán đào, đào đỏ au vô cùng bắt mắt.
“Ông kia, đây là đào à?” Vương Lão Đại nheo mắt, bước tới hỏi.
“Mang chai thủy tinh đổi đào.”
Vương Lão Đại lại hỏi:
“Đây là đào hả?”
Ông cúi xuống định thò tay lấy đào.
Chủ sạp đào không phải người trong thành, thấy dáng vẻ Vương Lão Đại định lấy quả, vội đưa tay che, ngăn bàn tay của Vương Lão Đại:
“Đổi bằng chai!”
“Dùng tiền mua không được à?” Vương Lão Đại ngẩng lên hỏi. Nhưng ông nghe sau lưng có người nói:
“Dùng chai này đổi nhé!”
Thì ra là Trương Tứ. Trương Tứ cười hi hi, miết cái chai của Vương Lão Đại. Gã vừa rút nó ra từ dưới nách ông.
Vương Lão Đại vui lắm: Trương Tứ đến rồi, giúp ông lừa tay buôn này, chứ cái chai ấy còn dùng được việc gì nữa?
“Nè, cầm lấy cái chai này đổi đi.”
“Muốn đổi thật à? Một chai không đủ.”
Trương Tứ đã thấy trong tay Vương Lão Đại có mười mấy đồng tiền lẻ từ trước, bèn nói:
“Vương Lão Đại, ông đưa thêm vài đồng cho hắn đi.”
Vương Lão Đại tai nghe miệng nói, chẳng khác nào lúc bán đào trong vườn nhà mình.
“Tôi đưa hết tiền lẻ cho anh, được chứ?”
“Được, được. Tôi đổi cho ông.”
Người đổi đào nhận chai rượu của Vương Lão Đại, Trương Tứ cười toe nhận tiền từ tay ông, chạy vụt đi.
Vương Lão Đại ôm lấy mấy quả đào, ông vậy mà biết đường quay về. Tận ba quả đào, mỗi quả đều có một chiếc lá xanh to bản, Vương Lão Đại chẳng dám ngẩng đầu.
“Vương Lão Đại, đào này của ông được đấy!” Người qua đường nói.
Vương Lão Đại chỉ cười, ông còn nói được với ai nữa?
Bốn, năm đứa trẻ kéo đến vây quanh, Vương Lão Đại bảo:
“Tao mua cho A Mao nhà tao. Nó bệnh, muốn ăn đào.”
“Đào này không ăn được đâu.”
Đúng vậy, đào này ăn không được, Vương Lão Đại cũng biết. Nhưng ông cúi nhìn chúng, muốn đào có thể ăn được.
Phần lớn niềm vui của Vương Lão Đại đã tiêu tan nhưng ông vẫn cười:
“Tao đem về cho A Mao nhà tao xem thử...”
Đốp!
“Ha ha ha, đào bằng thủy tinh!”
“Ha ha ha, đào thủy tinh!”
Không phải tất cả bọn trẻ con đều cười. Một đứa va phải, làm quả đào rơi xuống. Nó, nó trái tim bé nhỏ của nó lặng lẽ vỡ tan, chạm mắt với Vương Lão Đại.
ĐINH PHƯƠNG LY
Dịch từ nguyên bản tiếng Trung