“Huế ơi, quê mẹ của ta ơi!
Nhớ tự ngày xưa, tuổi chín mười
Mây núi hiu hiu, chiều lặng lặng
Mưa nguồn gió biển, nắng xa khơi…”
Mỗi lần đọc những câu thơ của Tố Hữu, tôi lại miên man nhớ về một miền quê ở dải đất miền Trung nắng gió. Huế - thành phố hiếm hoi ở Việt Nam mà tên gọi chỉ duy nhất một tiếng, nơi đọng lại trong tôi những ký ức thật đẹp về cảnh sắc hữu tình và con người chân sơ, mộc mạc. Huế không phải là nơi chôn nhau cắt rốn của tôi, nhưng với tình yêu sâu đậm mà tôi dành cho xứ sở sông Hương ấy, tôi gọi nơi đó là “quê”, còn những o, những mệ đang âm thầm gìn giữ nét đẹp của đất kinh kỳ chính là “mệ” của tôi. Trong số những người phụ nữ vẫn còn phảng phất nét cổ điển của người Huế xưa, mệ Tuyết - nàng “Tôn Nữ” ở làng hương Thủy Xuân, bên dòng Hương Giang thơ mộng - đã để thương để nhớ trong lòng tôi khi tôi rời xa đất Huế trong một chiều mưa lất phất.
Dòng sông Hương chảy từ thượng nguồn Trường Sơn hùng vĩ, uốn lượn nhịp nhàng giữa những dãy đồi, chảy qua đồng bằng hoa cỏ, chảy ngang lòng đô thị cổ và đổ ra biển cả ở cửa Thuận An. Khi chảy trôi giữa những trầm tích, sông Hương cũng gánh vác trên mình sứ mệnh lưu giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống. Đó là sứ mệnh không cần ai phải giao phó, tự dòng sông ý thức được điều đó và không ngừng cất giữ giữa nhịp sống hối hả, hiện đại và hội nhập. Những nghề truyền thống của người Huế xưa được cất giữ ở hai bên dòng sông này là làng nghề làm nón ở các làng như Phú Cam, Đốc Sơ, Triều Tây, Kim Long, Sịa…; làng nghề đúc đồng ven bờ Nam sông Hương; làng nghề hoa giấy Thanh Tiên ở Phú Vang; làng nghề gốm Phước Tích ở Phong Điền… Và không thể không kể đến nghề làm hương tồn tại hàng trăm năm nay, hình thành nên làng hương Thủy Xuân, nằm ở phía Tây Nam kinh thành Huế.
|
“Các con ơi! Vào đây lấy nón, lấy quạt mà chụp hình này! Không cần mua gì cũng được, ghé quán mệ là mệ vui rồi!” - Đó là câu nói quen thuộc của mệ Tuyết mỗi khi có khách đến quán. Vì mệ hiếu khách, nồng hậu, lại vô cùng cùng dễ mến nên khách đến làng hương (nằm trên đường Huyền Trân Công Chúa) đều tìm quán mệ mà ghé vào. Quán mệ Tuyết nhỏ nhắn, nằm bên trái (theo hướng từ trung tâm thành phố Huế lên đồi Vọng Cảnh), được bày trí đẹp mắt bằng các bó hương đủ màu xếp thành hình tròn, tạo nên không gian rực rỡ, thơm nồng mùi trầm. Mệ Tuyết tên thật là Tôn Nữ Ánh Tuyết, 72 tuổi, ngụ phường Thủy Xuân, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Nhìn vóc người nhỏ nhắn, mái tóc sợi bạc nhiều hơn sợi đen thường được mệ búi gọn ở phía sau, không ai nghĩ rằng người đàn bà ở cái tuổi xế chiều đó lại âm thầm làm những việc vĩ đại. Mệ đã tích cóp số tiền lãi bán hương, nón lá, trầm, những món quà lưu niệm nhỏ nhắn như vòng tay, chuỗi hạt, móc khóa… để giúp bệnh nhân ung thư ở Bệnh viện Trung ương Huế. Đến làng hương trong một buổi trưa tháng Sáu, xứ Huế nắng rát da, ghé vào quán mệ Tuyết, mệ ngồi phe phẩy quạt cho vị khách phương Nam đỡ nóng, tôi vội chộp lấy quạt, mệ xua: “Để mệ quạt cho. Quý hóa lắm! Thương lắm! Nó từ miền Nam ra thăm mệ đó các con” - mệ giới thiệu tôi với những người xung quanh đang lựa chọn quà lưu niệm từ gian hàng của mệ. Khoảnh khắc đó, tôi thấy xứ Huế ngưng đọng, thời gian thôi chảy trôi, tôi thấy mình không phải là người con phương Nam đọc báo và biết đến mệ để lặn lội ra thăm, mà là đứa con xa trở về để thăm người thương trong vô vàn những người thương giữa cuộc đời tràn ngập yêu thương, ấm áp này.
|
Tôi tin chắc rằng bất cứ ai đến Huế, bên cạnh say cảnh, cũng đều rung động trước cái tình của người xứ Huế như tôi. Trong cái nhìn của một người lữ khách, ở Huế cái gì cũng chậm rãi, nhẹ nhàng và tinh tế. Dòng Hương chảy chầm chậm ngay khi vừa ra khỏi rừng Trường Sơn hùng vĩ, chảy dưới chân đồi Vọng Cảnh, Thiên Mụ, Kim Long, đi giữa lòng thành phố Huế… Nhịp sống ở Huế cũng chậm, thong dong, người Huế không chuộng kiểu bon chen, tị hiềm mà nhân ái an hòa, cuộc sống của họ cũng êm đềm như dòng sông Hương lững lờ mơ mộng giữa đô thị nép bóng trầm tích thời gian. Và con người cũng tương tự như thế! Như cách mệ Tuyết ngồi trông hàng, niềm nở chứ không buông lời mời hàng, không dùng từ ngữ hoa mỹ để khách mua hương, trầm, nón… trong quán mệ. Như cách mệ Tuyết quạt cho khách, kể chuyện cho khách nghe, hỏi chuyện phương Bắc phương Nam, nói về những bệnh nhân ung thư mà mệ dùng chút sức lực của cái tuổi xế chiều để giúp đỡ những mong họ thấy lòng bớt trống trải mà chống chọi với bạo bệnh.
Tôi không còn nghĩ người Huế truyền thống phải là người mang vẻ đẹp thấp thoáng màu vương giả ở mảnh đất kinh đô, từng là nơi ngự trị của vua chúa, của những dòng dõi cao quý. Mệ Tuyết - trong mắt tôi - là hình ảnh của người phụ nữ Huế truyền thống, bề ngoài phúc hậu, tấm lòng nhân ái, lương thiện, đặc biệt là sự nỗ lực để gìn giữ nghề làm hương, trầm… vốn có từ xa xưa, bên dòng Hương nên thơ, dòng sông của những giá trị mang tính truyền thống. Tôi không biết đến bao giờ hương trầm thôi thoảng bên bờ sông Hương, bởi thời đại hôm nay, những giá trị tức thời len lỏi và có xu hướng lấn át những giá trị bền vững, cổ truyền. Nhưng bao giờ mệ Tuyết (và những người như mệ vẫn còn) thì khi đó nghề truyền thống ở Huế vẫn còn thời kỳ huy hoàng, hưng thịnh. Những giá trị cổ xưa còn hiện hữu chỉ khi có những con người đêm ngày nâng niu, giữ gìn, ôm ấp, để nó mãi là “hòn ngọc” quý báu lung linh bên dòng sông Hương huyền thoại.
|
Mỗi người có nhiều sự lựa chọn để du lịch, nhiều thành phố sôi động, rộn rã, phát triển để khám phá chứ không nhất thiết chỉ có xứ Huế buồn tênh, nơi mà không ai làm gì bản thân cũng thấy buồn. Cảnh buồn, màu đô thị cổ u buồn, những nếp nhà phủ rêu trầm buồn bên dòng nước trôi nhẹ như hơi thở. Thế nhưng xứ mưa nắng thất thường ấy vẫn luôn là niềm ước ao, khao khát của bao người, mong một ngày không xa sẽ được đặt chân đến. Đơn giản chỉ để đi bên bờ sông Hương, cầm ô che nắng dưới chân cầu Trường Tiền, đi ngửi mùi hương trầm thơm hay ngồi lặng hàng giờ trên đồi Vọng Cảnh nhìn dòng Hương mềm như tấm vải lụa xanh biêng biếc. Có lẽ, khi chọn Huế để khám phá, mỗi người cũng tự ý thức rằng: đến Huế không phải để hòa vào nhịp sống hiện đại như Sài Gòn, Đà Nẵng… mà để tìm cho mình cảm giác bình yên, tham quan di tích, đi tìm dấu tích của Huế xưa nơi phong cảnh và con người, đi tìm… mệ Tuyết. Từ trong miền Nam nắng gió theo tàu ra xứ Huế và phải lòng Huế, tôi đã thực hiện chuyến hành trình đi tìm chất Huế trong con người hôm nay, bởi tôi nghĩ rằng, dẫu sao thì sống giữa thời buổi hiện đại, cái chất truyền thống ấy cũng dễ bị pha tạp. Chỉ đến khi tôi gặp mệ Tuyết, tôi mới thốt lên trong lòng: con người ấy, tấm lòng ấy thực Huế, đến độ ngồi nghỉ trưa nơi quán mệ, tôi thấy mình như trở về với một xứ Huế xa xưa. Như thể mình đang sống cùng với tiền nhân, với nỗi buồn miên viễn của vùng đất “thần kinh” mây phủ trên đền đài lăng tẩm…
Tôi rời quán mệ Tuyết khi nắng nghiêng ngả trên đồi Vọng Cảnh, mệ tiễn tôi, dáng mệ liêu xiêu trong nắng chiều, vài sợi tóc bay bay trước trán. Tôi ngoái lại nhìn làng hương và mệ của tôi một lần nữa. Trong tim tôi chợt vang vang những dòng thơ của “thi sĩ xứ Huế” - Tố Hữu: “Tiếng hát ai mà nghe nhớ thương/ Mái nhì man mác nước sông Hương/ Hà ơi, tiếng mẹ ru nhè nhẹ/ Cay đắng bao nhiêu nỗi đoạn trường!”. Mệ Tuyết đẹp theo cách riêng của mệ, như dòng Hương, như từng nếp nhà rêu phủ… Một ngày không xa tôi trở lại phương Nam, nhưng tôi tự nhủ Huế là “quê mẹ” của tôi, mệ Tuyết là người thân thuộc của tôi để rồi tôi sẽ về thăm mệ, thăm quê như một đứa con xa trở lại cố hương sau những ngày xa xôi cách trở. Xứ Huế với những giá trị truyền thống, phong cảnh thơ mộng và con người nồng hậu, nghĩa tình luôn sống mãi trong trái tim tôi!
Hoàng Khánh Duy | Báo Văn nghệ
-----------
Bài viết cùng chuyên mục