Chuyên đề

Đến Bạc Liêu nghe Dạ cổ hoài lang và thăm cánh đồng điện gió

Lê Va
Văn học địa phương
10:05 | 18/07/2024
Nhạc sỹ Cao Văn Lầu (1892 - 1976) sinh ra ở huyện Vàm Cỏ, tỉnh Long An ngày nay. Vì mưu sinh, gia đình ông rời Long An đến Hậu Giang rồi đến Bạc Liêu sinh sống.
aa
Đờn ca tài tử trên thuyền
Đờn ca tài tử trên thuyền

1. Dạ cổ hoài lang của Cao Văn Lầu

Hát cải lương đã từng rất hấp dẫn đối với người miền Bắc, trong đó có tôi. Nhớ lắm, những năm tháng đất nước còn chia cắt, chúng tôi mê mẩn khi được nghe, được xem đoàn cải lương Chuông Vàng biểu diễn. Rồi đất nước thống nhất, các đoàn cải lương Sài Gòn 1, Sài Gòn 2 có dịp ra Bắc, chúng tôi hăm hở đi bộ hàng chục km để tận mắt được thưởng thức cải lương do chính người Nam thể hiện. Thế mà phải gần 50 năm sau (1975 - 2024) tôi mới được đặt chân đến Bạc Liêu để đến với biểu tượng văn hóa của vùng đất này - Bản “Dạ cổ hoài lang” huyền thoại của Cao Văn Lầu - “bài ca độc đáo và nổi tiếng nhất trong nghệ thuật hát cải lương Việt Nam”.

Với tôi, có được cơ may này là nhờ Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2024 tại Thành phố Bạc Liêu. Hơn nữa, trong chương trình hội nghị, các đại biểu được điền dã Khu lưu niệm nhạc sỹ Cao Văn Lầu. Từ đây, tôi mới phần nào tỏ tường bài hát “Dạ cổ hoài lang” và nhạc sỹ - tác giả của nó.

Nhạc sỹ Cao Văn Lầu (1892 - 1976) sinh ra ở huyện Vàm Cỏ, tỉnh Long An ngày nay. Vì mưu sinh, gia đình ông rời Long An đến Hậu Giang rồi đến Bạc Liêu sinh sống. Vốn yêu thích âm nhạc đờn ca, năm 16 tuổi (1908) Cao Văn Lầu đã tìm thầy để học nhạc cụ cổ truyền như đàn kìm, đàn cò, các loại trống, năm 1912, ông đã tham gia cùng các gánh hát. Năm 1913, Cao Văn Lầu thành thân với Trần Thị Tấn. Bắt đầu từ đây, ông sáng tác một số bản đàn và gắn đời mình với đờn ca tài tử.

Hoàn cảnh ra đời bài hát “Dạ cổ hoài lang” đúng là một huyền thoại. Bởi nó “thai nghén và sinh nở” trong trăn trở tình duyên không “thuận buồm xuôi gió” của ông và người vợ yêu thương của mình. Nguyên do ông lấy bà Trần Thị Tấn làm vợ, nhưng ở với nhau đã 3 năm mà chưa có con. Do lề thói mà gia đình đòi hỏi, ông phải chia tay bà Trần Thị Tấn vì “Tam niên vô tự bất thành thê” (Ba năm mà không có con thì không thành vợ). Danh nghĩa chia tay Trần Thị Tấn, nhưng Cao Văn Lầu càng thương quý và vẫn bí mật đi lại với người đã từng ba năm đầu gối tay ấp với mình tại một ngôi chùa. Chính trong thời gian khổ đau và đầy luyến nhớ này mà năm 1917, Cao Văn Lầu sáng tác bài hát gồm 22 câu theo chủ đề “Chinh phụ vọng chinh phu”, sau đó rút xuống còn 20 câu. Sư Nguyệt Chiếu là người rất am tường về cổ nhạc mới đặt lại tên bài hát là “Dạ cổ hoài lang” tức là “Nghe tiếng trống đêm nhớ chồng”. Như vậy dù tên bài hát là “Chinh phụ vọng chinh phu” hay “Dạ cổ hoài lang” thì đối tượng chủ thể vẫn là người vợ. Hỏi điều này, tác giả Cao Văn Lầu cho hay, đại ý, mình là người chồng mà còn day dứt, thương nhớ vợ thế, thì thử hỏi, người vợ khổ đau, thương nhớ chồng biết bao nhiêu cho vừa? Vì thế ông lấy tên bài hát là “Chinh phụ vọng chinh phu” sau đổi thành “Dạ cổ hoài lang”. Mừng thay, cùng thai nghén “Dạ cổ hoài lang” thì bà Trần Thị Tấn đã đậu thai với ông và lại về với nhau. Và cứ thế, lần lượt bảy người con của ông bà ra đời. Từ đó, nhiều gánh hát và người dân Nam Bộ tôn yêu thích và thường xuyên thể hiện bài hát này. “Từ bản Dạ cổ hoài lang mỗi câu 2 nhịp, các nghệ sỹ sau này chuyển lên 4 nhịp rồi 8 nhịp mà thành bài vọng cổ đầu tiên”. Và “Dạ cổ hoài lang” được coi là “bài ca vua” trên sân khấu cải lương. Tại Khu lưu niệm Cao Văn Lầu tại thành phố Bạc Liêu hiện nay, hai bên tượng Cao Văn Lầu ghi hai phần của bài hát, trong đó bên trái là phần nhạc, bên phải là phần lời, như sau:

Phần nhạc Phần lời

1. Hò lìu xang xê cống 1. Từ là từ phu tướng

2. Ú liu cống liu cống xê xang 2. Báu kiếm sắc phán lên đàng

3. Hò xê liu cống xê xang là hò 3. Vào ra luống trông tin nhạn

4. Xê xang xê xang là hò 4. Năm canh mơ màng

5. Liu xáng u liu xàng 5. Em luống trông tin chàng

6. Liu xáng xàng xề liu “ú liu” 6. Ôi! gan vàng quặn đau í i

7. Hò là xang xê cống 7. Đường dầu xa ong bướm

8. Xê liu xừ cống xê liu xừ xang 8. Xin đó đừng phụ nghĩa tào khang

9. Hò xê cống xê xang xự 9. Đêm luống trông tin bạn

10. Hò liu xừ cống xê xừ xang 10. Ngày mỏi mòn như đá vọng phu

11. Xự xang xự cống xê xang là hò 11. Vọng phu luống trông tin chàng

12. Xề xang xề là hò “xề là hò” 12. Lòng xin chớ phụ phàng

13. Cống xê xàng hò xang cống xê 13. Chàng là chàng có hay

14. Xê liu xừ cống xê liu xừ xang 14. Đêm thiếp nằm luống những sầu tây

15. Ú liu cộng liu cộng xề xàng 15. Bao thuở đó đây sum vầy

16. Liu xáng xang xề phan liu “ú liu” 16. Duyên sắt cầm đừng lạt phai í ơ

17. Hò xư cống xê xang là hò 17. Là nguyện cho chàng

18. Xê liu xừ cống xê liu xừ xang 18. Hai chữ an - bình an

19. Ú liu cộng liu cộng xê xàng 19. Trở lại gia đàng

20. Liu xáng xàng xề phạn liu “ú liu” 20. Cho én nhạn hiệp đôi

Sau khi thăm các phòng trưng bày và nghe nữ thuyết minh xinh đẹp với chất giọng miền Tây mượt ngọt đến quyến rũ, chúng tôi được thưởng thức chương trình ca cổ ngay tại Khu Lưu niệm nhạc sỹ Cao Văn Lầu và Dạ cổ hoài lang. Thật vô cùng ấn tượng khi không chỉ ca sỹ, nghệ nhân tại Bạc Liêu mà liên tục nhưng giọng ca của các tỉnh miền Tây Nam bộ lên giao lưu. Mới hay, nhiều địa phương miền Nam có chi hội hay câu lạc bộ đờn ca tài tử. Người Nam yêu thích đến đắm say đờn ca tài tử với bộ môn cải lương còn hơn cả hát chèo, dân ca Quan họ… đối với người miền Bắc.

Đờn ca tài tử, một nét văn hoá của người dân đồng bằng sông Cửu Long
Đờn ca tài tử, một nét văn hoá của người dân đồng bằng sông Cửu Long

Nhạc sỹ Cao Văn Lầu với bản “Dạ cổ hoài lang” huyền thoại - “bài ca độc đáo và nổi tiếng nhất trong nghệ thuật hát Cải lương Việt Nam” đã được người dân tôn vinh mà xây dựng tượng đài và đặt tên đường, tên trường mang tên Cao Văn Lầu. Nhưng đáng quý và quan trọng hơn là tượng đài ông luôn hiện diện trong lòng người dân. Bài Dạ cổ hoài lang do Cao Văn Lầu sáng tác mới trên một trăm năm mà tưởng như đã thành văn nghệ dân gian bởi sức sống tự nhiên của nó. Người ta cứ yêu thích, cứ hát, cứ phát triển mà có thể không để ý hoặc chưa biết tác giả và xuất xứ của “Dạ cổ hoài lang”. Từ đây, liên tưởng đến các làn điệu dân ca nói chung, ca dao, tục ngữ, ngạn ngữ… nói riêng đều phải là do những con người cụ thể sáng tác ra, nghĩ ra từ xa xưa rồi lưu truyền trong dân gian cho tới nay. Sức sống lâu bền của nghệ thuật là vậy!

2. Nhà máy điện gió hay “Cánh đồng điện gió” Bạc Liêu

Những lần vô, ra Nam - Bắc bằng đường bộ, tôi cũng đã loáng thoáng thấy những cột điện gió với những cánh quạt quay “chậm như sên” mọc lên giữa cồn cát ven biển Quảng Bình hay những cánh đồng Hà Tĩnh, Bình Thuận… Nhưng trong chuyến tới Bạc Liêu lần này cũng là lần đầu tiên tôi được đến tận nơi chân cột điện gió, đứng ngay dưới những cánh quạt gió đang quay để nghe người hướng dẫn viên giới thiệu về Nhà máy điện gió hay “Cánh đồng điện gió” Bạc Liêu.

Từ trung tâm Tp. Bạc Liêu theo đường Cao Văn Lầu tới ấp Biển Đông A thuộc xã Vĩnh Thạnh Đông là chúng ta gặp biển, nơi đặt nhà máy điện gió lớn nhất, đẹp nhất của Bạc Liêu và cả khu vực miền Tây Nam bộ. Sau ít phút dừng tại nhà chờ để du khách đông đủ tại nhà chờ, các xe điện nối đuôi nhau trên con đường bên tông có lan can thẳng tắp xuyên qua rừng đước, rừng… đẹp như mơ rồi lao thẳng ra biển. Sau một vệt dài vài km, con đường bẻ hai góc vuông tiến tiếp về hai phía. Xe điện chạy trong gió lộng trên biển đã tạo một cảm giác mạnh rât ấn tượng đối với du khách. Xa xa, hàng cột điện gió xếp hàng giữa trời nước mênh mộng. Dù là trước mắt đấy, ít phút nữa là đến tận nơi, mắt ngắm, tay sờ… nhưng du khách trên xe không ngớt lời hỏi người lái bởi những tò mò, lạ lẫm. Giọng người Bạc Liêu không dễ nghe lại được phát ra trong sự quá hào phóng của gió biển nên càng nghe càng phải hỏi lại. Riêng tôi, với băn khoăn, cũng là gió, sao phải dựng cột turbine xa bờ đến vậy thì chưa được thỏa mãn vì chưa thuyết phục? Cũng có thể tại gió thổi mạnh mà chưa tỏ về gió làm ra điện do người lái xe giải thích? Thôi đành chờ nữ thuyết minh đang ngồi trên xe phía trước giới thiệu khi đến điểm dừng.

Đến Bạc Liêu nghe Dạ cổ hoài lang và thăm cánh đồng điện gió

Rồi góc vuông thứ hai được mở rộng cũng là nơi xe dừng để du khách xuống tham quan. Không ai bảo ai, mọi người ồ lên vì độ lớn, độ cao của từng cột turbine. Chân cột có đường kính hơn 4m, cao 80m, nặng hơn 200 tấn. Cánh quạt làm bằng nhựa dài 42m. Điều rất thú vị là hệ thống cánh có thể tự gập lại khi khi gặp gió bão lớn. Cũng ngay chân cột turbine có một cánh cửa tương đối rộng và được khóa ngoài. Khi hỏi về cánh cửa này mới hay, bên trong cột có cả thang máy lẫn thang bộ để công nhân kỹ thuật vào trong mà leo lên tận turbine, điều chỉnh kỹ các thiết bị và cả những cánh quạt khi cần. Điều đó càng cho thấy độ lớn của từng cột turbine điện gió.

Tận nơi, tận mắt hệ điện gió trải rộng trên diện tích 1.300ha biển và nhất là độ lớn, cao, rộng từng cột turbine, có lẽ tôi đã hiểu ra phần nào khi người ta làm điện gió ở biển cần xa bờ đến thế. Trước hết cho tôi thấy, một cột turbine chiếm diện tích đáng kể về không gian mà nếu ở đất liền sẽ ảnh hưởng rất lớn đến diện tích mặt bằng, đến sản xuất và sinh hoạt của con người. Lại nữa, đưa hệ thống cột turbine ra xa bờ hàng 5-7km sẽ luôn nhận được lượng gió, độ gió ổn định cho cánh quạt quay phát điện. Lẽ dĩ nhiên đưa hệ thống điện gió ra xa bờ như vậy đòi hỏi suất đầu tư lớn hơn so với gần bờ hay ven bờ. Mới chỉ ngần ấy thôi, tự tôi giải đáp được băn khoăn lúc đầu khi nghĩ gió nào cũng là gió sao phải dựng turbine xa bờ đến thế, làm đường bê tông dài hàng chục km trên biển đến thế…

Điện gió Bạc Liêu
Điện gió Bạc Liêu

Nhà máy điện gió Bạc Liêu đến nay đã hoàn thành 2 giai đoạn với tổng số 133 trụ turbine cho tổng công suất lên tới trên 241MW. Đây là Nhà máy điện gió lớn nhất Việt Nam tính đến thời điểm chúng tôi được tham quan với cái tên rất văn học “Cánh đồng Điện gió” Bạc Liêu. Và “Cánh đồng Điện gió” Bạc Liêu vừa là nơi cung cấp nguồn năng lượng sạch lớn hòa lưới điện quốc gia vừa là điểm tham quan du lịch rất hấp dẫn đối với du khách bốn phương, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh Bạc Liêu.

Tọa đàm “Văn học trẻ đồng bằng Sông Cửu Long – Bản sắc và sáng tạo” Đâu là những giải pháp tốt nhất cho Đồng bằng sông Cửu Long? Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ Diện mạo văn xuôi Đồng bằng sông Cửu Long Tính cấp thiết phải đầu tư xây dựng cảng biển nước sâu ở Đồng bằng sông Cửu Long
Nguồn Tạp chí Văn nghệ Hoà Bình số 4/2024
Nhớ một chuyến đi với nhà văn “Ăn mày dĩ vãng”

Nhớ một chuyến đi với nhà văn “Ăn mày dĩ vãng”

Baovannghe.vn - Cứ mỗi lần đến ngày lễ 30-4, tôi lại nhớ đến chuyến đi với nhiều nhà văn , nhà thơ vào dâng hương ở nghĩa trang Trường Sơn
Việt Nam sẽ có những thông điệp lớn, ủng hộ mạnh mẽ chủ nghĩa đa phương

Việt Nam sẽ có những thông điệp lớn, ủng hộ mạnh mẽ chủ nghĩa đa phương

Baovannghe.vn - Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời phóng vấn về Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm dự Hội nghị thượng đỉnh Tương lai
Bộ Nội vụ thống nhất trình Thủ tướng đề xuất nghỉ Tết Ất Tỵ 9 ngày, Quốc khánh 2025, 4 ngày

Bộ Nội vụ thống nhất trình Thủ tướng đề xuất nghỉ Tết Ất Tỵ 9 ngày, Quốc khánh 2025, 4 ngày

Baovannghe.vn - Bộ Nội vụ vừa có văn bản gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội góp ý về phương án nghỉ Tết Ất Tỵ, nghỉ lễ Quốc khánh và một số ngày nghỉ lễ, Tết khác trong năm 2025
Thổ cẩm về xuôi - Thơ Thèn Hương

Thổ cẩm về xuôi - Thơ Thèn Hương

Baovannghe.vn- Hôm nay thổ cẩm về xuôi/ mang hoa văn của núi đồi về theo/ này là suối nhỏ trong veo/ này là nắng quái chân đèo hoàng hôn
Trinh nguyên. Truyện ngắn của Hàn Nguyệt

Trinh nguyên. Truyện ngắn của Hàn Nguyệt

TáBaovannghe.vn - Chị xắn quần. Chị xắn quần khéo như người cuốn bánh. Chân chị vẫn còn trắng lắm, trắng đến xót xa. Chị đặt chân phải xuống ruộng, lớp bùn nâu thẫm phủ lên kẽ chân.